Chúa Nhật 25 Thường Niên Năm B
Người
Khiêm Nhường Không Tranh Làm Lớn
(Khôn ngoan 2,12.17-20; Yacôbê 3,16-4,3; Marcô 9,30-37)
Phúc Âm: Mc 9, 29-36
"Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn
nhất, thì hãy tự làm người rốt hết".
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi
xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người
dạy dỗ và bảo các ông rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ
giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Nhưng các ông
không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người
hỏi các ông: "Dọc đàng các con tranh luận gì thế?" Các ông làm thinh,
vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi
xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn làm lớn nhất,
thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người". Rồi Người đem một
em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: "Ai đón nhận
một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình
Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp
Ðấng đã sai Thầy".
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm B
Khôn ngoan 2,12.17-20; Yacôbê 3,16-4,3; Marcô
9,30-37
Nếu Chúa nhật trước là Chúa nhật Người Tôi Tớ,
thì Chúa nhật hôm nay có thể gọi là Chúa nhật Người khiêm nhượng. Và nội dung
của hai ngày cũng gần giống nhau. Vì Người Tôi Tớ thì phải khiêm nhường và
Người khiêm nhường thì phải trở nên như Tôi Tớ. Hai quan niệm tôi tớ và khiêm
nhường đều chói tai người thời đại ta, nhưng là những thái độ căn bản của Kitô
giáo. Chính Ðức Kitô đã hạ mình xuống cho đến chết và chết trên thập giá để
thực hiện mọi lời tiên tri về Người Tôi Tớ. Và Người dạy ai muốn theo Người
cũng phải vác lấy thập giá của mình mà bước theo... Thế nên, chúng ta cũng phải
đi vào con đường khiêm cung như những người tôi tớ.
Nhưng khiêm tốn, hoặc khiêm nhường và khiêm
cung theo giáo huấn của Chúa là gì? Ba bài Kinh Thánh hôm nay không có ý trả
lời đầy đủ nhưng vạch ra những phương hướng chính yếu để giúp chúng ta suy niệm.
1. Người Khiêm Nhường Không Tranh Làm Lớn
Phần sau của bài Tin Mừng hôm nay như muốn đặt
điều kiện tiên quyết cho những ai muốn đi vào con đường khiêm tốn, cũng là
chính con đường mà Ðức Kitô đã đi ở trần gian này... Thánh Marcô kể: hôm ấy Ðức
Yêsu đang đi với các môn đệ. Người tránh, không muốn cho ai biết Người. Người
sợ người ta nô nức đi theo Người như chạy theo một "người lớn". Hơn
nữa, đang khi đi đường Người còn nói rõ cho môn đệ biết: Người sẽ bị nộp, bị
giết. Người thì như vậy và tâm hồn Người thì như thế. Nhưng các môn đệ và đầu
óc họ thì lại khác hẳn. Họ không tìm hiểu lời Người nói về thái độ và đời sống
khiêm nhường, nhưng lại tranh biện với nhau xem ai là "người lớn
nhất".
Mặc cho họ nói, Người lặng thinh cho đến khi về
tới nhà. Nếu được nghĩ theo biểu tượng thì chúng ta có thể nói rằng: đang khi
còn hành trình ở trần gian, Ðức Yêsu chỉ có thể sống khiêm cung và hạ mình
xuống cho đến chết và chết trên thập giá; nhưng khi Người chưa thể dạy môn đệ
hiểu được bài học khiêm nhường. Phải đợi khi đã về tới nhà tức là đạt tới mầu
nhiệm Phục sinh đưa Người về với Chúa Cha và được đặt lên làm Chúa và làm Thầy,
bấy giờ Ðức Yêsu mới có thể "ngồi" và gọi môn đệ lại để dạy cho họ
biết ai muốn làm lớn thì phải trở nên rốt bét và trở thành tôi tớ cho mọi người.
Chúng ta có thể hiểu đoạn Tin Mừng hôm nay như
vậy, vì trong Phúc Âm Yoan cũng có một đoạn tương tự mà ý tưởng rõ rệt hơn. Hôm
ấy Ðức Yêsu đang chủ tọa bàn tiệc ly, Người được công nhận là Thầy, là Chúa;
thế mà Người lại đứng lên cởi áo khoác ra, thắt lưng lại như Người Tôi Tớ và
cầm chậu nước đi rửa chân cho môn đệ. Họ kinh ngạc trố mắt ra, chẳng hiểu gì.
Người an ủi sau này họ sẽ hiểu. Tức là phải đợi đến khi Người đã hạ mình xuống
trong mầu nhiệm thập giá, họ mới hiểu hành vi Người làm hôm nay... Người muốn
trở thành tôi tớ rửa chân cho họ để họ sẽ bắt chước thành tôi tớ rửa chân cho
nhau. Người muốn đi vào đường lối khiêm cung để họ cũng trở nên những người
khiêm nhường.
Hôm nay Người chưa thi hành việc rửa chân.
