Chúa Nhật 16 Thường Niên Năm B
Ðức Kitô Là Vua Mục Tử
(Yêrêmia 23,1-6; Thư Êphêsô 2,13-18; Tin Mừng Marcô 6,30-34)
Phúc Âm: Mc 6, 30-34
"Họ như đàn chiên không người chăn".
Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và
thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các
ông: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút". Vì lúc
ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn
uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các
ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó
và tới nơi trước các ngài.
Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng
thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người
dạy dỗ họ nhiều điều.
Suy Niệm:
Chúa Nhật XVI Thường Niên Năm B
Yêrêmia 23,1-6; Thư Êphêsô 2,13-18; Tin Mừng
Marcô 6,30-34
Ơn gọi Kitô hữu cho chúng ta được tham dự vào
sứ mạng tiên tri, vương đế, tư tế của Ðức Kitô. Muốn thi hành các sứ mạng ấy để
phát huy ơn gọi Kitô hữu của mình, chúng ta hãy bắt chước Người. Cả ba bài Kinh
Thánh hôm nay muốn giúp chúng ta làm công việc này. Chúng ta thấy Ðức Kitô được
loan báo trong Cựu Ước... Người đã hiện thân ở giữa chúng ta. Và ơn cứu độ
Người hoàn tất đang muốn tác động mãnh liệt trong đời sống của chúng ta. Chúng
ta thử tìm hiểu Người theo ba bài Kinh Thánh ấy.
1. Ðức Kitô Là Vua Mục Tử
Bài sách Yêrêmia không có những tư tưởng mới
lạ. Nhiều đoạn Cựu Ước khác cũng nói như vậy. Và điều này làm chứng đây là
những tư tưởng tha thiết của lòng Chúa.
Người thương dân; coi như đàn chiên của Người.
Muốn hiểu được lòng Người đối với dân, chúng ta hãy hiểu tâm lý của mục tử, và
hơn nữa của dân du mục. Những người này không có gì cả ngoài đàn vật của họ.
Nhà cửa của họ là mảnh lều, di chuyển theo yêu cầu của đàn chiên. Thế giới họ
tiếp xúc cũng chỉ là các con vật họ chăn nuôi. Ngày đêm họ chỉ có một bận tâm:
làm sao cho đàn vật được an lành. Ðời sống của họ gắn liền với chúng đến nỗi
của ăn áo mặc của họ đều do súc vật cung cấp. Sự sống của chúng là lẽ sống của
họ đến nỗi vui buồn của họ tùy theo sự an lành của đàn vật.
Thiên Chúa ở với dân cũng tương tự như vậy.
Người tha thiết với họ đến nỗi Người mang lấy mọi số phận của họ trong lòng
Người. Người muốn cho họ được an lành. Nhưng khốn nỗi, đàn chiên của Người giờ
đây không có người coi. Không phải vì thiếu mục tử, nhưng điều thật buồn là các
mục tử đều xấu. Lẽ ra các đầu mục trong dân và những kẻ trị dân phải là các mục
tử tốt săn sóc đàn chiên và lấy số phận đàn chiên làm của mình. Nhưng ngược
lại, họ lơ là bỏ rơi chiên, không màng tưởng gì đến chúng và chỉ lo tìm lạc thú
cho mình. Cùng lắm họ chỉ trở về đàn chiên mình xem con nào đã có thể ăn được
để bắt đem giết đi nhậu nhẹt. Hoặc xem con nào đã có thể xén lông, để họ mang
kéo đến hớt lấy lớp len đem may áo cho họ. Ðàn chiên không người chăn vì thế
tản mác, không biết tìm nơi có cỏ. Và khi lạc lõng như vậy, chúng bị sói bắt,
và bị trộm lùa, tình cảnh thật là thê thảm.
Thiên Chúa là Ðấng đầy dạ xót thương. Người
không thể cầm lòng được nữa. Người sẽ truất quyền bọn mục tử xấu, sẽ lấy lại
đàn chiên khỏi tay bọn đầu mục vô trách nhiệm. Người sẽ tự tay chăn lấy các
chiên của Người. Tức là Người sẽ làm chỗi dậy một mầm trong tộc Ðavít... Ông
này đã là một vị vua mục tử. Ông được đặt lên cai trị dân khi ông còn đang đi
chăn chiên. Và ông đã không bỏ mất cái gốc tốt lành này. Dân thấy ông luôn luôn
nhu mì, hiền lành, đạo đức, cai trị bằng đức nghĩa chứ không bằng uy quyền. Nhờ
ông và nhờ chính sách chăm sóc dân của ông mà
Ai sẽ là mầm chồi này? Lịch sử cho thấy không
một vị vua nào thể hiện hết Lời Chúa hứa. Thành ra các lời Yêrêmia nói hôm nay
đã trở thành những lời tiên tri và đưa về Ðấng Thiên sai Cứu thế. Người sẽ đến
săn sóc dân nhân danh Chúa. Người có sứ mạng vương đế, nhưng không trị dân theo
lối các vua chúa trần gian. Công việc của Người là tập hợp các chiên của Chúa
vì chúng đang tan tác xác xơ... Rồi Người sẽ dẫn chúng đến các nội cỏ để chúng
sinh đẻ thật nhiều. Và nhất là chúng sẽ không còn sống trong sợ hãi nữa vì luôn
luôn có tiếng của Người gìn giữ chúng.
