CHÚA CHỮA NGƯỜI PHONG CÙI

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN, năm B

Mc 1, 40-45

 

Xưa nay, bệnh phong cùi vẫn làm cho người khác e sợ, lánh xa.Dù rằng, ngày nay y khoa không còn bó tay trước bệnh phong cùi mà lúc xưa nhân loại xếp vào loại bệnh nan y…Bệnh phong vào thời Chúa Giêsu vẫn bị xếp vào loại bệnh bất trị, ai cũng phải tránh xa người bị phong cùi và người mắc bệnh phong đi đâu cũng phải la to lên:” Ô uế ! Ô uế “ ( Lv 13, 45-46 ).

 

Bệnh phong cùi xem ra là một hình phạt của Thiên Chúa theo quan niệm của người Do Thai. Vâng, người Do Thái cho rằng những người mắc bệnh phong cùi là những người bị Thiên Chúa chúc dữ và xã hội loại trừ. Họ bị liệt vào thành phần tội lỗi và không được tham dự bất cứ nghi lễ gì trong các hội đường. Họ phải sống xa xã hội và sống thành từng nhóm nơi các mồ mả,nơi thâm sâu cùng cốc. Họ phải la lên “nhơ bẩn, nhơ bẩn “ để mọi người nghe mà tránh xa. Do đó, chúng ta thấy hoàn cảnh của một người bị bệnh phong hủi hôm nay trong Tin Mừng của thánh Marcô. Vâng, người bị bệnh phong cùi trong Tin Mừng hôm nay có tư cách khá đặc biệt. Anh không mặc cảm, không la to như mọi khi, nhưng anh tự ý đến gặp Chúa Giêsu, và khi đến trước mặt Ngài, anh ta quỳ xuống van xin rằng :” Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch “ ( Mc 1, 40 ). Anh cùi nại vào lòng thương xót của Chúa. Anh ta không dám xin, nhưng để quyền tự do của Chúa, chữa hay không chữa tùy ý Ngài…Anh phó thác hoàn toàn vào Chúa. Anh tin tưởng và hết sức muốn Chúa chữa bệnh cho anh. Nên, chính sự đơn sơ, phó thác và tin mãnh liệt vào Chúa đã khiến Chúa chạnh lòng thương, cứu vớt, chữa lành cho anh. Lòng tin đã giúp anh :” Tôi muốn, anh sạch đi “ ( Mc 1,42 ). Phép Chúa Giêsu làm cho anh phong cùi phát xuất từ lòng tin của anh và từ quyền năng của Thiên Chúa.

 

Chúa Giêsu đã chạm vào người phong, một cử chỉ không được phép vì phạm luật. Nhưng Chúa vẫn làm bất chấp luật lệ Do Thái. Chúa Giêsu muốn đánh đổ những lệch lạc của người Do Thái liên quan đến lề luật. Chúa đặt tay trên người cùi khiến họ được tiếp xúc với Con- Người- Chúa- của- Chúa, nhờ đó con người được lãnh nhận ân sủng từ nơi Người. Do đó, bệnh phong biến mất và anh ta được lành sạch.

 

Người phong cùi trong lúc thất vọng vì mang một căn bệnh quái ác, nan y, trong khi anh bị xã hội khinh chê, loại trừ và ghép vào loại tội lỗi công khai. Anh đã tin tưởng, phó thác nơi Chúa, nên anh đã được Chúa yêu thương, cứu chữa.

 

Chúa Giêsu vừa tự do với lề luật, vừa lệ thuộc lề luật. Ngài bảo người phong cùi được lành sạch đi trình diện tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê. Người phong cùi giờ đây được tự do hoàn toàn, anh được nhập với xã hội đời thường, được chung sống với cộng đoàn và được hiệp thông với Thiên Chúa. Anh được trả lại phẩm giá con người, phẩm giá anh bị mất khi anh bị mang căn bệnh nan y này. Giờ anh được tự do và được vui sống. Anh mang theo mình một niềm vui khôn tả. Anh đi loan báo khắp nơi về một Đấng đã chữa lành anh là Đức Giêsu. Anh phong cùi được lành sạch đã có thể vào thành tự do, còn Đức Giêsu thì phải ở ngoài thành và đi vào nơi hoang vắng.

 

Bệnh phong ngày nay không còn là bệnh nan y, bất trị nữa vì y học đã tìm ra vi trùng Hansen. Nhưng những người bị bệnh phong cùi được điều trị khỏi bệnh nhưng hòa nhập tự nhiên vào xã hội bình thường như mọi người vẫn là chuyện khó. Ở đời, còn có nhiều loại bệnh, nhiều loại người chúng ta vẫn khó tới gần hay họ cũng rất khó tới với chúng ta được. Chúng ta hãy có lòng nhân từ như Chúa bởi vì chúng ta không bị bệnh phong nhưng một cách nào đó tội lỗi vẫn làm cho chúng ta giống như một loại bệnh cùi khiến chúng ta xa cách Chúa và con người.

 

Lạy Chúa, xin tăng thêm lòng tin cho chúng con để chúng con vững mạng đón nhận anh em chúng con dẫu họ có bị bệnh nan y trong cuộc đời. Amen.

 

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Bệnh phong cùi đối với xã hội Do Thái xưa như thế nào ?

2.Người mắc bệnh phong cùi phải làm gì khi di chuyển ?

3.Người phong cùi phải sống làm sao ?

4.Luật Lê Vi qui định thế nào về bệnh phong cùi ?

5.Ai đã tìm ra vi trùng phong cùi ?





Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B