Chúa Nhật VI Thường Niên B
Tôi Muốn Anh Được Sạch
Mc 1:40-45: 40 Một người phong hủi đến gặp Người, van xin Người,
và quỳ xuống, nói với Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được
sạch.” 41 Động lòng thương, Người đưa tay đụng vào anh và bảo anh: “Tôi muốn,
anh sạch đi!” 42 Lập tức, bệnh phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. 43
Nhưng sau khi nghiêm nghị căn dặn, Người cho anh đi ngay, 44 và bảo anh: “Xem
đó, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và hãy dâng của lễ
cho việc lành sạch của anh, theo những gì ông Môsê đã ra lệnh, như là chứng từ
cho họ.” 45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và phổ biến lời ấy,
đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi
hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi đến với Người.
Từ câu 1:39, Marcô
ghi nhận là Chúa Giêsu đã bắt đầu mở rộng hoạt động khắp miền Galilê. Tiếp theo
là câu chuyện chữa lành người phong hủi. Và trong câu kết (1:45), Marcô cho thấy
dân chúng ở Galilê cũng bị thu hút mạnh mẽ bởi Chúa Giêsu. Họ đến với Người từ
mọi vùng, như dân chúng ở Capharnaum đã làm (1:35-37). Câu chuyện chữa lành người
phung hủi được thuật lại riêng, không chung với các bệnh nhân khác. Hầu hết các
bệnh nhân đều được mang đến cho Chúa Giêsu để được chữa lành (1:32-34), chỉ có
bệnh nhân phung hủi nầy tự mình tìm đến với Người. Lý do là vì sợ bị ô uế, mà
chẳng ai dám đụng đến người phung hủi. Hành động và lời nói của người phung hủi
đã được làm nổi bật cách đặc biệt trong trình thuật nầy.
Hành động đầu tiên của
bệnh nhân là đến lại gần và quỳ gối trước mặt Người. Theo luật Môisen, bệnh
phong hủi là một bệnh ghê tởm. Người mắc bệnh bị xem như người ô uế, bị loại ra
khỏi hàng ngũ của dân Thiên Chúa thánh thiện, và phải xa lánh mọi người (Lv
13). Bệnh nầy bị đánh giá như là một sự hủy hoại không những thân xác, mà cả mọi
tương quan của bệnh nhân với Thiên Chúa và xã hội. Do đó, đến gần và quỳ gối
trước Chúa Giêsu là một thái độ đức tin. Ông đến với Chúa Giêsu vì đã thấy Người
đã chữa lành nhiều người (1:21-28; 32-34). Và ông cũng thấy Người có quyền năng
hơn cả các luật sĩ (x.1:22), nên ông bất kể luật Môisen mà đến với Người. Ông đến
để cầu xin chữa bệnh: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”
Lời cầu xin nầy xác nhận đức tin thúc đẩy ông đến với Chúa Giêsu (x. 1:15). Ông
tin Người có quyền năng, và Người có thể làm được nếu Người muốn. Ông phó thác vào ý
muốn của Người. Lời cầu xin cũng phản ánh hiện trạng của ông: bệnh phong hủi
làm cho ông bị ô uế, bị ruồng bỏ và chỉ có Chúa mới làm cho ông được sạch.
Đáp lại cử chỉ đức tin
của người phong hủi, Chúa Giêsu đưa tay đụng đến anh và nói lời chữa bệnh. Đưa
tay ra là dấu hiệu hành động của quyền năng Thiên Chúa (Xh 3:20; 7:5; Tv
138:7), hoặc hành động nhân danh Thiên Chúa (Xh 14:16.21.27). Đụng đến người
phung hủi theo Luật là vấy uế. Nhưng vì Chúa Giêsu ở trên Luật Môisen (x.
2:10-12), nên khi đụng đến ông, Người không bị ô uế. Ngược lại, Người làm cho
người bị kể là ô uế được lành sạch hoàn toàn. Cũng đáp lại lời tuyên xưng đức
tin của người phung hủi, Chúa Giêsu dùng lại lời của ông mà chữa ông lành:“Tôi
muốn, anh sạch đi!”.
Lý do Chúa Giêsu muốn
người phung hủi ra về trong thinh lặng là để ông có thể cảm nghiệm lâu dài và
cách cá nhân quyền năng của Thiên Chúa, biểu lộ trong Chúa Giêsu, đang thực hiện
trong ông. Quyền năng ấy đã chữa ông lành bệnh phong hủi, đã đưa ông vào lại
trong tương quan và hiệp thông với Thiên Chúa và con người (x. Lv 14:1-32).
Nhưng Chúa Giêsu không thành công. Người không thể kiềm hãm được người phong hủi.
Ông được chữa lành, và ông kinh nghiệm bản thân về lòng thương xót và quyền
năng của Thiên Chúa quá lớn lao trong ông, khiến ông chỉ có một cách là “rao giảng”
kērussō, tin mừng ấy cho mọi người biết. Sau Gioan (1:4), Chúa Giêsu (1:14.38. 39), ông là người thứ ba rao giảng những điều kỳ
diệu của Thiên Chúa (1:45), và những người khác sau ông (3:14; 5:20; 6:12;
7:36).
Chúa
Giêsu đến để hội nhập lại những người ngoài trật tự của con người và Thiên
Chúa. Người thực hiện điều ấy với quyền năng và lòng thương xót, nên danh Người
vẫn được loan truyền giữa con người.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến