Chúa Nhật 28 Thường Niên Năm B
Hãy Ði Theo Chúa
(Khôn ngoan 7,7-11; Hipri 4,12-13; Marcô 10,17-30)
Phúc Âm: Mc 10, 17-27
"Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến
theo Ta".
Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người
chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì
để được sống đời đời?" Chúa Giêsu trả lời: "Sao ngươi gọi Ta là nhân
lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới
răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng
lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ". Người ấy thưa: "Lạy Thầy, những
điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ".
Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và
đem lòng thương mà bảo rằng: "Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi
bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu
trên trời, rồi đến theo Ta". Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét
mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung
quanh và bảo các môn đệ rằng: "Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó
biết bao!" Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói
tiếp và bảo các ông rằng: "Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc,
thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn
người giàu có vào nước Thiên Chúa". Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng:
"Như vậy thì ai có thể được cứu độ?" Chúa Giêsu chăm chú nhìn các
ông, và nói: "Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối
với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự".
{Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Ðây
chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Thầy
bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng
ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này
về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ,
và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết,
và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất".}
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXVIII Thường Niên Năm B
Khôn ngoan 7,7-11; Hipri 4,12-13; Marcô
10,17-30
Hằng tuần và có khi hằng ngày, chúng ta họp
nhau lại đây cử hành thánh lễ để làm gì? Có lẽ cuối cùng chúng ta phải dựa vào
các bài Thánh Kinh hôm nay để trả lời một cách thỏa đáng. Chúng ta muốn bắt
chước vua Salomon đến đây cầu xin ơn khôn ngoan để biết sống ở đời. Và hơn nữa,
chúng ta muốn như chàng thanh niên trong Phúc Âm xin Chúa chỉ đàng cho chúng ta
như lời bài Thánh Thư hôm nay không? Do đó những bài Kinh Thánh chúng ta vừa
nghe đọc, rất đáng suy nghĩ và phải được đem ra thực hành. Chúng ta hãy đọc lại.
1. Cầu Xin Ơn Khôn Ngoan
Bài sách Khôn ngoan cho chúng ta được nghe lại
chính lời của Salomon. Ông nổi tiếng thông minh nhất đời, ít là theo ý kiến
người Dothái. Không phải tự ông có sự khôn ngoan vượt bực ấy. Ông đã xin cùng
Thiên Chúa và Người đã thương ban cho ông vì ông biết quý nó hơn hết mọi sự ở
đời. Về điểm này ông đã nói đúng. Sách Các Vua quyển I còn kể (3,4-14): khi mới
lên ngôi, Salomon đã đến Gabaon, một thánh điện nổi tiếng thời bấy giờ. Ông
dâng có cả hàng nghìn tế vật lên Thiên Chúa. Người đã hiện ra với ông và hỏi
ông xin gì? Ông khiêm tốn thú nhận mình còn trẻ trung mà phải cai trị một dân
tộc "đông đúc"; nên ông không xin điều gì khác ngoài một lòng trí
biết nghe lời Chúa để trị dân và phân biệt phải trái mà thôi. Ðiều ông xin đã
đẹp ý Chúa và Salomon đã nhận được ơn khôn ngoan.
Câu đầu của đoạn sách hôm nay nhắc lại câu
truyện ấy. Và những câu sau làm chứng Salomon đã nhớ kỹ những lời Chúa phán hôm
ở Gabaon. Người bảo: vì ngươi đã xin sự khôn ngoan chứ không xin được sống lâu
giàu bền hay là chiến thắng trên quân thù� nên Ta se cho ngươi một lòng trí khôn ngoan đến nỗi trước và sau
ngươi không có ai trong thiên hạ khôn ngoan bằng ngươi. Salomon đã nhớ lời này.
Ông hằng suy niệm. Và hôm nay trong đoạn sách Khôn ngoan chúng ta vừa nghe, ông
lặp đi nói lại rằng ông quý sự khôn ngoan hơn hết. Sức khỏe và sắc đẹp, vàng
bạc và ánh sáng, tất cả đều như cát mạt sánh với sự khôn ngoan. Ðược nó là có
mọi sự vì nó nắm giữ mọi sự trong tay.