Nhưng Người cũng làm một cử chỉ lạ thường. Người kêu một em bé lại, đặt em đứng
giữa môn đệ, rồi ôm lấy em Người nói với họ: ai tiếp đón một em bé như thế này
nhân danh Ta là tiếp đón Ta; và ai tiếp đón Ta, thì không phải tiếp đón chính
Ta nhưng là tiếp đón Ðấng sai Ta.
Chúng ta hãy để ý: Người không hề ám chỉ đến sự
đơn sơ, vô tội của em bé. Tư cách duy nhất Người muốn nêu lên là sự bé nhỏ, là
thân phận chưa phải là người lớn nhưng còn sống lệ thuộc vào cha mẹ. Người đồng
hóa với em bé để nói lên quan điểm của Người không muốn làm lớn mà chỉ muốn
khiêm cung. Và người ta phải đón nhận Người trong tư thế khiêm tốn đó; khiến
người ta cũng phải khiêm cung.
Ðừng bảo đấy là con đường không lớn. Ngược lại,
đó mới là đường lối lớn thật, vì nó dẫn người ta lên tới Chúa Cha là Ðấng lớn
hơn hết, khiến người ta cũng được lên cao hơn cả... Dĩ nhiên lý luận này là lý
luận của mầu nhiệm thập giá. Người ta chỉ có thể hiểu nếu tin ở mầu nhiệm tử
nạn phục sinh, là mầu nhiệm thực hiện mọi lời tiên tri về Người Tôi Tớ. Chính
câu kết của bài Tin Mừng hôm nay cũng y hệt câu kết của bài tường thuật việc
rửa chân trong Yoan 13,20 khiến chúng ta càng thâm tín phải đọc đoạn Tin Mừng
Marcô hôm nay trong viễn tượng của mầu nhiệm thập giá.
Ðức Yêsu đã dứt khoát đi vào con đường tự hạ để
trở thành người tôi tớ. Và Người dạy chúng ta phải đi vào đường lối ấy. Nó khác
với quan niệm làm lớn của các môn đệ khi chưa thấy mầu nhiệm thập giá. Nhưng
khi thấy rồi, họ mới tuyên xưng đó mới là đường lối làm lớn thật sự vì nó dẫn
người ta lên tới Thiên Chúa. Ðang khi óc làm lớn theo nghĩa xác thịt chỉ dẫn
đến bất hòa và mất tin tưởng. Bài Tin Mừng hôm nay cũng gợi lên điểm này, nhưng
chưa rõ rệt bằng bài thư Yacôbê mà chúng ta muốn nói đến bây giờ.
2. Người Tranh Làm Lớn Không Công Chính
Ðể tránh những sự hiểu lầm thiết tưởng cần lưu
ý ngay rằng: Ở đây thánh Yacôbê cũng như thánh Marcô đang nói với các tín hữu.
Các ngài công kích những người trong bọn họ muốn tranh những chỗ nhất ở giữa
cộng đồng dân Chúa. Ít ra, trước đây họ chỉ là những thành phần
"không-không" ở giữa thế gian nhưng đã được ơn Chúa kêu gọi để làm
giàu cho bằng bao ơn thiêng. Bây giờ họ lẫn lộn bình diện Nước Trời và bình
diện thế gian. Họ tưởng các ơn thiêng cũng giống như phương tiện vật chất. Họ
nghĩ mình đã được ơn Chúa tuyển chọn thì cũng phải được địa vị và danh dự trước
mặt người đời. Thế nên họ đặt vấn đề ai là người lớn hơn trong bọn họ. Họ quên
Chúa đã cứu họ trong mầu nhiệm thập giá... Người tự đồng hóa với người môn đệ
bé nhỏ, tức là khiêm nhu. Người yêu những môn đệ như thế và những người này
chiếm chỗ nhất trong trái tim và ở trước mặt Người.
Nhưng nhiều kẻ không tin như vậy. Họ lại trở về
quan điểm của thế gian. Họ muốn khôn ngoan theo kiểu loài người. Thành ra
"cái dục tình lại làm giặc nơi chi thể của họ". Họ ao ước mà không có
được; họ ghen tương mà không đạt nổi; họ có cầu xin cũng không được chấp nhận
vì Thiên Chúa không thể thỏa mãn lòng dục của họ. Sống với cảm nghĩ ghen tương
tranh chấp như thế, họ không còn được bình an nữa và đâm ra làm đủ thứ tệ đoan.
Thánh Yacôbê muốn phân tách để họ thấy căn
nguyên của những nếp sống như vậy là sự mất niềm tin và đã trở về sự khôn ngoan
thế tục. Muốn có những hoa quả công chính, tức là đời sống tốt lành, người ta
phải có sự khôn ngoan bởi trời là tinh tuyền, bao dung, nhún nhượng, đầy tình
thương. Suy nghĩ kỹ những lời này, chúng ta sẽ nhận ra thánh Yacôbê không muốn
gợi lên gì hơn là đường lối của Ðức Yêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã
giáng trần và đã muốn sống một cuộc đời khiêm cung.
