CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG
NIÊN
Uy quyền giảng dạy
của Chúa Giê-su
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô
1:21-28)
Thường khi nghe ai diễn thuyết hoặc nói chuyện, chúng ta
chỉ nghĩ đến cái “tài ăn nói” của người ấy.
Rồi nhiều khi cha mẹ hoặc cấp trên ra lệnh hay trách mắng, chúng ta chỉ
thấy được cái “uy quyền” của họ thôi.
Nhưng với Chúa Giê-su thì khác hẳn.
Ghi lại phản ứng của dân chúng nghe Chúa Giê-su giảng dạy, thánh sử
Mác-cô viết: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như
một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư”. Đây quả thực là một nhận định giúp chúng ta
chiêm ngưỡng Chúa Giê-su như Thầy Dạy được Thiên Chúa sai đến dạy dỗ chúng ta.
Làm sao dân chúng Do-thái lại nhận ra được Chúa Giê-su
giảng dạy như một Đấng có uy quyền? Đó
là nhờ họ so sánh Người với các kinh sư.
Đối với họ, các kinh sư là những người có “thẩm quyền” giải thích Lề
Luật và sách các ngôn sứ. Nhưng đáng
tiếc vì chính thẩm quyền này đã trở thành pháo đài bảo vệ cho chỗ đứng ăn trên
ngồi trốc của các ráp-bi. Các kinh sư đã
lấy thẩm quyền ấy tạo ra “những gánh nặng mà chất lên vai người ta” (Mát-thêu
23:4). Lời giảng của họ chỉ là lập lại
như vẹt sách nọ sách kia, rồi nói một đàng làm một nẻo. Vai trò giảng dạy của họ được tóm tắt trong
hai chữ “làm bộ” (Mát-thêu 23:14), làm bộ giữ luật, làm bộ đọc kinh cầu nguyện,
làm bộ đi giảng khắp nơi để rủ cho được một người theo đạo… Còn nhiều điểm khác
nói lên dung mạo của các kinh sư và Pha-ri-sêu đã bị Chúa Giê-su lột mặt nạ
(Mát-thêu 23). Dân chúng chắc chắn cũng
có những nhận xét giống như Chúa Giê-su đã tố cáo về họ. Giờ đây được nghe và nhìn phong cách Chúa
Giê-su giảng dạy và nhất là được chứng kiến Người sống, họ dễ dàng nhận ra sự
trái nghịch giữa Người với các kinh sư.
Chúa Giê-su quả thực là Đấng có uy quyền vì Người là Ngôi
Lời được Chúa Cha sai xuống trần gian, làm Đấng Em-ma-nu-en,
Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-tôi. Thiên Chúa
đã cho xuất hiện giữa Ít-ra-en một vị Ngôn Sứ là Chúa Giê-su. Sách Đệ Nhị Luật đã mô tả uy quyền của vị
Ngôn Sứ này: “Bấy giờ Đức Chúa phán: ‘…Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người
ấy… Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta,
thì chính Ta sẽ hạch tội nó’” (Đệ Nhị Luật 18:18,19). Chúa Giê-su đã thể hiện uy quyền này không
phải bằng những lời giảng hoa mỹ hùng biện, nhưng bằng những lời bình dân, nhất
là những câu chuyện dụ ngôn lấy từ chính đời sống hằng ngày. Người cũng thể hiện uy quyền qua những việc
làm giúp con người được giải phóng khỏi quyền lực của tội lỗi và ma quỷ, khỏi
bệnh tật và những lo lắng trần gian, nhất là qua những phép lạ biểu lộ lòng từ
bi và tình yêu của Thiên Chúa.
Thánh sử Mác-cô đã chứng minh sức mạnh và uy quyền lời
giảng của Chúa Giê-su khi ngài đan cử việc Chúa Giê-su lên tiếng quát mắng ma
quỷ và truyền cho nó phải ra khỏi người đang bị nó ám ảnh. Chứng kiến phép lạ ấy, dân chúng đã tin vào
Người, chứ không chỉ so sánh Người với các kinh sư. Họ quả quyết:
“Lời giảng dạy thì mới mẻ, người
dạy lại có uy quyền”.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Sửng sốt hay sững sờ là thái độ của dân chúng khi nghe Chúa
Giê-su giảng dạy. Nhưng chúng ta tự hỏi
thái độ như vậy đã đủ chưa? Chưa
đâu! Chúa Giê-su mong chúng ta làm hơn
thế nữa. Người nói: “Vậy ai nghe
những lời Thầy nói đây mà đem ra thực
hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mát-thêu 7:24; Lu-ca
6:47). Chúng ta vẫn nghe một câu nói
quen thuộc: Con đường dài nhất là con
đường từ tai tới tay! Nghe và thực hành
lời Chúa là đỉnh điểm của lòng ngưỡng mộ Chúa Giê-su như Thầy Dạy. Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta không chỉ lời
giảng dạy, mà còn để lại gương sáng, đó là để chúng ta có thể thực sự làm môn
đệ Người. Người phải là Thầy Dạy gắn
liền với cuộc đời chúng ta, mật thiết đến độ phải đi tới lý tưởng Thầy thế nào
trò cũng phải như vậy. “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm
như Thầy đã làm cho anh em” (Gio-an
13:15).
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi