Chúa Nhật 19 Thường Niên Năm B

Bánh Hằng Sống

(Sách Các Vua I 19,4-8; Thư Êphêsô 4,30-5,2; Tin Mừng Yoan 6,41-51)

 

Phúc Âm: Ga 6, 41-52

"Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống".

Khi ấy, những người Do-thái kêu trách Chúa Giêsu, vì Người đã phán rằng: "Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống". Họ nói: "Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: 'Ta bởi trời mà xuống'".

Chúa Giêsu trả lời cùng họ rằng: "Các ngươi chớ thì thầm với nhau. Không ai đến được với Ta nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: 'Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo'. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Ðấng bởi Thiên Chúa mà ra, Ðấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời.

"Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật XIX Thường Niên Năm B

Sách Các Vua I 19,4-8; Thư Êphêsô 4,30-5,2; Tin Mừng Yoan 6,41-51

Câu truyện Êlia đi trong sa mạc, lời Ðức Yêsu tuyên bố về bánh ban sự sống, huấn từ của Phaolô về nếp sống hòa hợp, tất cả đều đã quen thuộc đối với chúng ta. Và chúng ta có thể coi chủ đề của ba bài Kinh Thánh hôm nay là Thánh Thể. Việc Êlia được nuôi ăn nơi hoang địa sẽ báo trước việc Ðức Yêsu hiến thân làm lương thực nuôi dưỡng các linh hồn khiến họ đã cùng ăn một bánh thì cũng phải biết sống hiệp nhất với nhau. Cho rằng ý chính của Lời Chúa hôm nay là như vậy, chúng ta vẫn còn cần đọc lại các bản Thánh Kinh để nhận ra sự phong phú của việc huấn giáo trong Hội Thánh.

 

1. Lương Thực Ði Ðường

Trở lại bài sách Các Vua, chúng ta dễ nhận ra Êlia là biểu tượng của mỗi người chúng ta đang hành trình trần gian. Cũng như ông, có lẽ chúng ta có những lần thành công và phấn khởi trong cuộc đời. Nhưng như bông hoa sớm nở tối tàn, những thành công phấn khởi ấy ít khi kéo dài. Chúng ta chưa kịp vui hưởng, đã gặp ngay những khó khăn thất bại và chán chường cô đơn. Những lúc này, ước gì chúng ta biết đọc lại câu chuyện Êlia.

Ông là một tiên tri vĩ đại. Chiến thắng của ông ở trên núi Camêlô rất ngoạn mục. Một mình ông đã đương đầu hiển hách được với 450 tiên tri Baal được triều đình và dân chúng ủng hộ. Mặc cho họ kêu cầu cả ngày, lễ vật nằm trên bàn thờ tà giáo trở nên ươn thối dần. Lúc ấy, chỉ một lời nguyện của Êlia, lửa trời đã xuống đốt lễ vật ông dâng, làm chứng đạo của ông là chính giáo.

Nhưng Êlia chưa kịp vui hưởng thành quả thì đã phải tất tưởi ra đi, hướng thẳng về sa mạc để tránh sự trả thù ghê gớm của hoàng hậu Yêzabel, người đỡ đầu tà giáo trong nước. Êlia đi mãi cho đến khi mệt mỏi chân chùn. Gặp được một bóng cây ở giữa sa mạc hoang vu, ông nằm vật xuống, chán nản ê chề. Sống làm gì nữa, ông nghĩ vậy? Và ông xin Chúa cất lấy linh hồn ông, để ông chết đi cho rồi, giống như các tổ phụ ngày trước cũng đã chết nơi sa mạc này (Ds 14,22-23) và không được vào Hứa Ðịa. Có lẽ ông đã nhớ tới trường hợp của Môsê nhiều hơn cả. Ít nhất tác giả bài sách hôm nay đã muốn so sánh ông với vị tiên tri đã lãnh đạo dân ra khỏi Aicập.

