Chúa Nhật 34 Thường Niên Năm B
Lễ Chúa Yêsu Kitô Vua
Ðấng Thiên Sai là Vua
(Sách tiên tri Daniel 7,13-14; Khải huyền 1,5-8; Yoan 18,33-37)
Phúc Âm: Ga 18, 33b-37
"Quan nói đúng: Tôi là Vua".
Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: "Ông
có phải là Vua dân Do-thái không?" Chúa Giêsu đáp: "Quan tự ý nói
thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?"
Philatô đáp: "Ta đâu phải là người
Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm
gì?" Chúa Giêsu đáp: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước
tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị
nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này".
Philatô hỏi lại: "Vậy ông là Vua ư?"
Chúa Giêsu đáp: "Quan nói đúng. Tôi là
Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai
thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi".
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXXIV Thường Niên Năm B
Lễ Chúa Yêsu Kitô Vua
Sách tiên tri Daniel 7,13-14; Khải huyền 1,5-8;
Yoan 18,33-37
Bài Tin Mừng theo thánh Yoan hôm nay cho chúng
ta thấy rõ Ðức Yêsu đã xưng mình là Vua trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, không
thể tưởng tượng được khiến chúng ta cũng phải thay đổi hết mọi quan niệm thông
thường khi nghĩ đến tước hiệu làm Vua của Chúa Yêsu Kitô. Làm như vậy chúng ta
không ngại mừng lễ Chúa Yêsu Kitô Vua trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng đồng
thời nhờ vậy chúng ta cũng biết phải tránh những gì có thể gây nên những sự
hiểu lầm về mầu nhiệm Chúa Yêsu là Vua.
Ðể nắm vững vấn đề, chúng ta hãy sáng suốt nghe
Lời Chúa dạy bảo hôm nay.
1. Một Thị Kiến
Daniel kể lại một thị kiến ban đêm. Thực ra thị
kiến này đi sau một thị kiến khác. Nhà tiên tri trên giường nằm đã thấy chiêm
bao. Ông đã viết lại và đại khái ông nói như thế này:
Tôi thấy bốn gió trời khuấy động biển cả. Và
bốn mãnh thú to lớn khác nhau từ biển đi lên... Mãnh thú thứ tư dễ sợ đáng kinh
và mạnh quá đỗi... Tôi mãi nhìn cho đến khi ngai được đặt hành và Ðấng cao niên
ngồi xuống... Pháp đình an tọa và sổ sách mở ra� Mãnh thú kia bị giết và thây nó bị hủy và phó cho lửa thiêu. Còn
những mãnh thú khác, chúng bị tước hết quyền bính.
Nếu chúng ta đã nhớ những điều đã nói trong
Chúa nhật trước về sách Daniel, chúng ta có thể dễ nhận ra ngay ý nhà tiên tri
đang muốn nói gì. Biển cả trong quan niệm của các dân miền Cận Ðông là nơi phát
xuất ra nhiều sinh vật, nhưng lại toàn là các mãnh thú, tượng trưng cho sự dữ.
Bốn mãnh thú ở đây là những sức mạnh chính trị thời bấy giờ, thay lượt nhau
thống lãnh các dân tộc và đặc biệt dân riêng của Chúa. Mãnh thú thứ tư dữ dằn
hơn hết chính là Antiôkô, vị vua bắt đạo làm đổ máu người lành. Sự dữ tung
hoành như vậy cho đến khi trời mở ra. Ngày của Chúa đến. Người ngự trên ngai;
tổ chức pháp đình; sổ sách công tội được mở ra. Các kẻ dữ lần lượt chịu tội.
Ðó là thị kiến thứ nhất. Nói đúng ra đó là phần
đầu của một chiêm bao còn tiếp diễn. Nó diễn tả các sự dữ xảy ra ở đời này, cho
đến khi Thiên Chúa ban ơn cứu độ. Lúc này sẽ là phần thị kiến sau.
Daniel thấy với mây trời như thể một Con Người
đến. Ngài tiến lại Ðấng cao niên và được ban tặng quyền bính, vinh dự và vương triều.
