ĐỨC GIÊSU ĐỐI VỚI VIỆC LY DỊ VÀ CÁC TRẺ EM
(Máccô 10,2-16 – CN XXVII TN - B)
1.- Ngữ cảnh
Bản văn đọc trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay bỏ câu Mc
10,1 là một tóm lược nhỏ quen thuộc của tác giả Mc: một chi tiết địa lý khá mơ hồ (“miền Giuđê và vùng bên kia sông
Giođan”); một mô tả tổng quát về hoạt động giảng dạy của Đức Giêsu cho
đám đông đã quy tụ lại. Truyện kế tiếp không liên hệ gì với nội dung của c. 1
cả. Nhưng tác giả có một ý hướng thần học: Đức Giêsu đang tiến đến gần
Giêrusalem.
Khi nghiên cứu kỹ đoạn văn cc. 2-12, người ta nhận
thấy nòng cốt là cc. 2-9, một cuộc tranh luận với mấy người Pharisêu. Vì bản
văn Kinh Thánh được trích từ Bản LXX, người ta nghĩ đến Do
Thái giáo thuộc môi trường Hy Lạp. Sự
độc lập của phân đoạn này với cc. 10-12 được xác nhận bởi Lc 16,18 trong
đó chỉ có câu đầu của giáo huấn ban cho các môn đệ. Có lẽ cc. 10-12 đã được
thêm vào sau.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần :
1)
Vấn đề ly dị (10,2-12):
a) giáo huấn cho dân chúng (cc. 2-9),
b) giáo huấn cho các môn đệ (cc. 10-12);
2)
Đức Giêsu chúc lành cho trẻ em (10,13-16).
3.- Vài điểm chú giải
-
chồng có đựơc phép rẫy vợ
không? (2): Câu hỏi đề cập đến tính hợp
pháp của ly dị, chứ không phải lý do đưa đến ly dị có xung khắc với sự hiểu
ngầm theo Đnl 24,1-4. Vào thời ấy, người ta chỉ tranh luận về các lý do.
Một nhóm kinh sư nêu ra các lý do: ngoại tình, một bệnh truyền nhiễm,
chứng điên hoặc không thể có con. Đối với đa số các kinh sư, còn có nhiều lý do
khác: chỉ cần người đàn ông không bằng lòng một điều gì đó nơi vợ mình
là có thể rẫy vợ. Dù thế nào, người chồng có tự do rất lớn.
- để thử: Có tác giả cho rằng có lẽ họ nhắm đẩy Đức Giêsu
vào thế xung đột với đại gia đình Hêrôđê đầy những vụ ly dị. Nhưng hợp lý hơn
thì cho rằng ngưòi Phariêu muốn gài Đức Giêsu vào thế phải nói ra quan điểm
nhiệm nhặt của Người, và như thế Người trở thành đáng ghét trước mắt người ta
do Người giới hạn “tự do” của họ.
- Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì? (3): Đnl 24,1-4 coi việc ly dị như được
phép; đoạn văn này chỉ đề cập đến thủ tục phải theo khi một người chồng đã
quyết định ly dị vợ mình, và lệnh cấm tái kết hôn sau khi cuộc hôn nhân của
người phụ nữ này đã chấm dứt. Các lý do để được ly dị được diễn tả mơ hồ: “thấy
nơi nàng có điều gì chướng” (bh ‘erwat dbr). Sự mơ hồ này đã đưa tới một tranh luận của giới
kinh sư. Những nố ngoại lệ trong TM Mt (5,32; 19,9) được hiểu trong bối cảnh này. Nhưng
trong TM II, vấn đề được đặt ra tận căn bản: có được phép ly dị không?
- Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị rẫy vợ (4): Người Pharisêu đã trả lời câu hỏi của Đức
Giêsu dựa vào nền tảng của Đnl 24,1-4. Trong Do Thái giáo xưa kia, ly dị
không phải là một hành vi pháp lý công khai tại toà án. Người chồng chỉ việc
viết một giấy (“Tôi bỏ và ly dị vợ tôi ngày này”), rồi đưa giấy ấy cho vợ. Ta
thấy rằng người Pharisêu nói về phép (cc. 2.4) trong khi Đức Giêsu lại hỏi họ
là có một lệnh truyền (= điều răn) nào chăng (hẳn là người Pharisêu sẽ khó mà
tìm được một lệnh truyền nào như thế trong Luật!). Trong Mt 19,7-9,
người Pharisêu lại nói về một lệnh
truyền của Môsê, còn Đức Giêsu lại trả lời họ rằng đó chỉ là một sự cho
phép.
- vì các ông có lòng chai dạ đá (5): Đức Giêsu coi lời dạy của Đnl 24,1-4
như một sự nhượng bộ cho sự yếu đuối của con người và một sự miễn chuẩn cho
chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa về hôn nhân. Trong câu trả lời, Đức
Giêsu đi từ một lời cho phép ly dị đến lời làm nền tảng cho hôn nhân: sự miễn
chuẩn không hủy bỏ được luật căn bản.
- Lúc khởi đầu công trình tạo dựng (6): Đức Giêsu cho thấy Người phản đối ly dị là do
Người dựa vào Kinh Thánh: Người trích St 1,27; 2,24. Người khẳng định
rằng trong chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa, những người kết hôn thì nên
“một xương một thịt”, nên không được ly dị. Đnl 24,1-14 cho phép ly dị
là một cách nhượng bộ cho sự yếu đuối của con người. Lời giáo huấn của Đức
Giêsu nhằm tái lập lại chương trình của
Thiên Chúa khi tạo dựng, nên không hề đối lập với Kinh Thánh.
- Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một
xương một thịt (8): Lý tưởng hôn
nhân này là một suy diễn dựa trên St 2,24; nó cung cấp lý do vì sao
không thể ly dị.
- loài người không được phân ly (9): “Loài người” đây là người chồng, chứ không
phải là đệ tam nhân như vị thẩm phán. Bởi vì theo Đnl 24,1-4, người
chồng có thể một mình bắt đầu thủ tục, thì không cần một đệ tam nhân. Ở đây Đức
Giêsu triệt tiêu thủ tục Cựu
Ước.
- khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người (10): Đây không thể là ngôi nhà ở
Caphácnaum (x. 1,29; 9,33), bởi vì Đức Giêsu và các môn đệ đã bỏ miền Galilê.
Đây là một sáng tạo của Mc để tạo cơ hội cho Đức Giêsu dạy riêng các môn đệ .
- Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với
vợ mình (11): Giáo huấn tuyệt
đối này cũng xuất hiện trong Lc 16,18c.
- và ai bỏ chồng …
(12): Luật Do Thái chỉ nói rằng người chồng có thể tiến hành thủ tục ly dị, chứ
không nói là người vợ. Thường thường, các tác giả cho rằng c. 12 này là một
cách tác giả ứng dụng giáo huấn của Đức Giêsu cho những người sống dưới luật
Rô-ma và Hy Lạp.
-
trẻ em (13): có
thể ở trong khoảng ấu nhi đến 12 tuổi. Người ta mong Đức Giêsu đặt tay để chúc
lành cho chúng.
- chạm tay vào chúng: để Đức Giêsu chúc lành cho chúng.
- Người bực mình (14):
Phản ứng này của Đức Giêsu (x. 1,43; 3,5; 8,12; 14,33-34) đã phát sinh do các
môn đệ không hiểu Người và bản chất của Nước Thiên Chúa mà Người rao giảng. Một
lần nữa, lối xử sự của các môn đệ lại là cớ để Đức Giêsu ban một giáo huấn tích
cực. Mt 19,14; Lc 18,16 đã bỏ đi phản ứng rất người này, có lẽ vì
thấy bất xứng với Đức Giêsu.
- vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng: Đặc tính chính yếu của trẻ em là khả năng đón
nhận. Vì không có sức mạnh thể lý và
không có quy chế pháp lý, trẻ em biết cách đón nhận tốt nhất. Nước Thiên Chúa
phải được đón nhận như một quà tặng, bởi vì không một sức mạnh hoặc quy chế nào
của loài người tạo ra được hoặc đòi hỏi cho có được Nước Thiên Chúa (x. c.15).
