CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG
NIÊN
Cốt lõi của việc thờ
phượng Chúa
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô
7:1-8a,14-15,21-23)
Chúng ta vẫn biết Chúa Giê-su có một lối đối đáp hoặc hóa
giải sự tấn công và bắt bẻ của đối phương rất là kỳ diệu, thí dụ trường hợp
nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Người có nên nộp thuế cho vua Xê-da không. Hôm nay qua bài Tin Mừng, Chúa Giê-su lột mặt
nạ đạo đức giả của họ bằng cách trích dẫn lời ngôn sứ I-sai-a định nghĩa thế
nào là kẻ đạo đức giả. Hơn thế nữa Người
còn dùng một thí dụ cụ thể về ăn uống và tiêu hóa để bênh vực cho hành động của
các môn đệ Người khi họ chưa rửa tay mà đã dùng bữa.
Trước hết chúng ta phải lấy làm lạ về thái độ thù nghịch
của nhóm Pha-ri-sêu và các kinh sư! Họ
bám sát Chúa Giê-su để sẵn sàng tìm những sơ hở, từ lời nói cho đến hành động
của Người để bắt bẻ và làm cho Người mất uy tín. Vì thế, họ đã mất công “từ Giê-ru-sa-lem
đến”. Không tìm thấy được gì sai sót ở
nơi Người, họ liền quay sang các môn đệ Người và “họ thấy vài môn đệ của Người
dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa”.
Và đây là cơ hội để họ tấn công Người.
Họ chất vấn Chúa tại sao không dạy dỗ các môn đệ giữ truyền thống của
tiền nhân. Ý của họ là cho người ta thấy
nếu trò mà như vậy thì thầy sẽ thế nào.
Đó chính là bối cảnh Chúa Giê-su thẳng thắn đối đầu với họ, không phải
với mục đích “hạ” họ, nhưng là Người đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết mong họ “bỏ
đường lối gian ác mà quay về với Thiên Chúa”.
Chúa Giê-su đan cử lời ngôn sứ I-sai-a nói về kẻ đạo đức giả. I-sai-a không dùng lời lẽ trừu tượng để nói
thế nào là kẻ giả đạo đức, nhưng ngài lấy một việc làm quan trọng nhất của dân
Do-thái để diễn tả, đó là việc thờ phượng Thiên Chúa. Đúng vậy, bản chất của kẻ đạo đức giả bộc lộ
rõ ràng qua sự kiện “tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta”
(I-sai-a 29:13). Cốt lõi của việc thờ
phượng là tấm lòng con thảo của chúng
ta đối với Chúa, còn những cái bề ngoài chỉ là phương tiện để chúng ta biểu lộ
tấm lòng. Như thế, kẻ đạo đức giả đã đảo
ngược, bỏ đi cái cốt lõi để lấy phương tiện làm mục đích, nói khác đi, dùng
việc bề ngoài để tỏ ra mình đạo đức! Tóm
lại, kẻ đạo đức giả không thờ phượng Chúa, mà là thờ phượng chính bản thân
mình, muốn làm cho danh mình được cả sáng.
Dân Do-thái, nhất là những kẻ đối nghịch với Chúa Giê-su,
đã thiếu tấm lòng, tấm lòng đối với Thiên Chúa và với tha nhân. Do đó, Chúa Giê-su dùng một hình ảnh cụ thể
để nói lên tầm quan trọng của tấm lòng:
việc ăn uống và tiêu hóa. Khi ăn,
đồ ăn từ bên ngoài qua miệng chúng ta mà vào dạ dày dĩ nhiên không làm cho
chúng ta thành dơ bẩn. Trái lại, những
thứ đã được tiêu hóa thành phân và chúng ta thải ra ngoài mới làm cho chúng ta
ô uế! Đó là hình ảnh cụ thể để Chúa áp
dụng vào lãnh vực tâm linh. Những ý định
xấu từ trong lòng chúng ta phát xuất sẽ làm cho chúng ta thành ô uế, nghĩa là
thành kẻ tội lỗi.
Chúa Giê-su tích cực bênh vực các môn đệ. Ngài muốn nói rằng việc họ không rửa tay
trước khi ăn hay không giữ tập tục tiền nhân chỉ là những việc bề ngoài và
không thể làm cho họ thành những kẻ ô uế tâm hồn. Trong khi đó, Pha-ri-sêu và kinh sư vỗ ngực
là mình sạch bề ngoài bằng cách giữ truyền thống lại là những kẻ ô uế tâm hồn
vì những ác ý của họ!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chất “đạo đức giả” hầu như gặp thấy trong máu tất cả chúng
ta và thường chúng ta phải vất vả lắm mới làm chủ được nó. Nhiều khi chúng ta dự Thánh lễ, đọc kinh…,
chất độc đạo đức giả ấy vẫn hoạt động trong tâm hồn, nhẹ thì là làm cho chiếu
lệ qua lần hoặc như thói quen, nặng thì là nhắm mục đích phô trương cho người
khác thấy mình đạo đức! Làm sao bây
giờ? Trước hết chúng ta phải biết Chúa muốn điều gì nơi chúng ta. Người
muốn tấm lòng chúng ta, chứ không
phải lễ lạt rềnh rang. Chúa không muốn
đếm coi chúng ta “xem” bao nhiêu lễ, “lần” bao nhiêu chuỗi, “đọc” bao nhiêu thứ
kinh… Nhưng Người muốn chính trái tim chúng ta, trái tim “vui mừng và hy vọng,
ưu sầu và lo lắng” (Gaudium et spes) được dâng lên Người để Người có cơ hội
chạnh lòng thương chúng ta. Chúa cần một
điều nơi chúng ta thôi, đó là tấm lòng!
Lm. Đa-minh
Trần đình Nhi