CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN

Đón nhận Chúa Giê-su là sự sống muôn đời

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 6:51-58)

          Câu chuyện “bánh bởi trời” bắt đầu từ sau phép lạ Chúa Giê-su hóa bánh và cá ra nhiều, rồi đưa tới những phản ứng của dân chúng mỗi lần Chúa nói với họ về sứ mệnh của mình.  Khi Người nói:  “Tôi là bánh từ trời xuống”, thì dân chúng phản đối và bảo rằng họ đã biết rõ lý lịch và gia đình của Người.  Tiếp đến Người khẳng định:  “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”, thì người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau.  Sau cùng, Chúa Giê-su nói thẳng:  “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”.  Đến đây, ngay cả các môn đệ còn cho đó là lời chướng tai, nói chi tới dân chúng, nên họ đã không đi theo Người nữa.

          Chúng ta đều hiểu là Chúa Giê-su không có ý nói những lời này theo nghĩa đen, nhưng theo ý nghĩa bí tích.  Thịt và máu nói lên toàn bộ con người, từ thân xác tới linh hồn và tất cả những gì liên hệ đến con người ấy.  Như vậy, khi Chúa Giê-su mời gọi chúng ta “ăn thịt và uống máu Người” có nghĩa là Chúa mời gọi chúng ta hãy đón nhận tất cả con người của Người, nhận biết Người là Con Thiên Chúa được sai đến để ở giữa chúng ta.  “Ăn thịt và uống máu Chúa Giê-su” có nghĩa là chúng ta lắng nghe và đón nhận vào tâm hồn tất cả những điều Người dạy dỗ, vì “Đấng được Thiên Chúa sai đến, thì nói những lời của Thiên Chúa” (Gio-an 3:34).  Nếu hiểu theo ý nghĩa bí tích như vậy, chúng ta sẽ được gì khi tiếp nhận Chúa Giê-su?

          Trước hết, Chúa Giê-su trả lời người Do-thái:  “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình”.  Trong Tin Mừng Gio-an, từ “người Do-thái” có nghĩa là những kẻ chống đối Chúa Giê-su, tức là nhóm thượng tế, Pha-ri-sêu và kinh sư.  Họ là những kẻ không nhìn nhận Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ.  Mà Chúa Giê-su là lời ban sự sống của Thiên Chúa, cho nên họ không tiếp nhận lời ban sự sống là họ “không có sự sống nơi mình” và tự đi vào cõi chết.  Để xác định sự sống ấy là sự sống nào, Chúa nói đó là “sự sống muôn đời”.  Đúng thế, ngoài Thiên Chúa Cha là Đấng hằng sống ra, ai có thể ban cho chúng ta sự sống đời đời?  Chúa Giê-su còn giải thích rõ ràng sự sống muôn đời ấy:  “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”.  Tóm lại, sự sống và sự sống đời đời phát sinh từ Thiên Chúa Cha, qua Chúa Giê-su mà đến với chúng ta là những kẻ đón nhận Người.  Dòng sống lưu chuyển ấy nói lên mối tương quan sống động từ Chúa Cha qua Chúa Con rồi tới với chúng ta và được thần học gia Phao-lô gọi là “đời sống trong Chúa Thánh Thần”, tức là chúng ta sống sự sống mới Thiên Chúa ban cho và sống theo đường lối của Người.

          Như thế, khi lãnh nhận Mình Máu Chúa Giê-su là chúng ta mở lòng lãnh nhận chính sự sống của Thiên Chúa, để chúng ta sống theo đường lối Thiên Chúa và đường lối ấy sẽ đưa chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu bên cạnh Đấng tạo dựng chúng ta.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Từng bước một, Chúa Giê-su giúp chúng ta hiểu ý nghĩa tại sao Người được Chúa Cha sai đến ở giữa chúng ta.  Tất cả chúng ta được kêu gọi lên đường trở về nhà Cha trong cuộc lữ hành trần thế này.  Chúng ta cần duy trì sự sống phần xác, nhưng cũng không thể sao lãng bồi dưỡng sự sống thiêng liêng.  Đến với Chúa Giê-su Thánh Thể và múc lấy ở nơi Người sự sống của Thiên Chúa, chẳng những chúng ta có sự sống nơi mình mà còn chuẩn bị cho sự sống đời đời của chúng ta.  Khi lãnh nhận Mình Máu Chúa Giê-su, Người muốn chúng ta “ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta”.  Chính Chúa Giê-su đã làm gương mẫu “ở lại với Chúa Cha” qua cầu nguyện và nhất là qua việc thi hành thánh ý Người.  Người ở lại với Chúa Cha đến cùng khi Người phó thác linh hồn trong tay Chúa Cha, để rồi sau khi sống lại từ kẻ chết, Người ở lại muôn đời với Đấng đã sai Người xuống trần gian.  Chúa Giê-su cũng ở lại với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể cho đến tận thế.  Vậy bạn sẽ đáp lời mời gọi “ở lại với Chúa Giê-su” như thế nào?  Dù chỉ là một ít phút đặc biệt sau khi bạn rước lễ, nhưng Chúa cũng vui lòng lắm đấy!

          Lm. Đaminh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B