Ngài là ai mà quyền bính sẽ không bị hủy và tất
cả các dân phải làm tôi Ngài? Theo Daniel, đó là dân thánh của Chúa. Họ không
sinh ra từ biển, tức là không bởi sự dữ mà có. Trái lại, họ đến với mây trời,
ám chỉ họ bởi chính Thiên Chúa mà ra vì mây trời vẫn là một trong những hình
ảnh để chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Có lẽ theo Daniel nữa, thì họ là những
người lành thánh đã "giữ mình" trong thời bắt bớ của Antiôkô, và là
các thánh nhân đã đổ máu vì Thiên Chúa trong cuộc bắt đạo này. Ðến ngày của
Người, họ sẽ được đưa lên gần Thiên Chúa. Và Người sẽ ban tặng họ vinh dự,
quyền uy, vương triều. Họ được chia sẻ quyền cai trị của Thiên Chúa và quyền
bính của họ sẽ vô tận.
Ðó là cái nhìn đức tin của Daniel về thời cuộc
lúc bấy giờ. Về sau, người ta có thói quen lấy vinh dự của toàn thể đặt nơi vị
thủ lãnh của mình. Và danh từ Con Người không được hiểu về toàn dân thánh nữa,
nhưng được dành riêng cho Ðức Kitô, vị Thiên Sai cứu thế. Là vì theo quan niệm
thời xưa, cái gì vị thủ lãnh được cũng là để toàn thể hưởng. Dù sao cũng vì
quan niệm này mà bài sách hôm nay đã được dùng để gợi lên vương triều của Chúa
Yêsu Kitô. Chúng ta chấp nhận, nhưng không được quên ý của Daniel. Vương triều
chỉ được ban cho những ai đã có công phấn đấu, đến cả thí mạng mình nữa. Và chỉ
được ban trong ngày của Chúa, tức là trên bình diện Nước Trời, chứ không phải ở
trần gian này. Những điều này rất cần để hiểu bài Tin Mừng hôm nay.
2. Một Cuộc Tra Hỏi
Thánh Yoan cho chúng ta thấy Ðức Yêsu bấy giờ
đang ở trước tòa Philatô. Ông này rất lúng túng. Người Dothái không chịu vào
phủ đường vì sợ mắc uế không ăn lễ vượt qua chiều hôm ấy được. Do đó Philatô
lúc phải ra gặp họ ở ngoài phủ đường, lúc lại phải đi vào trong, tra hỏi riêng
Ðức Yêsu. Ông lúng túng lúc ra lúc vào. Nhất là ông không biết phải xử vụ này
ra sao. Người Dothái đòi xử tử Ngài... Còn Ngài nào có tội lỗi gì? Ðứng về quan
điểm hành chính Rôma, chỉ có việc họ cáo Ngài là Vua là đáng kể. Nhưng không lẽ
một con người như vậy mà lại là vua? Thành ra ông bắt đầu hỏi Ngài:
- Ông mà lại là Vua dân Dothái sao? Ông hỏi mà
không tin ở lời mình. Rõ ràng ông rất lúng túng. Có lẽ vì vậy mà thay vì trả
lời, Ðức Yêsu lại hỏi ông:
- Tự mình ông, ông nói thế, hay đã có ai khác
nói với ông về tôi?
Dường như Người muốn giúp ông biện phân ra sự
thật. Nhưng ông lại không muốn. Ông vừa muốn nói sự thật vừa không. Ông lấp
lửng trả lời theo kiểu nghi vấn: "Tôi là Dothái hay sao?". Có nghĩa
là người Dothái nào nói với tôi điều đó? Thế thì sao ông không nhận quách đi,
chính ông nghĩ như vậy. Nhưng thật sự ông không có ý tưởng như thế. Và nếu có,
ông không hỏi nữa, hay có hỏi cũng sẽ có giọng tra hỏi hơn. Ðàng này, ông đã
hỏi chỉ vì người Dothái đã cáo Ngài là Vua... mà như ông thấy, điều đó không
thật được. Thế nên ông lúng túng...
Ðể ra khỏi thế khó xử này, Philatô chuyển sang
chuyện khác. Ông nói rằng người Dothái đã nộp Ngài cho ông, thì hỏi Ngài để làm
gì? Nhưng Ðức Yêsu không muốn bước sang chuyện ấy. Không gỡ được nghi vấn lúc
đầu cho ông, lương tâm ông chỉ có thể cứ rối thêm mãi. Ðàng khác Ngài cần thực
hiện mọi lời Kinh Thánh. Mà Kinh Thánh bảo: Ðấng Thiên Sai là Vua. Cho đến nay
Ngài từ chối danh hiệu này kẻo người ta hiểu lầm. Nay đến lúc phải làm trọn lời
sách thánh. Daniel không tiên báo Con Người là Vua trước pháp đình, như chúng
ta đã thấy ở trên sao?
Do đó, Ðức Yêsu đã tuyên bố: "Nước Tôi
không thuộc về thế gian này..." để nói lên rằng Người không phủ nhận mình
là Vua, nhưng đồng thời lại khẳng định Người không là Vua theo kiểu thế gian.
Philatô có thể đã giựt mình. Ông hỏi lại cho chắc: "Vậy thì Ông là Vua
sao?". Ðức Yêsu khẳng định một lần nữa: "Ông nói đó: Tôi là
Vua". Tức là Người thấy Philatô không còn hoài nghi như lúc đầu nữa. Ông
đã bắt đầu tin Ngài là Vua. Nhưng để ông đừng hiểu lầm, Ngài đã nói thêm: Ngài
không làm Vua theo kiểu thế gian để cai trị trên người ta, nhưng để làm chứng
cho sự thật. Philatô chắc chắn hiểu được phần đầu trong câu trả lời; vì ông vẫn
nghĩ rằng theo quan điểm thế gian Ngài không thể nào là Vua được. Ngài không có
bá quan văn võ, cũng chẳng có binh lính. Và chẳng thiết đến vấn đề này. Có bao
giờ Ngài lộ ra ý tưởng muốn tổ chức một triều đình đâu? Vua gì mà để mình bị
bắt nộp như thế này? Ðàng khác, Ngài uy nghi, sáng suốt, không thể có đầu óc
điên đến nỗi tưởng mình làm Vua theo nghĩa bình thường được. Philatô đồng ý Ngài
không là Vua theo kiểu thế gian.
Còn câu Ngài xác định sứ mệnh làm Vua của Ngài
là làm chứng về sự thật, thì Philatô vừa không hiểu vừa không muốn hiểu. Người
ta nói rằng ông có quan điểm triết học hoài nghi, tức là không nghĩ rằng có sự
thật, vì theo ông sự thật chẳng là gì cả.
Tiếc thay, ông không nhớ mình đang đứng trước
một Con Người tôn giáo, chứ không phải con người triết học. Ðức Yêsu không nói
triết lý, nhưng nói tư tưởng Thánh Kinh. Thế mà sách Samuel quyển 2 chương 14
khẳng định Salomon, con Ðavít không những có quyền trị dân mà còn được ơn khôn
ngoan. Vị hoàng đế lý tưởng là người biết được ý Thiên Chúa để đem ra cai trị.
Thế nên sáng sáng ngài phải có tấm lòng của môn đệ để đón nhận Lời khôn ngoan
của Chúa để biết đàng biện phân phải trái cho dân. Ở đây, Ðức Yêsu còn muốn nói
xa hơn nữa vì Người còn hơn Salomon và là Con Ðavít sâu xa hơn vua này. Người
sinh ra để đem chân lý, tức là sự thật trọn vẹn xuống mạc khải cho loài người.
Người đem sự khôn ngoan của Thiên Chúa đến. Người là chính sự khôn ngoan ấy.
Người là mạc khải của Ðức Chúa Cha để cứu chuộc và nuôi sống người ta. Người là
Vua khi đưa người ta vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Và việc này chỉ xảy ra
trong mầu nhiệm thập giá, là sự điên rồ trước mắt thế gian nhưng lại là sự khôn
ngoan cao cả được giấu kín cho đến thời sung mãn.
Những ý tưởng này Philatô làm sao nhận được?
Nhưng ông đã nhận Ngài là Vua. Ông để cho lính tráng chế diễu Ngài là Vua. Ông
không nói gì khi chúng đội triều thiên gai và khoác áo đỏ hoàng đế cho Ngài.
