CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN
Chúa Giê-su dạy bài học phục vụ
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô
10:35-45)
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay xảy ra sau khi Chúa Giê-su tiên
báo lần thứ ba cuộc Thương khó của Người.
Mỗi lần là một bài học. Bài học
Chúa dạy lần này không phải chỉ dành cho mấy Tông đồ thích “làm lớn” hoặc tranh
giành địa vị, nhưng cũng dành cho mọi Ki-tô hữu cần phải noi gương Chúa Giê-su,
Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng
sống làm giá chuộc muôn người”.
Trước hết chúng ta thử tưởng tượng ra khung cảnh Chúa
Giê-su và các Tông đồ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem. Mỗi người nghĩ về chuyến đi định mệnh này
theo nguyện vọng của mình. Đối với Chúa,
Người lên thánh đô lần này để hoàn tất sứ mệnh “hiến mạng sống làm giá chuộc
muôn người”. Trong khi đó, các Tông đồ lại
coi cuộc lên đường này như cơ hội để Chúa Giê-su được dân Ít-ra-en tiếp đón và
“được vinh quang”. Đó cũng là giấc mơ họ
từng ấp ủ khi theo làm môn đệ Chúa, mặc cho Chúa đã ba lần cảnh báo họ phải có
cái nhìn đúng đắn về sứ mệnh của Người:
Người sẽ bị các nhà lãnh đạo tôn giáo Ít-ra-en bắt giam, bị dân ngoại kết
án tử hình, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại.
Ý nghĩa cuộc đời của Người được gói ghém trong hai tiếng phục vụ. Người phục vụ Chúa Cha khi vui lòng “trút bỏ
mọi vinh quang và địa vị ngang hàng Thiên Chúa” để đến thế gian, mang thân nô lệ
mà thi hành sứ mệnh cứu độ nhân loại.
Người cũng phục vụ chúng ta bằng cách rao giảng Tin Mừng và xoa dịu mọi
khổ đau của con người khi thực hiện những phép lạ trừ quỷ cũng như chữa lành bệnh
tật.
Sự kiện hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an đến xin Chúa chỗ ngồi
danh dự sau khi Người được vinh quang là cơ hội để dạy mọi người ý nghĩa của việc
làm lớn hay lãnh đạo người khác. Lãnh đạo
hiểu theo quan niệm của người đời khác hẳn với lý tưởng của Chúa Giê-su. Một đàng thì “dùng uy, lấy quyền” để tỏ ra
mình hơn người khác. Nhưng đối với Chúa
Giê-su, “làm lớn nghĩa là làm người phục vụ và làm đầu thì phải làm đầy tớ anh
em”. Quả thực Người đã đảo lộn trật tự hết
rồi! Và như thế, liệu có ai còn dám theo
Người nữa hay không? Nhưng Chúa Giê-su
không nhượng bộ một chút nào. Đó là con
đường duy nhất cho các môn đệ mếu muốn theo Người. Người quả quyết với hai ông cũng như với các
Tông đồ khác và cả chúng ta hôm nay nữa:
“Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu”. Chúng ta sẽ cùng uống cùng chịu với Chúa,
cùng ôm ấp một lý tưởng phục vụ Thiên Chúa và anh chị em. Phục vụ không dễ vì nó đi ngược lại lối suy
nghĩ của người đời. Cho nên phục vụ được
ví như chén đắng hay phép rửa. Chén đắng
là những hy sinh và phép rửa là những thử thách chúng ta phải chấp nhận khi phục
vụ anh chị em. Nhưng lý tưởng phục vụ của
Chúa Giê-su không trông chờ phần thưởng đời này, mà là phần thưởng đằng sau cái
chết “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.
Noi gương Chúa, chúng ta phục vụ vì yêu thương và vì tương lai vĩnh cửu. Chúng ta phục vụ để “Thầy ở đâu, anh em cũng
được ở đấy với Thầy”.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Quả thực là một bài học khó đối với những ai không muốn “mặc
lấy Chúa Ki-tô”. Khi “mười môn đệ kia tức
tối với ông Gia-cô-bê và Gio-an, thì Đức Giê-su gọi các ông lại và dạy”. Người luôn mời gọi các ông học bài học phục vụ
với Người. Người muốn các ông bỏ đi thái
độ “tức tối” kia để mặc lấy tâm tình yêu thương và khiêm tốn phục vụ của Người. Có khi nào chúng ta tức tối vì thấy người
khác tỏ ra hách dịch hay làm oai làm phách đối với mình chưa? Có khi nào chúng ta phải đứng chờ ở văn phòng
cơ quan và đối diện với thái độ “quyền uy” của nhân viên làm việc tại đó
chưa? Ở gia đình, bậc cha mẹ lấy tình
thương hay lấy quyền để dạy dỗ con cái?
Có biết bao nhiêu cơ hội để chúng ta có thể học bài học phục vụ của
Chúa! Điều giúp chúng ta chấp nhận bài học
phục vụ là việc phục vụ không làm mất phẩm giá và biến chúng ta thành kẻ hầu hạ
bị coi thường; trái lại, phục vụ làm cho
chúng ta trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người, giống như
Chúa Giê-su được sai đến để phục vụ. Vậy
thì Chúa Giê-su đang “gọi” chúng ta lại
với Người đấy!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi