Chúa Nhật VII Quanh Năm
Chúa Giêsu Có Quyền
Tha Tội
Mc 2:1-12: 1 Khi trở
lại thành Capharnaum vài hôm sau, người ta báo tin Người đang ở nhà. 2 Và đông
dân chúng tụ tập lại, đến nỗi không còn chỗ trong nhà, cả trước cửa nhà, và
Người nói lời cho họ. 3 Và người ta mang đến cho Người một người bại liệt, được
bốn người khiêng. 4 Và họ không thể khiêng đến gần Người, vì dân chúng, họ dỡ
mái nhà, nơi Người ngồi, mở một lỗ, họ thòng xuống chiếc chõng mà người bại
liệt nằm trên đó. 5 Thấy lòng tin của họ, Đức Giêsu nói với người bại liệt:
“Này con, tội con đã được tha rồi.” 6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ lý
luận trong tâm họ: 7 “Sao ông này lại nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai
có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” 8 Tâm trí Đức Giêsu thấu biết
ngay họ đang lý luận như thế, Người mới nói với họ: “Sao ông lại lý luận như
thế trong tâm các ông? 9 Điều nào dễ hơn, nói với người bại liệt là “tội anh đã
được tha,” hay nói: “Đứng dậy, vác lấy chõng của anh mà đi”? 10 Nhưng để các
ông biết là Con Người có quyền tha tội trên mặt đất nầy, - Người nói với người
bại liệt,- 11 Tôi nói với anh, hãy đứng dậy, vác lấy chõng của anh và đi về nhà
anh!” 12 Và người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác lấy chõng đi ra trước mặt
mọi người, mọi người đều kinh ngạc và tôn vinh Thiên Chúa, nói là “Chúng tôi
chưa thấy vậy bao giờ!”
Đoạn 2:1-12 là một
trong năm tranh luận về quyền bính của Chúa Giêsu trong tương quan với luật
Môisen (2:1-3:6): tha tội (2:1-12), kêu gọi người tội lỗi (2:13-17), ăn chay
(2:18-22), sabbát (2:23-28), chữa bệnh trong ngày sabbát (3:1-6).
Chúa Giêsu trở lại Capharnaum trong âm
thầm. Dân chúng biết và đông đảo đến với Người như trước đây (x.
1:32-34.40.45). Người tiếp tục giảng dạy họ và chữa bệnh cho một người bại
liệt. Câu chuyện chuyển từ việc chữa bệnh đến việc xác nhận quyền tha tội của
Chúa Giêsu (2:5-10).
Thay thế cho lời cầu xin chữa bệnh (x.
1:40), hành động của những người khiêng người bại liệt đến cùng Chúa Giêsu biểu
lộ cách hiển nhiên đức tin của họ vào Người. Chúa Giêsu nhận ra lòng tin của họ
và đã chữa lành người bại liệt (2:3-5.11-12). Tuy nhiên, lời chữa lành bệnh là
một lời tha tội (2:5), vì trước mặt Người, người bại liệt là một tội nhân.
Người nói với anh như người cha nói với con: “Này con, tội con đã được tha” (x.
10:24; Lc 15:31).
Nhưng đối với các kinh sư, chỉ một mình
Thiên Chúa mới có quyền tha tội (2:7). Thắc mắc của họ dẫn đến xác nhận của
Chúa Giêsu là Người có quyền tha tội trên mặt đất nầy (2:10). Hai cách nói Chúa
Giêsu đặt ra là để nói cho người bại liệt (2:9). Chúng không khác biệt nhau.
Tuy nhiên, cách nói “Hãy vác lấy chõng mà đi” thì dễ hiểu hơn, vì không ai thấy
tội anh ấy được tha, mà chỉ thấy hiệu quả của việc tha tội là anh có thể đứng
dậy và vác lấy chõng mà đi. Nên Người đã dùng cách nầy (2:11).
Như thế, khi nói với người bại liệt vác lấy
chõng mà đi, Chúa Giêsu đã tha tội cho anh. Người đã hành động như Thiên Chúa,
vì Người đồng hóa mình với Con Người, uios tou anthrōpou, có quyền tha
tội. Con Người nầy sẽ chia sẻ vinh quang của Thiên Chúa toàn năng trong nước
của Người (14:62). Điều nầy xác nhận thêm căn tính và tương quan của Người với
Thiên Chúa (x. 1:1.11. 24). Lần đầu tiên, quyền tha tội được đặt bên cạnh quyền
năng trong giảng dạy của Người (1:22.27). Người sẽ trao quyền giảng dạy và tha
tội nầy cho các môn đệ của Người (Mc 6:30; Mt 28:18; 16:19;18:19; Gio 20:23).
Tâm điểm sứ mạng của Chúa Giêsu là tái
tạo tương quan của con người với Thiên Chúa. Quyền năng chữa bệnh của Chúa
Giêsu chỉ được hiểu trọn vẹn khi nhận ra và tin Người là Đấng được Thiên Chúa
sai đến, để tha tội và giải hòa con người với Thiên Chúa. Điều nầy đã được làm
sáng tỏ cách căn bản và dứt khoát trong bản thân người bị bại liệt.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng
Quang Tiến