CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN B

Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52

XIN MỞ MẮT LINH HỒN CON

 

I.      HỌC LỜI CHÚA

 

1. TIN MỪNG: Mc 10,46-52

(46) Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-cô. khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-cô, thì có một người hành khất mù, tên là Bác-ti-mê, con ông Ti-mê, đang ngồi ở vệ đường. (47) Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” (48) Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi. Nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”. (49) Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm đứng dậy, Người gọi anh đấy!” (50) Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy, mà đến gần Đức Giê-su. (51) Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. (52) Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

2. Ý CHÍNH:

Trên bước đường đi về Giê-ru-sa-lem để chịu tử nạn và phục sinh, thì tại thành Giê-ri-cô, Đức Giê-su đã chữa cho một người mù tên là Bác-ti-mê, đang ngồi ăn xin bên vệ đường, vì anh đã tin cậy nơi Người. Qua phép lạ mở mắt người mù này, Người muốn mở mắt đức tin cho các môn đệ, để họ thấy được ý nghĩa sứ mạng cứu thế mà Người sắp thực hiện là: “Qua đau khổ thập giá để vào vinh quang phục sinh”.

3. CHÚ THÍCH:

- C 46: + thành Giê-ri-cô: Giê-ri-cô có nghĩa là “mặt trăng”, một thành ở thung lũng sông Gio-đan, cách biển Chết 5 cây số và cách Giê-ru-sa-lem khoảng 25 cây số. Thời Xuất hành, Giê-ri-cô là thành đầu tiên mà con cháu Gia-cóp, dưới sự lãnh đạo của Gio-su-ê tiến chiếm được (x. Gs 5,13tt). Dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành cũng nhắc đến đoạn đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô (x. Lc 10,30). + có một người hành khất mù: Hành khất là người ăn xin. Đây là một người đói khổ về vật chất, đang cần được giúp đỡ. Anh ta còn bị mù, tượng trưng cho người đang đi trong tăm tối vì chưa nhận biết và tin Đức Giê-su. Có thể Đức Giê-su chữa một lúc hai người mù (x Mt 20,30), nhưng ở đây Mác-cô chỉ ghi lại một người và nêu rõ tên là Bác-ti-mê. + ở vệ đường: đồng nghĩa với “đầu đường xó chợ”, nói lên hoàn cảnh bơ vơ không nơi nương tựa của ngươi mù. anh ta tượng trưng cho số phận đau khổ của “Người nghèo của Đức Gia-vê”, đối tượng được Đức Giê-su ưu tiên mời gia nhập vào Nước Trời của Người.    

- C 47-48: + Đức Giê-su na-da-rét: Giê-su nghĩa là “Giavê cứu độ”. trong Thánh Kinh có một số người cũng tên là Giê-su (x.Hc 50,27; Lc 3,29; Cl 4,11). Để phân biệt, người ta thường thêm tên quê hương vào sau tên gọi. Giê-su nói đây chính là Đức Giê-su quê làng Na-da-rét. + Con Vua Đa-vít: Anh mù gọi Đức Giê-su kèm tước hiệu “Con Vua Đa-vít” cho thấy nhiều người Do thái đã tin Đức Giê-su là “Đấng Thiên Sai”, nhưng họ lại đang mong đợi một Đấng Thiên Sai trần thế, đến giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma (x. Mt 22,42; Ga 7,42). + “Xin dủ lòng thương tôi”: Lời cầu xin này nói lên sự khiêm hạ và lòng tin mạnh mẽ của anh mù vào quyền năng Đức Giê-su. Anh trông cậy Người sẽ làm cho anh được sáng mắt như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm về sứ mệnh của Đấng Thiên Sai: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò...” (Is 35,5-6). + Nhiều người quát nạt bảo anh im đi: Một số người ở gần anh mù tỏ vẻ bực tức trước việc anh ta kêu la lớn tiếng. Họ bắt anh mù phải im lặng để họ nghe được lời Đức Giê-su lúc đó đang vừa đi vừa giảng dạy. + Nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con Vua Đa-vít! Xin dủ lòng thương tôi”: Vì tin vào tình thương và quyền năng của Đức Giê-su Thiên Sai, nên anh mù bất chấp mọi rào cản: Người ta càng cấm, thì anh lại càng kêu la thống thiết hơn: “Lạy Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”.

- C 49-50: + Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy! Người gọi anh đấy”: Thái độ của đám đông đối với anh mù đã thay đổi: Từ khinh thường nạt nộ đến tôn trọng và nhỏ nhe với anh. + Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su: Áo choàng là một vật thiết thân đối với khách bộ hành và người ăn xin. Nó thường được dùng làm dù che nắng gắt ban ngày và làm mền đắp cho ấm ban đêm. Vậy mà khi nghe nói “Người cho gọi anh đấy”, anh ta liền vất áo choàng lại, đứng bật dậy mà chạy mau về phía Đức Giê-su, như thể anh đã được sáng mắt rồi vậy.