Chính ông sẽ còn đặt Ngài ngồi trên tòa ở nơi gọi là Gabbata và giới thiệu Ngài
với dân Dothái: này là Vua các ngươi. Và cuối cùng chính ông truyền đóng bản án
"Yêsu Vua Do Thái" lên đầu thập giá và khăng khăng bảo phải cứ để như
vậy. Ông đã thi hành nhiều việc theo ý Chúa mà ông không biết. Chính Ðức Yêsu
nói: Ngài sẽ kéo mọi người lên khi được treo lên. Thế mà Philatô lại đặt Ngài
ngồi trên tòa và kéo Ngài lên cây thập tự. Ông đã giúp Ngài làm Vua trong mầu
nhiệm Thánh giá theo như sách Daniel đã gợi lên.
Nhà tiên tri này đã mô tả Con Người được trao
vương triều khi sự dữ đã bị đánh bại và Con Người đã ở trong mây trời. Những
điều đó đã xảy ra trong mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Yêsu cứu thế, là mầu nhiệm
tiêu diệt tội lỗi và đi vào vinh quang Thiên Chúa.
Chúa Yêsu Kitô làm Vua theo nghĩa đó... Nhưng
không phải để cho mình, mà là để cho mọi người. Ðó là điều mà bài sách Khải
huyền muốn nói lên.
3. Một Dân Vương Ðế
Thật ra thì bài sách Daniel đã nói rồi.
Con người được lãnh vương quyền trong bài tiên
tri đọc hôm nay thoạt đầu là toàn dân thánh của Thiên Chúa. Về sau người ta mới
đặt nó nơi Vị Thủ Lãnh như nơi kết tinh mọi vinh dự tập thể. Ở đây tác giả sách
Khải huyền cho thấy sự thật thì chính Vị Thủ Lãnh của đạo mới thông đạt vương
quyền của Ngài cho toàn dân.
Chắc chắn quan điểm của ông đúng hơn. Vì vương
quyền nói đây không phải là cái gì của trần gian, nhưng là một đặc quyền của
Thiên Chúa mà người ta được tham dự. Chính Ngài mới là Vua theo nghĩa tuyệt đối
và cao siêu. Ngài chủ sự tất cả, và nhất là cứu thế là công trình của Ngài.
Người ta chỉ có thể tham dự vào vương quyền của Ngài khi được giải thoát khỏi
tội lỗi, để được đưa ra khỏi Nước tối tăm mà vào trong Nước sáng láng, thánh
thiện của Ngài. Thế mà mọi người chỉ có thể được tha tội nhờ Ðức Yêsu và trong
Ðức Yêsu . Chính Máu Ngài đã cứu thoát chúng ta khỏi tội lỗi và đã làm ta thành
một vương quốc tư tế cho Thiên Chúa.
Chúng ta đội ơn Ngài nhưng không được quên kết
hiệp với Ngài. Ðó là điều kiện tiên quyết để được tham dự quyền bính của Ngài.
Người ta đã khởi sự kết hiệp với Ngài trong bí tích Rửa tội là mầu nhiệm thánh
giá Chúa Kitô. Nhưng còn phải ở trong mầu nhiệm ấy không ngừng để có thể mãi
mãi là Con Người của sách Daniel, đang tiến lại gần Thiên Chúa để được trao ban
vương triều.
Giờ đây cả cộng đoàn tín hữu cũng làm thành
người Con Người ấy. Chúng ta tiến lên mầu nhiệm bàn thờ để được Con Người là
Ðức Yêsu Kitô Cứu thế kéo lên. Chúng ta được ra khỏi Nước tối tăm của tội lỗi
để được đưa vào Nước sáng láng của ân sủng. Chúng ta có thể và phải giữ ơn
"làm Vua" ấy trong tất cả đời sống, khi chúng ta sống mầu nhiệm thánh
giá trong mọi sinh hoạt của cuộc đời. "Con Người" mà Daniel đã nhìn
thấy trong chiêm bao, thật sự đang hiện thân nơi chúng ta, nhờ ơn của Chúa Yêsu
Kitô là Vua trên thánh giá đã kéo chúng ta lên gần Thiên Chúa để chúng ta được
trao ban Vương triều. Chúng ta hãy suy nghĩ những điều ấy và đem ra thi hành...
Cuộc đời của chúng ta sẽ là tiếng tung hô không ngừng: Chúa Yêsu Kitô Vua muôn
năm!
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)