Người mục tử tốt nào cũng làm như vậy. Ðó là
gương mẫu cho mọi đầu mục dân. Ðó là phận sự của mọi người có sứ mạng vương đế.
Người Kitô hữu chúng ta có sứ mạng này. Chúng ta không thấy tiếng gọi của Chúa
ở khắp nơi sao? Các chiên của Người đang tản mác và lạc lõng. Ai sẽ là người
đưa chúng về tập họp lại nơi đồng cỏ xinh tươi để sinh sản, để béo tốt, để an
lành? Nhiệm vụ đó là của chúng ta hết thảy, những người được chia sẻ sứ mạng
vương đế của Ðức Kitô vua mục tử. Chúng ta phải thi hành và có thể thi hành,
nếu biết nhìn vào Người như gương mẫu. Bài Tin Mừng Marcô mời chúng ta làm công
việc này.
2. Ðức Kitô Là Thầy Nhân Ái
Hôm ấy các tông đồ đi truyền giáo về Ðức Yêsu
để cho họ nói họ đã làm và dạy những gì, rồi Người bảo họ hãy tìm nơi thanh
vắng mà nghỉ đi một chút đã.
Chúng ta có thể ngợi khen thái độ chăm sóc của
Người. Rõ ràng Người là bậc thầy nhân ái, lắng nghe môn đệ phúc trình nhưng
thương họ vì thấy họ cần được nghỉ ngơi.
Nhưng có lẽ đó không phải là điều thánh Marcô
muốn chú ý trong đoạn Tin Mừng này. Nhất là như chúng ta sẽ thấy, họ đã gặp đám
đông đến đón đường; và họ lại phải cùng Ðức Kitô làm việc cho dân. Như vậy, ý
tưởng muốn cho môn đệ được nghỉ một chútg không phải là điều trọng yếu.
Ðọc kỹ đoạn văn này, chúng thấy dường như thánh
Marcô muốn gắn liền các môn đệ vào với Ðức Yêsu. Họ phải nên một với Người. Thế
nên ở đây có lẽ là chỗ duy nhất thánh Marcô đã dùng từ ngữ "Tông đồ"
để nói về các ông. Chúng ta thấy các ông họp nhau lại chung quanh Thầy mình. Và
các ông báo cáo công việc đã làm, mà theo như từ ngữ thánh Marcô dùng ở đây,
cũng chính là công việc mà Ðức Yêsu vẫn làm. Người đã làm và đã dạy, thì Người
cũng đã sai họ đi làm và dạy. Làm gì, dạy gì, thánh Marcô chẳng bao giờ xác
định. Nhưng trong ý của người, Ðức Yêsu cũng như các tông đồ luôn làm và dạy
một cách có uy quyền, chứ không như Biệt phái và Luật sĩ. Công việc của Chúa và
lời dạy của Người tự bản chất đã khác thường vì đã có uy quyền đến nỗi luôn
luôn người ta phải hỏi nhau: việc gì vậy, lời nào thế, sao mà chúng có uy quyền
như vậy? Có thể nói rằng người ta ngạc nhiên về hết mọi việc Người làm và mọi
lời Người nói. Họ không bỡ ngỡ về chính những việc và những lời ấy, nhưng về uy
quyền thoát ra từ những việc và những lời này. Chúng trở thành như dấu hiệu về
quyền năng của Thiên Chúa đang muốn tỏ hiện. Nói cách khác, trước mặt dân, Ðức
Yêsu trở thành nên như con người có uy quyền của Thiên Chúa. Và thánh Marcô
cũng muốn cho các tông đồ và cả Hội Thánh có uy quyền như vậy. Ðối với người,
xưa Ðức Yêsu đã có uy quyền thần linh ở trước mặt dân thế nào, thì ngày nay Hội
Thánh và các tông đồ cũng có sứ mạng như vậy.