- C 51-52: + “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”: Dù đã biết rõ anh mù muốn xin gì rồi, nhưng Đức Giê-su vẫn tạo cơ hội để anh ta biểu lộ đức tin. + “Xin cho tôi nhìn thấy được”: Anh mù không xin tiền bạc hay đồ ăn thức uống như mọi khi, mà chỉ xin được sáng mắt, được nhìn thấy mọi sự như bao người khác. + “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh”: Điều kiện để được Đức Giê-su cứu chữa là phải có đức tin, như khi Người chữa lành cho hai người mù (x. Mt 9,29), chữa người phong cùi (x. Lc 17,9)... + Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi: Anh mù chỉ xin được sáng mắt thể xác, nhưng Đức Giê-su lại ban cho anh được sáng cả mắt linh hồn, để anh có đức tin trọn vẹn, nhìn thấy được con đường Người sắp đi và can đảm bước theo Người lên Giê-ru-sa-lem, trải qua mầu nhiệm “qua đau khổ vào vinh quang” để sau này được hưởng ơn cứu độ muôn đời.

HỎI: 1-Thành Giê-ri-cô là thành nào? Sách Xuất hành đề cập tới tên thành này trong trường hợp nào? Đức Giê-su cũng nói tới tên thành này trong dụ ngôn nào? 2- Số người mù được Đức Giê-su chữa lành trong 2 Tin Mừng Mat-thêu và Mác-cô có giống nhau không? Tại sao? 3-“ngồi ở vệ đường” nói lên hòan cảnh của người mù này ra sao? 4-Tên gọi Giê-su nghĩa là gì? Tại sao Đức Giê-su được người mù gọi là Giê-su Na-da-rét? 5-Qua việc kêu cầu Đức Giê-su với danh hiệu “Con Vua Đa-vít”, người mù biểu lộ đức tin thế nào về Người? Còn dân Do Thái lại đang trông mong một Đấng Thiên Sai theo nghĩa nào? 6-Lời kêu xin của người mù cho thấy đức tin của anh vào Đức Giê-su ra sao? 7-Tại sao dân chúng lại cấm anh mù kêu lớn tiếng? Lý do nào khiến anh mù càng kêu la thống thiết hơn? 8-Anh mù đã phản ứng thế nào với chiếc áo chòang thiết thân khi nghe biết Đức Giê-su đang gọi anh đến với Người? 9-Tại sao Đức Giê-su lại hỏi anh mù muốn được Người làm gì dù đã nghe rõ lời kêu xin của anh? 10- Trong Tin Mừng, Đức Giê-su luôn đòi người ta phải có điều kiện gì để được Người làm phép lạ? 11-Ngòai việc được sáng mắt thể xác, anh mù còn được Người ban ơn gì về linh hồn?

 

II.  SỐNG LỜI CHÚA

 

1. LỜI CHÚA: Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng bật dậy mà đến gần Đức Giê-su (Mc 10,50):

2. CÂU CHUYỆN:

Vào một buổi chiều năm 1945, tại nhà ga Ve-ro-na nước I-ta-li-a, khá đông dân chúng tập trung tại sân ga và đang náo nức chờ đón một số binh lính là người thân của họ trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Lúc đó, một người lính trẻ bị mù hai mắt cũng đang lần mò từng bước trên sân ga. Khi tiến gần đến chỗ một phụ nữ lớn tuổi đang đứng chung với mấy người thân trong gia đình, đột nhiên anh lính mù dừng lại rồi kêu to lên: “Mẹ!”, và rồi hai mẹ con đã ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Một lúc sau, khi phát hiện ra cặp mắt của con trai đã bị mù hòan tòan, bà mẹ liền hỏi: “Con ơi, mắt con đã bị mù như thế này thì sao lúc nãy con lại nhìn thấy mẹ giữa bao nhiêu người khác như vậy?”. Anh lính trẻ liền đáp: “Thưa mẹ, tuy mắt con không thể nhìn thấy mặt mẹ như trước đây, nhưng chính trái tim đã mách bảo con là mẹ cũng đang có mặt tại đây để chờ đón con. Khi từ trên xe lửa bước xuống sân ga, con cứ đi theo sự mách bảo của trái tim và đến lúc con linh cảm chắc chắn mẹ đang ở rất gần bên con, thì tự nhiên con buột miệng la to lên “Mẹ!” và quả thật con đã gặp lại được mẹ đó”.

3. SUY NIỆM:

+ Gặp được Chúa nhờ sự mách bảo của con tim:

Người mù thành Giê-ri-cô trong Tin Mừng hôm nay đã đến với Đức Giê-su không nhờ cặp mắt thể xác nhưng nhờ cặp mắt trái tim của anh. Tuy anh không nhìn thấy Đức Giê-su, nhưng chính đức tin đã mách bảo anh và dẫn đưa anh đến được với Người. Trước đó anh đã nghe đồn Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và anh ao ước gặp Người để xin Người cho anh được sáng mắt. Vì thế khi biết có một đám đông đang tiến đến gần và nghe thấy tiếng của một vị Tôn sư (ráp-bi) đang vừa đi vừa giảng, anh mù dò hỏi và biết được vị Tôn sư đang nói kia chinh là Đức Giê-su Na-da-rét. Bấy giờ anh mù cảm thấy sung sướng vì sắp gặp được Đấng Thiên Sai. Anh liền la to lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”. Dù bị nhiều người ngăn cấm, nhưng anh mù đã bất chấp tất cả và còn tiếp tục la to hơn. khi có người cho biết Đức Giê-su gọi anh đến gặp người thì anh liền quăng chiếc áo choàng đang cầm trên tay, nhảy chồm dậy và chạy mau đến với Người, giống như anh chưa từng bị mù. Sau khi hỏi han và biết rõ mong ước của anh, Đức Giê-su đã tuyên bố: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”. Lập tức anh mù đã nhìn thấy được và đã tình nguyện theo Người đi lên Giê-ru-sa-lem.

+ “Lòng tin của anh đã cứu anh!”:

Anh mù đã nghe người ta đồn về Đấng Thiên Sai, con cháu Vua Đa-vít đã xuất hiện. Người có quyền năng và đầy lòng từ bi nhân ái. Người hay cứu giúp những kẻ bệnh tật nghèo khổ như anh. Anh mù đã đặt hết niềm tin tưởng và hy vọng ngày nào đó sẽ gặp được Người để được Người chữa lành bệnh mù thể xác. Khi nghe biết Đức Giê-su Vua Thiên Sai đang đến gần, anh mù đã tuyên xưng đức tin qua lời cầu xin thống thiết, phớt lờ sự phản đối của nhiều người trong đám đông. Anh đã vượt qua rào cản để mau chóng đến gặp Đức Giê-su bằng việc đứng bật dậy bỏ lại chiếc áo choàng thiết thân, chạy mau đến xin Người cho anh ơn sáng mắt. Sau đó anh còn tình nguyện đứng vào hàng ngũ các môn đệ đi theo Người lên Giê-ru-sa-lem.

+ Quyết tâm đi theo Chúa trong cuộc sống hôm nay:

Mỗi ngày chúng ta hãy xin Chúa mở mắt linh hồn chúng ta để nhận ra Chúa hiện diện qua những kỳ công Chúa làm trong thiên nhiên, nơi bản thân và dâng lời ngợi khen cảm tạ Chúa.

Mỗi khi gặp sự khó khăn không biết con đường phài đi, chúng ta hãy xin Chúa mở mắt đức tin để lắng nghe Lời Chúa trong Thánh Kinh, phụng vụ, tìm hiểu ý Chúa muốn và mau mắn xin vâng. Khi gặp rủi ro thất bại, chúng ta hãy tín thác cậy trông vào Chúa và theo Chúa đi con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” như anh mù trong Tin Mừng hôm nay.

4. THẢO LUẬN: 1)Làm thế nào để nhận ra ý Chúa muốn trong cuiộc sống hằng ngày? 2)Khi gặp phải tai nạn hay điều trái ý, bạn cần làm gì để đi con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” của Chúa Giê-su?

5. NGUYỆN CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Như người mù ngồi bên vệ đường, xin Chúa hãy mở mắt linh hồn con để con nhìn thấy bản thân con với nhiều yêu hèn khuyết điểm, với lối giữ đạo giả hình bề ngòai mà thiếu chiều sâu đức tin bên trong… hầu con quyết tâm sám hối và nhận được ơn Chúa chữa lành.

Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong lòng con, để con năng tâm sự với Chúa.

Xin cũng mở mắt đức tin giúp con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong thiên nhiên, để con dâng lời ngợi khen Chúa.

Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong thánh lễ và nơi Nhà Tạm để con năng đến nghe Lời Chúa dạy, kết hiệp mật thiết với Chúa qua việc rước lễ và chia sẻ niềm vui của Chúa cho mọi người chúng con tiếp xúc.

Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện diện nơi người chung quanh, nhất là những người nghèo hèn, khuyết tật hay đang tuyệt vọng…để con động viên an ủi và ân cần phục vụ họ như phục vụ chính Chúa, hầu nên chứng nhân tình thương của Chúa giữa lòng xã hội hôm nay. 

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH

www.hiephoithanhmau.com


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B