NHÂN DANH CHA VÀ CON

VÀ THÁNH THẦN

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

LỄ CHÚA BA NGÔI

Mt 28, 16-20

 

Bài ca nhập lễ viết :” Chúc tụng Thiên Chúa, là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, vì Người hằng thương xót chúng ta “. Người công giáo khi vì dấu Thánh Giá, họ tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi. Dấu Thánh Giá là biểu hiệu con người thuộc về Thiên Chúa. Bởi vì, qua dấu Thánh Giá người môn đệ Chúa công khai xưng mình thuộc về Đức Kitô.

 

Để biết được Thiên Chúa, chúng ta phải ở trong cung lòng của Ngài. Đức Kitô vén mở mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cho nhân loại. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất có ba Ngôi Vị : Cha, Con và Thánh Thần. Ba ngôi khác nhau nhưng chỉ là một Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã có lần nói với môn đệ của Ngài :” Ai biết Ta là biết Cha “. Hoặc “ Ta và Cha là một “ ( Ga 14, 10 ). “ Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta “ ( Ga 16, 15 ). “ Mọi sự của Cha có đều là của Ta “ ( Ga 16, 15 ). Ba Ngôi đều khăng khít gắn bó, hiệp nhất và duy nhất trong Thiên Chúa. Do đó, Ba Ngôi Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa và Thiên Chúa đưa con người hiệp thông với chính Ngài.

 

Chúng ta khi làm dấu Thánh Giá là diễn tả chúng ta tôn vinh và kính mến thờ lạy Thánh Giá Chúa Giêsu. Ông Tertulien đã viết một câu thật chí lý, để mãi cho đời : “ Dù khi thức dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi làm một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu bằng dấu Thánh Giá “. Đầu mỗi thánh lễ, vị Chủ Tế thường chào cộng đoàn như sau : “ Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em “.

 

Kinh tiền tụng ngày Lễ Chúa Ba Ngôi viết : “ Cùng với Con Một Cha và Chúa Thánh Thần, Cha là Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Tể duy nhất, không phải trong một ngôi đơn độc nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể. Nhờ mặc khải Cha ban, chúng con tin Cha là Đấng vinh hiển và chúng con cũng tin như thế về Con Cha và Chúa Thánh Thần. Và khi tuyên xưng Cha là Thiên Chúa chân thật và hằng hữu, chúng con tôn thờ Ba Ngôi, tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau “.

 

Người Kitô hữu sống mầu nhiệm Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là sống trong tình yêu vì : “ Ai ở trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy “ ( 1 Ga 4, 16 ).

 

Chúng ta sống mầu nhiệm Ba Ngôi bằng lời cầu nguyện với tâm tình con thảo : “ Lạy Cha, xin cho nước Cha trị đến ! “. Chúng ta sống mầu nhiệm Ba Ngôi bằng kinh nghiệm tình yêu :’ Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương em “. Chúng ta mầu nhiệm Ba Ngôi bằng lòng can đảm, hiên ngang theo sự linh ứng của Chúa Thánh Thần.

 

Hằng ngày, chúng ta làm dấu Thánh Giá khi đi ngủ, khi thức dậy, khi đi lễ, khi đọc kinh, khi ăn vv...Đây là biểu lộ dấu ấn tình yêu chúng ta tuyên xưng nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Điều ghi ấn tượng mạnh mẽ là khi Linh mục nâng cao Mình và Máu Chúa, Ngài đọc “ Chính nhờ Ngài, hiệp Ngài mà mọi vinh dự và vinh quang đều thuộc về Chúa trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần “.

 

Người Kitô hữu được dìm vào nước nhân danh Chúa Ba Ngôi, nhưng Chúa kêu mời mọi Kitô hữu làm phép rửa cho muôn dân. Đây là sứ mạng cao cả chúng ta phải thực hiện trong suốt cả đời sống ở trần thế này.

 

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã sai Con Một là Lời chân lý và sai Thánh Thần, Đấng thánh hóa muôn loài đến trần gian để mặc khải cho chúng con biết mầu nhiệm cao vời của Chúa. Xin cho chúng con hằng tuyên xưng đức tin chân thật là nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển ( Lời nguyện nhập lễ, lễ Chúa Ba Ngôi ).

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Tại sao lại gọi là lễ Chúa Ba Ngôi ?

2.Ai tỏ cho chúng ta biết Chúa Ba Ngôi ?

3.Dấu Thánh Giá biểu lộ gì ?

4.Khi nào chúng ta làm dấu Thánh Giá ?


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B