CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN

Chúa Giê-su khời đầu sứ vụ

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mác-cô 1:14-20)

          Tin Mừng theo thánh Mác-cô có một đặc điểm là giới thiệu con người Chúa Giê-su Ki-tô (1:1) và đề tài rao giảng của Người (1:15).  Mùa Thường niên chu kỳ năm B là thời gian trình bày lời giảng và việc làm của Chúa Giê-su theo Tin Mừng Mác-cô.  Bài Tin Mừng tuần trước đã thuật lại câu chuyện hai môn đệ ông Gio-an Tẩy Giả đã đi theo Chúa Giê-su để khám phá chân tính của Người.  Còn bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu hai công tác chính của Chúa Giê-su khi Người khởi đầu cuộc đời công khai, đó là nội dung sứ vụ rao giảng của Người và việc Người kêu gọi những môn đệ đầu tiên.

          Là Ngôn Sứ của Thiên Chúa, Chúa Giê-su sẽ rao giảng như Đấng có thẩm quyền (Mác-cô 1:27).  Người nói cho chúng ta biết tất cả những điều Thiên Chúa muốn nói “vào thời sau hết này” (Do-thái 1:2).  Vậy trước khi thuật lại sứ vụ của Chúa, thánh sử Mác-cô đã tóm tắt sứ điệp rao giảng của Chúa trong một câu:  “Người nói:  ‘Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.  Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’”.  Sứ điệp Tin Mừng ấy Chúa Giê-su sẽ rao giảng và giải thích bằng những lời lẽ đơn sơ hoặc bằng những câu chuyện dụ ngôn thực tế, cộng thêm những phép lạ như các dấu chỉ giúp người ta nhận ra “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”.  Sứ điệp có hai phần rõ rệt:  thứ nhất, thời kỳ chờ đợi ơn cứu độ đã hết để mở đầu cho Triều Đại Thiên Chúa;  thứ hai, chúng ta hãy thay đổi não trạng để đón nhận Tin Mừng cứu độ.  Sám hối là quay lưng lại với quá khứ tội lỗi, trở về với hiện tại để đón nhận Ân Sủng là chính Chúa Ki-tô và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần mà hướng về tương lai.  Hai hành vi sám hối và tin vào Tin Mừng gắn liền với nhau, nghĩa là nếu chúng ta không thay đổi não trạng thì chúng ta cũng không thể tiếp nhận Tin Mừng.  Tại sao thế?  Vì lối suy nghĩ và hành động của chúng ta là theo lối của thế gian, trái lại, tiếp nhận Tin Mừng là suy nghĩ và hành động theo đường lối của Chúa.  Tin vào Tin Mừng không thuần túy là lấy lý trí để chấp nhận sự thật của Tin Mừng, nhưng là lấy trái tim để lắng nghe, yêu mến và tuân giữ những điều Chúa dạy.

          Việc thứ hai Chúa Giê-su làm khi khởi đầu sứ vụ, đó là kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên.  Đáp lời Chúa gọi “Các anh hãy theo tôi”, anh em ông An-rê và Si-mon “lập tức bỏ chài lưới mà đi theo Người”.  Còn anh em ông Gia-cô-bê và Gio-an thì “bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công mà đi theo Người”.  Chúa Giê-su đã chủ động kêu gọi họ và họ sẵn sàng bỏ lại những gì trân quý nhất trong đời để đi theo Người.  Đấy là gương mẫu về việc Chúa gọi mỗi người chúng ta lên đường phục vụ Người và anh chị em.  Trở lại với câu chuyện Chúa Nhật trước thánh sử Gio-an nói về hai ông An-rê và Gio-an đi theo Chúa Giê-su về chỗ Người ở, chúng ta không lạ khi thấy hôm nay cả bốn người đều mau mắn đáp lời kêu gọi của Chúa, bởi họ đã có dip tìm hiểu về Người hoặc được giới thiệu nên sẵn sàng khi Người gọi họ.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Triều Đại Thiên Chúa nhiều khi vẫn còn là những danh từ xa lạ đối với nhiều người chúng ta.  Chúng ta đang sống trong triều đại ấy, tức là đang sống trong thời gian Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử nhân loại để cứu độ chúng ta.  Như vậy Triều Đại Thiên Chúa cũng chính là thời cánh chung, hoặc thời sau hết để định đoạt số phận đời đời của chúng ta.  Số phận ấy tùy thuộc vào lối sống mới của chúng ta.  Chúa Giê-su đã cho chúng ta được làm con cái Thiên Chúa và sống theo Thánh Thần của Người.  Đó là lối sống của những người thuộc Triều Đại Thiên Chúa.  Nhưng liệu chúng ta có luôn tự hỏi mình:  Tôi đang sống trong Triều Đại Thiên Chúa hay vẫn còn níu kéo lối sống của “triều đại ma quỷ và tội lỗi”?

          Như Chúa Giê-su đã gọi bốn môn đệ đầu tiên, Người tiếp tục gọi chúng ta làm môn đệ Người mỗi ngày.  “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo” (Lu-ca 9:23).  Bước đường làm môn đệ Chúa sẽ liên tục biến đổi con người chúng ta trong lốí sống của mình, suy nghĩ giống như Chúa Giê-su, hành động giống như Người, phản ứng giống như Người, để chúng ta “nên đồng hình đồng dạng với Người”.

         Lm Đa-minh Trần đình Nhi             


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B