Chúa Nhật 5 Thường Niên Năm B
Vị tiên tri có uy quyền
(Sách Yob 7,1-4.6-7; Thư 1 Corintô 9,16-19.22-23; Tin Mừng Marcô
1,29-39)
Phúc Âm: Mc 1, 29-39
"Người chữa nhiều người đau ốm những chứng
bệnh khác nhau".
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người
cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon
cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà.
Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp
đãi các ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn
đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ
họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau,
xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.
Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi
nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi
tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: "Mọi người đều
đi tìm Thầy". Nhưng Người đáp: "Chúng ta hãy đi đến những làng, những
thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa". Và Người đi rao giảng trong
các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
Suy Niệm:
Chúa Nhật V Thường Niên Năm B
Chúng ta đọc: Sách Yob 7,1-4.6-7; Thư 1 Corintô
9,16-19.22-23; Tin Mừng Marcô 1,29-39
Chúa nhật trước Phụng vụ cho chúng ta thấy Ðức
Yêsu là vị tiên tri có uy quyền; và Lời của Người ở trong Giáo hội hiện nay có
sức mạnh giải thoát người ta khỏi tà thần khi người ta kết hợp với Người trong
mầu nhiệm tử nạn. Hôm nay, Phụng vụ giới thiệu với chúng ta một Ðức Yêsu đến
cứu chữa nhân loại khỏi đau khổ lầm than. Và cho được như vậy phụng vụ đã bắt
đầu cho chúng ta nghe một đoạn sách Yob để dẫn vào bài Tin Mừng. Còn bài Thánh
thư có ý đề nghị với chúng ta thái độ phải có để hành vi cứu khổ của Chúa Yêsu
được tiếp nối trong đời sống con người hiện nay.
1. Ðời Là Bể Khổ
Chúng ta hết thảy đã biết truyện ông Yob. Ông
là người công chính, nhưng gặp toàn hoạn nạn đau thương. Không những nhà cửa
bỗng dưng trở thành tro bụi và con cái lăn đùng ra chết mà chính thân thể ông
cũng đâm ra ghẻ lở hôi thối. Người ta khiêng ông đặt trên đống tro. Người người
đàm tiếu ông bị trời phạt. Ngay bà vợ ông cũng đay nghiến ông suốt ngày. Ông
trở thành kiểu mẫu những con người khổ sở. Và đoạn văn hôm nay cho chúng ta
nghe một trong nhiều lời ông than thở.
Ôi thôi, đời người như cảnh nô lệ, như kiếp
sống làm thuê. Người nô lệ mong được nghỉ, người làm thuê chờ đồng lương. Thế
mà thân tôi chẳng bao giờ được trả công; và ngủ nghỉ cũng chẳng được. Bởi vì
vừa nằm xuống, đau khổ đã đầy ứ tâm hồn và tôi chỉ chờ sáng... Nhưng sáng trời
thì lại thấy đời mau qua như con thoi trên khung dệt, tàn lụi không hy vọng.
Ðiều đáng để ý trong lời than này là Yob rất
thực tế và chân thực. Ông khác hẳn tác giả bài tường thuật về việc Adong sa
ngã. Ở bài sách Khởi nguyên đó, lao động bị coi như là hình phạt của tội lỗi.
Còn ở đây, Yob biết những vất vả của lao động và ngay cả cảnh làm thuê và nô
dịch nữa. Nhưng ông vẫn còn ao ước được hạnh phúc như thế. Cái khổ của ông là
không được điều kiện như những người lao động bình thường.
Ông cũng chân thực lắm khi khổ mà vẫn phàn nàn
vì đời sống như thoi đưa, không có hy vọng nào. Nhất là ông chân thật ở chỗ gạt
bỏ hết mọi luận lý của người đời về đau khổ... Ông ngước mắt lên Chúa mà cầu
nguyện: Xin Chúa hãy nhớ...
Và đây là điểm chúng ta phải để ý. Khi nghe tin
Yob gặp tai ương hoạn nạn, bạn bè ông đã đến. Chẳng giúp đỡ ông cụ thể thì chớ,
họ còn lấy giọng đạo đức khuyên ông nên nhận ra lỗi mình: không có tội thì làm
sao lại bị trời phạt như thế? Yob không chấp nhận được thứ triết học đó và mọi
thứ triết lý khác về đau khổ. Lương tâm của ông thấy rõ trường hợp của ông
không đúng với phán quyết của mọi luận điệu suy tư kia. Yob phủ nhận mọi lý
thuyết khôn ngoan của người đời. Và trung thành với đức tin của mình, ông quay
mặt về Chúa: "Xin Ngài hãy nhớ...".
Những ai đã đọc Thánh Kinh sẽ nhận ra đây là
Lời cầu nguyện căn bản của Dân Chúa trong những thời kỳ lầm than. Gặp cảnh
tuyệt vọng, họ chỉ còn niềm tin duy nhất: xin Chúa hãy nhớ Ngài là Ðấng nhân ái
và trung tín. Ngài đã ban lời giao ước và nhất quyết thi hành cả khi loài người
bất nghĩa. Ngài sẽ ra tay cứu độ chúng tôi khỏi cảnh lầm than khổ sở.
Như vậy bài sách Yob hôm nay không dừng lại ở
cái nhìn bi quan yếm thế và mô tả đời là bể khổ. Nó chỉ tựa vào đó để đưa lòng
chúng ta vươn lên tới Chúa. Yob khuyên nhủ mọi kẻ đang đau khổ lầm than cầu xin
ơn cứu độ. Yob là hình ảnh và hiện thân của Cựu Ước hướng về Ðấng Thiên Sai cứu
đời; và như vậy ông cũng là gương mẫu của chúng ta đang hành trình trần gian
phải nhìn về Trời mới và Ðất mới.
2. Ðấng Cứu Ðời Ðã Ðến
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Ðức Yêsu
sau khi đã trừ một thần ô uế, đã ra khỏi hội đường Capharnaum. Người là vị tiên
tri có uy quyền trong lời nói. Người đã khởi sự chữa lành người ta trong hội
đường Dothái, thì bây giờ Người bắt đầu ra đi cứu đời rộng rãi hơn nữa. Trong
đoạn Tin Mừng này, thánh Marcô nhấn mạnh đến địa danh Galilêa dân ngoại để nói
ảnh hưởng của Chúa phải lan đến khắp các dân tộc.
Vậy Người đến nhà của Simon và Anrê. Gặp bà gia
của Simon nằm liệt vì sốt, Người đã chữa bà. Câu truyện này Marcô kể rất vắn
tắt; nhưng bối cảnh của nó cũng như những từ ngữ mà Marcô dùng lại rất ý nghĩa.
Người Dothái quan niệm bệnh tật là việc của ma quỷ làm. Nên việc Ðức Kitô chữa
bệnh cũng có giá trị và ý nghĩa như việc Người trừ quỷ. Marcô lại nói Người đã
cầm lấy tay bà và cho bà chỗi dậy. Ông muốn gợi lên hình ảnh của mầu nhiệm phục
sinh, làm cho người ta chỗi dậy khỏi chỗ sa ngã mà ma quỷ đã đưa người ta vào. Và
chỗi dậy rồi, tức là được ơn phục sinh xong, người ta phải bắt chước bà gia của
Simon mà "bắt đầu phục vụ Người" như chính Người đã đến không phải để
được phục vụ, nhưng là để phục vụ, đến nỗi hiến cả mạng sống mình cho người ta.
Chúng ta phải thán phục Marcô. Với một hai câu
văn, người đã nói lên được nhiều ý tưởng thâm trầm. Và việc mà Ðức Kitô làm cho
một người, Marcô còn thấy Người đã làm cho mọi người. Vì kìa, khi mặt trời lặn,
người ta đem lại cho Người mọi kẻ ốm đau và mọi kẻ bị quỷ ám. Ðó là tất cả mặt
đất đầy đau thương dưới sự khống chế của tà thần. Ðó là thế giới đang sống
trong tối tăm. Cả thành đứng đó nhưng chẳng ai làm gì được... Loài người tất cả
chờ mong Ðức Yêsu. Người chữa nhiều bệnh nhân đủ loại và đuổi nhiều thứ quỷ.