- Thầy bảo thật
(15): Từ “thật” dịch từ amên trong bản Hy Lạp: “điều vững vàng”, “điều
chắc chắn là thế”.
- đặt tay chúc lành
cho chúng (16): Trong các tác phẩm thời ấy, trẻ em được
coi như ví dụ về phong cách thiếu hợp lý hoặc là những đối tượng cần được đào
tạo. Trong đoạn này (x. cả 9,33-37), chúng được trân trọng như những nhân vị và
được quan hệ với Đức Giêsu và Nước Thiên Chúa.
4.- Ý nghĩa của bản văn
*
Vấn đề ly dị (2-12)
Đức Giêsu đã sang
miền Giuđê. Giáo huấn của Người về hôn nhân và ly dị lại là một thách đố nữa
cho những ai muốn bước theo Người. Cựu
Ước cho thấy có thể ly dị (x. Đnl
24,1); điều chắc chắn là người đàn ông có thể rẫy vợ. Dù các lý do để ly dị thế
nào, hệ thống luật lệ thời ấy cho các người chồng một tự do rất lớn và
khiến các bà vợ phải trả giá đắt cho tự do này: vị trí của các bà rất mong manh
và các bà phải lệ thuộc sự quyết đoán của chồng.
Khi đăt câu hỏi cho Đức Giêsu, người Pharisêu muốn
lôi kéo Đức Giêsu vào trong cuộc tranh luận về các lý do cho phép ly dị. Đức
Giêsu không đi vào trong tranh luận về các lý do hợp pháp để ly dị. Như trong
các trường hợp khác, Người đăt cuộc tranh luận trên một bình diện khác.
Người đưa các người đối thoại trở lại với Kinh Thánh, với cách xử sự và ý muốn
của Thiên Chúa Tạo Hóa vào thuở tạo thiên lập địa. Tương quan giữa người nam và
nữ không phải là điều mà con người tự do định liệu, bởi vì không phát xuất từ
con người, nhưng từ Thiên Chúa trong tư cách là Đấng Tạo Hóa. Ngài đã tạo dựng
loài người trong sự khác biệt nam nữ; Ngài đã nhắm người này cho người kia, đã
quy định rằng họ kết hợp với nhau và nên “một xương một thịt”. Phá hỏng sự bố
trí này của Thiên Chúa Tạo Hóa là một hành vi xuyên tạc thô bạo và chống
lại ý muốn của Đấng Tạo hóa. Như thế, hạu quả tiêu cực là cấm ly dị và tái kết
hôn. Vì vậy, sau đó, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng ly dị và cưới vợ hoặc
lấy chồng khác là phạm tọi ngoại tình.
*
Đức Giêsu chúc lành cho trẻ em (13-16)
Sau một đoạn nói về hôn phối, có một đoạn nói về
trẻ em cũng là chuyện hợp tình hợp lý. Nhưng thực ra bản văn này đề cập đến
Nước Thiên Chúa và hạng người hy vọng được tham dự vào đó. Các em bé không tự
mình hành động theo sáng kiến của mình; chúng không có khả năng lo liệu cho bản
thân; chúng chỉ được an toàn dưới sự che chở của cha mẹ. Chỉ những ai nhận biết
và đón tiếp Nước Thiên Chúa như một quà
tặng (như một em bé nhận quà) mới hy vọng được thông phần vào Nước Thiên Chúa;
Nước này được dành cho những ai không cậy dựa vào quyền thế hoặc đặc quyền, bởi
vì Nước này vượt trên mọi quyền lực và quy chế loài người. Công thức đặc biệt nói
về việc đón nhận Nước Thiên Chúa gợi ý cho ta coi ở đây Nước này như một thực
thể hiện tại. Quả thật người ta đi vào trong Nước tương lai, nhưng dĩ nhiên
việc đón nhận Nước ấy phải xảy ra trước. Nước ấy cũng đã hiện diện rồi. Tác giả
Mc đã hiểu tương quan với hiện tại này theo nghĩa Kitô
học: Ngay bây giờ người ta đã có thể trải nghiệm Nước Thiên Chúa trong hoạt
động của Đức Giêsu. Một hình ảnh được cung cấp trong cảnh kết thúc, khi Đức
Giêsu ôm lấy các trẻ em và chúc lành cho chúng: qua hành động này, nguyện vọng
của dân chúng được đáp ứng (c. 13), và nhất là lời hứa
được công bố ở cc. 14t được xác nhận.
