ĐỨc Giêsu hóa bánh ra nhiỀu
(Gioan
6,1-15 – CN XVII TN - B)
1.-
Ngữ cảnh
Truyền
thống Tin Mừng rõ ràng đã gán một tầm
quan trọng đặc biệt cho phép lạ hóa bánh ra nhiều, bởi vì đây là phép lạ duy
nhất được cả bốn Tin Mừng ghi lại.
Đàng khác, bài tường thuật về biến cố này chiếm một vị trí đặc biệt quan
trọng trong mỗi Tin Mừng: có thể nói
bài này là một đỉnh cao trong chương trình của Đức Giêsu nhằm bày tỏ
quyền năng thiên sai của Người và cũng là khoảnh khắc các thính giả phải quyết
định tin vào Người. Riêng trong TM IV,
chương 6 là một tổng hợp sứ vụ của Đức Giêsu tại Galilê, là một trong
những mạc khải sâu sắc nhất về Đức Giêsu và cho thấy cách rõ nét nhất chọn lựa
đức tin mà con người phải thực hiện là như thế nào.
Tuy
nhiên, nhìn vào chi tiết, ta thấy bản văn TM
Ga khác với các bản văn TMNL ở nhiều điểm. Điểm khác biệt đầu
tiên và chính yếu nằm nơi cách giải thích câu truyện (xem bài diễn từ của Ga 6, từ c. 26). Sự cố xảy ra được TM IV xác định bằng những chi tiết chính
xác hơn: “bên kia Biển Hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Tibêria” (c. 1); “có đông
đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã
làm cho những kẻ đau ốm” (c. 2; x. 2,23: tương đương với Mc 6,31-33; Mt 14,13-14
và 15,30-31); đám đông không có đức tin chân thật (sau 2,23 cũng như về cuối
truyện ch. 6); khái niệm “dấu lạ” (c. 14) để gọi “phép lạ” đặc biệt của TM IV, với ý nghĩa là “đặc tính hiện
tượng bên ngoài cần vượt quá để nắm được ý nghĩa đích thực” (dân chúng chỉ quan
tâm tới chuyện lạ lùng thôi: x. cc. 14-15.26).
“Sách
các Dấu lạ” của TM Ga là từ ch. 2 đến
hết ch. 12. Chương nói về “Bánh trường sinh” (6,1-71) nằm trong phân đoạn có bố
cục sau đây:
Các công việc, các dấu lạ
và các cuộc tranh luận của Đức Giêsu (dịp các đại lễ Do Thái) (5,1–10,42)
B (5,1-47) : Công việc Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, chữa
người nằm liệt (vào một ngày sa-bát)
C (6,1-71) : Dấu lạ nuôi năm ngàn người ăn no do bánh
hằng sống (trước lễ Vượt Qua)
D (7,1–8,59) : Đức Giêsu, nguồn nước hằng sống và ánh
sáng cho trần gian (dịp lễ Lều)
D’(9,1-41) : Hành vi ban khả năng nhìn cho một người mù
bởi ánh sáng của trần gian (vào một ngày sa-bát)
C’ (10,1-21) : Các dụ ngôn về đàn chiên, cửa, việc trao
ban mạng sống và người mục tử nhân lành
B’(10,22-42)
: Các công việc và chân tính của Đức Giêsu, Đấng Kitô, Con Thiên Chúa (dịp lễ
Cung hiến).
Có
thể xác định bố cục tổng quát của chương 6 theo một lược đồ đồng tâm như sau:
a)
cc. 1-15: Cảnh với các môn đệ, được nhắc đích danh
b)
cc. 16-21: Cảnh với Đức Giêsu và các môn đệ
c)
cc. 22-59: Diễn từ của Đức Giêsu
b’)
cc. 60-65: Cảnh với Đức Giêsu và các môn đệ
a’)
cc. 66-71: Cảnh với các môn đệ, được nhắc đích danh
2.-
Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
1) Hoàn cảnh (6,1-4);
2) Dấu lạ bánh hóa nhiều (6,5-13);
3) Phản ứng của dân chúng và của Đức Giêsu
(6,14-15).