Ðối với Salomon, khôn ngoan là một sự gì rõ
rệt. Ðó là tài cai trị dân theo đúng ý Chúa. Nói đúng hơn đó là ơn trung thành
biết lắng nghe lời Chúa và hiểu ý Người để lãnh đạo dân. Sự khôn ngoan đó chắc
chắn không dành cho mọi người. Và không phải ai ai cũng cần cầu xin ơn ấy. Khôn
ngoan khuyên bảo hết thảy chúng ta ao ước sự khôn ngoan, thì nó muốn nói đến sự
khôn ngoan nào?
Không dễ trả lời câu hỏi này đâu. Ðọc sách Khôn
ngoan từ đầu tới cuối, chúng ta thấy tác giả không bao giờ định nghĩa sự khôn
ngoan bằng những công thức cụ thể. Dường như khôn ngoan là một huyền nhiệm.
Người ta phải cố gắng mon men tới gần. Và tùy như mức cải tạo thực hiện được
khi tiến lên với đức khôn ngoan, người ta mới hiểu thêm được và lãnh nhận dần
được ơn cao cả này. Cuối cùng chúng ta có thể nói, khôn ngoan chính là Thiên
Chúa, là thần trí của Người, là sự sống của Người, không phải như một thực tại
ở xa chúng ta, nhưng đang muốn đến với chúng ta để làm cho chúng ta nên khôn
ngoan hơn, tức là thánh thiện hơn và do đó hạnh phúc hơn.
Ðó mới thật là sự khôn ngoan mà phụng vụ hôm
nay mượn lời Salomon khuyên nhủ chúng ta hãy ao ước và cầu xin. Ðừng quý gì hơn
nó vì chỉ có nó là hạnh phúc đầy đủ cho chúng ta. Nếu muốn cụ thể hơn, chúng ta
hãy nói rằng sự khôn ngoan mà chúng ta phải cầu xin chính là ơn cứu độ mà Ðức
Kitô đã mang đến, là chính Ðức Yêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã giáng
sinh làm người. Chúng ta hãy nhìn Người trong bài Tin Mừng hôm nay.
2. Hãy Ði Theo Chúa
Thánh Marcô kể hôm ấy Ðức Yêsu đang đi đường.
Người lên Yêrusalem để thụ nạn cứu thế và ban hạnh phúc cho mọi người. Một
chàng thanh niên chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và thưa với Người như một
bậc "tôn sư": "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống
đời đời làm cơ nghiệp". Anh chưa thấy Người khác mọi bậc thầy và khác với
mọi sư phụ. Anh tưởng Người cũng giống như bao luật sĩ hoặc nhà truyền đạo đã
thay lượt nhau đến dạy đường khôn ngoan cho loài người. Có lẽ anh chỉ coi Người
hơn họ một chút xíu thôi.
Nhưng Người không phải như vậy. Người không đến
dạy sự khôn ngoan, nhưng là chính sự khôn ngoan nhập thể. Người không chỉ dạy
đàng dẫn đến sự sống đời đời, nhưng có chính sự sống ấy để ban cho những ai
biết đón nhận... Thế nên Người đã nhắc nhở anh nghĩ tới điều đó và phải nhận ra
Người không phải là một bậc Thầy thông thường. Người bảo anh: "Sao ngươi
nói Ta tốt lành? Không có ai tốt lành trừ phi có một Thiên Chúa". Nghĩa là
nếu ngươi nói Ta là tốt lành, thì ngươi nên nhận ra thần tính ở nơi Ta; Ta là
Thiên Chúa giáng trần. Thế nên lời Ta nói đây không phải là ý kiến của một luật
sĩ hay của một nhà truyền đạo, nhưng là của chính Thiên Chúa. Và Người đã nhắc
lại cho anh những giới răn trong Luật pháp. Chàng thanh niên vội thưa:
"Lạy Thầy, mọi điều đó tôi đã giữ từ thuở bé". Lời anh nói làm chúng
ta liên tưởng tới ý kiến của Phaolô phát biểu sau này: "Ðời tôi từ lúc
thiếu thời... đã sống theo phái nhiệm nhặt trong tôn giáo chúng tôi...".
Hoặc chúng ta cũng có thể nghĩ tới lời tự tín của người biệt phái nọ lên đền
thờ cầu nguyện: "Lạy Thiên Chúa, tôi đội ơn Người, vì tôi không phải như
những người khác... mỗi tuần tôi ăn chay 2 lần, tôi nộp thuế thập phân...".