Nhưng tại sao Người đã không chữa hết mọi con
bệnh và trừ hết mọi tà thần? Marcô có ý để cho chúng ta suy nghĩ. Chúa không
cứu được chúng ta nếu chúng ta không muốn. Người đòi chúng ta phải có niềm
tin... Hơn nữa, như bản Tin Mừng Chúa nhật trước nói: Lời Chúa rất uy quyền.
Nhưng kẻ được nghe Lời ấy và kêu cả Danh Chúa nữa mà không muốn theo Người đi
vào mầu nhiệm thánh giá, thì vẫn không lãnh nhận được ơn cứu độ của Người. Thế
nên, luôn luôn thánh Marcô nhắc đi nhắc lại điều này: không ai được nói đến
Danh Chúa Yêsu và ca tụng công việc của Người trước khi thấy Người trên thập
giá. Những lời khen ngợi ấy chỉ vụ lợi và khiến người ta hiểu lầm rằng Ðức Yêsu
đem lợi lộc trần gian đến cho con người. Phải nhìn vào thánh giá mới hiểu được
Người. Và tuyên xưng Danh Người lúc đó mới có công, vì đó sẽ là Lời của lòng
tin.
Do đó, trong bài Tin Mừng này, thánh Marcô cho
chúng ta thấy Ðức Yêsu đã đến để cứu đời. Người xua đuổi tà thần và chữa lành
mọi thương tích cho nhân loại ốm đau vì tội lỗi. Người dùng mầu nhiệm phục sinh
của Người mà nâng đỡ nhân loại chỗi dậy, để mọi người sẽ được sức sống của
Người là sự sống để phục vụ và phục vụ cho đến chết. Nhưng với điều kiện: người
ta phải có lòng tin và cùng Người đi đến mầu nhiệm thánh giá.
Tiếc thay, nhiều người không hiểu như vậy. Họ
chỉ muốn giữ lại hình ảnh một Ðấng Cứu thế làm nhiều phép lạ để chữa phần xác
con người, tức là ban phát nhiều lợi lộc vật chất. Thế nên Ðức Yêsu còn phải
cầu nguyện cho người ta... Người cầu nguyện khi họ đang còn ngủ, tức là đang
còn sống trong tối tăm. Simon và các tông đồ cũng sớm biết đi tìm Người. Nhưng
Người còn phải đưa họ ra khỏi cái tâm lý chung kia. Họ thưa Người: "Tất cả
đang tìm Thầy", nghĩa là tất cả muốn Thầy trở về làm phép lạ, chữa lành
thân xác người ta, vì người ta chỉ muốn Thầy cứu thế theo nghĩa trần gian. Ðó
là cám dỗ Người phải đưa các môn đệ và Hội Thánh của Người ra khỏi. Nên Người
bảo họ: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã lân cận, để Ta rao
giảng ở đó nữa, bởi chính vì thế mà Ta đã ra đi".
Nhưng tiếng cuối cùng là những lời khó hiểu
nhất. Ý nghĩa của chúng chỉ hiện ra đầy đủ khi chúng được đặt bên cạnh một câu
trong sách Tin Mừng Yoan (12,24): "Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này,
nhưng chính vì thế mà con đã đạt thấu giờ này". Nghĩa là Ðức Yêsu đã đến
không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ, không phải để làm thỏa mãn những
yêu cầu trần tục của người ta, nhưng để dâng mình làm giá cứu chuộc mọi người,
không phải để đứng mãi ở một nơi, nhưng để ra đi không ngừng rao giảng Lời cứu
thoát linh hồn người ta. Thế nên bài Tin Mừng hôm nay đã kết luận: "Và
Người đã đi khắp xứ Galilêa, rao giảng trong các Hội đường và xua trừ ma
quỷ". Người mở đường cho Giáo Hội đi khắp các dân tộc, rao giảng Tin Mừng
cứu độ để tiêu diệt ảnh hưởng của tà thần. Người kêu gọi chúng ta đi vào đường
lối cứu đời của Người.