3.-
Vài điểm chú giải
- Đức Giêsu lên núi
(3.15): Quả núi này không có trên bản đồ, nhưng được dùng thường xuyên trong Kinh Thánh và các Tin Mừng (x. Mc 9,2; Mt 5,1; 15,29; 28,16) như là khung cảnh
cho một mạc khải.
- và ngồi đó (3): Đây là tư thế
của người cai trị và giảng dạy.
- quan tiền (6): Một quan tiền
là lương của một ngày làm công.
- thu lại (12): Đây không phải chỉ
là “nhặt lại” (như trong Mc 6,43 và
các bản văn song song) mà là “quy tụ” (synagein)
các miếng vụn.
4.-
Ý nghĩa của bản văn
*
Hoàn cảnh (1-4)
Các chi tiết tác giả cung cấp khiến ta
có cảm tưởng đây là một bài tường thuật chính xác. Tuy nhiên, chúng ta sẽ gặp
nhiều yếu tố gợi tới một quá khứ, hoặc mang tính biểu tượng: giống như Môsê, có
một đám đông đi theo Đức Giêsu; đám đông
đi theo Người vì cùng lý do như dân Israel khi họ theo Môsê: những dấu lạ lớn
lao Người đã làm; Đức Giêsu lên núi và ngồi xuống, tương tự Môsê lên núi để dạy
dỗ dân chúng. Ngoài ra, chi tiết “lễ Vượt Qua” vừa kín đáo gợi đến cái chết của
Đức Giêsu (là lúc Đức Giêsu ban mình Người làm bánh đích thực ban sự sống), vừa
gợi lại việc Môsê đưa con cái Israel ra khỏi Ai Cập và phép lạ man-na. Điều này
không phải là gán ghép, vì tác giả TM IV
thích tháp các mạc khải của Đức Giêsu vào trong khung các đại lễ như Vượt Qua,
Lều, Cung hiến. Đức Giêsu vừa hoàn tất vừa vượt quá tất cả những gì các đại lễ
của Israel nhắm tới và loan báo. Người là Môsê mới sẽ dẫn đưa dân Người trong
một cuộc xuất hành mối để đi từ kiếp nô lệ sang tự do.
* Dấu lạ bánh hóa nhiều (5-13)
Trong
các TMNL, chính các tông đồ lưu ý Đức
Giêsu rằng đám đông không có gì ăn cả. Còn ở đây sáng kiến lại phát xuất từ Đức
Giêsu: “Người đã biết mình sắp làm gì rồi” (c. 6). Trong các TMNL, các tông đồ chỉ được nhắc đến như
một nhóm; ở đây, ta có Philípphê, rồi Anrê. Đức Giêsu hỏi Philípphê một
câu đơn giản: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6,5). Rồi trong một lời bình luận riêng (c. 6), tác giả TM IV giải thích rằng Đức Giêsu hỏi vậy
không phải là ngẫu nhiên. Câu hỏi được nêu ra là để thử (peirazô) Philípphê về đức tin của ông, còn Người thì Người biết
Người sắp làm gì. Động từ này khiến ta nhớ tới biến cố Xuất Hành, trong đó
Thiên Chúa “thử” dân Ngài: Rõ ràng tác giả giải thích truyền thống Đức Giêsu
nuôi đám đông dưới ánh sáng của truyền thống Kinh Thánh nói về Đức Chúa (Yhwh)
ban man-na cho dân Ngài ăn trong thời Xuất Hành (x. Ga 6,25-40). Sách Đnl giải thích các biến cố Xuất Hành vừa
như là dấu chỉ vừa như là những thử thách (x. Đnl 4,34; 7,19; 29,2; so sánh với 8,16; 13,4; x. Xh 16,4; 15,25; 20,20). Theo cùng một
cách như thế, tác giả tuy rõ ràng thấy việc nuôi đám đông là một dấu
chỉ (sêmeion, Ga 6,26.30), ở
đây lại công bố rằng việc này cũng là một thử thách.