Quả thật, chàng thanh niên đang đứng trước mặt
Chúa Yêsu, là hình ảnh của biệt phái, của những con người tưởng rằng có thể
chiếm được Nước Trời bằng cách giữ luật hoặc thi hàn các nguyên tắc khôn ngoan
này, khôn ngoan khác. Ðức Yêsu nhìn chàng thanh niên ấy; Người muốn yêu những
tâm hồn như vậy; Người muốn cứu độ họ thật sự. Người bảo anh ta: ngươi chỉ
thiếu một điều: đi đi! Có gì thì đem bán hết mà chi kẻ khó, và ngươi sẽ có một
kho tàng trên trời, đoạn hãy đến theo Ta.
Thánh Marcô kể tiếp: "Người ấy sầm mặt
xuống vì lời đó mà bỏ đi buồn rầu, vì nó có nhiều của". Có thể thánh nhân
đã viết như vậy để chuyển ý sang đoạn văn sau nói về nguy hiểm do của cải, đối
với Nước Trời. Ðúng hơn người đã áp dụng ý của Chúa vào trường hợp cụ thể của
độc giả tác phẩm của người. Những người này là các tín hữu đã tin vào Ðức Kitô
chứ không phải là các biệt phái nữa. Họ cũng phải giữ Lời Chúa. Và cho được như
vậy phải biết áp dụng Lời của Người vào trường hợp của mình. Vậy lời của Người
khi xưa, tức là lúc Người đang ở trần gian, đã trực tiếp nói với chàng thanh
niên đã giữ các giới răn từ thuở bé, tức là vẫn tưởng rằng có thể dùng sức mình
và theo sự khôn ngoan của mình mà được sự sống đời đời. Không, người ta phải từ
bỏ mọi ảo tưởng đó, phải khước từ hết, phải bắt chước Salomon trông cậy nguyên
vào Chúa. Người ta phải đi bán tất cả, từ bỏ tất cả vì Nước Trời, rồi đến đi
theo Chúa.
Lời Ðức Yêsu nói với chàng thanh niên có giá
trị tổng quát và triệt để. Chúng ta phải ghi nhớ tính cách tuyệt đối này. Người
ta không được cậy dựa gì ngoài Chúa. Của cải chỉ là một diện phải từ bỏ, tuy là
diện khá quan trọng.
Nhưng vì sao thánh Marcô lại chú ý đến diện
này? Phải chăng như lời Tin Mừng Luca viết: "Biệt phái vốn tham
tiền"? (16,14). Hay là tại vì ở thời Marcô viết sách Tin Mừng, của cải đã
trở thành vấn đề trong đời sống đạo? Tín hữu phải tự đồng hóa mình với hạng
"nghèo khó được rao giảng Phúc Âm". Như vậy sẽ không được giàu có
sao? Và như vậy sẽ được gì?
Chúng ta có thể coi lời Phêrô hỏi Chúa hôm nay
như phản ảnh tâm lý và những thắc mắc này. Và chúng ta thấy câu trả lời thật
khôn ngoan. Kẻ bỏ mọi sự mà theo Chúa vẫn có mọi sự ở đời này và cộng thêm sự
bị bắt bớ. Ðàng rằng chỉ có Marcô thêm chữ "bị bắt bớ" này vào câu
trả lời của Chúa. Có lẽ vì hoàn cảnh đặc biệt của Hội Thánh thời Marcô viết tác
phẩm Tin Mừng. Nhưng ai cấm chúng ta suy nghĩ rằng: theo thánh nhân, môn đệ của
Chúa ở đời này không tất nhiên phải biến mình trở thành khố rách áo ôm. Như mọi
người, họ vẫn có nhà để ở, áo để mặc, cơm để ăn, họ hàng bè bạn để tương
giao... và còn có hơn vì tình huynh đệ và tương trợ trong Hội Thánh; nhưng họ
hãy có như không có, hưởng như không hưởng, vì họ phải sống mầu nhiệm thập giá
Ðức Kitô mà viễn tượng "bị bắt bớ" luôn nhắc nhở người ta phải có
tinh thần từ bỏ tuyệt đối vì Nước Trời. Và của cải là diện khó từ bỏ, đến nỗi
con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào được Nước Trời.