3. Tiếp Nối Sứ Mệnh Cứu Ðời
Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay chứng tỏ là
người đã hiểu biết và thực hành đường lối của Chúa. Người không đi làm tông đồ
vì ham hố, hay cầu mong lợi lộc. Người không coi chức năng rao giảng Tin Mừng
là một tước hiệu đáng vênh vang theo kiểu loài người. Ngược lại đó là một gánh
nặng, một sự bó buộc, một điều khẩn thiết, nói tắt một dịch vụ giáng xuống trên
người. Chúa đã chọn người làm tông đồ. Và khi Chúa đã chọn ai, không những họ
phải vâng lời, mà còn phải đi vào đường lối của Chúa là đường lối luôn luôn khó
khăn, khổ sở.
Tất cả Kinh Thánh làm chứng, Chúa luôn luôn chỉ
cho, chỉ biếu, chỉ làm giàu cho con người. Kẻ được Chúa chọn làm việc cho Người
cũng phải như vậy, nên Phaolô chỉ đem Tin Mừng biếu không, không hưởng cả quyền
lợi của Tin Mừng. Hơn nữa, bắt chước Ðức Yêsu, Người còn tự làm nô lệ mọi
người, yếu cả với những người yếu, để với mọi người, người trở nên mọi sự cho
họ, ngõ hầu cứu được ít người, vì sự rỗi dẫu sao vẫn còn tùy thuộc ở người ta.
Rõ ràng thánh Phaolô đã đi vào đường lối của
Chúa Yêsu. Người làm tông đồ cho mọi người để tiếp nối sứ mệnh cứu đời của
Chúa. Người trung thành theo đúng cung cách của Chúa để việc tông đồ của Người
quả thật là việc rao giảng Tin Mừng cứu độ.
Chúng ta có muốn bắt chước người không?
Có lẽ để khởi sự chúng ta phải đọc lại câu
truyện ông Yob để nhìn thấy chung quanh chúng ta hiện nay có rất nhiều người
giống như ông. Chúng ta đừng làm ngơ trước những đau khổ của người khác. Hãy để
cho tiếng kêu khổ vang vào tâm hồn ngõ hầu trái tim chai đá của chúng ta mềm ra
như những trái tim thịt. Chúng ta biết thương nhân loại lầm than, không phải
chỉ để hợp lời cầu nguyện cho thế giới này đỡ khổ, nhưng còn để biết nghe tiếng
Chúa gọi tiếp tay với Người để cứu đời.
Và chúng ta phải đọc lại bài Tin Mừng hôm nay
để thấy Chúa cứu nhân độ thế thế nào. Lúc đó chúng ta sẽ hiểu rõ hơn lời của
thánh Phaolô và chúng ta sẽ cố gắng bắt chước Người. Cứu đời đối với chúng ta
không phải là chức năng để vênh vang, nhưng là một thúc bách, một bó buộc giáng
xuống trên chúng ta. Nó đòi hỏi chúng ta phải hy sinh, phải chịu thiệt, phải đi
vào mầu nhiệm thánh giá của Ðức Kitô.
Mầu nhiệm này bây giờ được tái hiện trên bàn
thờ để chúng ta thấy Chúa Yêsu hy sinh đến chết để cứu đời, hầu kêu gọi chúng
ta kết hợp với Người, chia sẻ tinh thần của Người, tiếp nối sứ mệnh cứu đời của
Người ở trong thời đại chúng ta. Chúng ta hãy sốt sắng dự lễ và trở về sống
theo đường lối của Ðức Yêsu, Chúa chúng ta.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)