Thế nên Hội Thánh và các tông đồ phải chia sẻ
thân phận của Ðức Yêsu. Trong sách Tin Mừng Marcô luôn luôn sau mỗi khi tiếp
xúc với dân chúng, Người lại rút lui vào yên lặng không phải để cầu nguyện hay
nghỉ ngơi cho bằng để phủ nhận sự phấn khởi của quần chúng cứ muốn lôi Người
vào quan niệm đầy trần tục về Ðấng Thiên Sai và vai trò cứu thế của Người. Họ
muốn một vị cứu tinh làm thỏa mãn tâm tư tham lam của họ. Và đó là con đường hy
vọng. Ðức Yêsu không bao giờ ưng thuận. Và Người bảo các tông đồ của Người phải
lui xa, chứ việc rút lui vào nơi hoang vắng để nghỉ ngơi không phải là việc
Người muốn khuyên bảo đâu. Ngược lại thì có.
Thật vậy, các tông đồ chưa kịp trốn người ta ở
đầu này thì đã gặp quần chúng đón mình ở đầu kia. Thánh Marcô chọn nơi sa mạc
làm địa điểm của cuộc gặp gỡ này. Người muốn cho chúng ta thấy Ðức Yêsu đứng
giữa dân nơi sa mạc. Hình ảnh này không gợi lại khuôn mặt của Môsê đã tập họp
con cái
Khi ấy Thiên Chúa thấy dân tội lỗi... Người
thương họ hết sức, nên ban luật pháp để quay đầu họ lại. Họ trở nên dân riêng
của Người và Người chăm sóc họ. Hôm nay Ðức Yêsu cũng làm như thế. Người chạnh
lòng thương xót họ. Người đứng ra làm mục tử, kêu gọi các chiên quay đầu trở về
đàn. Và vì thế Người đã dạy dỗ dân.
Vì sao Người không làm ngay phép lạ bánh hóa ra
nhiều để cứu sống họ như Người đã làm, mà lại còn bắt những con người nhọc mệt
đó nghe dạy dỗ trước đã? Sách Tin Mừng Yoan sẽ viết như vậy. Ðức Yêsu ban bánh
cho dân ăn rồi mới khai triển ý nghĩa của việc Người làm. Ở đây Marcô nói rằng
Ðức Yêsu đã bắt đầu dạy dỗ dân rồi sau mới ban bánh cho họ. Và Người đã dạy dỗ
họ nhiều điều, tức là cũng phải khá lâu... Marcô có ẩn ý gì không khi kể như vậy?
Thiết tưởng như đã nói, ở đây Marcô không có ưu
tư trước hết là bày tỏ lòng thương xót của Ðức Yêsu, nhưng là giới thiệu Người
như mục tử của Chúa Cha gửi đến. Quần chúng phải thấy uy quyền của Người trước
đã, tức là phải cảm thấy Người bởi Thiên Chúa mà đến. Thế mà trong sách Marcô,
người ta đã bắt đầu nhận ra điều đó ngay từ hôm đầu tiên gặp Người ở hội đường
Capharnaum. Hôm đó Người đã giảng dạy với uy quyền. Từ đó, Marcô luôn luôn coi
việc dạy dỗ của Người như là một cách biểu lộ thần tính của Người.
Ðàng khác, công việc đầu tiên của Người mục tử
đối với chiên lạc là gì, nếu không phải là kêu nó trở về? Tiếng của mục tử rất
quan trọng. Lời giảng của Hội Thánh rất thiết yếu cho việc tập họp dân Chúa.
Hơn nữa khi nói rằng Ðức Yêsu đã dạy dỗ dân
chúng nhiều điều trước khi ban bánh cho họ, thánh Marcô hẳn cũng đã có ý trung
thành với cơ cấu tổ chức phụng vụ trong Hội Thánh. Dân Chúa họp nhau lại trước
hết để nghe Lời Chúa dạy dỗ rồi mới bẻ bánh tạ ơn.
Ở đây, Marcô còn muốn gợi lên ý tưởng Ðức Yêsu
là Môsê mới ở với dân trong sa mạc. Như Môsê cũ đã dùng lời nói và luật pháp
quy tụ dân thì Ðức Yêsu cũng thành lập dân mới bằng lời dạy dỗ của Người. Ngay
đến Manna mà Môsê xin được cho dân ơ nơi sa mạc về sau cũng được đánh giá tương
đương với lời từ miệng Thiên Chúa phán ra. Tức là nó chỉ có giá trị vì là tạo
vật do Lời Chúa tạo dựng, chứ chất nuôi dưỡng của nó đâu có gì đáng tâng bốc!
Như vậy, thánh Marcô thật rất có lý khi khiến
chúng ta chú ý vào việc Ðức Yêsu dạy dỗ dân chúng trong sa mạc. Người là Môsê
mới đến cứu dân. Người là vị mục tử mà Thiên Chúa hứa sẽ sai đến. Người đang
thực hiện các lời tiên tri bằng cách dạy dỗ với uy quyền. Chính Lời của Người
sẽ tập họp các chiên tản mác của Chúa lại và nuôi dưỡng chúng, để chúng sinh
sản, tức là có đời sống kết quả phong phú, ở trong đồng cỏ của Người là Hội
Thánh.
