CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN

Đấng Chữa Lành bị thương tích

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mác-cô 1:40-45)

          Có thể đã có lần chúng ta vào bệnh viện thăm một người mắc bệnh truyền nhiễm.  Y tá bắt chúng ta phải mặc áo choàng của bệnh viện, đeo găng tay và mang khẩu trang.  Vậy mà chúng ta vẫn chưa yên tâm và không dám đụng vào người bệnh.  Nhưng hôm nay trong bài Tin Mừng,          có một người đã đưa tay trần ra và đụng vào người bệnh phong hủi.  Người ấy chính là Chúa Giê-su.  Quyền năng và nhất là tình thương từ nơi Chúa đã cho người bệnh được lành, nhưng Chúa Giê-su thì trở nên “ô uế” vì Người không tuân theo Luật Mô-sê cấm là không được chạm tới những người bệnh như vậy.

          Cha Henri Nouwen đã viết cuốn sách gọi Chúa Giê-su là The Wounded Healer, Người chữa lành bị thương, trình bày Chúa Giê-su đã mang lấy những đau khổ và tội lỗi của chúng ta để chúng ta được cứu độ.  Trong câu chuyện chữa lành hôm nay, thánh Mác-cô cho chúng ta một chi tiết rất lý thú.  Mặc dù Chúa đã bảo người được chữa lành đừng nói gì với ai cả, “nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giê-su không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành”.  Đúng là làm phúc mắc họa.  Anh ta càng rao truyền và loan tin thì càng nhiều người biết Chúa Giê-su đang là người “ô uế” vì Người đã chạm tới người phong cùi!  Do đó, Người có vào thành nào thì người ta cũng chạy hết, không ai dám gặp Người nữa.  Chúa Giê-su chấp nhận hoàn cảnh đắng cay này, phải sống cô lập một ít ngày để được “thanh sạch” trước khi tiếp tục sứ vụ, nhưng chắc chắn Người thấy bình an và vui trong lòng, vì ít ra đã có một người được về sum họp với gia đình và cộng đoàn.

          Với câu chuyện Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể chọn một trong hai đề tài sau đây để suy niệm và cầu nguyện:  hoặc về chân lý Chúa Giê-su luôn yêu thương chúng ta bất chấp chúng ta tội lỗi và làm cho Người phải chết;  hoặc về người phong hủi là hình ảnh chúng ta, một người tội lỗi đã được Chúa tha thứ để trở về sum họp với người thân và cộng đoàn.  Lẽ sống của Chúa Giê-su là “không có tình thương nào lớn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Gio-an 15:13).  Cho nên so với cái chết của Người trên thập giá, việc “phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành” cũng chưa thấm thía gì!  Từ việc chấp nhận những hy sinh nho nhỏ, trái tim của Người mới càng mở rộng để có thể chứa được cả Thiên Chúa và toàn thể nhân loại.

          Trở lại với con người chúng ta, tình trạng “phong hủi”, tức thân phận tội lỗi là chung cho mọi người.  Tội tổ tông đã làm chúng ta thành kẻ thù của Thiên Chúa và phải xa cách Người.  Nhưng may mắn là Chúa Giê-su đã chết để giải hòa chúng ta với Thiên Chúa và cho chúng ta trở về sum họp làm con cái Thiên Chúa.  Tuy nhiên tội lỗi, giống như vi khuẩn bệnh phong hủi, vẫn lây lan khắp nơi và có thể làm cho chúng ta mắc bệnh, phải xa cách Chúa.  Vì thế chúng ta cần thức tỉnh trước mọi cám dỗ và những tấn công khéo léo của ma quỷ.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Để sống sứ điệp bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy nhìn hành vi của người mắc bệnh phong hủi đến với Chúa Giê-su như thế nào.  “Anh ta quỳ xuống van xin rằng: ‘Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch’”.  Cũng như người phong hủi, chúng ta là kẻ tội lỗi, nhưng chúng ta có thực sự “quỳ xuống van xin” Chúa, tức là biểu lộ lòng khiêm nhượng, nhìn nhận thân phận tội lỗi của chúng ta không?  Người phong hủi còn biểu lộ lòng khiêm nhượng bằng cách không “bắt ép” Chúa chữa cho anh, nhưng anh để tùy ý “Nếu Ngài muốn”.

          Với câu trả lời của Chúa Giê-su “Tôi muốn, anh hãy được sạch!”, chúng ta hiểu được Chúa muốn gì nơi chúng ta.  Lúc nào Người cũng muốn chúng ta là những người trong sạch, là con ngoan của Thiên Chúa.  Nhưng Người cũng muốn chúng ta phải nói với Người trước, xin Người thứ tha, Người sẽ lập tức cho chúng ta được chữa lành tâm hồn và được trở về bên Người và bên anh chị em trong Giáo Hội Người.

              Lm. Đa-minh Trần đình Nhi    


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B