+ Kết luận
Có
thể nói, trong phần thứ nhất, tác giả Mc
muốn mô tả Đức Giêsu tiếp tục hoạt động, cả trong chuyến đi lên Giêrusalem.
Trong cuộc hành trình này các môn đệ cần được Thầy giáo huấn kỹ càng để có thể
bước theo Thầy. Câu hỏi của các ông cho thấy các ông không có khả năng hiểu
đường lối của Thầy, và do đó rất cần được giáo huấn. Khi đã nhận được moat giáo
huấn đặc biệt, các ông có tư cách để truyền đạt Lời Chúa cách thuyết phục cho
các công đoàn.
Phần
thứ hai cho thấy cách mà người môn đệ phải hiểu về chính mình. Họ phải thanh
thoát khỏi những định kiến ích kỷ và sống như một em bé trước nhan Thiên Chúa.
Chỉ như thế, họ mới có thể gặp người thân cận với tình yêu. Bản văn này cũng
cho thấy quan niệm của tác giả về Nước Thiên Chúa. Nước này tuy thuộc về tương
lai, nhưng đã bắt đầu hoạt động mạnh mẽ trong hiện tại rồi. Đó là vì Đức Giêsu
không những loan báo Nước Thiên Chúa, mà còn đưa Nước này đến gần con người
trong hiện tại.
Ngoài
nội dung riêng của hai phần trong đoạn này, ta thấy hai phần có một nét chung:
người phụ nữ và trẻ em bị coi nhẹ trong xã hội lúc ấy, nhưng dưới mắt Đức
Giêsu, họ cũng là những nhân vị, và có lẽ còn được Thiên Chúa chiếu cố đến đặc
biệt, vì họ là những người bé mọn. Nước Thiên Chúa được dành cho những con
người như thế.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Xuyên qua dây hôn của đôi
vợ chồng, phát sinh một điều mới, một đơn vị mới và có thể nói, một
hữu thể nhân loại mới. Họ vẫn là hai người với đặc tính riêng và trách
nhiệm riêng, nhưng họ không còn độc lập, tách biệt và riêng rẽ nữa. Thiên Chúa
đã nhắm làm cho sự kết hợp của họ đưa tới sự phát sinh một đơn vị mới
chuyên biệt và thực hữu, một dây liên hệ thường hằng. Đó là cách bố trí
của Thiên Chúa.
2. Các môn đệ phải đón nhận
Nước Thiên Chúa như các trẻ em, nghĩa là họ không thể đi vào đó bằng sức riêng.
Như các em bé, họ phải cảm thấy mình được che chở bởi tình yêu của Thiên Chúa,
phải để cho mình được Ngài lấp đầy bằng những ân huệ. Đi vào Nước Thiên Chúa
luôn luôn là một ân huệ mà ta đón nhận với lòng biết ơn.
3. Các môn đệ chu toàn bổn
phận chính yếu, bổn phận phục vụ, bằng cách chu toàn trách nhiệm đối với các
trẻ em. Cũng như con cái có bổn phận đối với cha mẹ, cha mẹ cũng có bổn phận
đối với con cái.
4. Các bổn phận được giao
cho chúng ta có thể là lớn lao và đẹp đẽ, nhưng trước nhan Thiên Chúa, tất cả
chúng ta đều là như các trẻ em: chúng ta phải luôn luôn tin tưởng vào tình yêu
của Ngài và để cho Ngài ban chan hòa các ân huệ.
Lm. PX Vũ Phan Long, ofm