Chúa Nhật 26 Thường Niên Năm B

Phải Cố Gắng

(Dân số 11,25-29; Yacôbê 5,1-6; Marcô 9,38-48)

 

Phúc Âm: Mc 9, 37-42. 44. 46-47

"Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi".

Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y". Nhưng Chúa Giêsu phán: "Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.

"Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt".

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm B

Dân số 11,25-29; Yacôbê 5,1-6; Marcô 9,38-48

Các bài Thánh Kinh hôm nay không quy về một mối. Người ta thấy có nhiều điểm giáo huấn khác nhau. Nguyên bài Tin Mừng cũng đã nêu ra nhiều điều không liên ý. Tuy nhiên nếu nhìn vào chỗ giống nhau trong bài Cựu Ước và bài Tin Mừng, chúng ta có thể thấy Lời Chúa dường như muốn giáo huấn chúng ta về các tương quan đạo đức ở trong xã hội. Dân Chúa nhiều khi cũng khó: không những nội bộ có khi không được vui vẻ; mà đối ngoại nhiều lần cũng không rộng rãi. Huấn giáo của Chúa nhật hôm nay vì thế có tính cách thực hành và gợi lên nhiều điểm khác nhau. Chúng ta lần lượt thông qua những điều chính yếu.

 

1. Toàn Dân Thiên Chúa Có Ðặc Sủng Tiên Tri

Bài sách Dân số cho chúng ta thấy những khó khăn trong cộng đồng Israel, mà cộng đồng Dân Chúa ngày nay cũng khó thoát khỏi. Môsê hồi đó mới đưa dân ra khỏi Aicập. Công lao của ông thật lớn vì giúp dân thoát được cảnh tôi đòi. Mặc dầu Ðất Hứa còn xa, nhưng kẻ thù cũng đã thoái lui, không nghĩ đến việc đuổi theo dân bị trị ngày trước nữa. Ðáng lẽ những người này phải nhất trí với người lãnh đạo của mình để vượt thắng những khó khăn hiện tại, nhưng đáng tiếc là họ chỉ muốn được hạnh phúc tức khắc. Họ bắt đầu phàn nàn, kêu trách vì cuộc hành trình về Ðất Hứa xem ra còn dài, và nhất là vì thiếu thốn những thức ăn mỹ vị của những đô thị trù phú. Họ nhớ bánh nhớ thịt. Họ làm Môsê phải điên đầu vì các yêu sách khẩn trương của họ. Ông nản chí, đến đập đầu trước mặt Chúa. Ông không thể một mình đảm đang dân khó tính này nữa. Dưới ông cũng có các bô lão đứng đầu các chi tộc; nhưng họ chẳng biết làm gì và cũng chẳng giúp được gì, ngoại trừ việc còn làm khổ ông, khi phóng đại các yêu sách và phàn nàn của dân. Môsê muốn trả gánh nặng lãnh đạo cho Chúa.

Chúa an ủi ông. Không những hứa sẽ ban thịt và bánh cho dân, Người còn bảo sẽ thêm cho ông những cộng sự viên đắc lực. Ông hãy chọn lấy 70 người trong hành bô lão để chính Chúa sẽ lấy một phần thần trí của ông mà san sẻ cho họ; và như vậy họ sẽ chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo với ông.

Lời sách Dân số thật là ý nghĩa. Nó làm vọng lại một thời đại đã khá văn minh với những quan niệm chính trị khá độc đáo. Tất cả trong dân Cựu Ước vẫn thuộc thần quyền, tức là lấy Chúa làm nền tảng. Người trị dân bằng vị tiên tri của Người là Môsê. Nhưng ông phải có những cộng sự viên là bậc bô lão. Họ phải nhất trí với ông, vì cơ sở giá trị của họ là phần thần trí của ông mà họ đã nhận được, tức là phần trách nhiệm và khôn ngoan mà Thiên Chúa đã lấy nơi ông mà san sẻ cho họ.

Những lời tiếp theo trong sách Dân số lại còn ý nghĩa hơn nữa. Nhận được thần trí của Môsê rồi, các bậc bô lão kia đều "nói tiên tri" tức là đều xuất thần và nói lên những lời ca tụng Chúa, giống như các Tông đồ trong buổi lễ Thánh Thần Hiện Xuống. Sự kiện này có ý khẳng định: các bậc lãnh đạo Dân Chúa đều được đầy Thánh Thần. Giá trị và uy tín của họ nằm ở chỗ đó. Ngày họ nhậm chức là lúc họ được Thánh Thần chiếu cố và chiếm hữu. Nhưng lập tức, sách Dân số viết ngay: sự kiện "nói tiên tri" này không tiếp tục, tức là sau đó các bô lão kia không "xuất thần" nữa. Cũng như các Tông đồ của đạo mới cũng sẽ không luôn mãi "say ơn Thánh Thần", để cho dù dân Chúa được lãnh đạo bằng "thần quyền" những vẫn nhờ các con người và qua các con người.

Yếu tố nhân loại này không đợi thời gian để bộc lộ. Sách Dân số kể: có hai người trong danh sách Bô lão được Môsê đề nghị đã không đến dự hội. Nhưng họ vẫn được ơn nói tiên tri tại lều của họ. Những người khác bất mãn muốn chấm dứt nhiệm vụ củ hai kẻ "đánh mảnh" này. Nhưng Môsê đã tỏ ra phi thường khi tuyên bố: "Tôi còn ao ước cho toàn dân được ơn tiên tri là khác".

Và bài sách Dân số hôm nay đã chấm dứt ở đây để chúng ta còn nhớ khuôn mặt cao cả của Môsê và để lời ông nói vọng tới các thế hệ như một nguyện ước cần được thực hiện. Chúng ta như quên những khó khăn trong nội bộ dân Chúa cũng như thái độ nhỏ mọn của hàng bô lão, để chỉ còn hướng về tương lai, muốn thấy ngày Thần trí của Thiên Chúa chan hòa đổ xuống trên toàn dân của Người. Ngày đó dĩ nhiên đã đến khi Ðức Yêsu đã lên trời và ban Thánh Thần xuống cho Hội Thánh. Nhưng dân mới của Chúa được đầy Thánh Thần có bỏ được những thái độ nhỏ mọn và lướt thắng được những khó khăn trước mắt không?

 

2. Dân Chúng Còn Phải Cố Gắng

Thánh Marcô đã mượn lại một câu truyện xảy ra khi Ðức Yêsu còn tại thế để Hội Thánh suy nghĩ. Người kể: hôm ấy Yoan đến thưa Chúa về việc có người không ở trong hàng ngũ môn đệ mà cứ lấy Danh mà trừ quỷ. Và các môn đệ muốn xin Chúa cấm hẳn người ấy làm như vậy.

Câu truyện có vẻ hơi giống thời Môsê như sách Dân số đã kể. Nó cũng nói lên tham vọng của một số người ở trong dân Chúa muốn có những đặc quyền và độc quyền, kể cả quyền trừ quỷ. Không hiểu sao thánh Marcô lại nêu rõ tên tông đồ Yoan trong câu truyện này. Bản chất của người tông đồ Chúa yêu đâu có như vậy, ít là như chúng ta nghĩ. Hay là ở đây tác giả Marcô có ý nói đến người Tông đồ đã sống già nhất và còn sót lại sau khi mọi vị khác đã qua đời? Và như vậy đã có ngụ ý rằng thái độ muốn độc quyền này nằm trong hàng ngũ những bậc lãnh đạo dân Chúa?

Ðó là thái độ vô lý. Vì tại sao lại cấm người ta trừ quỷ? Ðây không phải là nhiệm vụ chung của dân Chúa sao? Sứ mệnh của Hội Thánh và lý do tồn tại của dân mới, tựu trung chỉ là dẹp sức mạnh của Satan đi để Nước Chúa được lan rộng. Ai có thể làm được công việc này, nếu không kết hợp với Ðức Kitô là Ðấng duy nhất đã chiến thắng được ma quỷ? Và thấy những người như vậy các người có sứ mệnh cứu thế phải nhận ra ngay họ là đồng nghiệp của mình. Chứ cớ sao lại muốn ngăn cấm họ?

Thánh Marcô muốn chống lại một thái độ như thế. Người nhắc cho Hội Thánh lời Ðức Yêsu: "Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta" để con cái Hội Thánh biết quý chuộng và cộng tác với mọi người có thiện chí trên mặt đất này cho dù họ không ở trong hàng ngũ của Hội Thánh và chia sẻ hoàn toàn niềm tin của Hội Thánh. Nếu chúng ta hiểu được bài học như thế, thì bài Tin Mừng hôm nay cũng đã quý hóa lắm rồi. Nhưng không phải chỉ có như vậy. Thánh Marcô còn lưu ý chúng ta đừng quên ơn những người cho chúng ta uống một bát nước vì họ biết chúng ta là người của Chúa... Và nhất là các tín hữu hãy luôn nhớ vinh dự của mình. Khốn cho những ai làm hư ơn gọi của một tín hữu! Khốn cho những kẻ để tay hoặc chân hoặc mắt làm dơ nhớp linh hồn mình. Phải gìn giữ ơn gọi bằng sự tu thân như người ta dùng muối để xát các vật hy sinh. Nếu muối ra nhạt, tức là nếu lơ là việc hãm mình, con người tín hữu sẽ không còn là lễ hy sinh nữa. Và sự hy sinh mà bài Tin Mừng muốn nhắn nhủ hôm nay là sự kềm chế tham vọng độc quyền và đặc quyền để mọi người "sống an hòa với nhau".

