Chúa Nhật 33 Thường Niên Năm B
Thời kỳ cuối cùng
(Sách tiên tri Daniel 12,1-3; Hipri 10,11-18; Marcô 13,24-32)
Phúc Âm: Mc 13, 24-32
"Người sẽ quy tụ những người được tuyển
chọn từ khắp bốn phương trời".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng
sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị
lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy
quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi
quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến
cùng kiệt trái đất. Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm hiểu dụ ngôn này. Khi nó
đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến. Cũng vậy, khi các con nhìn
thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần
ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi
sự đó xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi.
"Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một
ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có
mình Cha biết thôi".
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXXIII Thường Niên Năm B
Sách tiên tri Daniel 12,1-3; Hipri 10,11-18;
Marcô 13,24-32
Hai tuần lễ tới đây là những ngày cuối cùng của
năm phụng vụ này. Thế nên không có gì ngạc nhiên, khi thấy Lời Chúa hôm nay
hướng chúng ta về thời gian sau hết cũng gọi là cánh chung. Chúng ta thường nôm
na gọi đó là thời tận thế.
Ước gì từ nay chúng ta bỏ hết mọi suy đoán của
loài người, mọi điều thường được gọi là bí mật bà thánh này ông thánh kia, hoặc
của nơi hành hương này chỗ thánh điện khác, để chỉ giữ lấy Lời Chúa và các mạc
khải của Người. Khi ấy chúng ta sẽ thấy bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn và sống
chân thật hơn. Chúng ta sẽ sống bằng đức tin của Hội Thánh, chứ không nghe
những chuyện nhảm nhí. Và chúng ta sẽ làm cho người khác kính trọng niềm tin
của chúng ta hơn.
Vậy, phụng vụ hôm nay cho chúng ta biết những
gì về cánh chung, hay là tận thế? Bài tiên tri Daniel, bài Tin Mừng Marcô, bài
thư Hipri, tuy không bao gồm hết mọi lời trong Kinh Thánh về vấn đề, nhưng có
thể nói đã nói lên hầu hết. Chúng ta hãy lần lượt đọc lại.
1. Bài Sách Daniel
Daniel là một trong bốn sách tiên tri lớn, tức
là dài, và là tác phẩm khó. Người ta cứ tưởng nó giống như các sách Ysaia,
Yêrêmia, Êzekiel, được viết vào thời lưu đày
Người mạc khải ý định của Người trong phần hai
của sách Daniel. Ðó là một viễn tượng đầy trông cậy. Nhưng đọc kỹ người ta dễ
nhận ra ngay đó chỉ là niềm tin rất cổ điển: sự dữ còn gia tăng... cho đến lúc
chín mùi. Lúc ấy Thiên Chúa sẽ can thiệp. Sứ thần của Người sẽ được sai đến
giao tranh với thần dữ, cứu vớt những người lành, phục hồi các thánh nhân.
Ðọc Daniel hôm nay nằm trong phần thứ hai này.
Nhà tiên tri được báo cho biết: đến thời cứu độ, Mikael vị tướng cả của Thiên
Chúa sẽ được sai đến biểu lộ sức mạnh của Người để gìn giữ con cái của Chúa. Vì
lúc ấy sẽ là thời quẫn bách, thời thử thách xưa nay chưa từng thấy xảy ra. Chỉ
những kẻ nào đã được tiền định mới thoát nguy. Họ đã có tên ghi trong cuốn sách
hằng sống ở trên trời. Và điều an ủi nhất cho Daniel và trả lời trực tiếp cho
thắc mắc của dân Chúa thời bấy giờ, là sẽ có sự sống lại. Người thánh sẽ được
sống đời đời, bậc lãnh đạo dân Chúa sẽ chói sáng; và kẻ truyền đạo, đưa người
khác trở về đàng công chính, sẽ như tinh sao muôn kiếp.
Với những lời lẽ này, Daniel đã an ủi Dân Chúa
không ít. Họ đang trong cơn bắt đạo, thấy máu của nhiều người lành chảy ra. Họ
tự hỏi về định mệnh của các thánh nhân; và đồng thời cũng nêu lên nghi vấn: có
bõ công tiếp tục đi trong đàng ngay chính để có ngày bị bắt và bị giết hay
không? Daniel chẳng có lời tiên tri nào nói với họ cả, theo nghĩa hứa hẹn cho
người ta một tương lai sáng sủa nào ở trần gian này hết. Ông tuyên xưng niềm
tin "chính thống" và cổ điển của mình: Thiên Chúa mới có tiếng nói
cuối cùng; Người sẽ can thiệp, lúc đó người lành được gìn giữ, còn kẻ dữ sẽ bị
tiêu diệt. Rồi sẽ có sự sống lại cho người thánh đã chết; còn kẻ dữ cứ tiếp tục
bị trừng phạt.
