Chúa Nhật 21 Thường Niên Năm B
Bánh Ban Sự Sống
(Yôsua 24,1-2a.15-17.18b; Thư Êphêsô 5,21-32; Tin Mừng Yoan
6,60-69)
Phúc Âm: Ga 6, 61-70
"Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có
những lời ban sự sống".
Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói
rằng: "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" Tự biết rằng các môn đệ
đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: "Ðiều đó làm các con khó
chịu ư? Vậy nếu các con thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần
trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các con
là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các con có một số không tin". Vì từ
đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và
Người nói: "Bởi đó, Ta bảo các con rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu
không được Cha Ta ban cho". Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn
theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: "Cả các con,
các con có muốn bỏ đi không?" Simon Phêrô thưa Người: "Lạy Thầy,
chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng
con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô Con Thiên
Chúa".
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXI Thường Niên Năm B
Yôsua 24,1-2a.15-17.18b; Thư Êphêsô 5,21-32;
Tin Mừng Yoan 6,60-69
Ðể sống tình cảm và đời sống gia đình, trong
thực tế có nhiều khó khăn. Không giải quyết và lướt thắng được, trái tim con
người sẽ luôn bất an và buồn chán. Cuộc đời của họ có thể như xây nhà trên cát,
vì con sâu buồn bực, hận thù hay thất vọng ở trong ruột gan họ sẽ đục khoét mọi
công trình xây cất do bàn tay và trí óc họ làm ra. Các bài Kinh Thánh đọc trong
thánh lễ hôm nay không đề ra hết mọi lời khuyên để giải quyết; nhưng nếu thực
hành được những lời đạo đức này có lẽ con người sẽ tìm ra lẽ sống cho cuộc đời
nhiều khi khó khăn.
1. Hãy Tin Vào Quá Khứ
Bài sách Yôsua cho chúng ta được chứng kiến
cuộc họp mặt cuối cùng giữa nhà lãnh đạo quần chúng và đại biểu con cái nhà
Yôsua nhận thấy nguy cơ thật trầm trọng... Ông
cố gắng một lần cuối cùng. Thu góp sức lực của tuổi già lại, ông triệu tập một
cuộc họp đông đủ các đại biểu con cái nhà
Có lẽ đây không phải là một cuộc họp cử hành
Phụng vụ, mặc dù sách viết: họ đứng chầu trước nhan Thiên Chúa. Chúng ta không
nhận thấy sự hiện diện của hàng tư tế. Và sau khi họp bàn xong, họ đã ra về mà
không làm một lễ dân nào. Câu viết kia chỉ có nghĩa là họ ý thức đang đứng
trước mặt Yavê, đang ở nơi thánh địa của Người, đang làm việc dưới con mắt vô
hình của Ðấng Thiên Chúa toàn năng.
Yôsua khai mạc phiên họp bằng cách nhắc lại quá
khứ, để tất cả cùng nhờ Thiên Chúa đã hướng dẫn, bảo hộ, săn sóc dân như thế
nào. Rồi ông kết luận: "Bây giờ các ngươi không bằng lòng phụng thờ Yavê
thì cứ chọn lấy ai mà thờ, hoặc là các thần của tổ tiên trước khi họ đặt chân
đến xứ này, hoặc là các ngẫu tượng của dân bản xứ mà Yavê đã giúp các ngươi
đánh đuổi. Phần ta và cả nhà ta, sẽ phụng thờ Yavê".
Nói thực ra, sau những lời này, dân không còn
chọn lựa nào khác là cùng nhất trí với Yôsua. Họ vừa nớ lại công ơn của Thiên
Chúa. Họ thấy rõ nhờ Người mà họ được như ngày hôm nay. Quá khứ của họ được xây
dựng nhờ sự hướng dẫn bảo hộ của Người. Toàn dân mủi lòng nghĩ đến sự vô tâm
của họ trước đây đối với Yavê... Họ đồng thanh trả lời với Yôsua: "Quái gỡ
thay nếu chúng tôi bỏ Yavê để phụng thờ những thần khác... Vậy cả chúng tôi
nữa, chúng tôi cũng sẽ phụng thờ Yavê vì Người là Thiên Chúa của chúng
tôi".
Dĩ nhiên, đọc câu truyện trên đây cho chúng ta
nghe hôm nay, phụng vụ chỉ muốn nhắc nhở chúng ta nghĩ lại quá khứ đã ràng buộc
chúng ta lại với Thiên Chúa để chúng ta suy nghĩ lại về lòng trung thành của
mình đối với Người... Nhưng chẳng có gì cấm chúng ta áp dụng những điều này vào
trong đời sống tình cảm và đời sống gia đình của chúng ta. Việc nhớ lại mối
tình đầu và những chặng đường đã cùng nhau sát cánh qua bao nhiêu đắng cay ngọt
bùi, không có sức giúp chúng ta lướt thắng những trục trặc và khó khăn hiện tại
trong tương quan đối với bạn hữu và người thương của mình sao? Nhưng không phải
chỉ có quá khứ, còn tương lai nữa. Và điều này chúng ta có thể nhận ra từ bài
Tin Mừng Yoan.
2. Hãy Hy Vọng Ở Tương Lai
Ðoạn văn này kết thúc diễn từ của Ðức Yêsu về
bánh ban sự sống. Chúng ta hẳn còn nhớ những lời cuối của Người đã nói: Thịt Ta
thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống... ai không ăn và không uống Thịt Máu
này sẽ không được sống. Còn ai ăn và uống sẽ lưu lại trong Ta và Ta ở trong kẻ
ấy.
Ðó là những lời "sống sượng". Chắc
chắn quần chúng đã không chấp nhận. Nhưng lạ kỳ thay: Thánh Yoan không để ý đến
phản ứng của quần chúng. Người nhìn vào hàng môn đồ của Ðức Yêsu. Ðây không
phải chỉ là nhóm 12. Có nhiều người khác nữa vẫn đi theo Người. Họ đã ở trong
đám đông hay ở gần Người trong suốt bài diễn từ. Nhưng tác giả Yoan đã không
chú ý đến họ. Nói đúng hơn trong chương 6 của sách Tin Mừng này, ông có lối
trình bày kỳ cục. Lúc Ðức Yêsu làm phép lạ bánh hóa nhiều thì có mặt các môn đệ
ở giữa quần chúng (6,1-15); sau đó chỉ nguyên có môn đồ trên thuyền gặp sóng
gió (6,15-21). Khi đã vào bờ an toàn và gặp đông đủ quần chúng, họ lại có mặt
trong khi Ðức Yêsu giảng (6,22-59). Lúc Người giảng xong, trở lại chỉ còn có
mình họ mà thôi (6,60-66). Và lần này sự việc cũng xảy ra một cách buồn thảm
như khi gặp sóng gió.
Tại sao tác giả Yoan lại bố cục bài trình bày
như vậy?
Phải chăng người muốn nói rằng sứ điệp của Ðức
Yêsu gồm cả việc làm và lời nói, tuy diễn ra ở trước mặt toàn dân, nhưng cuối
cùng sẽ có ảnh hưởng trên một số ít người, những kẻ thân cận với Người hơn cả,
để bó buộc người ta phải lựa chọn và sự lựa chọn này sẽ quyết định tương lai
của Tin Mừng ở giữa loài người? Chúng ta cứ nghĩ lại mà xem. Sau khi Ðức Yêsu
làm phép lạ hóa bánh ra nhiều rồi lẫn trốn lên núi để tránh bị lôi vào phong
trào muốn có một vị cứu tinh trần tục, tác giả Yoan đã thuật truyện thuyền các
môn đồ gặp biển động và cuồng phong. Có thể nói người đưa sự ngỡ ngàng và thắc
mắc của tất cả quần chúng trước thái độ ly kỳ của Ðức Yêsu vào trong tâm hồn
các môn đồ để nó tụ lại ở đây và làm sóng, làm gió thử thách đức tin của những
kẻ đi theo Chúa. Cũng vậy, sau khi Ðức Yêsu đã nói những lời khó nghe về thịt
và máu Người là của ăn và của uống, Yoan đã đem tất cả phản ứng của quần chúng
vào trong tâm hồn các môn đồ để làm nổi bật tính cách cam go của cuộc phấn đấu
mà đức tin đang gặp phải. Những năm sau Công đồng Vatican II không có một hiện
tượng như vậy sao? Cuộc khủng hoảng ở trong dân chúng đã làm mưa to gió lớn
trong đời sống tu trì và tông đồ.
