CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG
NIÊN B
Ds 11,25-29 ; Gc 5,1-6 ;
Mc 9,38-43.45.47-48
LỐI ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI MÔN
ĐỆ CHÂN CHÍNH
I.HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc
9,38-43.45.47-48:
(38) Ông Gio-an
nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ.
Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”. (39) Đức Giê-su bảo:
“Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi
ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. (40) Quả thật, ai không chống lại chúng
ta là ủng hộ chúng ta”. (41) “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc
về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.
(42) Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc
cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. (43) Nếu tay anh làm cớ cho anh
sa ngã, thì chặt nó đi; Thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ
hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt. (45) Nếu chân anh làm cớ
cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; Thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn
là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục. (47) Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa
ngã, thì móc nó đi; Thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ
hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục, (48) nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề
tắt”.
2. Ý CHÍNH:
Tin Mừng hôm
nay trình bày lời Đức Giê-su giáo huấn các môn đệ. Sau khi dạy Gio-an bỏ tính
ganh tị cục bộ, Đức Giê-su đã đưa ra nguyên tắc ứng xử bao dung: “Ai không chống
lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Người hứa phần thưởng cho những ai sẵn sàng
tiếp đón các môn đệ. Người cũng đe phạt các đầu mục Do Thái làm cớ khiến các
tin hữu sa ngã. Người còn dạy các môn đệ phải coi trọng ơn cứu độ hơn các bộ phận
quí giá trong thân thể như tay, chân hay mắt của mình.
3. CHÚ THÍCH:
- C 38-39: +Chúng
con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ: Trừ quỷ là một việc
quen thuộc mà Đức Giê-su và các Tông đồ thường làm, giống như nhiều người Do thái
khác thời bấy giờ cũng làm (x Mt 12,27). Gio-an thấy có những người không cùng
nhóm môn đệ với mình mà cũng dùng tên Giê-su mà trừ quỷ, nên ông đã cấm họ làm
như vậy. +”Đừng ngăn cản người ta”: Đức Giê-su cho thấy việc ngăn
cản như thế là tâm địa hẹp hòi, cục bộ khi đòi độc chiếm quyền năng của Người.
Người truyền cho các ông không được ngăn cản họ, vì ai chống lại quỷ dữ và sự
gian ác thì cũng thuộc về Người như các ông. +Nói xấu về Thầy: Có
nhiều cách để người ta liên kết với Đức Giê-su. Bao lâu họ không “nói xấu” hay
chống lại Người thì họ vẫn đang liên kết với Người.
- C 40-41: +Ai
không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta: Đây là nguyên tắc ứng xử
khoan dung của Đức Giê-su dành cho các môn đệ, khi sai các ông đi rao giảng Tin
Mừng Nước Trời. Những ai không chống đối Đức Giê-su thì cũng là môn đệ của Người
cách gián tiếp. Người trách lối suy nghĩ hẹp hòi mang tính bè phái của môn đệ
khi các ông chỉ ủng hộ những việc tốt do nhóm mình làm và lọai trừ mọi việc dù tốt
nhưng do nhóm khác làm. +Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em
thuộc về Đấng Ki-tô...”: Các môn đệ được Đức Giê-su đồng hóa với Người,
nên kẻ nào giúp đỡ các ông dù chỉ một bát nước lã mà thôi, thì cũng kể như đã
phục vụ Người (x Mt 25,35-45).
- C 42: +Ai
làm cớ cho những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã: Đức Giê-su
nói về các đầu mục dân Do Thái khi họ độc quyền giải thích Kinh Thánh. Họ không
những không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai mà còn tìm cách ngăn cản dân chúng
tin theo Người (x Lc 11,52). +thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống
biển còn hơn: Đây là tội nặng nề vì đã xúc phạm đến Thánh Thần là Đấng
thánh hóa tội nhân, nên kẻ đó đáng bị hình phạt cột cối xay vào cổ mà quăng xuống
biển.
- C 43-47: +Nếu
tay anh... chân anh...mắt anh...: Đức Giê-su muốn nói đến việc người ta
phải tránh dịp tội, dù phải hy sinh những gì quý giá nhất. Vì thà bị mất một chi
thể mà được vào cõi sống còn hơn đủ các phần thân thể mà phải sa hỏa ngục. Kiểu
nói “Tay, chân, mắt” cho thấy dịp tội không ở đâu xa mà ngay trong ngũ quan,
trong bản thân mỗi người. +được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải
sa hỏa ngục: Diễn tả sự đối nghịch giữa thiên đàng và hỏa ngục. Hỏa ngục
là nơi tội nhân chịu khổ hình vì đã tự tách lìa khỏi “cõi sống” là nước thiên
đáng.
- C 48: +Lửa
và giòi bọ: là hai lọai đau khổ dành cho các tội nhân bỏ qua lời cảnh
báo của Thiên Chúa mà cố tình phạm tội trọng (x Mt 13,42; 18,8).
HỎI: 1- Tin mừng
hôm nay cho thấy: ngòai Đức Giê-su và các môn đệ, còn ai khác cũng làm việc trừ
ma quỷ nữa không? 2- Việc cấm cản người khác lấy danh Đức Giê-su để trừ qủy cho
thấy tâm địa của các môn đệ ra sao? 3-Đức Giê-su có đồng ý với việc làm của các
ông hay không? 4- Qua câu: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”, Đức
Giê-su muốn các môn đệ của Ngườii phải có thái độ nào? 5- Tại sao cho các môn đệ
chỉ uống một bát nước lã mà thôi lại cũng được Đức Giê-su thưởng công sau này?
6- Những kẻ làm cho người bé mọn tin theo Đức Giê-su bị sa ngã nói đây là ai và
họ đáng bị phạt thế nào? 7- Qua câu “chặt tay, chặt chân, móc mắt...” Đức Giê-su
muốn nhấn mạnh điều gì? 8- Lửa và giòi bọ là hai hình khổ dành cho những ai?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ
bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống
biển còn hơn” (Mc 9,42).
2. CÂU CHUYỆN: LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHO CON CÁI KHỎI
BỊ HƯ HỎNG?
Năm 1997 một tờ báo Hội Y Học Mỹ đã công bố kết
quả một cuộc nghiên cứu công phu về nguyên nhân trẻ em hư, tốn tới 24 triệu Mỹ
kim, do nhiều cơ quan chung sức thực hiện. Đợt đầu nghiên cứu từ năm 1995 với
90 ngàn học sinh từ lớp 7 đến hết lớp 12, thuộc 134 trường điển hình trên toàn
nước Mỹ. Rồi từ đó 12 ngàn em lại được chọn để gặp gỡ từng em vào năm 1995 và
1996. Bản nghiên cứu tốn phí trên chỉ nhằm trả lời cho một câu hỏi đơn giản là:
tại sao các em đều được học chung một chương trình như nhau mà sau này em thì
thành đạt, đang khi một số khác lại sa đà vào các thói hư như: hút sì-ke ma
túy, rượu chè, bê bối về tình dục và chán sống.
Bản nghiên cứu đã đưa ra kết luận như sau:
Nguyên nhân chính là “mối quan hệ gia đình giữa cha mẹ và con cái mật thiết
hay lỏng lẻo, không phân biệt gia đình giầu nghèo, màu da trắng đen, trình độ học
vấn cao thấp...”. Sự thành công và thất bại nơi lớp trẻ chính là do cha
mẹ dành bao nhiêu thời gian để tiếp xúc với con cái trong một ngày. Riêng đối với
các tín hữu thì còn thêm một yếu tố thứ hai nữa cũng quan trọng không kém là: các
bậc cha mẹ trong gia đình có đức tin mạnh hay yếu, thể hiện qua việc có
siêng năng dự lễ Chúa Nhật và chuyên cần đọc Kinh Thánh kèm theo cầu nguyện nhiều
ít để nêu gương sáng cho con cái?