Như vậy Daniel cũng đã có góp thêm một phần mới
mẻ vào kho tàng mạc khải. Trước ông, như trong Êzêkiel chẳng hạn, người ta đã
được biết sẽ có sự sống lại. Nhưng dường như đó chỉ là việc phục sinh phục hồi
của dân đang bị tiêu diệt và nghiền nát. Cánh đồng xương khô lấy lại gân cốt và
da thịt để sống lại trong Êzêkiel là một hình ảnh về cuộc phục hưng dân Chúa
sau thời gian tiêu điều, hơn là một phát biểu niềm tin về sự sống lại trong
ngày sau hết.
Ở đây, Daniel rõ ràng nói đến sự sống lại không
phải của hết thảy mọi người, nhưng riêng chỉ có những người lành. Cũng như ông
đã khẳng định khi ngày của Chúa đến, chỉ những người thánh mới được gìn giữ,
còn bao nhiêu kẻ dữ sẽ bị tiêu diệt. Nói đúng ra theo Daniel, kẻ lành sẽ được
sống muôn đời, còn kẻ dữ sẽ phải chết. Trong ngày của Chúa, ai lành thánh sẽ
không phải chết, và cho dù đã chết, cũng sẽ sống lại; còn kẻ tội lỗi cho dù
đang sống cũng sẽ chết, huống nữa là khi những kẻ ấy đã chết rồi. Niềm tin của
Daniel xác định công trạng của mỗi người, nhưng chưa nghĩ đến sự xác thịt sống
lại như chúng ta đọc trong kinh Tin Kính. Ông cũng đã chú ý riêng đến những
người có công với dân và so sánh vinh quang bất diệt của họ sau này như những
tinh sao muôn đời muôn kiếp.
Ý kiến của Daniel nhất định đã thổi một luồng
gió tin tưởng mạnh mẽ vào trong tâm hồn nhiều người. Họ sẽ cương quyết trung
thành với đức tin hơn và hoàn toàn phó thác định mệnh cuối cùng của mình trong
tay Chúa. Sách của ông được các thế hệ sau dùng rất nhiều, như bài Tin Mừng hôm
nay sẽ cho chúng ta thấy; nhưng chẳng ai có thể lợi dụng tư tưởng của ông để
thêu dệt những chuyện nhảm nhí về thời cánh chung.
2. Bài Tin Mừng Ðức Yêsu
Trong đoạn sách Marcô hôm nay, cũng nói với
chúng ta về thời kỳ cuối cùng này. Dường như Người đề cập tới sau khi nói về
thời Yêrusalem bị tàn phá. Chúng ta biết hôm các môn đồ trỏ cho Người thấy cảnh
huy hoàng của Ðền thờ. Mà rực rỡ thật khi thánh điện Yêrusalem được ánh mặt
trời chiếu vào! Nhưng cảnh ấy có ngày sẽ không còn nữa và sẽ không còn hòn đá
nào chồng trên hòn đá nào của Ðền thờ hiện nay, vì Yêrusalem không biết đón
nhận ngày Thiên Chúa đến viếng thăm mình.
Ðức Yêsu đã nhìn thấy trước ngày tàn phá đó.
Người dùng những hình ảnh về thời kỳ chiến tranh, cũng như các công thức về
thời cánh chung trong các sách tiên tri, để mô tả cảnh tàn phá của Yêrusalem.
Rồi từ đó, Người nói sang thời kỳ cùng tận.
Nhưng lời của Người lại được các tác giả thánh
diễn lại sau khi đã được chứng kiến ngày Ðền thờ sụp đổ và đã từng sống những
ngày thánh Hội Thánh bị bắt bớ vì danh Chúa. Do đó, bài sách Marcô hôm nay
chẳng hạn, thu góp tất cả mọi nhân tố trên làm cho việc đọc trở nên phức tạp và
khó hiểu. Ở đây chúng ta chỉ nói đến những tư tưởng trong bài đọc hôm nay.