Vậy phản ứng của môn đồ thật ra là của tất cả
mọi người kết tinh lại để đi đến một thái độ phải dứt khoát trong lựa chọn� Họ lấy làm gai chướng về các lời của Ðức Yêsu.
Người thương họ và muốn cứu giúp họ như trong trường hợp thuyền họ gặp sóng
gió. Hôm ấy, Người đã hiện ra với họ, tỏ mình ra cho họ và lập tức thuyền họ đã
cập bến bình an. Hôm nay lẽ ra họ còn phải nhớ câu truyện ấy. Quá khứ lẽ ra
phải củng cố niềm tin của họ. Nhưng dường như không phải như vậy. Ðức Yêsu còn
gợi lại hình ảnh trước; nhưng Người còn mạc khải cả tương lai nữa để họ biết
chấp nhận hiện tại.
Người nói: "nếu các ngươi trông thấy Con
Người lên nơi Ngài đã có trước...?" Những chữ "trông thấy" có
thể gợi lên cảnh tượng trên mặt hồ sóng gió lúc Người hiện đến với họ. Nhưng
lập tức những chữ ấy đã đưa về tương lai, ám chỉ việc Ðức Yêsu sẽ phục sinh,
lên trời và hiện đến trong vinh quang. Người muốn ám chỉ rằng nếu lần thấy
Người trong quá khứ đã có thể đem bình an lại cho họ, thì huống nữa là những
điều họ sẽ thấy trong tương lai!
Tuy nhiên những lời như vậy chỉ có giá trị cho
những tâm hồn có một chút thái độ tin tưởng và phó thác. Chứ đối với những con
người xác thịt, chỉ muốn nắm ngay những gì ăn chắc, thì những lời đó không có
ảnh hưởng gì cả. Thành ra nhiều môn đồ đã rút lui, không còn đi theo Ðức Yêsu
nữa.
Nhìn vào đám 12 còn lại, mà từ nay sẽ trở thành
Tông đồ, Ðức Yêsu muốn họ xác định lập trường. Simon Phêrô thay mặt anh em nói
lên những lời tỏ rõ niềm tin như các sách Tin Mừng khác đã thuật lại khi các
ngài đối thoại ở Cêsarê: Ngài là Ðấng Thánh của Thiên Chúa. Ngài có những lời
đem lại sự sống đời đời. Chúng tôi sẽ bỏ Ngài đi theo ai?
Thế là từ nay Ðức Yêsu có một số ít đi theo
Người. Còn đại đa số đã rút lui. Người sẽ đi với số ít này lên Núi Sọ dẫn đến
vinh quang phục sinh, đang khi đại đa số sẽ dùng tay bọn quá khích và tên môn
đồ phản bội để giết Người. Bọn này đã không nhớ lại việc làm và lời nói của
Người ở trong quá khứ; và cũng chẳng có tinh thần vươn về tương lai mà nhiều
lần Người đã gợi ra cho họ.
Nhiều người nơi chúng ta trong đời sống đối với
Chúa và Hội Thánh cũng như đối với tha nhân bạn hữu và các người trong gia
đình, không lướt thắng nổi các khó khăn, khủng hoảng, cũng chỉ vì đã hết quý
hóa mọi tương quan thắm thiết trong quá khứ, và không có đủ sức mạnh tinh thần
để tin tưởng vào tương lai. Nhiều cuộc ly dị hôn nhân đã xảy ra vì vậy. Nhiều
sự cộng tác gãy gánh cũng thế. Và tất cả như vậy, cuối cùng, chỉ vì những suy
nghĩ về quá khứ và tương lai không đủ mạnh đối với bộ mặt cam go của thực tế
trong hiện tại. Lời Chúa hôm nay dùng bài Thánh Thư để giúp đỡ chúng ta về điểm
này.
