CHÚA NHẬT XX
THƯỜNG NIÊN B
Cn 9,1-6 ; Ep
5,15-20 ; Ga 6,51-59
THÁNH THỂ ĐỔI MỚI VÀ
BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
I. HỌC
LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG : Ga 6,51-59
(51) Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này,
sẽ được sống muôn đời. Và Bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt Tôi
đây, để cho thế gian được sống”. (52) Người Do Thái liền tranh luận sôi
nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn Thịt
ông ta được ?” (53) Đức Giê-su nói với họ: “Thật, Tôi bảo thật các
ông: Nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có
sự sống nơi mình”. (54) Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì được sống
muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. (55) Vì
Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống. (56) Ai ăn
Thịt và uống Máu Tôi thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người
ấy. (57) Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ
Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như
vậy. (58) Đây là Bánh từ trời xuống. Không phải như bánh tổ tiên các
ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời.
(59) Đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội
đường ở Ca-phác-na-um.
2. Ý CHÍNH : Sau phép lạ nhân
bánh ra nhiều, tại hội đường thành Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đã giảng
về Bánh Hằng Sống là bí tích Thánh Thể. Nội dung bài giảng được tóm
lược như sau: Ai ăn Thịt và uống Máu Người, tức là lãnh nhận bí
tích Thánh Thể mà Người sẽ lập, thì ở đời này được kết hiệp mật
thiết với Người, được tham phần vào sự sống thần linh của Người, và
ngày tận thế sẽ được sống lại hưởng hạnh phúc muôn đời.
3. CHÚ THÍCH :
- C 51 : + Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống...: Đức
Giê-su tự xưng là tấm Bánh với hai đặc tính thần linh là “hằng sống”
và “từ trời xuống”. + Bánh Tôi sẽ ban tặng: Sẽ ban là
chưa ban ngay lúc này, nhưng sẽ ban khi lập bí tích Thánh Thể vào bữa
Tiệc Ly sau này (x. Mt 26,26-28). + Chính là Thịt Tôi đây : Thịt
(Sarx) trong ngôn ngữ Hy-Lạp ám chỉ con người toàn diện gồm cả xác
lẫn hồn. Thịt ở đây cũng chính là Thịt (Sarx) trong câu: “Ngôi Lời đã
hóa thành “nhục thể” – hay là “Thịt” (Sarx) hoặc “người phàm” (Sarx) -
và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14). Ở đây, “Bánh” được liên kết với
“Thịt” và với “Sự Sống”, là hai đặc tính của bí tích Thánh Thể. +
Cho thế gian được sống : Thịt của Đức Giê-su tức là bánh
Thánh Thể, là lương thực thần linh, sẽ đem lại hiệu quả là ban sự
sống cho người lãnh nhận.
- C 52-53 : + Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn
Thịt ông ta được ? : Dân chúng Do Thái nghe Đức Giê-su giảng và
đã hiểu đúng ý của Người. Đó là Người cho người ta ăn chính Thịt
của Người. Họ thắc mắc và phản đối Đức Giê-su vì nghĩ rằng Người
đã hóa điên khùng nên mới ăn nói bừa bãi như vậy. + Thật, Tôi
bảo thật các ông: Trước sự thắc mắc về việc cho người ta ăn
Thịt của mình, Đức Giê-su đã không làm dịu kiểu nói này lại và
cũng không cải chính để tránh cho họ hiểu sai ý mình, nhưng Người lại
tiếp tục xác quyết: “Thật, Tôi bảo thật các ông”. + Nếu các ông
không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi
mình : Đây là cách diễn tả khác nhằm nhấn mạnh sự thật này:
người ta chỉ có sự sống của Chúa nơi bản thân khi lãnh nhận bí tích
Thánh Thể, tức là ăn Thịt và uống Máu của Người.
- C 54-56 : + Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì được sống
muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết : Kẻ
lãnh nhận Thịt Máu Đức Giê-su trong bí tích Thánh Thể sẽ được tham
phần vào sự sống đời đời và được Đức Giê-su cho sống lại vào ngày
tận thế. + Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của
uống : Trong bốn câu liền (c. 53.54.55.56), Tin Mừng Gio-an dùng
cặp từ: Thịt (Sarx) và Máu (Haima) để chỉ con người toàn diện của
Đức Giê-su. + Thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy : Hiệu
quả của việc lãnh bí tích Thánh Thể là người ta được kết hiệp thân
mật với Chúa Giê-su. Nghĩa là được “ở lại” trong Người, đón nhận sự
sống dồi dào của Người và trở thành bạn tâm giao của Người, như
thánh Phao-lô đã viết : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là
Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).
- C 57-59 : + Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai
Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ
Tôi mà được sống như vậy : Đức Giê-su nói đến sự sống siêu
nhiên nhờ bí tích Thánh Thể. Ai ăn Bánh Thánh Thể thì sẽ được tham
phần vào sự sống siêu nhiên phát xuất từ nơi Chúa Cha thông qua Chúa
Giê-su. + Đây là Bánh từ trời xuống. Không phải như bánh tổ tiên
các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời :
Sự sống siêu nhiên mà Bánh Thánh Thể ban cho người lãnh nhận,
khác với sự sống tự nhiên thể xác do bánh Man-na mang lại. Vì thế
mà dân Ít-ra-en xưa, dù đã ăn Man-na trong sa mạc nhưng vẫn bị chết do
tội đã phạm. Còn ai ăn Bánh do Chúa Giê-su ban trong bí tích Thánh
Thể thì sẽ được sống đời đời, nhờ đón nhận được sự sống siêu nhiên
của Người.
4. CÂU HỎI : 1)Bánh Thánh do Đức
Giê-su hứa ban có hai đặc tính thần thiêng nào ? 2)Bánh đó sẽ được
ban khi nào và là Bánh gì ? 3)Từ Thịt (Sarx) trong tiếng Hy Lạp có
nghĩa là gì ? 4)Khi Đức Giê-su giảng sẽ ban Bánh Hằng Sống là Thịt
của Người trong bí tích Thánh Thể, người Do Thái đã hiểu như thế
nào ? Họ có hiểu đúng ý Người muốn nói hay không ? Tại sao ? 5)Khi
thấy họ phản đối, Đức Giê-su không những không sửa lại điều vừa nói
hay nói nhẹ bớt đi, mà Người lại càng nhấn mạnh thêm qua câu nói nào
? 6)Ai ăn Thịt uống Máu Đức Giê-su trong BT Thánh Thể sẽ nhận được
hiệu quả nào ? 7)Trong 4 câu liền (câu 53.54.55.56), Đức Giê-su dùng hai
từ Thịt và Máu ám chỉ điều gì ? 8)Câu nào cho thấy hiệu quả của
việc ăn Thịt uống Máu Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể ? Thánh
Phao-lô viết về sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su qua câu nào ?
9)Sự sống siêu nhiên nhận được do bí tích Thánh Thể là sự sống nào ?
10)Sự sống siêu nhiên nhận được từ Bánh Thánh Thể thời Tân ước với sự sống
tự nhiên từ Man-na thời Cựu ước khác nhau thế nào ?
II. SỐNG
LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA : “Bánh Tôi sẽ ban tặng chính là Thịt
Tôi đây để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).
2. CÂU CHUYỆN : MẸ CHỊU CHẾT CHO CON ĐƯỢC SỐNG
Vào cuối thế kỷ
trước, bên Anh quốc có phong trào di dân sang lập nghiệp tại Úc Châu.
Trên một chiếc thuyền buồm chở người di cư, có một bà mẹ trẻ góa
chồng, mang theo một đứa con thơ còn đang bú sữa mẹ. Sau khi khởi hành
được một tuần, thì một cơn bão bất ngờ ập đến làm biển động dữ
dội, con thuyền bị sóng đánh tơi tả và cột buồm bị gãy. Từ đó, con
thuyền bị lênh đênh trên mặt biển trong nhiều ngày. Lương thực trên
thuyền dần dần cạn kiệt. Nhiều người đã bị chết đói và bị thủy thủ
quăng xuống biển. Vào một buổi sáng người ta phát hiện ra bà mẹ trẻ
kia cũng bị chết đói, đang khi đứa con bên cạnh vẫn đang sống. Thì ra
bà này trước khi chết đã dùng dao cứa đứt đầu ngón tay út và cho
con bú máu mình thay cho sữa mẹ. Bà đã hy sinh chết để cho con bà
được sống ! Về sau đứa trẻ kia lớn lên đã trở thành một vị dân biểu
nổi tiếng trong vùng. Ông luôn nhớ đến công ơn trời biển của người mẹ
đã hy sinh lấy máu mình nuôi ông khỏi chết. Rồi một hôm, ông đã đứng
trên diễn đàn quốc hội kể lại câu chuyện thời thơ ấu của mình, và
đề nghị quốc hội chọn một ngày trong năm để tôn vinh các bà mẹ,
nhắc nhở con cái bổn phận hiếu thảo với các bà mẹ của mình. Đó là
nguồn gốc ngày Quốc Tế Các Bà Mẹ hiện nay.
3. SUY NIỆM :
Câu chuyện bà mẹ nuôi con bằng dòng máu của mình, là hình
ảnh tuyệt hảo nói lên tình thương của Đức Giê-su khi lập bí tích
Thánh Thể để tự hiến mình trở nên Bánh thiêng nuôi dưỡng và abn sự sống đời
đời cho chúng ta. Vậy Bánh Thánh Thể
là gì?
+ SỨ MỆNH CỦA BÁNH : Bánh là lương thực có thể ăn được
và giúp người ta duy trì sự sống (Ga 6,51). Bánh không sống cho mình, mà
luôn sống “vì và cho” con người. Đức Giê-su tự xưng mình là Bánh, vì Người
đã tự hủy mình, hy sinh bản thân để cho loài người được sống. Chỉ
khi nào chúng ta sẵn sàng hy sinh bản thân để cho tha nhân được sống
thì bấy giờ ta mới trở thành tấm bánh giống Bánh Thánh Thể của Đức
Giê-su.
+ ĂN BÁNH THÁNH THỂ LÀ ĐÓN NHẬN ĐỨC GIÊ-SU : Đức Giê-su nói
: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa
Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy”
(Ga 6,57). Khi lên rước lễ, là chúng ta được sống nhờ, sống trong
và sống cho Đức Giê-su, như cành nho chỉ sống nhờ hút được nhựa
sống từ thân cây chuyển sang (x. Ga 15,5).
+ ĐỨC GIÊ-SU LÀ TẤM BÁNH ĐỂ NGƯỜI TA ĂN : Trong nhiều thế
kỷ, Hội Thánh đã nhìn và thờ lạy Bánh Thánh Thể hơn là cầm lấy
mà ăn. Động từ ăn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Tin Mừng hôm
nay, như một lời mời gọi tha thiết của Đức Giê-su là: hãy siêng năng
tham dự bữa tiệc Thánh Thể do Người khoản đãi, với hai của ăn là Lời
Chúa và Mình Thánh Chúa.
+ PHẢI ĂN BÁNH THÁNH THỂ THẾ NÀO ? : Để việc rước lễ mang
lại lợi ích thiêng liêng, thì người rước lễ cần được chuẩn bị
trước, và phải đối thoại thân tình với Chúa Thánh Thể sau khi rước
Người. Cần tránh rước lễ như một thói quen hay do vị nể, rước lễ để làm
vui lòng người khác, nên thiếu chuẩn bị và không thưa chuyện với Chúa
sau khi rước lễ. Ngày nay tuy các tín hữu đã lên rước lễ nhiều hơn,
nhưng phần đông lại rước Mình Thánh Chúa cách hờ hững : Thiếu tâm tình
mến Chúa, bỏ phút thinh lặng thánh sau rước lễ, ra về sớm để tiện
lấy xe và lo việc làm ăn, hay đi dự liên hoan với bạn bè... Vì thế việc
rước lễ đã trở thành một lễ nghi hình thức : Là lên đón nhận một
tấm Bánh Thánh, thay vì lên gặp gỡ Chúa Thánh Thể. Quả thật, ít có
vị khách quí nào lại bị chủ nhà tiếp đón cách lạnh nhạt như Chúa
Giê-su Thánh Thể ! Do đó, dù năng dự lễ rước lễ hằng ngày, nhưng nhiều
người vẫn không gặp được Chúa Giê-su, không được ơn biến đổi, nên vẫn sống
vô cảm, ích kỷ, tự mãn, lười biếng và vô trách nhiệm… như nhiều năm về trước !
4. THẢO LUẬN : 1)Khi dự lễ, chúng ta phải làm gì trong
phần Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể để được Lời Chúa
giáo huấn và nhận được dồi dào hồng ân Chúa ban ? 2) Chúng ta phải làm
gì trước và sau khi rước lễ để có thể gặp gỡ Chúa Giêsu và được ơn đổi mới
hầu sau này được sự sống đời đời ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Con cảm thấy có sự tương tự giữa thân phận
làm Bánh của Chúa với thân phận làm người của con. Nhờ ăn Bánh Thánh
Thể của Chúa, con sẽ được biến hóa nên tấm bánh thơm ngon, được bẻ ra
để phục vụ tha nhân. Ước gì con dám đón Chúa vào vùng mờ tối của
lòng con, để sự hiện diện của Chúa làm cho lòng con được bừng sáng ngọn
lửa tin yêu. Ưốc gì sau khi đón nhận Chúa vào lòng, con sẽ trở thành Nhà
Tạm di động, mang Chúa là Tình Yêu đi chia sẻ cho những người chung quanh,
để họ cũng được hưởng hạnh phúc đời đời với con.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.
Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN
VINH
www.hiephoithanhmau.com