Quả vậy Êlia đang làm lại cuộc hành trình của Môsê. Ông này lớn lên ở trong đền vua Aicập. Một ngày kia xuất du vãng cảnh, Môsê gặp một tên Aicập hành hạ một người Dothái. Ông nhảy xổ vào, hạ sát tên Aicập trước sự ngưỡng mộ hào hứng của giới đồng bào với ông. Chưa kịp hưởng hết âm vang của hành vi nghĩa hiệp hào hùng, hôm sau Môsê đã phải tất tưởi bỏ trốn vào sa mạc kẻo bị luật pháp Aicập trị tội. Nhưng lần này, Môsê gặp hên hơn Êlia hôm nay. Ông đã được Chúa hướng dẫn tới núi Horeb và được Người mạc khải Danh Thánh ở đó, cũng như được lãnh nhận sứ mạng đi cứu dân. Từ ngày ấy Horeb đã trở thành chốn hành hương. Và Êlia hôm nay đang hướng về núi thánh này.

Nhưng Êlia không còn sức mạnh như Môsê khi lên núi Horeb. Thất vọng, chán nản, mệt nhọc, ông tự ví mình như Môsê không phải như hồi Môsê vừa hạ sát tên Aicập, nhưng như khi Môsê đưa dân đi trong hoang địa. Ngoài những mệt nhọc do cảnh cát nóng, thiếu ăn, thiếu uống gây cho thân thể, hằng ngày Môsê còn rũ rượi, nặng nề, ngao ngán vì bao lời kêu trách, xỏ xiên, chọc tức của dân. Êlia nghĩ đến Môsê ở giai đoạn này. Và ông muốn được an nghỉ như Môsê nơi sa mạc. Ông muốn lịch sử xưa lập lại y hệt. Ông muốn đầu hàng trước tử thần. Ông là biểu tượng của con người muốn xuôi tay trước thất bại và thất vọng.

Nhưng Thiên Chúa không dựng nên con người để chết, mà là để sống. Người cứu sống họ khỏi miệng tử thần. Ðó là mạc khải quý hóa của Lời Chúa hôm nay.

Thật vậy, đã có một thần sứ đến lay Êlia dậy: "Ăn đi để còn lên đường". Cựu Ước dùng danh từ thần sứ vì không dám dùng đích danh Thiên Chúa, chứ thật ra chính Người đến ban lương thực đi đường cho con người mệt mỏi. Êlia ăn rồi lại ngủ, vì đã quá mệt. Nhưng Chúa lại đánh thức ông, giục ông ăn thêm. Và nhờ thức ăn bồi dưỡng này, Êlia đã đi trọn 40 đêm ngày và tới Núi Thánh của Thiên Chúa.

Tác giả Kinh Thánh dùng con số 40 để ám chỉ cuộc hành trình của Dân Chúa nơi sa mạc từ khi ra khỏi Aicập tới ngày vào Hứa địa là 40 năm. Nó đã trở thành biểu tượng của thời gian con người hành trình ở trần gian này. Và đối với chúng ta, nó nói lên thời gian sống ơn gọi làm con cái Chúa ở trần gian, từ ngày rửa tội tới khi về thiên đàng.

Và như vậy lương thực Êlia đã nhận được cũng trở thành biểu tượng cho của ăn đi đường cho chúng ta trong suốt cuộc hành trình trần gian. Ðó là ý tưởng mà phụng vụ hôm nay muốn cho chúng ta nhớ về câu truyện Êlia, để đi vào bài Tin Mừng. Chúng ta ghi nhớ nhưng không quên cuộc hành trình của Êlia có rất nhiều ý nghĩa đối với chúng ta. Ông là hiện thân của mỗi người. Các thế hệ Kitô hữu đã sớm coi ông như võ sĩ vô địch về đức tin. Và các khuynh hướng tu trì nhìn ông như vị tiền phong của mọi phong trào muốn từ bỏ nếp sống trần tục để đi vào trong thinh lặng và nội tâm, tìm kiếm Thiên Chúa vô hình. Ðó là con đường cam go, nhưng trên con đường ấy chắc chắn sẽ gặp thần lương đi đường cho những ai có thiện chí.