Trước hết có những câu nói về sự suy sụp thay
đổi trong trời đất: mặt trời tối sầm, mặt trăng mất sáng, tinh tú sa xuống và
các thiên thể lay chuyển. Có lẽ chính ý tưởng cuối cùng này lại phải để ý đến
trước hết. Là vì theo các tác giả thánh, mỗi khi có hiển linh là trời đất rung
chuyển. Vậy hiện tượng các thiên thể lay chuyển là điềm báo Chúa đến, là dấu
hiệu của ngày cuối cùng. Còn việc mặt trời tối sầm, mặt trăng mất sáng, tinh tú
sa xuống, chẳng qua muốn nói rằng vũ trụ này sẽ qua đi và biến mất. Tất cả như
lại trở về lúc khởi nguyên, lúc còn hỗn mang và chưa có ánh sáng gì cả. Và như
thế, với nhiều hình ảnh mượn lại trong các sách tiên tri, ở đây thời sau hết
được xác định như là thời thay đổi vũ trụ này, để rồi sẽ có một cảnh mới với
trời mới và đất mới. Và người ta không phải chờ lâu. Sách Marcô đã viết ngay:
bấy giờ người ta sẽ thấy Con Người đến trong mây... Rõ ràng tác giả mượn lại
chương 7 sách Daniel, câu 13. Nhưng ông đã đem vào một nội dung mới.
Trong tiên tri Daniel, Con Người chỉ đến sau,
khi triều đình thiên quốc đã bày biện xong. Thiên Chúa đã ngự trên ngai rồi,
thì bấy giờ Con Người mới tiến lại. Người là ai? Theo Daniel đó là dân thánh
của Thiên Chúa đến lãnh phần thưởng đời đời của mình. Về sau nhiều người đã
đồng hóa Người với Ðấng Cứu thế Con Một Thiên Chúa. Ở đây, trong sách Marcô,
Người là chính Ðức Yêsu Kitô Cứu thế.
Như vậy, "ngày của Chúa" không còn
phải là ngày của Thiên Chúa nữa sao? Vì ở đây, người ta không thấy Thiên Chúa
hiện đến, mà chỉ có Ðức Yêsu được mệnh danh là Con Người. Thật ra, khi nói
Người đến trong mây, tác giả không có ý tưởng trong mây như là xa giá đưa Con
Người đến. Nhưng cùng với công thức viết sau nói rằng: Người đến trong quyền
năng cao cả và vinh quang, hình ảnh mây trời ở đây chỉ có ý nhấn mạnh đến tính
cách "hiển linh" của việc Người đến. Và như vậy Con Người sẽ đến với
Thần Tính và như là "Thiên Chúa bởi Thiên Chúa" khiến "ngày của
Chúa" bây giờ trở thành "ngày của Thiên Chúa đến trong Con Người và
nhờ Con Người".
Rồi khác với nhiều tác giả, thánh Marcô không
nhắc đến việc phán xét và trừng phạt kẻ dữ. Người chỉ mô tả diện tích cực của
ngày Chúa đến. Người sai các Thiên Thần đi khắp cùng mặt đất thâu họp những kẻ
được chọn lại, dĩ nhiên là để đưa họ vào vinh quang của Người.
Và như vậy cái nhìn của Marcô về cánh chung rất
bình an và đẹp đẽ. Nó đem tin tưởng lại cho lòng người ngay và tạo nên một cảm
giác hạnh phúc.
Nhưng khi nào điều ấy xảy ra? Ðó là thắc mắc
của mọi thế hệ loài người. Theo thánh Marcô, thì Ðức Yêsu trỏ tay bảo các môn
đệ cứ xem cảnh vật thiên nhiên. Cây vả khi trổ lá thì báo tin mùa hè sắp đến
sao? Cũng vậy, khi các điều kia xảy ra, thì phải biết Con Người đã gần bên cửa.
Trước hết, Người đã khéo léo gợi đến danh từ
mùa hè. Ðó là mùa gặt hái. Và hình ảnh mùa gặt hái vẫn được Kinh Thánh dùng để
nói đến thời cánh chung và chung thẩm. Còn khi Người nói "các điều
kia" thì phải hiểu như thế nào?
Trên đây, Người đã nói đến việc Ðền thờ bị phá,
chiến tranh nổi lên, Kitô giả xuất hiện, niềm tin trở nên lạnh lẽo... và các
tầng trời bị lay chuyển v.v... Do đó mỗi khi thấy các điều trên xảy ra, người
ta đã tưởng tận thế đến rồi. Hơn nữa sau đó, Ðức Yêsu còn nói: "Thế hệ này
sẽ không qua đi cho đến khi mọi điều ấy xảy đến". Người ta càng tin những
ngày tận cùng không còn xa�
Nhưng có lẽ người ta không để ý đủ đến lời cuối
cùng của Người: "Về ngày ấy hay giờ ấy, thì chẳng ai biết được... cả Con
Người nữa, trừ phi là Chúa Cha".
