CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN
Đáp lời Chúa gọi
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an
1:35-42)
Thánh Gio-an kể lại một cách hết sức thích thú câu chuyện
Chúa Giê-su gọi hai môn đệ đầu tiên.
Thích thú thật, vì đó là câu chuyện cho phép chúng ta tha hồ dùng trí tưởng
tượng mà hình dung ra bất cứ điều gì chúng ta thấy thích hợp với tâm tình cầu
nguyện của chúng ta. Vậy trước hết chúng
ta cứ để phần tưởng tượng lại mà tâm sự với Chúa, còn bây giờ chúng ta xem câu
chuyện xảy ra như thế nào.
Chúng ta biết rõ hai người môn đệ này thuộc nhóm môn đệ ông
Gio-an Tẩy Giả. Với linh đạo “Chúa
Giê-su phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Gio-an 3:30), ông Gio-an Tẩy
Giả thấy không có vấn đề gì khi ông vừa nhận ra Chúa Giê-su “đi ngang qua” liền
nói cho các môn đệ biết đấy chính là “Chiên
Thiên Chúa”. Lời ông Gio-an giới thiệu
giản dị, nhưng chứa đựng cả một bí mật cao cả, đã khiến cho hai trong số các
môn đệ ông quyết định “đi theo Chúa Giê-su”.
Đều là “đi”, nhưng người thì đi
ngang qua làm như không để ý gì, kẻ thì đi
theo để gặp cho được người mình chưa biết là ai. Bề ngoài xem ra như chuyện tình cờ, nhưng bên
trong là động lực mạnh mẽ: Chúa Giê-su cố
ý đi ngang qua để lọt vào sự chú ý của những kẻ Chúa muốn gọi, còn hai môn đệ
ông Gio-an cố ý đi theo Chúa Giê-su là để khám phá một mầu nhiệm.
Điểm thứ hai lôi cuốn chúng ta chú ý, đó là mẩu đối thoại
ngắn gọn giữa Chúa Giê-su và hai ông. Những
câu hỏi và trả lời giống như giữa những người bàng quan với những lời lẽ rời rạc. Tuy nhiên những lời rời rạc ấy lại hàm ẩn ý
nghĩa vô cùng sâu xa. Tìm gì không giống như tìm một vật để
đâu đó hoặc đánh mất, nhưng là một hành trình tìm kiếm chân lý, tìm Đấng là Tin
Mừng với tất cả những giá trị siêu việt của Thiên Chúa. Ở đâu
không có nghĩa là một nơi chốn, vì “chồn có hang, chim có tổ, còn Con Người
không có chỗ tựa đầu” (Lu-ca 9:58). Cho
nên “ở đâu” có nghĩa là cả một kho tàng tích trữ tất cả những mặc khải Thiên
Chúa muốn tỏ ra cho nhân loại. Cuối cùng
là lời mời gọi Đến mà xem. Lời mời gọi “Đến mà xem” mở ra một chân trời mới
cho hai môn đệ ông Gio-an. Phải đến thì
mới thấy được, nghĩa là phải thoát ra ngoài cái vỏ con người của mình thì mới
thấy được Chúa Giê-su là Đấng nào.
Kết thúc câu chuyện tìm kiếm này, thánh sử ghi lại rõ
ràng: “Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại
với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng
giờ thứ mười”. Hai ông đã ở lại với Người
ngày hôm ấy. Cả một ngày họ ở lại với
Chúa Giê-su và chúng ta không rõ với khoảng thời gian đó họ đã khám phá được những
gì. Thánh sử chấm dứt câu chuyện, không
quên ghi lại câu chuyện thật ấn tượng ấy đã xảy ra vào khoảng giờ thứ mười, rồi
ngài im lặng ở đây, nhường lại để chúng ta tưởng tượng mà lắng nghe hoặc nói với
Chúa.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Như hai môn đệ ông Gio-an Tẩy Giả, chúng ta thực sự đã được
Chúa gọi làm môn đệ khi lãnh nhận bí tích Rửa tội. Tuy mang danh người môn đệ của Chúa, nhưng có
lẽ chúng ta vẫn chưa thực sự đi theo Chúa, hỏi Chúa rằng “Thầy ở đâu?”, đến xem
chỗ Người ở và ở lại với Người.
Tất cả những hành vi trên, người môn đệ đích thực cần phải xét lại mỗi ngày để
coi mình còn giữ được căn tính môn đệ hay không.
Thay vì đi theo Chúa, chúng ta đi theo những gì thế gian
quyến rũ mời gọi. Thay vì hỏi Chúa “Thầy
ở đâu?”, chúng ta đã giả thiết Chúa chỉ ở trong nhà thờ, do đó trong cuộc sống
thường ngày, chúng ta không muốn Chúa có mặt để Người khỏi cản trở chúng ta sống
theo thế gian. Mỗi tuần một lần, chúng
ta quả có đến “xem chỗ Người ở”, nhưng thực ra chúng ta không ở lại với Người,
có nghĩa là không sống mối tương quan mật thiết với Người trong cầu nguyện.
Thánh sử Gio-an đã kể thêm sau câu chuyện rằng ông An-rê, một
trong hai môn đệ ấy, đã về nhà và đem em mình là Si-môn Phê-rô đến giới thiệu
cho Chúa Giê-su. Đây cũng là điều chúng
ta phải tự hỏi: Có bao giờ tôi giới thiệu
một người nào đó và đem họ đến với Chúa chưa?
Chúa Giê-su đang chờ đợi chúng ta đấy!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi