ĐỨC GIÊSU THA TỘI
VÀ CHỮA LÀNH NGƯỜI BẠI LIỆT
(Máccô 2,1-12 – CN VII TN - B)
1.- Ngữ cảnh
Chương
1 Mc là một chương có những âm vang chiến thắng khải hoàn. Vào dịp Phép
Rửa, Đức Giêsu đã được Chúa Cha (và Chúa Thánh Thần) làm chứng cho. Tại hoang
địa, Người đã thắng quỷ và các thiên thần đã đến phục vụ Người. Rồi bốn môn đệ
đã bỏ mọi sự mà đi theo Người. Lời Người rao giảng để loan báo Tin Mừng về Nước
Thiên Chúa, và nhất là các phép lạ lẫy lừng Người thực hiện, đã lôi kéo các đám
đông đến với Người. Mọi sự dường như xuôi chảy tốt đẹp.
Chương
1 của TM II cho thấy loài người là nạn nhân của các bệnh tật và ma quỷ: Đức
Giêsu chữa lành các bệnh nhân và giải thoát những người bị quỷ ám. Chương 2
cũng nói đến những người bệnh được Đức Giêsu chữa lành (2,3-12; 3,1-5), nhưng
bàn đặc biệt đến các trở ngại lớn cho tương quan của loài người với Thiên Chúa
và với nhau; những trở ngại này, Đức Giêsu sẽ loại trừ bằng cách ban cho loài
người một sự hiệp thông mới.
Sự
việc Đức Giêsu chữa lành người bại liệt Caphácnaum đánh dấu một khúc quanh: kể
từ nay, không phải Đức Giêsu chỉ có những người ái mộ mà thôi. Cuộc chiến đấu
đã manh nha; lúc đầu thì manh nha ở bình diện những tranh luận (2,1–3,6: năm
cuộc tranh luận).
Sự cố tha tội và chữa lành người bại liệt được đặt vào đầu
chuỗi năm cuộc tranh luận. Ba truyện ở giữa (bữa ăn với những người tội lỗi:
2,15; tranh luận về ăn chay: 2,18; bứt các bông lúa: 2,23) là một đơn vị có từ
trước được xây dựng theo cùng một lược đồ (x. ba câu thắc mắc ở 2,16.18.24),
nhắm đến những vấn đề lương thực và lối xử sự xã hội của Đức Giêsu hoặc của các
môn đệ. Hai truyện chữa người bại liệt (2,1-12) và người bại tay (3,1-6) rất có
thể cũng đã có trước Mc, được thêm vào đầu và cuối chuỗi này, và được
triển khai dưới dạng tranh luận.
Tuy nhiên, Mc đã ghi dấu ấn cá nhân vào chuỗi này.
Hầu chắc chính ngài đã tháp truyện về ơn gọi của Lêvi vào đây để minh họa tư
cách của Đức Giêsu là Đấng đến để gọi những người tội lỗi: Ngài đã nghĩ tới
cộng đoàn của ngài là cộng đoàn gốc Dân ngoại. Có thể nhận ra ở đây có một cấu
trúc đồng tâm (đóng khung) (Mourlon Bearnaert):
a. Chữa người bại liệt (2,1-9),
b.
khẳng định về quyền của Con Người (2,10-12),
c.
hoạt động của Đức Giêsu (2,13-17),
d. những logia của Đức Giêsu về chàng rể bị
đem đi (2,18-22),
c’.
những hoạt động của các môn đệ và những phản ứng của Đức Giêsu (2,23-26),
b’.
khẳng định về quyền làm chủ của Con Người (2,27-28),
a’.
chữa lành người bại tay (3,1-6).
Chuỗi
này có một tầm quan trọng đặc biệt trong Mc bởi vì nó chiếm trọn thời gian đầu trong sứ vụ công khai của Đức
Giêsu. Chẳng mấy chốc tương quan giữa Đức Giêsu và giới lãnh đạo Do Thái giáo
đã đến chỗ đoạn tuyệt (3,6). Ngay trước cuộc Khổ nạn, sứ vụ của Đức Giêsu cũng
sẽ chấm dứt bằng một loạt năm xung đột khác (11,27–12,37). Toàn thể sứ vụ của
Đức Giêsu như thế được đóng khung trong những cảnh đối đầu. Đấy đúng là một
phân đoạn mang tính “chiến đấu”. Không
có nơi nào khác, ngoại trừ trong các bài tường thuật về Khổ nạn, các đối thủ
lại tỏ ra năng động như thế, họ nối tiếp nhau mà rình rập Đức Giêsu thường
xuyên (kinh sư: 2,6; kinh sư thuộc nhóm Pharisêu: 2,16; Pharisêu: 2,23; nhóm
Pharisêu và phe Hêrôđê: 3,6).
Nhân
vật trung tâm là Đức Giêsu với những lời nói đanh thép, vén mở cho thấy bản
thân và sứ mạng của Người. Có hai nhóm ít rõ nét hơn, là đám đông và các môn
đệ, làm thành cử toạ chứng kiến các cuộc xung đột này.
2.- Bố cục
Bản
văn có thể chia thành ba phần:
1) Mở (2,1-2);
2) Tường thuật phép lạ (2,3-5a.11-12);
3)
Tranh luận (dường như được thêm vào sau) (2,5b-10).
3.- Vài điểm chú giải
- Vài ngày sau (1):
Chi tiết này không cho ta biết được gì rõ ràng cả.
- ở nhà (en
oikơ|): Từ Hy Lạp oikos (và oikia) là “nhà”. Vì ở đây, từ oikô
không có mạo từ đi trước, không kèm theo tính từ nào cả, người ta cho rằng đó
là “ngôi nhà” đã nói trước, nghĩa là nhà của Simôn và Anrê (1,29) mà Đức Giêsu
coi như “nhà mình”. Nhưng vì rất có thể 2,1-2 chỉ là một bản tóm tắt, nên ngôi
nhà cũng chỉ có một ý nghĩa biểu tượng. Ở đây chính là nơi Đức Giêsu giảng dạy
và tha tội; ở xa hơn, “nhà” sẽ là nơi quy tụ những người “thi hành ý muốn của
Thiên Chúa” và làm thành gia đình thiêng liêng của Đức Giêsu (Mc 3,20.31-35). So sánh với các TMNL
khác, ta thấy Mc có 6 lần dùng từ oikos hoặc oikia theo
nghĩa đặc biệt: 2,1 (en oikô); 3,20; 7,17; 9,28 (eis oikon); 9,33
(en tê oikia) và 10,10 (eis tên oikian). Các cụm từ này là những
công thức-kiểu mẫu để nói là “ở bên trong”, được dùng để đối lập không gian
riêng tư với không gian công cộng. Trong tất cả những trường hợp có sự hiện diện của đám đông, “[ngôi] nhà” diễn tả
một không gian tách riêng.
- người ta tụ tập
lại, đông đến nỗi (2): Tiếng tăm và sự thu hút của Đức Giêsu đã
đạt tới một đỉnh cao. Người ta kéo đến để chờ đợi những điều thiện hảo trần
thế.
- Người giảng lời cho
họ (2): Cách dùng đúng từ ngữ
“Lời” (logos) không kèm theo túc từ, để chỉ “Tin Mừng”, là cách
không thông thường. Trong các sách Tin
Mừng, đây là cách riêng của Mc (x. 4,14-20; 4,33). Thật ra, đây là
công thức thuộc về ngôn ngữ truyền giáo của Kitô giáo sơ khai (x. Cv 4,19.31; 8,25; 11,29 …). Với Lc,
có thể nói Lời được nhân-cách-hoá: Lời có những người giúp việc (Cv 6,4; 20,24); Lời bảo đảm bằng uy lực
của mình như một nhân vật (Cv 6,7;
19,20; x. Lc 1,80; 2,40), hoặc như
hạt giống (Lc 8,11; x. Mc 4,14-20).
Thánh
Phaolô cũng dùng từ Lời theo một nghĩa tuyệt đối (1 Tx 1,6; 2 Tm 4,2), nhưng thông thường hơn, ngài thêm một bổ ngữ vào: Lời
“Thiên Chúa” (1 Tx 2,13; x. 2 Cr 2,17; Rm 9,6; Ep 6,17…), Lời
“của Đức Kitô” (Rm 10,17; Cl 3,16), Lời “sự thật” (1 Cr 6,7; Ep 1,13; Cl 1,5), Lời
“hoà giải” (2 Cr 5,19), Lời “[ban] sự
sống” (Pl 2,16).
- chõng: Từ Hy Lạp krabattos
là cái giường của bệnh nhân nghèo (chỉ có trong Mc, Ga và Cv),
đối lại với klinê, “giường ngủ”, “giường tiệc”.
- … bốn người khiêng … dỡ
mái…, rồi thả người bại liệt (cc. 3-4): Mc miêu tả sống động như
thế, nhưng Mt chỉ giữ lại có một chi tiết: “thấy họ có lòng tin như vậy”
(Mt 9,2). Ta có thể tự hỏi “họ” là
ai, thì Mc có đó để trả lời: “họ” là “bốn người” khiêng (c. 3) và hẳn là
người bại liệt nữa. Còn Lc thì thích nghi với kiểu kiến trúc Hy Lạp nên
đã thay sân thượng bằng đất nhồi rơm bằng “mái ngói” (Lc 5,19). Những chi tiết của bản văn Mc, vì không có giá trị
giáo lý, hẳn là thuộc một sự việc đã thật sự xảy ra.
- Thấy họ có lòng tin (5):
Đức tin là điều kiện để có phép lạ: đây là tư tưởng được Mc ưa chuộng.
Người thích trở lại đó: khi kết thúc sứ vụ tại Nadarét, Người sẽ không ngần
ngại nói rằng Đức Giêsu “đã không thể làm phép lạ nào tại đó… vì họ không tin”
(Mc 6,5-6). Bởi vì khẳng định này quá
mạnh, Mt đã sửa lại một chút (x. Mt
13,58: “không làm được nhiều phép lạ…”). Cũng chỉ Mc ghi giữ lại cuộc
đối thoại của Đức Giêsu với cha của cậu bé bị động kinh: đây là cuộc đối thoại
phong phú về những giáo huấn nói tới tương quan giữa đức tin và phép lạ (x.
9,21-24). Thật ra không phải chỉ có tác giả TM II mới nói đến vai trò
của đức tin trong việc đón nhận các phép lạ (x. Mt 8,13; 9,22.28-29; 15,28) hoặc trong việc tha tội (x. Lc 7,48-50; Cv 10,43; 13,38), nhưng Người đã nhấn mạnh về đức tin hơn các tác
giả khác trong một số trường hợp.
- ai nấy đều sửng sốt
và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau … (12): Đây là câu kết đúng
với lược đồ cổ điển của các bài tường thuật về phép lạ. Tuy nhiên, sự
ngạc nhiên sửng sốt này chỉ là bước đầu tiên đưa tới đức tin. Có hai lần Mc
ghi nhận như thế: khi Đức Giêsu đi trên mặt nước (6,52); khi Người nói đến từ
bỏ và loan báo Thương Khó (10,32t). Cần phải thực hiện một hành trình nội tâm
lâu dài và nhất là dưới ánh sáng của Thiên Chúa, để chuyển đi được từ sự sửng
sốt sang niềm tin (x. Mc 8,27-29;
9,22-24). Lc còn nêu rõ hơn nữa khoảng cách giữa sự ngạc nhiên đơn thuần
và đức tin (so sánh Lc 2,19 với 2,18;
Cv 2,7.12 với 2,37).
- Này con, con đã
được tha tội rồi (5b): Câu này vừa nêu bật ân huệ chan chứa tình
thương vừa khẳng định việc tha tội, qua đó chứng tỏ quyền lực siêu phàm của Đức
Giêsu (x. cc. 7.8-12).
Trong
tình trạng hiện nay của bản văn Mc, câu nói này của Đức Giêsu là một câu
nói bí nhiệm, một mashâl.
Tội là một xúc phạm
đến Thiên Chúa (x. 2 Sm 12,13). Là
Đấng bị xúc phạm, chỉ Thiên Chúa mới có thể tha tội (x. Is 43,25). Người Do Thái không như chúng ta lo lắng về những phương
diện tâm lý và xã hội của tội. Đối với họ, đây là một thực tại chủ yếu “hướng
thần”.
Về
phương diện ngữ pháp, câu nói của Đức Giêsu là một thái bị đọng để ám chỉ Thiên
Chúa là chủ từ (x. Mt 6,9-10; Lc 12,20). Như vậy, hẳn là các kinh sư,
chuyên viên Kinh Thánh, đã có thể hiểu câu nói của Đức Giêsu theo nghĩa: “Thiên
Chúa đã tha tội cho con rồi”, tuy có qua trung gian là Đức Giêsu. Nhưng lại
cũng rõ ràng là Đức Giêsu muốn đi xa hơn, bởi vì ngay sau đó, Người minh nhiên
khẳng định rằng Người (“Con Người”) có quyền (exousia) tha tội (c. 9).
- Ông ta nói phạm thượng!(7):
Dưới mắt các kinh sư, không thể chấp nhận được rằng một con người lại cho là
mình có quyền tha tội. Như thế là tự cho rằng mình có quyền của Thiên Chúa, và
như thế là phạm thượng (x. Lc 7,49).
Có
nhiều sấm ngôn hứa ban ơn tha tội vào thời cánh chung (x. Hs 14,5; Mk 7,18-19; Gr 31,34; Ed 16,63; 36,25t; Is
43,25; …). Tuy nhiên, không có một sấm ngôn nào gán cho Đấng Mêsia quyền này
cả. Quả thật, các Bài Ca về Người Tôi Tớ của Đức Chúa có cho thấy một tương
quan giữa Người Tôi Tớ và tội của loài người: Người sẽ gánh lấy hình phạt do
các tội ấy; Người sẽ đền tạ các tội này bằng cái chết của mình (Is 53). Nhưng các Bài ca ấy không nói
rằng Người có quyền tha tội.
Thật
ra, Đức Giêsu không dựa trên sấm ngôn này mà là một sấm ngôn khác: sấm ngôn Đanien nói về Con Người (Đn 7,13t). Bởi vì theo Mc, chính
là trong cuộc tranh luận tại Caphácnaum (2,10), mà lần đầu tiên Đức Giêsu tự
gọi mình bằng danh hiệu “Con Người”. Đây là sấm ngôn Đanien:
“Có ai như một Con Người đang
ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa
tới trình diện. Đấng Lão Thành trao cho Người quyền (exousia)
thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và
ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh
cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (7,13-14).
Từ
ngữ quyền được dùng 3 lần trong hai câu này: đây là từ chìa khoá. Quyền
mà Con Người nhận là quyền thẩm phán cánh chung (Đn 7,10).
Đức Giêsu trích sấm ngôn Đanien khi loan báo rằng Người sẽ trở lại vào lúc tận thế trong tư
cách là thẩm phán (diễn từ về Đền Thờ bị phá: Mc 13,26 //; trước Thượng Hội Đồng: Mc 14,62). Cũng như các kinh sư ở Caphácnaum, các thành viên Thượng
Hội Đồng sẽ cho rằng lời khẳng định của Đức Giêsu là phạm thượng và kết án
Người phải chết: cuộc chiến đấu đã khởi sự tại Caphácnaum sẽ kết thúc tại
Thượng Hội Đồng.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Mở (1-2)
Mở
đầu chương 2, Mc lại cho thấy Đức Giêsu với hoạt động riêng và trong bối
cảnh sinh hoạt của Người: “Người giảng lời cho họ”, còn “dân chúng tụ họp lại,
đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết” (c. 2). Đức Giêsu rao giảng
Tin Mừng cho dân chúng, còn dân chúng thì say mê lắng nghe lời Người giảng day.
* Tường thuật phép lạ
(3-5a.11-12)
Một
người đau khổ được giới thiệu với Đức Giêsu; người ta chờ đợi Đức Giêsu chữa
anh ta lành. Ở đây có nhiều chi tiết lạ lùng. Làm thế nào hình dung ra được
cảnh một nhóm trèo lên xé rách mái một ngôi nhà trong khi có một nhóm khác đang
quy tụ trong nhà? Chúng ta thử nghĩ đến tiếng ồn và bụi bặm mà xem! Làm thế nào
họ có thể mở một lỗ hổng đúng ngay nơi có Đức Giêsu? Chẳng lẽ họ không chờ được
sao? Tại sao lại đi phá hỏng mái nhà? Tại sao lại kể với chúng ta là có bốn
người khiêng? Làm thế nào Mc (không
có ở đó) biết những gì các kinh sư đang thầm nghĩ? Đã có khi Đức Giêsu từ chối
coi bệnh tật là một hình phạt dành cho tội (x. Ga 9,2-3), thế mà ở đây Người lại tha tội cho người chỉ đến để xin
chữa lành, trước khi làm phép lạ (c. 5a.b). Cả những người khiêng lẫn người bại
liệt đều không nói gì cả, đấy không phải là điều lạ lùng sao?
Từ
tất cả những điểm nhận xét này, rõ ràng chúng ta không được hiểu theo mặt chữ những
gì đọc được ở đây. Đức Giêsu đã thật sự chữa lành một người bại liệt, nhưng có nhiều
yếu tố đã được thêm vào bản văn để giáo huấn. Chúng ta không bận tâm về chuỗi
các sự cố, nhưng chỉ tập trung chú ý vào những gì Mc muốn nói với chúng ta, bằng ngôn ngữ biểu tượng. Chúng ta biết
rằng Luật Do Thái buộc loại trừ những kẻ tàn tật khỏi cộng đồng con cái
Tại
sao người bại liệt không thể đến với Đức Giêsu? Bởi vì các thủ lãnh tôn giáo đã
quy định rằng những kẻ tội lỗi không được đến gần những người công chính. Trở
ngại chỉ có thể vượt qua bằng cách phá ngôi nhà trong đó các kinh sư đang có
mặt. Ngoài ra cũng chính các kinh sư dạy rằng một người không thể được chữa
lành nếu trước đó tội lỗi của người ấy chưa được tha.
Bài
tường thuật đã xác định rằng Đức Giêsu đã hành động “khi thấy họ có lòng tin
như vậy”, nghĩa là không những người bại liệt mà cả những người khiêng. Lòng
tin của những người khiêng có thể xin được Đức Giêsu chữa lành về thể lý, như
trường hợp lòng tin của một người cha (x. 9,17-27); nhưng đức tin của người bại
liệt là điều kiện để anh được tha tội. Vì thế, tuy bản văn không nói ra minh
nhiên, ta hiểu là có ám chỉ đức tin của người bệnh nữa.
* Tranh luận (5b-10)
Có
những tác giả cho rằng đoạn văn kể lại cuộc tranh luận này do Giáo Hội soạn ra
sau này, để nêu bật ý nghĩa sâu xa của phép lạ. Có những người lại nghĩ rằng
Đức Giêsu đã thật sự nói những lời ấy trước khi làm phép lạ, nên đã để phép lạ tùy
thuộc cuộc tranh luận. Nhưng trong cả hai giả thuyết, “mũi nhọn” của bài vẫn y
nguyên: Đức Giêsu có quyền tha tội. Đây là điều mà các kinh sư không thể chấp nhận được: “Ông ấy nói phạm
thượng! Ai có thể tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?”. Đàng khác, người bại
liệt lại không làm một việc gì để xứng đáng với ơn tha tội. Đức Giêsu đã công
bố rằng Thiên Chúa lấy sáng kiến và ban ơn tha tội cho con người mà không đòi
hỏi điều kiện. Chính phép lạ đã xảy ra để chứng thực những lời Đức Giêsu nói.
+ Kết luận
Trong khung cảnh của TM
II, sự việc Đức Giêsu chữa lành người bại liệt này là một khúc quanh. Con
đường Đức Giêsu đi đã bắt đầu hướng về cuộc Thương Khó. Lc cũng muốn cho
thấy định hướng này ngay vào đầu sứ vụ của Đức Giêsu (Nadarét: Lc 4,28-30). Còn với tác giả Mt,
chính nơi cuộc thăm viếng của các đạo sĩ, nơi cuộc tàn sát các hài nhiều Bêlem,
mà ngài đã thấy phác ra các biến cố Núi Sọ. Trong Mc, đáp lại năm cuộc
tranh luận ở đầu sứ vụ, là năm cuộc tranh luận ở cuối sứ vụ (2,1–3,6;
11,27–12,37): thể văn “đóng khung”.
Điều đã làm cho các kinh sư và người Pharisêu hết sức khó
chịu, các Kitô hữu lại coi là yếu tố cốt yếu giúp tin vào Đức Giêsu. Họ đã thấy
nơi việc tha tội công trình tuyệt hảo của Đấng Mêsia (x. Cl 1,14).
5.- Gợi ý suy niệm
1. Do lối hành động tội lỗi,
chúng ta từ khước vâng phục Thiên Chúa và thay vì quay về với Ngài, chúng ta quay
về với những khuynh hướng và dự phóng của chúng ta. Do đó, chúng ta phá hỏng
tình hiệp thông với Ngài. Cuối cùng, chúng ta tách khỏi Ngài và không còn có
thể giao hòa với Ngài bằng sức riêng chúng ta được. Bị tách ra khỏi Thiên Chúa
là điều hụt hẫng to lớn nhất của loài người chúng ta. Nhưng đến đây, Đức Giêsu can
thiệp. Lời uy quyền của Người giải thoát con người khỏi những hậu quả tai hại
do dùng tự do cách sai lạc và ban cho con người một đời sống mới nhờ
hiệp thông với Thiên Chúa. Đức Giêsu tha tội không phải theo kiểu là Người “che
phủ” các lỗi lầm lại, y như thể Người “không thấy” các điều xấu xa. Người “tha
thứ” bằng cách biến đổi trái tim con người, chữa con người khỏi tật nguyền luân
lý và làm cho con người nên tốt. Điều mà bài Tin Mừng hôm nay muốn nhấn mạnh,
đó là: hoán cải không phải là công việc của con người, mà là một ân huệ của
Thiên Chúa.
2. Trong cuộc sống, chắc
chắn chúng ta đã gặp những người “bại liệt” (do bệnh tật, do tật xấu, do hoàn
cảnh xã hội, do thành kiến …). Chúng ta có nghĩ rằng chúng
ta cũng đang được Chúa Kitô mời gọi trở thành “tay”, “chân” để giúp những anh
chị em đang bị bế tắc đó có thể đến được ngôi nhà, nơi Đức Giêsu đang hiện diện,
để nhận được ơn giải thoát? Chúng ta có ý thức rằng cộng đoàn chúng ta đã được
Đức Kitô giao phó nhiệm vụ và quyền lực công bố ơn cứu độ cho tất cả những
người bệnh tật?
3. Chúng ta có biết vui
sướng khi khám phá và hoan nghênh chân lý, bất kể nó từ đâu đến chăng, như
thánh Phaolô đã viết: “Đức mến vui khi thấy điều chân thật” (1 Cr 13,6)? Thật ra, để khám phá ra chân
lý tại bất cứ nơi đâu, nơi bất cứ con người nào, cần phải có hảo ý trước. Các
kinh sư trong bài Tin Mừng không có hảo ý trước. Trong cuộc sống, có những
người chỉ có thể tái xây dựng đời sống của họ, nếu họ có một người bạn chân
thật sẵn sàng dẫn họ đến với Đức Kitô.
Lm PX Vũ
Phan Long, ofm