Dĩ nhiên có vấn đề: có phải chính Ðức Yêsu đã
nói tất cả những điều trên đây không và trong cùng một văn mạch không? Hay đó
là những lời nói ở những hoàn cảnh khác nhau và đã được xếp gần lại để diễn tả
ý kiến về một vấn đề? Nếu thế thì ở đây chúng ta có thể thấy tác giả vừa muốn
khẳng định thời kỳ cánh chung đã gần, vừa không gần vì hiện nay đã có những dấu
hiệu như cảnh chiến tranh tàn phá, lòng tin ra nguội lạnh, nhiều sự dữ lộng
hành, nhiều người lành khổ sở... nhưng chưa chắc đã là điềm báo cuối cùng, vì
dù sao cũng chẳng ai biết được giờ nào, ngày nào, vì đó là bí mật Chúa Cha
không muốn tiết lộ cho ai... Vì thế thái độ chân thực là luôn luôn phải sẵn
sàng và tỉnh thức.
Thánh Marcô đã kết luận như vậy. Và chúng ta,
không nên thêm gì vào ý kiến của người. Chúng ta chỉ cần nhớ: vũ trụ này sẽ
được biến đổi khi Con Người đến trong vinh quang. Người sẽ tập họp các kẻ được
chọn lại. Người không muốn cho ai biết ngày nào giờ nào. Nhưng Người mong muốn
ai nấy cũng hãy sẵn sàng và bền vững cho đến cùng.
Bài thư Hipri có thêm gì cho chúng ta không?
3. Ðức Kitô Ðang Chờ Ðợi
Tác giả còn so sánh vị Thượng tế đạo mới với
các tư tế đạo cũ. Những người này, như người ta thấy hằng ngày vẫn đứng nơi bàn
thờ để dâng những của lễ không hoàn toàn. Họ tỏ ra rộn ràng; vì thế
"đứng" là cung cách làm việc vất vả. Và công việc của họ không kết
quả vì cứ phải làm mãi, không xóa bỏ được tội lỗi là điều họ mong muốn.
Trong khi đó, Ðức Kitô chỉ dâng lễ một lần
trong mầu nhiệm Vượt qua, và đã lên ngồi ngự bên hữu Thiên Chúa. Chứng tỏ lễ
dâng của Người đã hoàn toàn và tẩy xóa được tội lỗi. Người không còn vất vả nữa
và chỉ còn ngồi chờ đợi mọi người hàng phục để kết nạp họ vào sự thánh thiện
của Người.
Tác giả không suy đoán. Thánh Kinh cũng nói rõ
như vậy vì trong Thánh vịnh 110, Thiên Chúa đã đặt vị Kitô của Người làm Vua và
làm Thượng tế theo kiểu Melkisedek, đợi ngày quân thù của Người quy phục dưới
chân. Chúng ta chẳng nên hiểu quân thù nói đây là ai khác những sức mạnh tội
lỗi mà Người đang muốn dẹp bỏ ở nơi mỗi người để tất cả chỉ còn ở trong sự
thánh thiện của Người.
Như vậy, lời thư Hipri có thể bổ túc cho những
điều chúng ta đa biết về thời cánh chung qua các bài sách Daniel và Tin Mừng
theo thánh Marcô. Thời sau hết thực ra đã khởi sự từ khi Ðức Yêsu tiến vào cung
lòng Thiên Chúa. Sức mạnh của Thiên Chúa đã biểu lộ nơi sự phục sinh của Người.
Ơn Thánh Thần mà Người gửi xuống cho môn đệ không thực tế hơn hình ảnh Ðức
Mikael đến bảo vệ những người được Chúa chọn sao? Các người thánh đang được
thâu họp lại từ khắp mặt đất để được tham dự vào sự thánh thiện của thân thể
mầu nhiệm Ðức Kitô. Họ được lấy ra từ bao thử thách và gian khổ, khỏi những sự
mê hoặc của các Kitô giả khác. Và cùng với Ðức Kitô, họ đang chờ đợi ngày Nước
Cha trị đến... Và như vậy quả thực thời cánh chung đã đến và chưa đến. Thế hệ
nào cũng sẽ không qua đi trước khi những điều này xảy tới, kể cả thế hệ chúng
ta.
Mầu nhiệm cánh chung giờ đây không những cũng
được chúng ta tuyên xưng trong bản kinh Tin Kính. Nhất là nó sẽ được nổi lên
trong mầu nhiệm Thánh Thể, trong đó chúng ta tuyên xưng Ðức Yêsu đã chết và đã
sống lại để rồi sẽ lại đến. Và trong khi chờ Người đến trong vinh quang, chúng
ta tin Người đang đến trong Thánh Thể để thâu nạp chúng ta vào sự thánh thiện
của Người. Một cảnh sống mới, làm ra một trời mới và một đất mới, tức là xây
dựng một quê hương mới và một dân tộc mới, có theo sau thánh lễ này hay không?
Ðiều đó còn tùy ở cố gắng của chúng ta hết thảy.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)