 

2. Bánh Ban Sự Sống

Ðây không còn phải là một ước nguyện kể từ ngày Ðức Yêsu giảng trong hội đường ở Capharnaum. Người đã đem thần lương từ trời xuống cho loài người đang hành trình trần gian. Lạ lùng hơn nữa, thần lương ấy lại là chính Người.

Tính cách lạ lùng này làm cho người Dothái thắc mắc. Hơn thế nữa, họ khó chịu và trở nên gay gắt, thù địch. Ðể diễn tả mối bất bình càng ngày càng lớn lên ở trong lòng họ, tác giả Yoan không gọi họ là quần chúng hay lũ đông như từ trước tới giờ nữa. Người gọi thẳng tên họ là "người Dothái". Và trong tác phẩm của người, danh từ này ám chỉ những người Dothái chống đối Ðức Yêsu và sẽ giết Người.

Vậy, người Dothái bực mình khi nghe Ðức Yêsu tuyên bố Người là bánh từ trời xuống. Họ chưa thèm để ý quan niệm Người là bánh, vì nó trừu tượng khó hiểu quá đối với họ. Họ chỉ cần bắt bẻ ngay tư tưởng "từ trời xuống". Họ thì thầm bảo nhau: Ông ta là con của ông Yuse và bà Maria mà lại nói mình từ trời xuống! Ðức Yêsu nghe biết giọng chống đối hằn học. Người lại như nhìn thấy đoàn người Dothái ngày xưa khi ở sa mạc với Môsê... Và lòng Người cũng đau đớn thấm thía như nhà tiên tri này và cũng như Êlia trong bài sách Các Vua hôm nay. Cảm giác bị phản đối và công kích bị khước từ và phủ nhận sứ mạng trào lên trong môi miệng Người.

Người bảo họ: "Thôi đừng thầm thì làm chi! Ta biết rồi, chỉ những ai được Chúa Cha kéo lại mới đến được với Ta là phái viên của Người... Những kẻ ấy sẽ được Ta cho sống lại trong ngày sau hết". Có lẽ Người đã nghĩ, trước hết tới Môsê, Êlia và những người như các tiên tri này. Họ là những người đã chết trong niềm tin ở sứ mệnh đã được Thiên Chúa sai phái. Ðức Yêsu sẽ làm cho họ sống lại. Nhưng Người cũng đã nghĩ tới những thế hệ đến sau. Ðó là những người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ như lời các tiên tri đã hứa (Is 54,13; Yr 31,33-34), tức là những kẻ sẽ nghe và sẽ đón nhận lời của Người như của Ðấng từ Chúa Cha mà đến và nói những gì đã thấy nơi Chúa Cha. Nghĩa là họ sẽ đón nhận Người như sứ giả của Chúa Cha; họ sẽ tin Người từ trời mà xuống; họ sẽ tin bản tính Thiên Chúa ở nơi Người. Và như vậy họ sẽ được sống đời đời. Và chính đức tin sẽ là lương thực đi đường của họ. Và bánh bởi trời ban sự sống trước hết chính là Lời Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa nhập thể, cũng là chính Ðức Yêsu Kitô là Ngôi Lời đã làm người.

Không dừng lại ở đây, Ðức Yêsu còn đi xa hơn nữa. Người Dothái đã lấy óc thực tế ra để tranh luận với Người, thì Người sẽ thách thức óc thực tế của họ. Người bảo họ: cha ông các ngươi đã ăn Manna trong sa mạc nhưng đã chết. Còn ai ăn bánh bởi trời sẽ không chết. Và bánh bởi trời xuống chính là Ta... Và bánh Ta sẽ ban là Thịt Ta sẽ được ban cho nhân loại được sống.