Mẩu đối thoại với Philípphê cho thấy
thật rõ là con người không có khả năng hiểu được và giải quyết được vấn đề.
Riêng Đức Giêsu thì đang làm chủ tình thế (như ở các dịp khác: 10,18; 11,6-15;
13,1; 18,4; 19,28). Nếu câu hỏi được đặt ra cho Philípphê thì chắc là vì các sự
việc đã xảy ra như thế. Còn nếu Philípphê và Anrê được nhắc tới đích danh ở đây
hẳn là vì các ông là người Bétxaiđa, tức thuộc vùng Biển Hồ, nơi Đức Giêsu đang
hiện diện, nên các ông biết rõ là vào lúc này, khó mong tìm được lương thực ở
vùng này.
Sự
can thiệp của Anrê cũng nhắm cho thấy rằng hoàn cảnh này không có lối thoát về
phương diện con người; như vậy, ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa. Ngoài ra, có nhiều
chi tiết nhắc lại Cựu Ước: từ ngữ “em
bé” (paidarion) và cụm từ “năm chiếc
bánh lúa mạch” đưa ta trở về với 2 V
4,42-44: Êlisa hóa bánh ra nhiều; “cá nhỏ” (opsaria)
nhắc đến Ds 11,22: nêu bật sự yếu
đuối của loài người và quyền năng của Thiên Chúa.
Trong
các TMNL, các môn đệ phân phát bánh
và cá; ở đây, chính Đức Giêsu phân phát (c. 11). Đây là cách tác giả TM IV tập trung chú ý vào Đức Giêsu. So
sánh với các TMNL, chúng ta thấy rõ
điểm này. Trong khi các TMNL quan tâm
đến Nước Thiên Chúa và lời rao giảng của Thầy chí thánh, TM IV lại chủ yếu nhắm đến “con người” Đức Giêsu, và điều này đã
xuất hiện ngay ở những dòng đầu tiên của TM:
tác giả chỉ nói qua về phép rửa, nhưng nói rõ Đức Giêsu là ai (Ga 1,29-34); nhân tiện nói đến các môn
đệ đầu tiên, thì nói cho biết Đức Giêsu là ai và Người có thể cống hiến điều gì
(1,35-51); và khi nói về các điều kiện để trở thành môn đệ, thì ngài nêu bật
tình yêu đối với Đức Kitô (phải đi tìm Đức Kitô, phải khao khát Người).
Có
nhiều chi tiết khiến bài tường thuật có một màu sắc Thánh Thể. Trước tiên, cử
chỉ Đức Giêsu cầm lấy bánh và phân phát (c. 11) dường như gợi nhắc đến bữa tối
cuối cùng. Quả thật tác giả TM IV
không kể lại việc thiết lập Bí tíchThánh Thể, nhưng cả ngài lẫn nguồn của ngài
không thể không biết đến biến cố này. Động từ “phân phát” (diadidonai) có thể đã được vay mượn từ nghi thức Thánh Thể. Công
thức “tạ ơn” (eucharistein: c. 11)
cũng thế. Cuối cùng, cc. 12-13 có chứa hai yếu tố độc đáo là động từ “thu lại”
(synagein) và danh từ “các miếng
thừa” (klasmata) thuộc về nghi thức
Thánh Thể và ta thấy có trong sách Điđakhê
(9,4). Còn công thức “kẻo phí đi” (c. 12b) khiến ta nghĩ tới sự cẩn thận của
Hội Thánh khi thu lại các mẩu Mình thánh Chúa.
Khi
dùng động từ “thu lại” theo nghĩa “quy tụ” (khác với Mc 6,43 và các bản song song dùng động từ “nhặt lại”), hẳn tác giả TM IV muốn nhắc đến Bí tíchThánh Thể có
mục đích tưởng niệm cái chết của Đức Giêsu “để quy tụ con cái Thiên Chúa đang
tản mác khắp nơi về một mối” (Ga
11,52).
