HIỆP
SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XVIII
THƯỜNG NIÊN B
Đn 7,9-10.13-14 ; 2 Pr
1,16-19 ; Mc 9,2-10
HÃY VÂNG NGHE LỜI
NGƯỜI
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG : Mc
9,2-10
(2) Sáu ngày sau,
Đức Giêsu đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa
các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi
cao rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. (3) Y phục Người
trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng
được như vậy. (4) Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra
đàm đạo với Đức Giêsu. (5) Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giêsu rằng
: “Thưa thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái
liều, Thầy một cái, ông Mô-sê một cái, và ông Ê-li-a một cái”. (6) Thực
ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. (7) Và có một
đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng : “Đây là
Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. (8) Các ông chợt nhìn quanh
thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi. (9) Ở
trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai
nghe những điều vừa thấy, trừ khi Người đã từ cõi chết sống lại. (10)
Các ông tuân lệnh đó, những vẫn bàn hỏi nhau xem câu “Từ cõi chết
sống lại” nghĩa là gì ?
2. Ý CHÍNH :
Đức Giêsu biến hình
trước mặt ba môn đệ thân tín là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an trên núi cao
và đàm đạo với hai vị đại diện cho Cựu Ước là Mô-sê (sách Luật) và
Ê-li-a (sách ngôn sứ), để báo trước cho các môn đệ về cuộc khổ nạn
Người sắp phải chịu tại Giê-ru-sa-lem, hầu giúp các ông được kiên
vững lòng tin trong cơn thử thách ấy.
3. CHÚ THÍCH :
- C 2-4 : +Các
ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an : Đây là ba môn đệ được Đức Giêsu
ưu ái. Người cho các ông nhìn thấy vinh quang Thiên tính của Người, như
chuẩn bị tinh thần trước để các ông khỏi bị vấp ngã khi chứng kiến
giờ phút Người lo buồn sầu não trong vườn Cây Dầu trước giờ chịu
khổ nạn (x. Mc 14,33). + Lên núi cao : Chưa xác định là
núi nào trong hai ngọn núi là Tha-bo và Héc-mon. Núi cao thường được
coi là nơi Đức Chúa ngự. Lên núi cao là để gặp gỡ Đức Chúa, như
Mô-sê gặp Đức Chúa trên núi Khô-rếp vùng Si-nai để nhận thập giới
khắc trên hai bia đá (x. Xh 24,12-18) và như Ê-li-a trốn cuộc ruồng bắt của hoàng
hậu I-de-ven bằng cách chạy lên “núi Thiên Chúa” tìm sự che chở (x. 1V
19,2.8). Ở đây ba môn đệ được đưa lên núi cao để được Đức Giêsu mặc
khải về Thiên tính của Người. + Người biến đổi hình dạng : Đức
Giêsu tạm thời thay hình dạng phàm nhân, bằng hình dạng Con Thiên Chúa.
Y phục rực rỡ trắng tinh chiếu tỏa vinh quang thiên giới. Trong đoạn
này, Mác-cô cho thấy : Đức Giêsu, là người Tôi Trung đau khổ của Đức
Chúa, đã tỏ bày vinh quang phục sinh trước kỳ hạn. + Ông Ê-li-a
và ông Mô-sê : Hai vị này đều đã từng leo núi để tiếp nhận
mặc khải của Đức Chúa và đều là nhân vật của thời cánh chung. Cả
hai đều bước sang thế giới bên kia cách bí nhiệm : Mô-sê đã chết ở
miền đất Mô-áp, nhưng không ai biết được mộ phần ông ở đâu (x. Đnl
34,6), còn Ê-li-a thì leo lên chiếc xe ngựa đỏ rực lửa bay về trời
trong cơn gió lốc (x. 2V 2,11). Ở đây sự hiện diện của Mô-sê tượng
trưng cho Lề Luật, và của Ê-li-a tượng trưng cho các Ngôn sứ. Điều này
chứng minh có sự liên tục giữa Cựu Ước với Tân Ước. Nó cho thấy
thời kỳ Cánh Chung và Cứu Độ đã khởi đầu. + Hiện ra đàm đạo
với Đức Giêsu : Mác-cô không đề cập đến nội dung cuộc đàm đạo,
đang khi Luca thì viết : “Và nói về cuộc xuất hành (nghĩa là: chết,
sống lại và lên trời) Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (x Lc
9,29).
- C 5-8 : + Xin
dựng ba cái lều : Khi ấy dân Ít-ra-en đang mừng Lễ Lều kéo dài 7 ngày.