Không thể có thách thức nào lớn hơn, vì cũng không thể có mạc khải và giáo lý nào khó chấp nhận rằng: người ta có thể công nhận Ðức Yêsu đã từ trời xuống. Người mang lời ban sự sống đến; kẻ giữ lời ấy có thể được sống đời đời. Nhưng tin Người sẽ ban thịt máu mình để nuôi sống con người cho đến sự sống vĩnh cửu thì thật khó quá. Ngay ngày nay đã thấy Người ban sự sống mình làm hy tế cứu độ trong mầu nhiệm thánh giá, nhiều người vẫn còn khó tin ở mầu nhiệm Thánh Thể ban sự sống vĩnh cửu. Nhưng chính sự khó tin này khiến người ta phải tự hỏi về niềm tin trước... Có thật người ta đã tin đúng mức Ðức Yêsu là Lời ban sự sống chưa? Hay họ mới chỉ tin Người như một tiên tri mang lời nuôi sống của Thiên Chúa đến cho loài người? Không, Người không phải là tiên tri được Chúa Cha sai đến theo kiểu đó. Người là Ngôi Lời, là chính Ngôi-Lời-Thiên-Chúa nhập thể. Người là Manna đích thực ban sự sống đời đời. Manna ấy trước hết là Lời của Người, là chính Người với tư cách là Ngôi-Lời-Nhập-Thể. Ai tin và nhận lấy Người như vậy là ăn Manna đi đường trần gian dẫn đến Hứa Ðịa thực là Thiên Ðàng. Nhưng ai đã tin như vậy và đồng hóa với Người như lương thực nuôi sống sẽ có khả năng đón nhận lời mạc khải cuối cùng về Người rằng: Bánh Ta sẽ ban chính là Thịt Ta được ban để thế gian có sự sống. Vì khi người ta đã tin Ðức Yêsu là Thiên Chúa thì không lẽ nào họ có thể từ chối tin một lời Người khẳng định rõ ràng như vậy.

Do đó mấu chốt của vấn đề là lòng tin, là thái độ có muốn được Thiên Chúa dạy dỗ và có sẵn sàng chấp nhận mọi lời của Người hay không? Sự khác biệt giữa những người như Môsê và Êlia một bên, còn bên kia là những người Dothái luôn luôn có thái độ thì thầm, chống đối, bất vâng phục, là ở niềm tin vào Lời Chúa. Không phải là niềm tin chọn lọc lời này ý kia, vì làm như vậy là đặt mình và sự khôn ngoan của mình lên trên cả ý của Thiên Chúa; nhưng là niềm tin tận hiến trọn vẹn để được chính Chúa ban sự khôn ngoan và sự sống của Người cho thân phận và đời sống bé bỏng yếu đuối của mình.

Chúng ta lựa chọn thái độ của Môsê và Êlia hay thái độ của người Dothái?

 

3. Nếp Sống An Bình

Dĩ nhiên chúng ta muốn được như các vị tiên tri là những con người đích thực của Chúa. Thế thì chúng ta đừng thì thầm, càm ràm như người Dothái thời Môsê và thời Ðức Yêsu. Ðó chính là điều thánh Phaolô hôm nay khuyên chúng ta ở đầu bài thư của ngài: "Anh em đừng gây phiền muộn cho Thánh Thần của Thiên Chúa (là) ấn tín anh em được niêm đợi ngày cứu độ".