Ðức Yêsu đã dùng sứ mạng tiên tri để thi hành
sứ mạng vương đế. Hội Thánh và các tông đồ cũng phải làm như vậy. Và hết thảy
chúng ta khi sống ơn gọi tiên tri cũng sẽ thi hành sứ mạng vương đế là kéo mọi
người về hợp nhất trong một gia đình có Thiên Chúa là Cha. Ðang khi ấy chúng ta
cũng sẽ thi hành sứ mạng tư tế vì như sẽ thấy trong bài thư Phaolô ở nơi Ðức
Yêsu cả ba sứ mạng tiên tri, vương đế và tư tế không hề rời nhau khiến chúng ta
luôn có thể sống ba sứ mạng ấy một trật.
3. Ðức Kitô Là Tư Tế Của Dân Mới
Thánh tông đồ đang nói với người Êphêsô. Trước
đây họ là dân ngoại, bị người Dothái gọi bằng tên "không cắt bì",
không những không được hưởng những lời hứa thiêng liêng, mà họ còn bị kỳ thị
ngay trong các quyền lợi hữu hình. Họ không được vào trong chu vi đền thờ dành
cho người Dothái. Giữa hai hạng người có một hàng rào thật sự, khiến dân ngoại
luôn luôn phải đứng xa bàn thờ. Hàng rào chia rẽ này dần dần đã trở thành một
bức tường oán thù giữa Dothái và dân ngoại. Hố chia rẽ thật là sâu, mặc dù cả
hai đều là con Chúa, vì cả hai cùng chung một Ðấng tạo thành.
Ðức Yêsu đã được Thiên Chúa sai đến để tập họp
tất cả nhân loại làm một. Người phải hủy bỏ bức tường ô nhục chia rẽ kia đi.
Bằng cách nào, nếu không phải bằng cách bãi bỏ luật pháp với các chỉ thị và
lệnh truyền? Chính những cái này đã làm cho Dothái nên một dân riêng rẽ. Ngay
hàng rào phân cách dân ngoại nơi Ðền thờ cũng do luật pháp này tạo nên. Ðức
Yêsu phải hủy bỏ luật pháp đã chống lại Người. Nó kết án và đóng đinh Người vào
thập giá. Nhưng sự phục sinh của Người đã chứng tỏ luật pháp phải chịu thua.
Ðức Yêsu đã chiến thắng luật pháp bằng mầu nhiệm thánh giá. Máu Người đổ ra
trên thánh giá đã làm sụp đổ bức tường phân cách do luật pháp dựng nên. Thân
thể Người ở trên thánh giá đã kéo hai bên Dothái và dân ngoại lên với Thiên
Chúa Cha khiến họ cùng nhận ra mình là anh em. Người ban bình an cho kẻ trước
đây ở xa bàn thờ cũng như cho kẻ ở gần. Nhân loại được hợp nhất nên một nhờ lễ
tế của Người. Và như vậy khi thi hành sứ mạng tư tế, Ðức Yêsu đã hoàn thành hai
sứ mạng tiên tri và vương đế.
Chúng ta giờ đây được mời tham dự lễ tế của
Người. Ðây là lễ tạ ơn và hiệp nhất. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì lòng chạnh
thương vô bờ bến của Người đã hợp nhất chúng ta lại trong Ðức Yêsu. Chúng ta
phải cảm thấy đau xót khi thật sự chúng ta chưa cùng nên một. Loài người và
chính chúng ta hãy còn như một đàn chiên tản mác. Ðức Yêsu đã đến hiến thân để
hiệp nhất chúng ta lại. Nhưng tại sao chưa có kết quả? Phải chăng không do việc
chúng ta mỗi người cứ đi theo dục vọng của mình mà chưa nghe theo tiếng gọi của
Người nói qua sứ mạng tiên tri ở trong Hội Thánh? Chắc chắn cũng tại vì khuynh
hướng thống trị ở nơi chúng ta hãy còn quá mạnh, chưa chịu khuất phục trước sứ
mạng vương đế của ơn gọi Kitô hữu phải làm cho mọi sức mạnh vâng phục Ðức Kitô.
Tựu trung chúng ta vẫn chưa hy tế con người cũ của chúng ta đủ để tham dự hoàn
toàn vào sứ mạng tư tế của Người. Ước gì thánh lễ hôm nay sau khi hiệp nhất
chúng ta trong hy tế của Ðức Kitô sẽ ban cho mọi người được nhiều khả năng thi
hành Lời Chúa trong đời sống hầu đàn chiên của Chúa mỗi ngày càng thêm duy nhất
dưới sự chăm lo của vị mục tử nhân ái là Ðức Yêsu Kitô, Chúa chúng ta.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)