3. Hãy Hiểu Biết Hiện Tại
Thánh Phaolô bắt đầu khuyên tín hữu về các
tương giao và tương quan xã hội trong mầu nhiệm Ðức Kitô. Và trước hết người đề
cập tới tương quan phu phụ.
Người không có những lý do cụ thể đặc biệt nào
để đề cập vấn đề này đâu. Thư Êphêsô ít có tính cách cụ thể hơn cả, theo nghĩa
đã không do hoàn cảnh cụ thể nào thôi thúc tác giả viết ra. Có thể nói nó không
phải là thư trao đổi tin tức, hay muốn giải quyết vấn đề gì. Nó là một
"luân thư", mượn hình thức thư từ để trình bày giáo lý.
Ở đây tác giả ca tụng mầu nhiệm cứu thế của Ðức
Kitô đã đem đến cho chúng ta một sự sống mới. Ơn của Người phải phát huy ra
trong đời sống, và trong các tương quan xã hội, mà gia đình là một môi trường.
Tình yêu phu phụ giữ vai trò trọng yếu. Nó cũng phải được thấm nhuần mầu nhiệm
Ðức Kitô.
Vậy nhìn tương quan phu phụ trong mầu nhiệm
này, thánh Phaolô một đàng không thể quên hình ảnh Yavê là hôn phu của dân
Người; và do đó Ðức Kitô là hôn phu của Hội Thánh. Ðàng khác, ở những trang đầu
tiên trong bộ Thánh Kinh (Kn 2,24) người ta đọc thấy: "Bởi thế mà đàn ông
sẽ bỏ cha mẹ và khăng khít với vợ mình và hai chúng sẽ nên một thân xác".
Có lẽ câu Kinh Thánh này đã bị nhiều người lợi dụng và cắt nghĩa không chỉnh.
Phaolô đem đọc dưới ánh sáng của mầu nhiệm Ðức Kitô và thấy ngay câu ấy viết về
sự mật thiết của Ðức Kitô và Hội Thánh. Cả hai là một đến nỗi không thể rời
nhau được nữa.
Nhưng không phải là không có thứ tự. Ðức Kitô
đã yêu thương trước và đã phó nộp mình để làm ra Hội Thánh trong sạch không một
vết nhơ. Người trở thành đầu của Hội Thánh, có uy quyền trên Hội Thánh, nhưng đó
là thứ uy quyền của tình yêu, phục vụ.
Và Phaolô kết luận, chồng hãy cư xử với vợ mình
như thế; và vợ hãy đối với chồng mình như Hội Thánh đối với Ðức Kitô.
Chắc chắn đây là những tư tưởng rất cao cả mà
Phaolô gọi là mầu nhiệm lớn. Chấp nhận như vậy thì mọi vấn đề cụ thể khác dù có
to cũng trở thành nhỏ, có khó cũng trở nên dễ. Bởi vì mọi thực tại trần gian đã
được cuốn vào đà thăng tiến của mầu nhiệm Ðức Kitô. Và từ nay người có đức tin Kitô
giáo có thể nhờ lòng tin cậy mến để chấp nhận và thăng tiến mọi sự kiện và
tương quan ở đời.
Do đó không cần những cái nhìn về quá khứ hay
về tương lai cho bằng cần có cái nhìn đức tin về hiện tại, là chúng ta có thể
tìm ra lẽ sống tốt đẹp và phong phú ở trong hết mọi hoàn cảnh. Nói đúng hơn,
quá khứ và tương lai chỉ cần để xây dựng niềm tin hiện tại. Cũng như giờ đây
chúng ta cũng cần biết lịch sử thánh gồm cả quá khư và tương lai để tuyên xưng
đức tin trong hiện tại hầu cử hành mầu nhiệm thánh. Chính đức tin hiện tại
khiến chúng ta công nhận bánh rượu này sẽ là Thịt Máu Chúa Kitô để ban cho ai
lãnh nhận với đức tin được sự sống mới, hầu sống cách mới mẻ mọi thực tại và
tương quan ở đời.
Như vậy, chính niềm tin sẽ đánh giá thái độ của
chúng ta trong giờ phút này và trong khắp đời sống. Chúng ta hãy sốt sắng xin
cho mình được niềm tin ấy trong bản tuyên xưng đức tin đọc bây giờ.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)