3. SUY NIỆM:
Mẹ Têrêsa Can-quýt-ta suốt đời dấn thân săn sóc
những người nghèo hèn sống bên bãi rác ở thành phố Can-quýt-ta, nhưng mẹ lại quả
quyết rằng người nghèo không phải chỉ có ở nước Ấn Độ: “Người nghèo nhất trong
những người nghèo đang ở ngay trong gia đình mỗi người. Tôi chưa thấy trẻ em nước
nào lại nghèo bằng trẻ em nước Mỹ”. Thật vậy, trẻ em Mỹ chắc chắn không bị đói
nghèo về thực phẩm vật chất, nhưng rất thiếu sự chăm sóc giáo dục của các bậc
cha mẹ trong gia đình.
Những ai có đức tin vào Chúa Giê-su cũng đều được
trao quyền nhân danh Người mà trừ quỉ và xua sạch bóng tối gian ác ra khỏi gia
đình mình. Quyền làm phép lạ này hệ tại ở những việc nhỏ bé là xây dựng một
tình thương giữa các thành viên trong gia đình. Khi bắt đầu quan tâm đến nhau
và trao cho nhau dù chỉ một ly nước, một việc làm xem ra tầm thường nhất nhưng
lại đem lại hiệu quả rất lớn lao là làm cho gia đình mình trở thành một tổ ấm
chan hòa yêu thương.
Con cái chúng ta nghèo tình thương vì không được
cha mẹ dành thời giờ để chăm sóc. Người ta sống trong một ngôi nhà nghèo tình
thương khi không được người thân lắng nghe và cảm thông những nỗi lo âu khắc
khoải, và những căng thẳng gặp phải trong cuộc sống hằng ngày. Cha mẹ chạy đôn
chạy đáo làm giàu về vật chất, nhưng lại để cho chính con cái mình lâm vào tình
trạng ngày một nghèo tình thương thì thật phi lý! Trong thực tế: nhà của nhiều
gia đình ngày một rộng và nhiều tiện nghi hơn, nhưng lại trở thành lạnh lẽo trống
trải vì nghèo tình thương nhau!
4. THẢO LUẬN: 1-Bạn có đồng ý với kết luận của
cuộc nghiên cứu trả lời vấn nạn “nguyên nhân nào khiến trẻ em nước Mỹ bị hư hỏng
nói trên” hay không? Tại sao? 2-Gia đình của bạn hiện đang trong tình trạng
giàu nghèo thế nào về tình thương giữa các thành viên? 3- Bạn cần làm gì cụ thể
để gia tăng tình thương yêu đối với cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em trong gia
đình bạn?
5. LỜI CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay chúng con cảm
nhận được lời Chúa dạy về nguyên nhân và cách khắc phục hầu tránh cho con em
trong gia đình khỏi bị hư hỏng. Chúng con sẽ làm giầu tình thương cho gia đình
mình bằng việc dành ra thêm thời gian ở nhà với gia đình. Phép màu thực sự sẽ xảy
ra nếu chúng con bắt đầu theo đường lối yêu thương của Mẹ Têrêsa Can-quýt-ta
là: Hãy năng nghĩ đến nhau, mỉm cười với nhau và chia sẻ cho nhau sự quan tâm
chăm sóc. Hãy trao cho nhau một ly nước mát với tình cảm thân thương. Hãy tặng
cho nhau một lời khen thành thật hay một cử chỉ âu yếm giữa cha mẹ với con cái,
giữa chồng với vợ, giữa các thành viên trong gia đình với nhau.
- LẠY CHÚA. Ước gì gia đình chúng con trở thành
một tổ ấm luôn hòa thuận yêu thương nhau, trong đó vợ chồng biết năng nghĩ đến
nhau và làm vui lòng nhau, cha mẹ biết quan tâm dạy dỗ con cái về nhân bản và đức
tin bằng lời nói và nhất là bằng gương sáng. Xin cho gia đình chúng con biết
năng cầu nguyện sớm hôm, biết đọc Lời Chúa trong Giờ Kinh Tối gia đình, biết
dùng Lời Chúa mà dạy dỗ con cái. Hy vọng nhờ đó, gia đình chúng con sẽ trở
thành một thiên đáng ngay từ hôm nay, là dấu hiệu gia đình chúng con sẽ được hợp
hoan trong Nước Hằng Sống sau này.
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.-Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI
CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH
www.hiephoithanhmau.com