Trong các ngày này, họ đến ở tạm trong các lều trại làm bằng cành
cây, để ôn lại công ơn Đức Chúa đã cứu Ít-ra-en khỏi cảnh nô lệ cho
người Ai Cập và cha ông họ đã từng sống trong lều trại nơi sa mạc (x.
Lv 23,34.42-43). Ở đây, Phê-rô xin dựng 3 lều trại nhằm kéo dài cuộc
thần hiện mà ông đang chứng kiến. + Có một đám mây bao phủ các
ông : Đám mây diễn tả sự hiện diện của Đức Chúa, giống như
trong thời kỳ xuất hành của dân Do Thái xưa (x. Xh 40,34-38) + Đây
là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người : Lời Chúa Cha công
nhận Đức Giêsu là “Con” (x. Tv 2,7), giống như khi Người chịu phép rửa
tại sông Gio-đan (x. Mc 1,11). Đức Giêsu cũng được giới thiệu như một
Ngôn Sứ mà mọi người phải vâng nghe (x. Mt 16,14 ; Cv 3,22-23).
- C 9-10 : + Đức
Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa
thấy : Trong Tin Mừng Mác-cô, sau khi làm phép lạ chữa bệnh hay
trừ quỉ, Đức Giêsu thường đòi giữ kín. Điều này được gọi là “Bí
Mật Đấng Thiên Sai”. Sở dĩ Đức Giêsu không muốn cho người ta biết
Người là Đấng Thiên Sai vì cần có thêm thời gian dạy cho dân chúng hiểu
đúng về sứ mệnh Thiên Sai theo Ý Thiên Chúa. Tránh tình trạng hiểu lầm về
sứ mệnh Thiên Sai theo tinh thần ái quốc cực đoan và gây ra bạo loạn, làm
cho đế quốc Rô-ma có cớ tiêu diệt, tương tự như suy nghĩ của Thượng hội
đồng Do thái (x Ga 11,47-50) và bất lợi cho sứ mệnh của Người. + Các
ông tuân lệnh đó : Ba môn đệ đã vâng lời Đức Giêsu. Các ông
không nói gì về cuộc biến hình này. Dù lúc ấy các ông chưa hiểu lý do
của lệnh cấm đó. + Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì ?
Cũng như Phê-rô đã can trách Đức Giêsu, các môn đệ khác cũng không
muốn hiểu con đường “Từ trong cõi chết sống lại” hoặc “Qua đau khổ
vào vinh quang” được Đức Giêsu công bố trước đó (x Mc 8,31). Vì ai trong các
ông cũng muốn chỗ nhất khi Người làm Vua (x Mt 20,20-25).
HỎI : 1.-Tại sao Đức Giêsu lại hiển dung trước mặt ba
môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an ? 2.-Chúa biến hình trên núi cao là quả
núi nào ? 3.-Qua cuộc hiển dung này, Đức Giêsu muốn mặc khải điều gì ?
4.-Nội dung cuộc đàm đạo với hai ông Mô-sê và Ê-li-a thế nào và nhằm
mục đích gì ? 5.-Tại sao ông Phê-rô lại đề nghị dựng 3 lều tạm ?
6.-Đám mây diễn tả gì ? 7.-Qua lời phán từ đám mây, Thiên Chúa muốn
mặc khải Đức Giêsu là ai ? 8.-Bí mật Đấng Thiên Sai nghĩa là gì ? Tại
sao Đức Giêsu cấm ba môn đệ không được nói ra điều các ông vừa chứng
kiến ? 9.-Tại sao các môn đệ thắc mắc ý nghĩa của câu : “Từ trong cõi
chết sống lại” ?
II.SỐNG LỜI
CHÚA
1. LỜI CHÚA :
“Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7).
2. CÂU CHUYỆN
: NÊN THÁNH NHỜ VÂNG LỜI MẸ
Tối hôm đó, sau khi từ giã bà con thân thuộc và bạn bè đến dự
liên hoan chúc mừng, bà Ma-ga-ri-ta mới có thời giờ nói chuyện riêng
với tân linh mục Gio-an Bos-cô. Bà âu yếm nhìn con và nói : “Hỡi Gio-an
con yêu của mẹ. Hôm nay con đã trở thành linh mục của Chúa, và đã
được diễm phúc dâng Thánh Lễ đầu đời. Con đã thuộc trọn về Chúa và
đã là người của Chúa rồi. Vậy bắt đầu từ bây giờ, con không cần
phải lo gì cho mẹ nữa. Nhưng hãy chú tâm thực hiện điều này là : Tìm làm vinh Danh Thiên Chúa và cứu
rỗi cho các linh hồn” ... Gio-an đã ghi lòng tạc dạ những lời bà mẹ
đạo đức vừa khuyên nhủ, và đã làm theo lời dạy ấy. Ngài đã dành
tất cả thời giờ và sức lực cho việc giáo dục các thanh thiếu niên. Cuối
cùng Ngài đã được Hội thánh tôn vinh trên bàn thờ để nên gương mẫu cho
các tín hữu chúng ta học tập noi theo.