Ở
đây chúng ta thấy TM IV muốn gợi lại phép
lạ man-na trong sa mạc cho đoàn dân bước đi dưới sự lãnh đạo của Môsê. Nhưng
Đức Giêsu không chỉ là Môsê tái hiện, Người là Môsê chân chính cao trọng hơn
Môsê ngày xưa. Trong sa mạc, người ta chỉ có thể lượm được lượng man-na cần
thiết (Xh 16,4.16-18). Ở đây, lượng
bánh được ban dồi dào: thu lại được mười hai thúng cũng dồi dào như lượng rượu
tại Cana, nhằm chứng tỏ Đức Giêsu là đích điểm của nỗi niềm chờ mong của
Israel. Mười hai là con số hoàn hảo: phép lạ bánh nuôi no nê đám đông, có thể
làm no thỏa các thế hệ sẽ đến.
Phép
lạ bánh này còn nhắc nhớ đến việc Êlisa cho một đám đông ăn no, vì ở hai nơi
đều có các bánh lúa mạch, em bé trai, vấn nạn về số lương thực quá ít so với
nhu cầu, sự no nê lạ lùng. Như thế là sự nối tiếp từ Cựu Ước sang Tân Ước, từ
Êlisa sang Đức Giêsu, như từ hành trình đến đích điểm.
* Phản ứng của dân chúng và của Đức Giêsu (14-15)
Người Do Thái vẫn chờ đợi là vào thời
đại thiên sai, phép lạ man-na được tái diễn. Do đó, khi Đức Giêsu hóa bánh ra
nhiều, đám đông cho rằng Người “là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian” (c. 14;
x. Đnl 18,15; Ga 1,21). Họ muốn “tôn Người làm vua”, nhưng Đức Giêsu “lại lánh
mặt, đi lên núi một mình” (c. 15). Chi tiết này hoàn toàn có thể mang tính lịch
sử. Tại Paléttina vào thời ấy, do niềm hy vọng vào Đấng Mêsia, thường xuyên xảy
ra những cuộc nổi loạn về chính trị, những cuộc bạo loạn thường xuyên bị người
Rôma đàn áp tàn bạo. Đức Giêsu muốn tránh thứ hiểu lầm này.
Tuy
nhiên, tác giả TM IV ghi lại sự cố
này không chỉ vì quan tâm đến lịch sử, nhưng còn muốn nêu bật tính phù phiếm
của lòng nhiệt thành của đám đông. Lẽ ra bánh vật chất phải giúp họ hiểu Đức
Kitô là ai. Họ không thấy phép lạ là một “dấu chỉ” chứng thực Đức Giêsu là Đấng
Mêsia chân chính, nhưng là một xác nhận định kiến sai lầm của họ về Đấng Mêsia.
Họ chỉ quan tâm đến bánh, chứ không quan tâm đến Đấng Mêsia ban bánh. Họ đã
“đọc” dấu chỉ theo lược đồ riêng của họ, nên không nắm được ý nghĩa đích thật
của dấu chỉ. Do đó, Đức Giêsu lánh mặt. Người muốn cho dân chúng hiểu rằng tư
cách Mêsia của Người thuộc về một bình diện khác. Tuy nhiên, vị Thiên Chúa đi
trốn sự chờ đợi của loài người đó lại có mặt ngay để giải thoát các môn đệ khỏi
sợ hãi (x. 6,12.21).
+ Kết luận
Dấu chỉ giới thiệu Đấng Mêsia không
phải chỉ có phép lạ hóa bánh ra nhiều, nhưng là toàn bộ các sự kiện: phép lạ,
niềm hứng khởi của đám đông và việc Đức Giêsu đi trốn. Muốn hiểu Đức Giêsu là
ai, phải hiểu được sự tương phản giữa ý nghĩa của việc hóa bánh ra nhiều theo
cách hiểu của đám đông và ý nghĩa theo cách hiểu của Đức Giêsu. Ngoài ra, chúng
ta phải hiểu mục tiêu Đức Giêsu nhắm khi làm “dấu lạ” này: tấm bánh thuộc về một
người phải trở thành lương thực cho tất cả mọi người. Chúng ta chỉ có thể có một
thế giới mới, khi người ta từ khước tính ích kỷ, và chấp nhận đề nghị của Đức
Giêsu là chia sẻ của cải của mình cho những người khác.