Ði theo đường lối của Ðức Yêsu, là điều mà
thánh Yacôbê và thánh Marcô, cũng như mọi sứ ngôn của Thiên Chúa, đều muốn tha
thiết khuyên bảo người ta. Chỉ có đường lối này mới làm cho người ta nên công
chính và thánh thiện... Ðó là đường lối hạ mình của mầu nhiệm thập giá. Nó
không làm suy yếu các khả năng tốt đẹp nơi con người. Ngược lại, chủ yếu của
con đường thập giá là tiêu diệt tội lỗi, dục vọng và những sự xấu, để các nhân
tố vươn lên trong sức mạnh phục sinh.
Thế nên thật là sai lầm khi tưởng rằng đức
khiêm nhường của Kitô giáo không biết phát huy các tài năng tốt đẹp mà Thiên
Chúa đã phú bẩm cho con người. Trái lại chính sự khiêm nhường đã tạo được điều
kiện thuận lợi cho nhân đức của những người công chính trổ sinh hoa quả tốt
lành. Nắm vững chân lý đức tin như vậy, có lẽ người ta sẽ dễ hiểu hơn một hiện
tượng đã làm đau đầu những ai suy nghĩ từ ngàn xưa mà các sách Cựu Ước luôn
luôn làm vọng lại. Ðó là hiện tượng:
3. Người Công Chính Thường "Bị Bắt Bớ"!
Bài sách Khôn ngoan hôm nay cho chúng ta nghe
giọng của phường vô lại. Chúng hùa nhau tiêu diệt người công chính. Không những
đời sống của thánh nhân là bản án hạch sách tâm tư của chúng, khiến chúng cảm
thấy nặng nề khi giáp mặt thánh nhân; mà sâu xa hơn nữa, thánh nhân dường như
có Thượng đế luôn luôn về phe với mình và chỉ trích chúng. Thế nên chúng khó
chịu với người công chính thì ít, mà không chịu được sự hiện diện của Thiên
Chúa ở nơi họ thì nhiều. Chúng muốn phá tan sự hiện diện ấy hay không? Thế nên
chúng muốn hùa nhau đưa người công chính vào bẫy, thử xem nhân đức người này có
chắc chắn hay không và nếu quả thực chắc chắn thì chúng sẽ thử làm thêm lên án
cho người công chính chết nhục nhã để xem Thiên Chúa có bênh vực cứu chữa người
không?
Tác giả sách Khôn ngoan quả thực đã thấu suốt
tâm can phường vô lại. Và nếu đọc tiếp các lời ông viết sau đoạn văn ngắn ngủi
trích đọc hôm nay, chúng ta sẽ thấy ông làm chứng phường vô lại kia đã nghĩ lầm
như thế nào. Nhưng phụng vụ không muốn điều đó. Phụng vụ dừng lại ở đây vì đã
đủ để dẫn vào bài Tin Mừng nói đến việc Ðức Yêsu sẽ bị loài người âm mưu hãm
hại. Người mới thật là Ðấng Công Chính. Sự hiện diện của Người mới thật là bản
án hạch sách tâm tư, không phải chỉ của phường vô lại mà thôi nhưng của mọi
người, vì mọi người ở trước mặt Người đều là tội nhân. Tiên tri Simêon đã thấy
rõ điều này. Ngày gặp Hài nhi Yêsu trong Ðền thờ, ông đã tiên báo: Người có
mệnh làm cho ý nghĩ của nhiều tâm hồn phải bày ra (Lc 2,35). Và sở dĩ như vậy,
tựu trung chỉ vì Người có mệnh phải đi qua nơi gian khổ để vào nơi vinh quang,
đi qua sự tự hạ để được tôn vinh, đi vào đường lối khiêm nhường để mưu cầu ơn
công chính hóa cho mọi người đã hư đi vì tội bất vâng phục... Con đường thập
giá ấy, cả người Dothái lẫn Hylạp, cả người xưa lẫn nay, phần nhiều chỉ coi là
điền rồ. Riêng với những kẻ được tiền định thì đó là mầu nhiệm cứu độ và ân
sủng.
Giờ đây, khi đọc Kinh Tin Kính chúng ta sẽ
tuyên xưng vào niềm tin vào đường lối cứu độ đó. Hơn nữa chúng ta sẽ cử hành
mầu nhiệm Thánh Thể là lễ Vượt qua của Chúa chúng ta trong cuộc tử nạn phục
sinh. Chúng ta chỉ tin đường lối của thánh giá tại nhà thờ, hay thâm tín rằng
đó là con đường chúng ta phải đi vào trong đời sống để bước theo Chúa? Nếu thế
thì nếp sống khiêm nhường của Người Tôi Tớ mà Lời Chúa hôm nay dạy bảo chúng ta
phải được đem thi hành, để quả thật chúng ta đã đóng đinh xác thịt và dục vọng
vào thánh giá Chúa Kitô. Cuộc đời của chúng ta sẽ sinh hoa quả tốt lành. Dần
dần chúng ta sẽ trở nên công chính. Tất cả sẽ chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta
biết rước lấy Chúa trong giờ thánh lễ này, để sự sống và sự công chính của
Người dần dần làm chủ trong cuộc đời của chúng ta. Chúng ta sẽ là những môn đệ
nhỏ bé của Người, và đời sống khiêm tốn của chúng ta sẽ phản ánh nhiều vẻ cao
cả thần linh.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)