GẶP GỠ CHÚA
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi
DCCT
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN, năm B
Ga 1, 35-42
Mọi cuộc gặp gỡ đều nói
lên một việc nào đó ! Có cuộc gặp gỡ mang lại niềm vui, bình an. Có cuộc gặp gỡ
làm cho người khác ngao ngán, buồn phiền. Hôm nay, Đoạn Tin Mừng của thánh
Gioan 1, 35-42 đem lại cho chúng ta sự bất ngờ. Chúa Giêsu đi ngang qua chỗ Ông
Gioan Tẩy Giả và hai môn đệ của Ông đang đứng. Gioan liền chỉ cho hai môn đệ và
nhiều người biết :” Đây là chiên Thiên Chúa “.
Gioan Tẩy Giả không chỉ
dừng lại ở việc tuyên bố Chúa Giêsu là chiên Thiên Chúa. Nhưng điều quan trọng
hơn, Ông đã chỉ vào Chúa Giêsu và bảo cho hai môn đệ của mình là Anrê và Gioan
biết :” Chúa Giêsu mới chính là Đấng mà các Ông phải đi theo “. Vì thế, hai môn
đệ đã bỏ Gioan Tẩy Giả mà đi theo Chúa Giêsu. Anrê được Thầy mình giới thiệu
Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế. Ông đã tới gặp Chúa và xin làm
môn đệ của Chúa. Rồi Anrê không dừng lại ở việc theo Chúa, Ông đã giới thiệu
người khác cũng đi theo Chúa. Anrê đã có đức tin và như thế việc dẫn, giới
thiệu các môn đệ khác cho Chúa là một hành động của đức tin. Phêrô tín nhiệm
vào Anrê.Anrê tín nhiệm vào Gioan Tẩy Giả.
Câu chuyện gặp gỡ xoay
quanh việc tín nhiệm, tin tưởng nhau. Tín nhiệm và tin tưởng là hành động của
đức tin bởi vì khi Chúa Giêsu quay mặt lại và thấy Anrê, Gioan đi theo Ngài,
Chúa Giêsu liền hỏi hai môn đệ. Các anh tìm gì thế ? Lời gợi ý hay câu hỏi Đức
Kitô đặt ra bắt buộc các môn đệ phải tự vấn lòng mình. Họ đang tìm gì ? Họ muốn
gì ? Họ muốn gặp ai ?
Anrê và Gioan đã thưa
cùng Chúa :” Thưa Thầy, Thầy ở đâu ? ( Ga 1, 38 ). Hai môn đệ muốn biết đích xác nơi ở của Thầy
Giêsu và họ muốn đi vào tận thế giới riêng tư của Thầy mà Gioan Tẩy Giả đã giới
thiệu cho họ. Hai môn đệ muốn đích thân gặp gỡ riêng tư với Chúa vì công việc
này không ai có thể thay thế họ được.
Chúa Giêsu trả lời :”
Hãy đến mà xem “. Hai môn đệ Anrê và Gioan đã đi theo Chúa, đã đến nơi Chúa ở
và họ đã nhận ra nơi của Thầy, thế giới riêng tư của Thầy. Một thế giới mà chỉ
có ai được tiếp xúc với Chúa mới nhận ra được. Họ đã đến xem chỗ Người ở và ở
lại với Chúa Giêsu ngày hôm ấy ( Ga 1, 39 ). Điều kỳ diệu và ấn tượng, đó là
Anrê và Gioan đã ở lại với Chúa, rồi sau đó ngày hôm sau, Anrê lại giới thiệu
em mình là Simon đến gặp Chúa Giêsu. Chính Anrê đã dẫn Simon đến gặp Chúa, để
trình diện với Chúa và xin Chúa cho Ông Simon được làm môn đệ và ở lại với
Chúa. Đức Giêsu Kitô vừa gặp Simon, Ngài liền đổi tên Simon thành Phêrô. Việc
Chúa đổi tên cho Simon minh chứng Chúa là Đấng có uy quyền tuyệt đối và người
được đổi tên cũng sẽ được trao cho một nhiệm vụ quan trọng nào đó trong cuộc
đời. Đối với Chúa Giêsu, đổi tên cho một người có nghĩa là Ngài có quyền trên
người khác và Ngài sẽ trao cho Phêrô một nhiệm vụ quan trọng đúng như cái tên
Chúa đặt Simon là Phêrô tức Kê-pha : đá tảng. Phêrô sẽ là nền móng của Giáo
Hội, Ông sẽ là người lãnh đạo tối cao của Giáo Hội hoàn vũ :” Sự gì con cầm
buộc dưới đất. Trên trời cũng cầm buộc. Sự gì con tháo cởi dưới đất trên trời
cũng tháo cởi “…
Đây là ơn gọi của các
môn đệ đầu tiên đi theo Chúa Giêsu. Kinh nghiệm theo Chúa cũng phải là kinh
nghiệm của mỗi Kitô hữu, bởi vì muốn gặp Đức Kitô thì chúng ta cũng phải được
giới thiệu với Đức Kitô, rồi chính chúng ta đích thân gặp Ngài, khi nhận ra
Ngài, đi theo Ngài, chúng ta mỗi người cũng phải trở thành như Anrê dẫn người
khác, giới thiệu người khác đến gặp Chúa.
Lạy Chúa, xin dạy cho
mỗi người chúng con biết rằng ngay ở đây, trên trái đất này, Chúa chỉ biết nhờ
đôi bàn tay chúng con giúp đỡ những người thiếu thốn; Chúa chỉ biết dùng trái
tim chúng con để ôm ấp những kẻ cô đơn; Chúa chỉ biết nhờ giọng nói chúng con
để chia sẻ sứ điệp loan báo cuộc sống, nỗi khổ đau và cái chết Chúa đã chịu vì
chúng con.
Lạy Chúa, xin hãy dạy
chúng con biết rằng ở nơi đây, trên trái đất này, chúng con là đôi tay của
Chúa, chúng con là tiếng nói của Chúa, và chúng con là trái tim của Chúa. Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Anrê và Gioan làm sao
đã nhận ra Chúa ?
2.Rapbi có nghĩa là gì
?
3.Simon làm thế nào
biết Chúa và đi theo Chúa ?
4.Kêpha có nghĩa là
gì ?
5.Phêrô là gì và vai
trò sau này của Phêrô ?