5.-
Gợi ý suy niệm
1. Con số những
người theo Đức Giêsu đạt tới đỉnh cao với việc làm cho bánh hóa nhiều: khoảng
năm ngàn người đàn ông. Nhưng sau Bài giảng về bánh ban sự sống từ trời xuống,
chỉ còn lại Nhóm Mười Hai (Ga 6,67).
Chính Đức Giêsu hướng dẫn một tiến trình làm sáng tỏ. Người khẳng định
rõ ràng những gì Người phải làm, chứ không làm một vài chuyện thỏa hiệp tùy
theo sự chờ đợi của dân chúng. Tiêu chuẩn Người nhắm không phải là con số các
kẻ đi theo Người, nhưng là sứ mạng đã được Chúa Cha giao phó. Nếu chúng ta đặt
nơi Người những chờ đợi sai lầm, chúng ta sẽ thất vọng về Người. Nếu ngược lại,
chúng ta lắng nghe Người và đón nhận các ân huệ Người ban, Người sẽ đưa chúng
ta đến sự sống viên mãn.
2. Mọi sự bắt đầu
nơi Đức Giêsu. Không ai yêu cầu Người cung cấp lương thực cho đám đông ấy.
Trong thời gian hoạt động công khai, Đức Giêsu luôn cho người ta thấy như vậy:
Người tự mình mà đến, không cần lệnh hoặc lời cầu xin, theo trách nhiệm Chúa
Cha giao. Người hành động theo sáng kiến riêng, phù hợp với ý muốn của Chúa
Cha. Người quyết định cho đám đông ăn; Người truyền lệnh và các môn đệ mời dân
chúng ngồi xuống. Bánh thì chưa có, thế mà người ta đã phải ngồi xuống, có thứ
tự và gần nhau, để được phục vụ, như trong một bữa tiệc. Kế đó Đức Giêsu
đã cư xử như một người cha gia đình khi bắt đầu bữa ăn: cầm lấy bánh,
đọc lời kinh chúc tụng, tạ ơn, rồi phân phát bánh. Từ số tài nguyên nghèo nàn,
Người cho đám đông ăn no nê. Sau đó, Người ra lệnh cho các môn đệ thu gom các
mẩu thừa. Mỗi việc đều được Người bố trí và quyết định và đều diễn tả sứ mạng
của Người.
3. Đức Giêsu đã
chứng tỏ khả năng giúp đỡ của Người là một khả năng không giới hạn:
không chỉ có thể phục vụ các cá nhân hay các nhóm nhỏ, mà còn có thể đáp ứng
nhu cầu của một một đoàn người rất đông. Không một trở
ngại nào có thể giới hạn quyền lực của Người. Phần Người, Người có thể quy tụ
tất cả mọi người lại quanh Người và cho mọi người được no thỏa; Người không
loại trừ một ai, Người có đủ cho mọi người. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra cho
loài người là: họ có biết trân trọng và muốn chấp nhận những gì Người sẵn sàng
ban cho không?
4. Đám đông đã muốn
tôn Đức Giêsu làm vua. Bởi vì Người đã xử sự một cách uy quyền và tự khả
năng riêng, Người không chấp nhận để cho người ta áp đặt cho Người một vai
trò trong đó họ có thể trục lợi theo ý riêng của họ. Các việc quyền lực Người
thực hiện càng to lớn, các hiểu lầm của dân chúng càng trầm trọng. Đức Giêsu
tránh khỏi đám đông. Trong Bài giảng về bánh hằng sống, Người sẽ giải thích dấu
lạ bánh hóa nhiều. Rõ ràng chúng ta không được quy định cho Người điều Người
phải ban cho chúng ta. Chúng ta không được cư xử y như thể chúng ta biết rõ hơn
Người điều gì tốt cho chúng ta. Đứng trước Đức Giêsu, Đấng uy quyền và tốt lành
đến thế, chúng ta chỉ có thể bày tỏ hai thái độ, là cởi mở và tin tưởng.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm