SỐNG ĐỜI
HÔN NHÂN CHUNG THỦY
NHƯ KỲ
VỌNG CỦA THIÊN CHÚA
(Chúa
Nhật 27 năm B)
Với việc Chúa Yêsu
báo cho các tông đồ biết trước về cuộc Khổ nạn Phục sinh của Ngài, Nước Trời đã
trở nên rất sát gần. Từ đây Ngài sẽ chuyên chú giới thiệu nếp sống của Nước
Trời . Từ nay, người ta cũng phải xét
định mọi sự một cách mới mẻ theo Nước
Trời, phải có một thứ “nhãn quan Nước Trời”, đặt nền tảng trên Nước Trời. Đức
Yêsu sẽ đem ánh sáng Nước Trời soi dọi vào nhiều lãnh vực của đời sống người môn đệ, trong đó có tình yêu nam nữ
và đời sống hôn nhân.
Tình yêu là một huyền nhiệm thật kỳ diệu hấp dẫn. Đời sống hôn nhân cũng là một đời sống êm đềm, có một cơ chế chỉ
có nơi xã hội loài người, được thiết
định theo những luật lệ rõ ràng, diễn tả
một sự tiến bộ lớn lao, một nhận thức sâu sắc của con người về đời sống cộng đồng và về những điều kiện để bảo đảm trật tự trong gia đình và xã hội..
Nơi Dân Do thái thời Cựu Ước , luật hôn nhân với những bổn phận và ràng buộc cụ thể đã được ghi
khắc trong bộ luật mà Thiên Chúa ban cho
Dân Người qua vị trung gian là Môsê. Cùng với nhiều điều khoản khác, các quy định của Thiên Chúa cho
đời sống hôn nhân trong Dân Chọn được đánh giá là bộ luật độc đáo, trổi vượt
nhất trong các bộ luật hiện hành của các dân tộc thời xa xưa
Dựa vào những quy định ấy và lòng tin vào Thiên Chúa, biết bao gia đình Do thái, trải qua các thế hệ, đã sống đạo đức,
hạnh phúc và an bình. Thế nhưng, do bản tính hay thay đổi của con người, dần
dần nảy sinh nhiều sa sút lộn xộn trong cuộc sống lứa đôi. Từ nhiều năm trước
thời Đức Yêsu và vào thời Ngài, đã có không ít cuộc ly tán giữa các đôi vợ chồng, đã có nhiều vi phạm đối với
một cơ chế thật tốt đẹp, từng mang lại hạnh phúc sâu xa.
Đó là lý do khiến nhiều người không ngừng tìm kiếm những kẽ hở, những du
di châm chước và nhất là những công nhận
cho các tiêu cực như ngoại tình, ly dị. Vì lóng chai đá của họ, dần dần giới luật sĩ đề ra những khoản luật
thật rộng rãi để chuẩn nhận việc vợ chồng lìa bỏ nhau, chẳng hạn người chồng có
thể bỏ một người vợ chỉ vì người vợ nấu cơm bị khê bị cháy, và để bỏ người vợ
đó, phía chồng chỉ cần viết một tờ ly
thư để công khai hóa sự việc rãy bỏ
người vợ đó.
Đức Yêsu, Đấng sắp khai trương Nước Trời, không chấp nhận tình trạng đó.
Với Nước Trời, một nếp sống mới đã bắt đầu.
“Mới” đây không có nghĩa là phế bỏ mọi thứ cũ xưa, mọi điều luật thời
trước. “Mới” đây chính là xác định và khôi phục lại ý muốn tối thượng Thiên Chúa đã có ngay từ ban đầu, là điều
chỉnh uốn sửa những gì lệch lạc, hoàn
chỉnh mọi sự còn thiếu sót. Bởi đó, trả
lời cho câu hỏi : “ Chồng có được phép
rẫy vợ không ?” Ngài đã nói rõ là không được và loài người không thể phân ly
điều mà Thiên Chúa đã phối hợp.
Dĩ nhiên sống cả đời chung thủy với nhau nhiếu khi là một ràng buộc quá
nặng nề, vượt sức con người.
Thế nhưng đó chính là ý Thiên
Chúa, là luật của Chúa, là đòi hỏi của Nước Trời. Đó cũng là lời mời gọi của
Thiên Chúa, Đấng là chính Tình Yêu, Đấng hạnh phúc tuyệt đối và nắm giữ bí quyết của hạnh phúc. Trong ý định và kỳ
vọng sâu xa của Người, Thiên Chúa đã dựng nên người nam cho người nữ và người
nữ cho người nam. Chính Người cũng đặt để tình yêu say đắm trong trái tim họ,
và thiết lập đời sống hôn nhân với mục đích giúp cho con người được hạnh phúc,
được có người để nương nhờ và nâng đỡ nhau trong cuộc sống.
Để có sự ổn vững
trong tình yêu, để thực thi được điều luật của Nước Trời về hôn nhân, người ta
hãy có tâm tình của Chúa Yêsu, Đấng đầy lòng vâng phục đối với thánh ý Chúa Cha,
chấp nhận gian khổ, thậm chí hy sinh cả
mạng sống, như lời Thư Dothái mà hôm nay và trong những Chúa nhật tới, chúng ta
sẽ nghe một số đoạn trích, và cũng biết đón nhận những đòi hỏi của Nước Trời
với tâm hồn đơn sơ ngoan ngoãn như trẻ thơ, vì xác tín rằng đó chính là chìa khóa và chỉ nơi đó mới có bí quyết của
hạnh phúc và sự bền vững của đời sống hôn nhân.
xOx
Với sự xuất hiện của
Đức Yêsu, bộ mặt của thế gian đang qua đi. Trong đời sống hôn nhân – cũng như
trong mọi lãnh vực đời sống –chúng ta đã có một tiêu chuẩn mới làm nền tảng, đó
là Nước Trời, đã có một gương sáng chói về chung thủy, về vâng phục, đó chính là Đức Yêsu, vị Thầy của chúng ta.
Antôn Trần thế Phiệt, DCCT