ĐIỀU RĂN ĐỨNG ĐẦU
(Máccô 12,28-34 – CN
XXXI TN - B)
1.- Ngữ cảnh
Giống
như trong Mc 2,1–3,6, phân đoạn
11,27–12,37 này có năm truyện kể lại những tranh luận giữa Đức Giêsu với các
đối thủ tại Giêrusalem: quyền của Đức Giêsu (11,27-33); dụ ngôn về vườn nho
(12,1-12); nộp thuế cho Xêda (12,13-17); kẻ chết sống lại (12,18-27) và điều
răn đứng đầu (12,28-34). Còn câu hỏi của Đức Giêsu về con vua Đavít (12,35-37)
không còn là một tranh luận nữa, mà là một vấn đề Người nêu ra để
gián tiếp giới thiệu về bản thân Ngài.
Cuộc
tranh luận thứ tư liên quan đến điều răn đứng đầu trong số 613 điều (trong đó
có 365 điều cấm và 248 điều buộc làm) thuộc luật Cựu Ước. Đây là một đề tài
thường được đề nghị cho những vị thầy Do Thái lỗi lạc.
2.- Bố cục
Bản
văn này có thể phân chia thành bốn đơn vị:
1)
Mở đầu: vị kinh sư đến gặp Đức Giêsu (12,28);
2)
Đối thoại về điều răn đứng đầu (12,28c-31);
3)
Lời bình về điều răn đứng đầu (12,32-33);
4)
Kết: Đức Giêsu khen vị kinh sư (12,34).
3.- Vài điểm chú giải
- điều răn nào đứng đầu (28):
Trong Mt 22,35, câu hỏi là “điều răn
nào lớn nhất ?”. Vì viết cho người ngoại, Mc
đã sửa lại câu hỏi theo nghĩa “ưu tiên”.
Dường
như nền văn chương Do Thái coi tội thờ ngẫu tượng, tội loạn luân và tội sát
nhân là ba tội nặng nhất. Do Thái giáo chưa nhận ra được tính ưu tiên của điều
răn yêu thương, bởi vì toàn thể đời sống thiêng liêng của người Do Thái bị ám
ảnh bởi một khoa giải nghi vị luật và hết sức chi li. Thật ra, vào khoảng 20
năm trước Đức Giêsu, kinh sư Hillel đã dạy về tình yêu đối với tha nhân như
sau: “Điều gì con không thích, thì đừng làm cho tha nhân; đó là tất cả Lề Luật.
Phần còn lại là phần giải thích”. Phải nói là Đức Giêsu đã lấy lại y nguyên
công thức này (Mt 7,12). Nhưng linh
đạo Do Thái giáo vẫn mang nặng dấu ấn của khuynh hướng khử ngoại (exclusivism):
“Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt
5,43). Khi hỏi về điều răn đứng đầu, vị kinh sư muốn biết về điều mà Thiên Chúa
muốn chúng ta phải làm trước mọi sự và làm tận căn.
- Nguơi phải yêu mến
Đức Chúa … (29): Đức Giêsu đã trích Đnl 6,4-5, là một trong ba bản văn được những người Do Thái mộ đạo
đọc mỗi ngày 2 lần (Đnl 6,4-9;
11,13-21; Ds 15,37-41).
- lòng, linh hồn, trí
khôn, sức lực (30): Đnl 6,5 nói
đến lòng/tim, linh hồn sức lực (LXX: kardia,
psychê, dynamis). Mc lại nêu ra bốn
từ lòng/tim (kardia), linh hồn (psychê), trí khôn (dianoia =
sức mạnh của trí tuệ; thay vì dynamis) và sức lực (ischys = tất
cả sức mạnh của tâm hồn). “Tim” là khả năng ý chí; “linh hồn” là khả năng trí
thức; ngoài ra “sức lực” được nhắc đến tổng quát. Thật ra, đây không phải là
một danh mục kể ra các năng khiếu khác nhau rõ rệt, hoặc kể rốt ráo;
danh mục này chỉ muốn nhấn mạnh rằng toàn thể con người phải yêu mến Thiên Chúa
với mọi tài nguyên có thể có được: chúng ta lưu ý là đi với mỗi năng khiếu là
tính từ “tất cả” (holês; “hết; trọn”). Yêu mến vị Thiên Chúa duy nhất
với tất cả sức mạnh và khả năng ban cho con người là tổng hợp tối hậu về ý muốn
của Thiên Chúa.