Các môn đệ của Ðức Yêsu đã ngạc nhiên trước
những đòi hỏi như vậy. Họ sợ ít người có thể vào được Nước Thiên Chúa. Ðúng,
với sức mình, với sự khôn ngoan của mình, loài người không làm gì được đâu.
Nhưng, "mọi sự đều là có thể nơi Thiên Chúa"; tức là người ta phải
trông cậy vào Chúa và chỉ trông cậy vào một mình Người mà thôi. Salomon đã có
thái độ như vậy trong bài sách Khôn ngoan hôm nay... Còn chàng thanh niên kia,
giống như các biệt phái, không muốn bỏ mọi sự và quan điểm của mình mà theo
Chúa và thi hành Lời của Người. Tại sao vậy? Chúng ta hãy nghe lời thư Hipri.
3. Hãy Thi Hành Lời Chúa
Thư Hipri bàn rất nhiều và sâu sắc về chức tư
tế trong đạo mới. Ðạo cũ tức là Dothái giáo có hàng tư tế đông đảo và lễ nghi
sầm uất. Số lượng tế vật cùng khói hương và huyết chảy không thể tưởng tượng
được. Nhưng tất cả để làm gì? Chỉ là một thất bại hoàn toàn; một bất lực không
hơn không kém. Tội lỗi của dân chúng vẫn còn đó. Chính vì vậy mà Cựu Ước cứ
phải dâng lễ không ngừng.
Trong Tân Ước trái lại, máu Ðức Yêsu đã rửa
sạch mọi tội. Người chỉ dâng lễ một lần. Người đã đi vào cung thánh của chính
bản tính Thiên Chúa qua mầu nhiệm tử nạn của Người. Người ta chỉ còn phải tham
dự vào lễ tế vô giá ấy.
Nhưng đi vào lễ tế này sao được khi không để
thân thể mình nát ra như chính của lễ hy sinh trên thập giá? Và phương tiện
phân nát thân thể con người chính là Lời Chúa. Vì đây không phải là ý tưởng, mà
là sự sống. Ðó là sự sống bởi trời xuống, đi vào thân xác con người, sắc bén
hơn mọi thứ gươm hai lưỡi và đâm phập vào tận ranh giới hồn phách... cùng biện
phân ra được tình và ý tưởng của lòng dạ. Người ta cứ xem Ngôi Lời đã thành
nhục thể. Người đã sống một cuộc đời gian khổ như thế nào. Cuối cùng Người đã
chết trên thập giá để trở thành của lễ cứu độ và trở nên vị Thượng tế của đạo
mới. Người ta cũng phải để cho Lời Chúa thấm nhập tâm can... đóng đinh dục vọng
và xác thịt vào thập giá. Có như vậy con người mới trở nên của lễ và mới tham
dự vào chức tư tế của Ðức Kitô, mới được khỏi tội và ngang qua các tầng trời đi
vào nơi yên nghĩ ở trong Thiên Chúa.
Cái lầm của đạo cũ là thái độ vụ hình thức, là
não trạng tưởng rằng giữ được Luật pháp là có sự sống đời đời. Thật ra điều
quan trọng là phải từ bỏ "sự sống của mình", của con người cũ ở nơi
mình và nhận lấy sự sống mới đến từ Thiên Chúa. Salomon đã biết từ bỏ mọi sự để
được sự khôn ngoan; Ðức Yêsu bảo người thanh niên phải đi bán tất cả để đến đi
theo Người; tác giả thư Hipri khuyên chúng ta hãy để cho Lời Chúa thấm nhập
biện phân tình và ý tưởng của lòng dạ. Ai sẵn sàng làm như vậy?
Chúng ta hãy chạy đến Thánh Thể, tham dự vào lễ
tế của Ðức Kitô. Hãy hòa mình vào tâm tình xả kỷ cứu thế của Người. Hãy sống
chân thật theo lương tâm và Lời Chúa dạy bảo và thôi lấy hình thức che đậy tâm
can. Ai làm như vậy mà còn sợ sẽ không được sự sống đời đời? Ðó là người khôn
ngoan hơn hết, hơn cả Salomon, vì ở đây nơi bàn thờ, còn có Ðấng trọng hơn
Salomon và còn dạy đường khôn ngoan hơn Salomon. Chúng ta hãy đến và nhận lấy
Người.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)