ĐỨC GIÊSU CHỮA MỘT NGƯỜI PHONG HỦI
(Máccô 1,40-45 – CN  VI TN - B)

                                     

 

1.- Ngử cảnh

Tác giả đã đặt câu truyện này vào thời gian Đức Giêsu thi hành sứ vụ tại Galilê. Chúng ta chỉ biết tổng quát như thế nhờ c. 39. So sánh với hai tác giả nhất lãm kia (Mt 8,2-4; Lc 5,12-16), chúng ta cũng thấy bối cảnh không rõ ràng. Mỗi tác giả đã kể lại câu truyện này theo những bận tâm thần học của mình mà thôi. Trong TM Mc, với mẩu truyện cuối cùng này của ch. 1, hành động quyền lực của Đức Giêsu đã đạt tới đỉnh cao nhất, vì Người chữa lành được bệnh phong hủi.  

 

2.- Bố cục

Bản văn này có ba phần:

1) Chữa lành người phong hủi (cc. 40-42);

2) Lệnh cấm nói và trình diện tư tế (cc. 43-44);

3) Biến cố được phổ biến và hậu quả (c. 45).

 

3.- Vài điểm chú giải

- người bị phong hủi (40):  Sách Lêvi đã nói đến chứng bệnh này trong ch. 13–14: bệnh lây lan đặc biệt nguy hiểm, cũng là hình phạt dành cho tội lỗi. Chính vì thế, người ta không nói “chữa lành” nhưng là “được thanh tẩy (làm cho sạch)” khỏi bệnh phong hủi. Ta hiểu được một lối chơi chữ trên hai từ Híp-ri nâga‛ (“nó đánh”) và nega‛ (“đòn đánh”; “vết phong hủi”; “người mắc bệnh phong hủi”) (x. 2 V 15,5; 2 Sb 26,19-20; Is 53,4.8).

Người tôi tớ của Đức Chúa được mô tả như người phong hủi (Is 53,3-5). Nhìn thấy Người, dân chúng tưởng Người đã phạm tội (x. G 4,7tt; 8,13tt; 2,7-8). Vị ngôn sứ không phủ nhận nguyên nhân là tội, nhưng đây là tội của dân.

 Từ đó, ta hiểu vì sao xử lý những ca bệnh phong hủi được dành cho các tư tế: các vị là những nhà chuyên môn phân biệt được các dạng bệnh, và chỉ các vị mới đưa người đã lành bệnh tái tháp nhập cộng đồng dân Chúa bằng nghi lễ thanh tẩy (x. Lv 13; 14,19; Đnl 24,8).

Tuy nhiên, nếu đúng là bệnh phong thì người ta coi là chỉ có Thiên Chúa mới chữa được, bởi vì cũng giống như gọi một người chết về lại với cuộc sống. Thiên Chúa cũng có ban quyền chữa bệnh phong cho những ngôn sứ lớn, như Môsê (Ds 12,9-14; x. Xh 4,6-8) và ngôn sứ Êlisa (2 V 5,9-14). Vậy, người ta còn có thể chờ đợi ai chữa bệnh phong hủi trong tương lai, nếu không phải là chờ đợi Đấng Mêsia (x. Mt 11,5)?

- Người chạnh lòng thương (41) (HL. splanchnistheis, partic. aorist của động từ  splanchnizomai do từ  ta splanchna, lòng dạ): “bị rúng động”; “bị chuyển động trong lòng”.

- giơ tay đụng vào anh: Hành vi này là tiêu biểu của một cuộc chữa lành bằng uy quyền. “Đụng” đây không phải là vi phạm quy định của luật lệ Do Thái liên hệ đến sự trong sạch, nhưng là chuyển thông sức mạnh chữa lành.

- Người nghiêm giọng  (“làm gắt”, NTT) (43): Động từ Hy Lạp embrimaomai, “khịt khịt” (ngựa); “phát tiếng hừ hừ do cơn giận dữ trong lòng” (người). Đức Giêsu cho hiểu rằng Người vừa làm một việc ngoại lệ là chữa bệnh công khai, ngược lại với quyết định của Người. Do đó, Người “đuổi” anh này đi ngay để người ta đừng hiểu sai sứ mạng của Người. Động từ embrimaomai không có từ tương đương trong ngôn ngữ Tây phương (TOB: s’irritant; BJ: en le rudoyant; NAB: warning him sternly; Mann: sent him away with the stern warning).

- để làm chứng cho người ta biết (“để làm chứng trước mặt họ”, NTT) (44): Có những người cho rằng câu này nhắm đến dân chúng (chẳng hạn, cha Lagrange: “pour l’attester au peuple”). Nhưng hiểu như thế có phần ép bản văn. Quả thật, Đức Giêsu bảo người phong đến trình diện tư tế và nhắc anh phải dâng một hy lễ đúng theo Lv 14,1-32, nhưng theo ý nghĩa minh nhiên của bản văn, đại danh từ quy về các tư tế. Việc chuyển đi từ số ít sang số nhiều được giải thích là: việc làm chứng sẽ vượt quá cá nhân vị tư tế chứng thực, để đến với toàn giai cấp tư tế. Như thế, Đức Giêsu đã giao cho anh này một sứ mạng phải thực hiện nơi các tư tế (x. Mc 5,19): việc chữa lành người phong hủi là một dấu chỉ thiên sai. Vì chiếu cố đến họ, Đức Giêsu đã miễn chuẩn lệnh truyền về bí mật thiên sai.

 

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Chữa lành người phong hủi (40-42)

Với bài tường thuật Đức Giêsu chữa người phong hủi để kết thúc ch. 1, Mc đưa hành vi quyền lực của Đức Giêsu tới tuyệt đỉnh. Bệnh phong được người Do Thái coi như là một chứng bênh đặc biệt trầm trọng. Lời khẩn cầu của người bệnh chứng tỏ một niềm tin tưởng phi thường: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (c. 40). Anh ta gán cho ý muốn của Đức Giêsu một quyền lực to lớn. Lời khẩn cầu này cũng vừa là một thách đố vừa chứng tỏ lối xử sự trước đây của Đức Giêsu đã gây ra ấn tượng nào và thức tỉnh những niềm chờ mong nào. Đức Giêsu hành động như Thiên Chúa: chỉ cần Người muốn một điều là điều ấy được thực hiện. Người phong hủi được chữa lành tức khắc. 

 

* Lệnh cấm nói và trình diện tư tế (43-44)

Đức Giêsu đã gửi anh đi trình diện với các tư tế, để các vị này ghi nhận bệnh đã lành và để cho kẻ trước đây bị loại trừ nay được chấp nhận vào lại trong cộng đồng mà chia sẻ cuộc sống và hiệp thông vào nền phụng tự của anh em mình. Đức Giêsu từ chối mọi thứ quảng cáo ầm ĩ và cấm người đã khỏi bệnh nói về chuyện mình được chữa khỏi.

 

* Biến cố được phổ biến và hậu quả (45)

Tuy nhiên, anh này không tuân theo lệnh của Đức Giêsu, anh đã rao truyền khắp nơi những gì đã xảy ra cho anh. Do đó, danh tiếng của Đức Giêsu càng lan rộng hơn nữa và tiếp tục làm gia tăng lòng tin tưởng vào Người: dân chúng từ khắp nơi tuôn đến với Người. Thật ra, các hành vi quyền lực của Đức Giêsu không có ý nghĩa tối hậu nơi sự kiện là có người bệnh nào đó được khỏi. Ý nghĩa của các hành vi đó là cho thấy rõ ràng quyền lực cao vời của Thiên Chúa, thấy rằng Triều Đại Thiên Chúa đang đến gần, để mọi người có thể tin vào Người. 

 

+ Kết luận

Chữa bệnh phong hủi là một dấu chỉ thiên sai. Mục tiêu Mc nhắm là cho thấy Đức Giêsu đến loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, làm chứng về quyền chúa tể của Thiên Chúa đang tìm cách cứ độ con người. Tuy nhiên, ơn cứu độ Người hứa ban không phải là một ơn cứu độ phi nhân, trái lại được gửi đến cho trọn vẹn con người. Thiên Chúa đã làm điều đó nơi Đức Giêsu, Đấng có một trái tim biết thương cảm.

 

5.- Gợi ý suy niệm

1. Như người bệnh của bài Tin Mừng, chúng ta được lưu ý: không ép buộc Thiên Chúa luôn luôn phải sẵn sàng trợ giúp chúng ta và theo cách chúng ta quy định. Chúng ta cứ bày tỏ với Ngài tình cảnh khốn cùng của chúng ta, rồi để Ngài định liệu :”Nếu Ngài muốn”.

2. “Người phong cùi này cung cấp cho chúng ta một lời khuyên rất tốt về cách cầu nguyện. Anh không nghi ngờ ý muốn của Chúa, y như thể anh không muốn tin vào sự tốt lành của Người. Khi nói rằng nếu muốn, Chúa có thể thanh tẩy anh, anh khẳng định quyền lực ấy thuộc về Chúa, đồng thời khẳng định đức tin của anh… Nếu đức tin yếu, đức tin trước tiên phải được củng cố. Chỉ khi đó đức tin mới cho thấy tất cả quyền lực của mình là đạt được việc chữa lành tâm hồn và than xác.

Có lẽ Tông Đồ Phêrô đã nói đến đức tin đó khi bảo: “Người đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ” (Cv 15,9)… Đức tin tinh tuyền, được sống trong tình yêu, được duy trì nhờ sự nhẫn nại, kiên nhẫn trong chờ đợi, khiêm nhường cách khẳng định mình, cương quyết trong niềm tin tưởng, đầy trọng kính trong lời cầu nguyện và đầy khôn ngoan trong những gì cầu xin, đức tin này chắc chắn trong mọi hoàn cảnh được nghe lời này của Chúa: ‘Tôi muốn’” (Thánh Paschase Radbert (?-khoảng 849), đan sĩ Biển đức).

3. Chúng ta học nơi Đức Giêsu sự kín đáo trong việc phục vụ. Như Đức Giêsu, người Kitô hữu phục vụ, cứu chữa, vì lòng mình cảm thương sâu sắc nỗi khốn cùng của anh chị em mình, chứ không phải để chứng tỏ bản thân. Người Kitô hữu phục vụ vì lòng chan hòa bác ái, chứ không phải vì thiếu thốn (đi tìm sự nể trọng của người khác).

4. Hôm nay, chúng ta cũng học nơi người phong thái độ mau mắn đi làm chứng để bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, Đấng đang liên tục ban muôn vàn ân sủng cho chúng ta. Muốn vậy, cần phải ý thức chúng ta đã và đang nhận được những ân huệ lớn lao nào.

 

                                                                   Lm PX Vũ Phan Long, ofm


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B