- Điều răn thứ hai
là: Ngươi phải yêu mến người thân cận … (31): Được hỏi về điều răn
đứng đầu, Đức Giêsu thêm “điều răn thứ hai”. Hai điều răn được liên kết với
nhau bởi động từ “yêu” (agapêsais). Trong TM Mc, điều răn thứ hai này không được đồng hóa với điều răn thứ
nhất như trong Mt 22,39 (homoia
autê), nhưng việc đăt hai điều răn này ở bên nhau chuẩn bị cho việc lượng
giá giống nhau. Đây là câu trích Lv
19,18. Tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người thân cận là như một giải
thích cô đọng hai bia đá Mười Điều Răn.
- Thưa Thầy, hay lắm,
Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng… Yêu mến Thiên Chúa … yêu người thân cận…
(32-33): Vị kinh sư diễn tả sự đồng ý với Đức Giêsu bằng
hai công thức hoàn toàn mang màu sắc Hy Lạp (“hay lắm”, kalôs; “rất
đúng” [= thể theo sự thật], ep’ alêtheias). Rồi ông diễn tả cách khác và
tóm tắt câu trả lời của Đức Giêsu. Khi làm như thế, ông cũng nhấn mạnh trên hết
tính duy nhất của Thiên Chúa (LXX Đnl
4,35; Xh 8,6; Is 45,21). Ông cũng tổng hợp tình yêu đối với Thiên Chúa và tình
yêu đối với tha nhân và diễn tả liên hệ đặc biệt giữa hai điều răn này còn mạnh
mẽ hơn nữa.
- hết lòng, hết trí
khôn, hết sức lực (33): Ở trên, câu trích Đnl 6,5 đã xa bản văn Hy Lạp với nhóm bốn từ ; nay vị kinh sư lại
trở lại với nhóm ba từ, nhưng cũng khác bản Hy Lạp (“lòng”: kardia; “trí
khôn”: synesis [thay thế psychê và dianoia ở c. 30), “sức
lực”: ischys), qua đó khía cạnh trí tuệ vẫn được nêu bật.
- quí hơn mọi lễ toàn
thiêu và hy lễ (33): Lời của vị kinh sư khiến ta nghĩ đến Hs 6,6 và 1 Sm 15,22. Khi nhận định như vậy, vị kinh sư không khẳng định rằng
nền phụng tự Đền Thờ đã bị triệt tiêu, nhưng đã bị tương đối hóa đi rất nhiều.
Thật ra, trong Cựu Ước đã có những tư
tưởng chuẩn bị cho việc phê bình nền phụng tự như thế: 1 Sm 15,22; Tv 51,20t;
40,7; Cn 21,3; đặc biệt với các ngôn
sứ: Hs 6,6; x. Is 1,11. Nhưng ở đây, điều đáng nói là một nhà thần học Do
Thái đã nhận định như thế tại Đền Thờ Giêrusalem (x. 11,27), nghĩa là ngay tại
nơi dâng hy lễ.
- Ông không còn xa
Nước Thiên Chúa (34): Vị kinh sư đã tỏ ra hiểu biết đúng đắn (nounechôs,
“theo trí thông minh”, “biết theo lẽ phải”) điều gì là quan trọng trong luật Cựu Ước. Nhờ đó, ông đã ở gần Nước Thiên
Chúa đang đến và ông đã sẵn sàng để đón tiếp Nước Thiên Chúa cách đúng đắn (x.
10,13-16).
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Mở đầu: vị kinh sư
đến gặp Đức Giêsu (28)
Câu 28ab nối với phần trước khi nói rằng một kinh sư
đã nghe “họ” (Đức Giêsu và nhóm Xađốc) tranh luận với nhau và ông này thấy Đức
Giêsu đối đáp hay. Những gì ông đã nghe gây ấn tượng mạnh cho ông, bây giờ thúc
đẩy ông đăt cho Đức Giêsu một câu hỏi, nhưng không phải để thử Người (như
trong Mt 22,35). Câu hỏi liên hệ đến
điều răn quan trọng nhất, nhưng được đặt theo kiểu một người ngoại muốn tòng
giáo đăt ra cho hai vị trưởng trường kinh sư là Shammai và Hillel: Shammai từ
chối trả lời, còn Hillel, đến từ Hải ngoại, sẵn sàng trả lời. Trong số 613 điều
làm nên tôrah, các kinh sư phân biệt ra các điều dễ và điều khó, nhưng
yêu cầu tuân giữ tất cả. Shammai từ chối tổng hợp Lề Luật vào một điều
răn tối hậu. Một câu hỏi phát xuất từ huấn giáo của Do Thái giáo Hải ngoại đã
được chuyển đến cho vị kinh sư Do Thái. Ông không hỏi điều răn nào đứng đầu
trong Lề Luật (= lớn nhất, như Mt
22,36), nhưng điều răn nào đứng đầu trong mọi điều răn (Trong Lc 10,25, câu hỏi hoàn toàn khác). Ông
muốn biết là người ta có thể chăng nhận ra được yếu tính của những gì làm nên
thánh ý Thiên Chúa.
* Đối thoại về điều
răn đứng đầu (29-31)
Đức
Giêsu đã trả lời bằng cách nối kết Đnl
6,5 với Lv 19,18. Khi nhắc lại trọn
vẹn câu trả lời của Đức Giêsu với giọng chuẩn nhận và bình giải bằng cách quy
chiếu về các hy lễ, vị kinh sư chứng tỏ tất cả tầm quan trọng của câu trả lời
của Đức Giêsu. Ở 12,30 (= Đnl 6,4t),
Người khẳng định bốn phận đầu tiên và quan trọng nhất, đó là yêu mến Thiên Chúa
hết sức lực có được. Chúng ta, với trọn vẹn bản thân, phải quay hướng về Người
với lòng yêu thương cách cương quyết và trọn vẹn. Chúng ta không hướng về bất
cứ quan niệm nào về Thiên Chúa, nhưng là về Thiên Chúa trong thực tại của Ngài.
Vậy, Thiên Chúa là Đức Chúa duy nhất, nhưng Ngài đã tỏ mình ra trọn vẹn nơi Đức
Giêsu Kitô.
Đức Giêsu chỉ được hỏi về điều răn đứng đầu, nhưng sau điều
răn thứ nhất, Người nói đến một điều răn thứ
hai: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Tình yêu chúng ta có cho
chính mình được đề ra như tiêu chuẩn để đánh giá tình yêu phải có đối với người
thân cận. Yêu thương chính mình là chấp nhận bản thân, theo ý muốn của Thiên
Chúa Tạo hóa. Tình yêu đối với người thân cận cũng phải có cùng một bản
chất với tình yêu đối với chính bản thân ta.
* Lời bình về điều
răn đứng đầu (32-33)
Khi
bày tỏ quan điểm, vị kinh sư đã biểu đồng tình với Đức Giêsu. Nhưng ông đã diễn
tả ý kiến như là một lời bình nhằm triển khai vấn đề bằng cách thêm vào
một ý tương gán cho tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với
người thân cận một giá trị cao hơn mọi lễ toàn thiêu và các hy lễ đẫm
máu. Bằng câu trả lời của mình, ông đã gián tiếp nhìn nhận lỗi của các đồng
nghiệp, của nhóm Pharisêu và Hêrôđê.
* Kết: Đức Giêsu khen
vị kinh sư (34)
Khi
khen ngợi vị kinh sư, Đức Giêsu đã tỏ ra là vị Thầy có uy quyền và được quyền
nhận định như thế. “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu”: Phải chăng Đức Giêsu
muốn nói rằng vị kinh sư đã sống trong chiều hướng giáo huấn của Người, bởi vì
trong TM Mc, Nước Thiên Chúa là một
thực thể hiện tại, gắn liền với bản thân Đức Giêsu (x. 4,11)? Chúng ta hẳn
là chờ đợi Đức Giêsu gọi ông đi theo Người. Nhưng ở đây, mối bận tâm là cho
thấy quan niệm của Đức Giêsu và các mệnh đề căn bản của đức tin Do Thái hài hòa
với nhau. Không hề có một trở ngại quan trọng nào ngăn cản người Do Thái
gắn bó với Đức Giêsu.
+ Kết luận
Điều
răn đứng đầu chính là điều quan trọng trong mọi trường hợp, điều mà chúng ta phải dấn thân theo với tất cả sức
lực. Bởi vì chúng ta phải trả lẽ với Thiên Chúa và bởi vì Ngài sẽ quyết định về
giá trị của đời sống chúng ta, cách thức đời sống chúng ta có thể nhận được một
ý nghĩa thức sự, trường tồn, tùy thuộc câu trả lời cho câu hỏi về điều răn
đứng đầu. Bởi vì điều răn này cho biết Thiên Chúa thực sự muốn chúng ta sống
thế nào, chúng ta phải đi theo con đường nào để cho cuộc đời chúng ta có ý
nghĩa, có chiều hướng cách tuyệt đối chắc chắn.
Đức
Giêsu đã cho thấy điều quan trọng nhất là yêu thương. Vị kinh sư đã hiểu, và đã
diễn tả sự hiểu biết đó chính xác bằng một lời bình luận.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Ai có thể yêu mến Thiên
Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực? Chúng ta có hy vọng chu toàn được
nhiệm vụ này chăng? Ai có thể nói rằng mình đã yêu mến Thiên Chúa cách trọn vẹn
như thế? Cách thức chúng ta cư xử với Thiên Chúa như thế nào? Lại không phải là
chẳng mấy khi chúng ta nghĩ đến Ngài, chúng ta không có giờ cho Ngài, chúng ta
cứ ở trong tình trạng bất ổn và ngờ vực sao? Với lại, yêu thương mà lại theo
lệnh được và muốn yêu là yêu sao? Thật ra, với điều răn này, Đức Giêsu không
nêu ra một công việc có thể làm ngay bằng một hành vi nào đó, nhưng nêu ra một bổn phận kéo dài suốt đời. Yêu mến
Thiên Chúa trọn vẹn là mục tiêu của cuộc đời chúng ta.
2. Nếu chúng ta chỉ dâng các
hy lễ, nếu chúng ta chỉ nói lên những công thức cầu nguyện, nếu chúng ta chỉ
dâng những điều khác với bản thân chúng ta, và không hề có bản thân chúng ta
dấn thân vào đó thực sự, chúng ta không yêu mến, và chúng ta đánh mất ý
nghĩa/chiều hướng của đời sống chúng ta.
3. Tình yêu trước tiên không
phải là một tình cảm, một cảm xúc của con người, nhưng là tất cả bản
thân chúng ta hiến dâng lên Thiên Chúa cùng với các sức lực và khả năng. Yêu
mến là ra khỏi tình trạng thụ động, trơ ì, lãnh đạm, tìm thoải mái riêng tư,
hời hợt, ngờ vực, để hướng về Thiên Chúa cách năng động mạnh mẽ và cương quyết,
với một sự quan tâm sâu xa, tha thiết, sống động. Yêu mến Thiên Chúa là
vận dụng tất cả năng lực trí tuệ và ý chí để hiếu biết Ngài, gặp gỡ Ngài, đón
tiếp Ngài trọn vẹn, để được Ngài nắm lấy và lấp đầy. Nói cho cùng, yêu mến
Thiên Chúa là luôn cố gắng mở ra với Ngài mãi.
4. “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en”. Đức Giêsu nhắc lại một lời
kêu gọi của Cựu Ước, nhưng ở bên trong sứ điệp của Người, đây cũng là một lời
mời gọi lắng nghe chính Người và hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa, là Đấng đến
tỏ mình ra cho ta nơi Đức Giêsu (x. 9,7). Đối với chúng ta, vì muốn yêu mến
Thiên Chúa, trong khi đì tìm Thiên Chúa, để có thể yêu mến vị Thiên Chúa chân
thật, chúng ta phải lắng nghe Đức Giêsu.
5. Nói rằng tình yêu đối với người thân cận cũng phải có
cùng một bản chất với tình yêu đối với chính bản thân ta, có nghĩa là
chúng ta chấp nhận người thân cận trong tính riêng tư độc đáo của họ, chúng ta
nhìn nhận họ cũng được Thiên Chúa muốn có và tạo thành như chúng ta. Điều răn
yêu thưong người thân cận có nền tảng và diễn tả ra là chúng ta – tôi và người
thân cận – chúng ta đều mắc nợ tình yêu Thiên Chúa như nhau. Tình yêu đối với
Thiên Chúa cũng là một tiếng “xin vâng” thưa với sự bố trí của Thiên
Chúa.
6. Thật ra, điều răn này không có ý san bằng mọi người.
Điều răn này phát xuất từ giả thiết là mọi khác biệt đều phụ thuộc; rằng mọi
người về căn bản đều ở trên một bình diện như nhau, đều có tầm quan
trọng, có giá trị, phẩm giá như nhau.
Lm PX Vũ
Phan Long, ofm