Ngày xưa dân Dothái gây phiền muộn cho Chúa. Rồi họ đã gây phiền muộn cho Ðức Yêsu là Thiên Chúa nhập thể. Bây giờ chúng ta có thể gây phiền muộn cho Thánh Thần là ấn tín của Thiên Chúa niêm ở nơi chúng ta. Có thể nói được rằng ngày xưa Lều Giao ước là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân; và họ đã ăn ở bất tín đến nỗi Người đã lấy hình khói, mây bay ra khỏi Ðền thờ; rồi sự hiện diện của Ðức Yêsu đã nói lên Thiên Chúa ở cùng loài người (Emmanuel) và họ đã đem Người ra khỏi Thành để đóng đinh. Ngày nay việc ơn Thánh Thần tuôn đổ trong ngày Người hiện xuống và khi chúng ta nhập đạo là bằng chứng Thiên Chúa đến lưu lại nơi chúng ta. Và chúng ta có thể làm phiền muộn Người. Thánh Phaolô bảo chúng ta đừng làm như vậy. Và người chỉ bảo những việc phải tránh để điều ấy khỏi xảy ra.

Bài thư hôm nay nói đến toàn những hành vi gây hấn, bất bình, khó chịu với anh em. Tại sao muốn đừng làm phiền muộn Chúa Thánh Thần chúng ta lại phải tránh những thái độ bất hòa với anh em? Không khó hiểu lắm đâu. Ở cuối bài thư, thánh Phaolô đã muốn giải thích. Chúng ta được ơn Thánh Thần khi "Ðức Kitô đã yêu mến ta và đã phó nộp mình vì ta, làm lễ vật hy sinh, hinh hương dâng lên Thiên Chúa" để ban cho chúng ta ơn tha thứ, ơn giải hòa, ơn bình an, mà ơn Thánh Thần là bảo chứng. Người là ấn tín niêm trên các kẻ đã được chọn để họ trở thành con cái của bình an, của tha thứ, chứ không còn để họ trở thành con cái của lôi đình và thù nghịch nữa. Như vậy nếp sống hòa hợp, hòa giải là lẽ tự nhiên trong cuộc đời của họ. Và ngược lại, mọi lời nói việc làm và thái độ bất bình khó chịu xung khắc với anh em sẽ phá ấn tín bình an trên họ; và như thế họ làm phiền muộn Thánh Thần. Nói một cách dễ hiểu hơn, Thiên Chúa chỉ lưu lại nơi những tâm hồn được tha thứ. Vậy khi ai không có nếp sống tha thứ, họ chứng tỏ không còn giữ Chúa lưu lại trong mình. Họ đa làm phiền muộn Người đến nỗi Người đã phải bỏ đi.

Chúng ta có dễ tin những lời trên này không? Hay chúng ta vẫn còn nhiều khuynh hướng thì thầm, chống đối như Israel ngày trước? Chắc chắn chúng ta tin vững vàng thịt máu Chúa là lương thực ban sự sống đời đời. Nhưng chúng ta có tin mọi lời từ miệng Chúa phán ra cũng là bánh hằng sống không? Nếu tin thì chúng ta đã phải giữ tất cả. Thế nhưng dường như chúng ta không sẵn sàng thi hành mọi lời Chúa truyền dạy như sẵn sàng chịu lấy Thịt Máu Chúa. Có lẽ vì vậy mà chúng ta ít tiến bộ về mặt đạo đức bởi vì như trên đã nói, khi người ta chưa tin và nhận lấy Lời Chúa như bánh hằng sống, thì người ta cũng khó tin và nhận lấy đúng Mình Máu Thánh Chúa. Khi ấy người ta sẽ chịu lễ với ít lòng tin và lòng mến. Người ta có thể làm phiền muộn Chúa hơn là làm đẹp lòng Người.

Ước gì chúng ta luôn tin vào Lời Chúa như Êlia và Môsê để khi rước lễ chúng ta cảm thấy được bổ dưỡng thật sự như hai ông khi nhận được Manna và lương thực đi đường. Và phải hơn hai ông nữa, vì Manna và lương thực đi đường đích thực chính là Thịt Máu Chúa ban cho thế gian được sống và ban cho chúng ta được sống an bình ở thế gian để hành trình về Nước Trời.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B