CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN

Qua Chúa Giê-su, Thiên Chúa dạy dỗ chúng ta

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 6:41-51)

          Chấp nhận một điều vượt trên sự hiểu biết của chúng ta là việc khó và đòi chúng ta phải có thái độ khiêm nhường.  Đó cũng là vấn đề của những người Do-thái trong bài Tin Mừng hôm nay khi họ nghe Chúa Giê-su tuyên bố một thực tại về chính Người:  “Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”.  Chúa Giê-su đã trả lời thắc mắc của người Do-thái là tại sao Người lại nói mình bởi trời mà xuống.  Suy niệm về lý do tại sao này giúp chúng ta quý trọng sự hiện diện của Chúa ở giữa chúng ta.

          Trong diễn từ tại hội đường Ca-phác-na-um sau phép lạ bánh hóa nhiều, Chúa Giê-su muốn đưa người ta sang một lãnh vực khác:  từ bánh ăn hằng ngày giúp duy trì sự sống phần xác tiến đến bánh lời Chúa mang lại sự sống đời đời;  nói khác đi, vì họ đã được ăn bánh Người ban do phép lạ, nên Chúa Giê-su mời gọi họ hãy tin Người là bánh thiêng liêng do Chúa Cha từ trời ban xuống cho họ.  Trước hết Chúa Giê-su nêu lên lý do tại sao Chúa Cha sai Người đến.  Thiên Chúa Cha muốn dạy bảo mọi người.  Thực ra Thiên Chúa đã dạy bảo tổ tiên người Do-thái từ thuở xưa nhiều lần nhiều cách qua các ngôn sứ (Do-thái 1:1).  Từ thời Áp-ra-ham cho đến giao ước Xi-nai và sau đó là thời các ngôn sứ, Thiên Chúa đã không ngừng dạy dỗ dân Người và dẫn dắt họ đi theo đường lối của Người.  Vậy mà dường như bia đá Xi-nai khắc ghi luật Chúa, các sấm ngôn và sứ điệp do các ngôn sứ đem đến đều không thể thuyết phục được Ít-ra-en sống như Thiên Chúa muốn và giữ mối tương quan tốt đẹp với Người.  Trái lại, họ dễ dàng chạy theo những quyến rũ của lối sống đi ngược Lề Luật và thờ kính các thần ngoại thay vì phụng thờ Chúa.

          Trước “thất bại” này, Thiên Chúa chỉ còn cách duy nhất để tiếp tục dạy bảo, đó là sai Con Một là chính Ngôi Lời của Thiên Chúa đến trần gian, để “Vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”.  Thiên Chúa đã lôi kéo mọi người đến với Chúa Giê-su, ban cho mọi người không trừ ai khả năng và cơ hội gặp gỡ Chúa Giê-su, để nghe lời giáo hóa của Chúa Cha (Gio-an 6:44).  Chính Chúa Giê-su cũng nhấn mạnh đến điều này:  “Vậy nếu ai muốn nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi” (6:45).  Như thế, rõ ràng Chúa Giê-su là tiếng nói nhân loại của Thiên Chúa Cha phán dạy chúng ta, chứ không còn là tiếng sấm hay tiếng thiên thần nữa.  Đúng vậy, Lời và tiếng Thiên Chúa đã được gửi đến nhân loại qua những bài giảng, những dụ ngôn, những lời khích lệ, cả những lời tố cáo hoặc quở trách của Chúa Giê-su.  Giờ đây tiếng Thiên Chúa nói với người què:  “Hãy đứng dậy, vác giường mà về nhà”, hoặc với người phong cùi:  “Tôi muốn, anh hãy được sạch đi”, hoặc với người tội lỗi:  “Tội con đã được tha”… Giờ đây bàn tay nhân loại của Thiên Chúa chạm đến những vết thương của con người khi Chúa Giê-su chạm tới người bệnh tật, kẻ khổ đau vì đứa con đã chết…

          Nhìn vào những lý do tại sao Chúa Giê-su từ trời xuống, chúng ta thấy Người được Chúa Cha sai đến trần gian không phải để làm nhà phù thủy biến bánh hóa nhiều cho dân chúng được no nê, làm chính trị gia hay kinh tế gia đại tài để cứu nguy dân tộc, nhưng làm “bánh bởi trời” chứa đựng tình yêu bao la của Thiên Chúa.  Mục đích Người được sai đến là để chúng ta được sống, sống đầy đủ ý nghĩa cuộc sống của người con Chúa (Gio-an 10:10), và nhất là để được Người đem chúng ta trở về sống đời đời trong nhà Cha trên trời của chúng ta.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

          “Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời”.  Tin vào Chúa Giê-su không phải là một đức tin mù mờ, nhưng là tin vào chính Thiên Chúa làm người phàm để nói với chúng ta bằng ngôn ngữ của loài người.  Lời Chúa và nhất là những lời sách Tin Mừng phải được chúng ta đón nhận như những “lời giáo hóa” của Chúa Cha dạy chúng ta phải thay đổi và trở nên giống như Chúa Giê-su.  Vì thế chúng ta không chỉ là những người nghe lời Chúa, mà còn là những người thi hành hoặc sống lời Chúa nữa.  Mong thay!                                             

Lm Đaminh Trần đình Nhi 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B