3. SUY NIỆM : Để Lời Chúa có thể phát huy tác
dụng, biến đổi các tín hữu chúng ta nên tốt lành thánh thiện, cần có những
điều kiện sau đây :
+ Phải
ý thức giá trị của Lời Chúa :
Lời Chúa là ngọn đèn và là ánh sáng chỉ đường cho ta bước theo (x.
Tv 119,105). Lời Chúa sẽ tỉa sạch các thói hư tật xấu của ta (x. Ga
15,2) và làm phát sinh bác ái (x. Ga 15,5). Người tín hữu cần biết mở rộng tâm hồn lắng nghe đón nhận Lời
Chúa và nhờ đó phát sinh nhiều hoa trái (x. Lc 8,15).
+ Phải tin
và đi theo Đức Giêsu : Người
là Lời Thiên Chúa làm người (x. Ga 1,1.14), sống đẹp lòng Chúa
Cha (x Mt 3,17) và luôn làm theo ý Chúa Cha (x Mt 26,39). Ai muốn được vào
Nước Trời thì phải tin Đức Giêsu là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống (x.
Mt 16,16), vâng nghe Lời Người (x Mt 17,5), noi gương bắt chước các nhân đức
của Người (x.1 Cr 11,1), thi hành ý muốn
của Chúa Cha (x. Mt 7,21). Nhất là phải đi theo Người vì Người là con đường duy
nhất dẫn đến Chúa Cha (x Ga 14,6). Đó là đường bỏ mình và vác thập giá mình hằng
ngay mà đi theo Người (x Lc 9,23).
+ Phải
quyết tâm đổi mới đời sống : “Phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới là
con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính
và thánh thiện” (Ep 4,23-24). Đổi mới từ cách suy nghĩ, đến lời
nói và hành động, theo gương Chúa Giêsu làm và lời Người chỉ dạy.
Nhất là luôn sống bác ái yêu thương (x. Ga 13,35-35). khiêm nhường phục
vụ noi gương Người (x. Ga 13,15).
+ Phải mở lòng
đón nhận Thần Khí : Muốn được biến đổi nên con người mới thuộc về
Thiên Chúa, ngòai việc học tập thấm nhuần Lời Chúa, các tín hữu còn phải tham dự
tĩnh tâm cầu xin Thần Khí tác động như các Tông Đồ xưa (x Cv 2,1-4).
+ Phải quyết
tâm thực hành Lời Chúa : Mỗi lần dự lễ, cần lắng nghe Lời
Chúa, nhất là nghe bài giảng để biết áp dụng Lời Chúa vào đời
sống. Nhờ đó chúng ta sẽ từng bước lọai trừ thói hư, sống yêu thương cụ thể
như kinh kinh “thương người”, và chu tòan sứ vụ làm chứng cho Chúa bằng lối sống
quên mình vị tha như kinh Hòa Bình dạy.
4. THẢO LUẬN : 1)Thánh thiện là gì ?
2)Theo bạn, ngoài việc siêng năng cầu nguyện và làm các việc đạo đức
như xưng tội rước lễ, các tín hữu chúng ta còn phải làm gì để nên
thánh theo lời Chúa dạy : “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh
em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48) ?
5. NGUYỆN CẦU
LẠY CHÚA GIÊSU, hiện giờ chúng con đang được biến đổi nên thánh nhờ
lóng sám hối tội lỗi chừa bỏ thói hư và thực hành theo gương Chúa làm và
lời Chúa dạy. Chúng con hy vọng nhờ năng học sống Lời Chúa kết hiệp với cộng
đòan Hội Thánh mà chúng con sẽ nên giống Chúa luôn làm đẹp lòng Chúa Cha. Xin
cho chúng con biết chuẩn bị tâm hồng đón nhận Thần Khí để được ơn biến đội
nên người mới và chu tòan sứ vụ loan báo Tin Mừng đến cho tha nhân.- AMEN.
LM ĐAN VINH
www.hiephoithanhmau.com