Như vậy, dù thuộc những thời đại xa nhau và khác nhau, bài sách Dân số và bài Tin Mừng Marcô dường như cùng nhắm giáo dục chúng ta về thái độ bao dung, cộng tác với mọi người. Nhưng viễn tượng của hai bài rất khác nhau. Ở thời Môsê rất ít người được "đặc sủng" và ơn họ nhận được chỉ là một phần thần trí lãnh đạo của ông. Chính ông lại hướng mắt nhìn về thời toàn thể dân Chúa được tràn đầy Thánh Thần. Theo Marcô, chúng ta còn phải có viễn tượng rộng hơn nữa. Không những dân Chúa đã được dư đầy Thánh Thần và ơn của Người thật là mạnh mẽ vì xua trừ được ma quỷ. Chính Danh Ðức Yêsu đã đem lại sự kiện mới mẻ này. Nhưng đừng giới hạn ảnh hưởng của Người nơi nguyên các phần tử trong Hội Thánh - huống nữa là chỉ nơi những người lãnh đạo trong Giáo hội - Thánh Thần đã được đổ xuống chan hòa trong vũ trụ. Chúng ta phải quý chuộng và cộng tác với mọi tâm hồn thiện chí đang làm việc trong kế hoạch cứu thế mầu nhiệm của Thiên Chúa. Và đừng ai làm hư hỏng ơn gọi Kitô hữu cao cả của mình khi không biết hãm dẹp các dục vọng như xát muối vào các vật hy sinh. Chúng ta cứ suy nghĩ thêm để thấy giáo huấn phụng vụ hôm nay rất phong phú và thực tế, đang khi bài thư Yacôbê lại đưa chúng ta sang một mặt khác trong đời sống xã hội.

 

3. Dân Chúa Phải Coi Chừng Của Cải

Dân Chúa mạnh mẽ vì có ơn Thánh Thần phong phú chứ không nhờ sự phong phú về của cải. Hơn nữa, Hội Thánh phải luôn nhớ lời Ðức Yêsu dạy: khốn cho kẻ giàu có. Hôm nay thánh Yacôbê nói với "12 chi tộc kiều ngụ tha phương", tức là với những người Kitô hữu gốc Dothái tản mác ở mọi nơi. Ða số họ biết làm ăn và giàu có. Người bảo họ: "Khóc đi, rú lên, vì những khốn khó sắp giáng xuống trên các ngươi". Không phải người nhìn thấy những nguy hiểm cụ thể và vật chất nào sắp ập đến trên họ. Lời của người lặp lại hoàn toàn lời các tiên tri và phát xuất từ quan điểm đức tin và đạo đức. Hết mọi tiên tri đều đã cảnh cáo bọn giàu có. Hạng người này cậy của, không những ít giữ đạo mà còn nhờ thế đàn áp bóc lột người nghèo khó và phạm những tội tầy đình... Thánh Yacôbê nói rằng: của cải đã làm họ hư hỏng thối nát, khác nào mối mọt làm hư áo quần và sét rỉ ăn hại đồ đạc. Như vậy, tích trữ của cải nào có khác gì tích trữ lý hình cho ngày cánh chung.

Ðàng khác muốn tích trữ của cải, người giàu có phải quịt hay giữ công thợ, khiến tiếng kêu ca của những người này thấu đến tai Chúa, như tiếng oan ức của Abel ngày xưa khi bị anh là Cain giết chết. Gợi ý tưởng này lên, thánh Yacôbê dứt khoát coi hạng người giàu có là kẻ sát nhân. Người nói: "Các ngươi đã sung sướng, hưởng lạc... trong ngày hạ sát", tức là trên mồ hôi xương máu của người nghèo hay là đang khi người này đau khổ. Và người tiếp theo: "Các ngươi đã kết án và hạ sát người công chính" để nói lên quan điểm của người cũng là quan điểm của đức tin, thường vẫn coi người nghèo khó là thành phần công chính. Và tư tưởng này dẫn đến kết luận xa hơn, đồng hóa với Ðấng Công Chính là Ðức Yêsu cứu thế, Người đã sinh ra khó nghèo và bị các kẻ có thế lực bấy giờ bắt bớ "mà không cưỡng lại".

Bài học của thư Yacôbê vì thế đã mở sang chân trời mới tích cực hơn. Không những người ta phải coi chừng của cải; mà hơn nữa còn phải biết nhận ra Ðức Yêsu nơi những người khó nghèo và phải ăn ở khó nghèo như Người.

Và nếu được phép đúc kết các bài đọc của Lời Chúa hôm nay, chúng ta có thể nói phụng vụ Chúa nhật này cảnh cáo mọi người về nguy cơ của quyền và tiền. Người đời cho đó là sức mạnh. Nhưng đức tin lại bảo: sức mạnh đích thực là Thánh Thần được Thiên Chúa ban cho Hội Thánh và mọi người.

Giờ đây qua mầu nhiệm bàn thờ, chúng ta được tuôn đổ ơn cao cả đó để trong đời sống chúng ta không còn hẹp hòi ích kỷ muốn được đặc quyền hay độc quyền, hoặc tệ hơn còn muốn cậy tiền của kèn cựa với người khác...; nhưng sẽ muốn cho cả dân Chúa và xã hội loài người được dư dật ơn thiêng và sống trong hạnh phúc bình an. Có như vậy, chúng ta mới tỏ ra đã lãnh hội được giáo huấn của Chúa nhật hôm nay.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B