Chúa Nhật 3 Thường Niên Năm B

Tin Vào Phúc Âm và Sống Phúc Âm

(Yona 3,1-5.10; Thư 1 Corintô 7,29-31; Tin Mừng Marcô 1,14-20)

 

Phúc Âm: Mc 1, 14-20

"Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm". Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người". Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật III Thường Niên Năm B

Chúng ta đọc: Yona 3,1-5.10; Thư 1 Corintô 7,29-31; Tin Mừng Marcô 1,14-20

Ba bài đọc Thánh Kinh hôm nay có thể hướng suy nghĩ của chúng ta về việc thống hối tội lỗi và cải tạo đời sống. Ðó là một đề tài quan trọng và phong phú. Trong thánh lễ này, chúng ta chỉ để ý đến khía cạnh những người được Chúa gọi phải đổi mới tâm hồn và đời sống tư tưởng của Chúa nhật trước về ơn gọi.

 

1. Chúng Ta Ðược Gọi Tin Vào Phúc Âm

Bài Tin Mừng Marcô chúng ta vừa nghe nói đến việc Chúa Yêsu gọi 4 tông đồ đầu tiên. Rõ ràng không giống Tin Mừng Yoan đã kể trong Chúa nhật trước. Vì thế chúng ta lại càng tin chắc hơn: các tác giả đã không quay phim tại chỗ. Việc Chúa gọi các tông đồ đầu tiên đã được suy nghĩ lâu năm trước khi được đem viết lại thành văn bản. Và khi được viết ra, nó đã mang nặng chất thần học. Cái hay và cái khéo của những bản văn này là vẫn giữ lại được cho câu truyện hương sắc mới lạ của buổi đầu. Ðọc đoạn văn Marcô hôm nay, ai nghĩ ngay là một bản văn đã thần học hóa những sự kiện xảy ra trong thực tế? Ngược lại, chúng ta có cảm giác thật sự như thấy Ðức Yêsu đang đi trên bờ biển Galilêa và gọi các tông đồ. Nhưng đối với thánh Marcô thì khác. Và có lẽ đối với chúng ta sau khi suy nghĩ cũng vậy.

Ðức Yêsu bấy giờ không phải là chính là Ðức Yêsu hồi mới ra giảng đạo đâu, nhưng là Ðức Yêsu đã sống lại. Quả vậy, dù muốn dù không, khi viết Tin Mừng, Marcô đã có một cái nhìn đức tin sâu sắc về Ðấng mà người muốn rao giảng lại cho hậu thế. Con mắt người có thể nói, đã nhận được những tia sáng phục sinh để nhìn vào Ðức Yêsu, nên mọi nét tả, mọi lời văn trong sách Tin Mừng của người đều chan chứa đức tin và mang nặng chất thần học.

Vì thế, không phải vô lý mà Marcô đã bắt đầu bằng chữ: "Sau khi Yoan bị bắt". Ông là vị tiền hô của Chúa. Cuộc tử nạn của ông báo trước việc Chúa chịu chết. Do đó với những chữ mở đầu như trên Marcô có ý gợi lên sự kiện "sau khi thụ nạn", Chúa Yêsu đã lui về Galilêa. Người bắt đầu gọi lại các tông đồ. Và như vậy câu truyện Marcô kể bây giờ được bọc trong mầu nhiệm Phục sinh.

Trước hết, chính Ðức Yêsu bây giờ là nhà truyền giáo lý tưởng. Sứ điệp của Người là nội dung các tông đồ phải truyền lại. Người giảng ở đất Galilêa (dân ngoại) để Hội Thánh bắt chước Người đi làm việc ở các dân tộc. Người nói rằng thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần bên! Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng!

Ðó là những lời rất quan trọng và mầu nhiệm. "Thời buổi" ở đây không phải là thời gian năm tháng tính theo các loại đồng hồ, nhưng là lịch sử, là kỷ nguyên. Với việc Ðức Kitô chịu chết và sống lại, lịch sử đã đi vào giai đoạn sung mãn. Thánh Kinh gọi là thời buổi cuối cùng. Từ nay đến tận thế không có gì mới nữa. Chỉ còn việc ơn cứu độ của Ðức Kitô lan rộng ra khắp không gian và thời gian.

Vì thế, "Nước Thiên Chúa đã gần bên". Không ai còn ở xa ảnh hưởng của Ðức Kitô cứu thế nữa. Do đó, mọi người phải hối cải, tức là từ bỏ con đường mình đang theo và quay mặt về với Chúa. "Và hãy tin vào Tin Mừng".

Nhưng Tin Mừng nào?

Ở đây Marcô dùng một từ ngữ chuyên môn. Thoạt đầu chữ "Tin Mừng" gợi lên những buổi trọng đại trong đời sống xã hội. Sứ giả của nhà vua được sai đi thông báo cho toàn dân thiên hạ biết những sự vui mừng có hệ mật thiết đến hạnh phúc của họ. Nào là việc có một hoàng đế lên ngôi; ngài vừa có một thái tử; ngài lập đông cung thái tử lên chức kế vị ngai vàng, chẳng hạn... Ðó là những Tin Mừng vì mật thiết liên hệ đến đời sống ấm no của chư dân. Nhưng phần lớn, đó chỉ là những tin mừng chủ quan và hạn chế.

Tin Mừng đích thực cho mọi thời và mọi nơi đúng như lời các thiên sứ đã loan báo cho mục đồng là Chúa Cứu Thế đã giáng sinh. Thành ra khi sách Tân Ước dùng chữ Tin Mừng và giục chúng ta tin vào Tin Mừng, thì chúng ta phải hiểu đây chính là sứ điệp cứu độ: Thiên Chúa đã thi hành kế hoạch cứu thế của Người khi sai Con của Người đến chịu chết và sống lại cho loài người chúng ta. Ðó là Tin Mừng của Thiên Chúa công bố trong thời đại cuối cùng. Và nội dung Tin Mừng ấy toàn nói về Ðức Yêsu Kitô; và cũng chính là Ðức Yêsu Kitô. Rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa là công bố kế hoạch cứu thế của Người trong Ðức Yêsu Kitô, là công bố đời sống và sự nghiệp của Ðức Yêsu Kitô, là công bố chính Ðức Yêsu Kitô. Nên Tin Mừng và Ðức Yêsu Kitô cũng là một.

Vậy đã có Ðức Yêsu Kitô là sứ giả đặc biệt của Thiên Chúa để rao giảng Tin Mừng; Người đã đến đất Galilêa dân ngoại để làm chứng Tin Mừng phải được mang đến cho các dân tộc. Hơn nữa Người đã rao giảng Tin Mừng khi thực hiện việc chịu chết và sống lại để cứu thế; thì không những từ nay người ta phải hối cải và tin vào Tin Mừng, và hơn nữa từ nay phải có nhiều người đi rao giảng Tin Mừng ấy.

Thế nên Chúa Yêsu đã gọi anh em Simon và Anrê, cũng như Yacôbê và Yoan. Họ đang làm nghề bắt cá. Người bảo họ hãy theo Người đi bắt các linh hồn. Lập tức họ bỏ lưới chài và tất cả để đi theo Chúa.

Chúng ta đã nói: Marcô kể khác với Yoan. Ở đây, Marcô có lẽ mô phỏng sách Các Vua (1,19-21) trong đoạn thuật truyện Êlia gọi Êlisê làm tiên tri. Hôm ấy Êlia đi đường gặp Êlisê đang bừa ruộng. Ông lại gần, tung chiếc áo choàng ra trên con người của Êlisê. Ông này hiểu ngay ý nghĩa: nhà tiên tri muốn ông từ nay thuộc về Ngài. Êlisê xin được phép về nhà hôn cha hôn mẹ, rồi đến nơi bẻ cầy, bẻ bừa làm củi, thui luôn cả bò và bỏ mọi sự để đi theo Êlia làm tiên tri.

Marcô đã lấy lại đoạn văn trên. Nhưng ông đã sửa chữa. Thời buổi đã mãn, người ta không còn được phép về nhà từ gĩa cha mẹ nữa. Người ta phải bỏ ngay mọi sự mà đi theo Chúa làm tông đồ.

Và làm tông đồ là làm như Chúa Yêsu và Marcô vừa phác lại chân dung trong những câu đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay. Người đã qua mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh. Người đến giữa dân ngoại. Người công bố Tin Mừng của Thiên Chúa, để người ta hối cải và tin vào Tin Mừng và để người ta cùng Người làm thành cộng đoàn mật thiết tiếp tục rao giảng Tin Mừng.

 

2. Chúng Ta Phải Sống Phúc Âm

Không ai có thể thấy mình ở ngoài sứ điệp trên đây. Tất cả chúng ta đều phải hối cải và tin vào Phúc Âm. Phụng vụ hôm nay mượn những lời thư Phaolô giúp đỡ chúng ta đi vào nếp sống mới này.

Thoạt nghe, có thể chúng ta không thích những lời khuyên loại này. Chúng có vẻ xuất thế, không hợp thời với đạo nhập thế. Có người còn nhận xét, trong những câu khuyên này không một lời nào nhắc đến Thiên Chúa và Ðức Yêsu Kitô. Và người ta kết luận đây là thứ đạo đức học của các môn phái khắc kỷ và yếm thế hơn là của Kitô giáo.

Nhưng chỉ cần đọc lại với những tư tưởng mà chúng ta đã thấy trong bài Tin Mừng hôm nay: lời thánh Phaolô sẽ tỏ ra sâu sắc khác thường. Trước hết, thật khó dịch cho đúng câu khuyên bảo đầu tiên. "Thời buổi đã co rút lại" nghĩa là gì? Tựu trung, thánh Phaolô cũng chỉ muốn nói cho Ðức Yêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: thời buổi đã mãn. Tức là lịch sử đã đến lúc cuối cùng. Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch cứu độ và cứu thế của Người xong rồi, không còn gì để chờ đợi nữa. Người ta phải nhận hay không nhận. Khất lần, trì hoãn hay dửng dưng là không nhận rồi. Còn nếu nhận thì phải tin "từ nay" đã có Con Một Thiên Chúa giáng sinh làm người; Người đã thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa cứu độ khi chịu chết và sống lại; Người đang ở gần mỗi người và trong mọi lúc cũng như ở mọi nơi. Người đang rao giảng cho chúng ta Tin Mừng của Thiên Chúa, là chính Con Người và đời sống của Người. Chúng ta phải bỏ con đường xưa nay vẫn đi, quay mặt lại với Người là hối cải và tin vào Người.

Khi ấy suy nghĩ tâm tư, cảm giác, đời sống của chúng ta phải khác. Tất cả đều bị chi phối bởi sự hiện diện của Ðức Kitô cùng với giáo lý và đòi hỏi của Người. Kẻ có vợ sẽ như không có, kẻ khóc như không khóc, kẻ vui như không vui, kẻ mua như không cầm giữ, kẻ hưởng thế gian như không tận hưởng... nghĩa là những kẻ ấy sẽ không cư xử như khi chưa biết Chúa Yêsu nữa. Họ đã có Người, có giáo lý và tình yêu của Người, thì họ sẽ sống cách mới mẻ. Suy tư, cảm nghĩ, hành động của họ đều thâm nhiễm ảnh hưởng của Ðức Kitô. Họ sống nhưng không phải họ, mà là Ðức Kitô sống trong họ. Họ ở giữa thế gian nhưng không còn thuộc về thế gian, bởi vì "bộ dạng thế gian" tức là cơ cấu, định luật của thế gian tội lỗi đang qua đi, tức là đang mất ảnh hưởng đối với họ. Họ vẫn ở trong thế gian, nhưng thế gian không giữ được họ và bắt buộc được họ làm nô lệ cho mình nữa. Họ đã được ơn của Ðức Yêsu Kitô giải phóng. Từ nay họ là con cái tự do của Thiên Chúa. Họ được lại quyền làm chủ vạn vật như Adong trước khi sa ngã. Họ có tự do của tinh thần để không bị sức mạnh cuả sự dữ khống chế. Hơn nữa nhờ tinh thần được tự do hoàn toàn ấy, họ khắc phục tiêu diệt được sự dữ luôn luôn làm áp lực trên đời sống của họ.

Ðó là nếp sống mà thánh Phaolô khuyên chúng ta phải đi vào cho phù hợp với ơn gọi của những con người đã tin vào Phúc Âm. Nếp sống này, muốn đầy đủ, phải mở sang một khía cạnh khác nữa là truyền giáo.

 

3. Chúng Ta Phảo Rao Giảng Phúc Âm

Chính bài Tin Mừng Marcô cho chúng ta thấy Chúa Yêsu đã đi rao giảng Tin Mừng, kêu gọi môn đệ và làm thành với họ một cộng đoàn truyền bá Tin Mừng, là cộng đoàn Hội Thánh. Chúng ta phải bắt chước Người chứ đừng bắt chước Yona.

Ông là một người Dothái được Chúa kêu gọi để đi giảng đạo cho Ninivê, ông không chịu. Vì ông ghét thành này. Ninivê không là thủ đô của đế quốc đã xâm chiếm và tàn phá quê hương của ông sao? Giảng đạo cho bọn ấy để họ cũng được ơn của Chúa ư? Không đời nào. Ðàng khác sức mấy mà bọn ấy trở lại! Thủ đô của bọn chúng kiêu kỳ và tội lỗi, dễ gì chịu nghe ai. Nhất nữa người được sai đi đây lại là Yona, một anh nhà quê ở một tiểu nhược quốc!

Yôna không tin ở sứ mệnh Chúa giao phó cho mình. Và ông cũng chẳng muốn thi hành sứ mệnh ấy, kẻo kẻ thù của ông và của dân tộc ông cũng được phúc. Thế nên thay vì đi sang tây, hướng về Ninivê, Yona đã lấy tàu đi Tarsis ở phía đông. Ông chọc tức Chúa, nên Chúa đã nổi lôi đình. Sóng gió nổi dậy. Mọi người trong tàu bắt Yona ném xuống biển. Một con cá lớn vồ tới, Yona bị nó nuốt trửng. Ở trong bụng cá, Yona biết tội nên thống hối ăn năn. Ông hứa sẽ vâng lời Chúa. Con cá liền mửa ông ra bờ. Và ông đã đến Ninivê.

Yona vừa mới rao giảng, từ vua chí dân đã thực lòng thống hối. Khác hẳn một trường hợp trước đây. Yêrêmia giảng cho dân Dothái dưới thời Yoakim (Gr 36). Ðã chẳng thống hối thì chớ, nhà vua lại còn truyền đốt sách của nhà tiên tri! Thật là khác với câu truyện Yona hôm nay.

Vì thế đây chỉ là câu truyện mỉa mai người Dothái. Nó được viết vào thời sau lưu đày. Những người Dothái hồi hương bắt đầu xây lại đền thờ. Các dân chung quanh đến xin góp phần. Người Dothái lạnh lùng từ chối: bọn các ngươi là dân ngoại, các ngươi đã cướp đất cướp của của chúng ta, các ngươi lại muốn được chia sẻ hạnh phúc làm dân Chúa như chúng ta sao? Thái độ ấy thật kỳ cục. Nó hẹp hòi và ích kỷ. Người ta quên lời hứa với Abraham là muôn dân cũng sẽ được chúc phúc khi họ "trở lại" và dân Chúa phải có sứ mạng truyền giáo. Cư xử như thế kia thật còn tệ hơn lương dân nữa.

Câu truyện Yona ý nghĩa như vậy, nên khi người ta xin Ðức Yêsu một điềm lạ, Người nói chẳng có thêm điềm lạ nào nữa ngoại trừ điềm lạ Yona. Người khuyên người ta hãy suy nghĩ về câu truyện này.

Ðến lượt chúng ta hôm nay cũng phải suy nghĩ. Thái độ của chúng ta đối với lương dân và những người không chia sẻ đức tin của chúng ta, như thế nào? Chúng ta có tha thiết cho họ được hạnh phúc như chính chúng ta không? Ðó là chính ý của Chúa. Người đã khởi sự giảng đạo ở Galilêa. Người dạy Hội Thánh đi đến với lương dân. Người gọi các môn đệ đầu tiên để làm thành một cộng đoàn truyền giáo. Hội Thánh của chúng ta phải rao giảng Tin Mừng nhiều hơn. Chúng ta phải nhiệt tình với lương dân hơn nữa. Và trước tiên như Ðức Kitô đã đi qua mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh để trở thành Tin Mừng cho các dân tộc, chúng ta cũng phải đóng đinh xác thịt vào thánh giá để sống cho Thiên Chúa nhiều hơn nữa, như lời thư Phaolô hôm nay khuyên nhủ chúng ta.

Thánh lễ này đưa chúng ta vào mầu nhiệm để chúng ta hối cải và tin vào Tin Mừng. Chúng ta hãy thật lòng thống hối để có nếp sống thật Phúc Âm. Sự hiện diện của chúng ta giữa xã hội cùng với lời rao giảng Tin Mừng sẽ làm ra những Ninivê mới, tức là những xã hội hạnh phúc vui mừng vì đã có những nỗ lực cải tạo sâu rộng.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B