SỨ mẠng phỔ
quát
(Mátthêu 28,16-20 – Chúa Ba Ngôi - B)
1.- Ngữ cảnh
Ở đây, chúng ta chỉ đề
cập đến ngữ cảnh trực tiếp, đó là mộ trống với hai sứ điệp, một tích cực, một
tiêu cực:
Sứ điệp tích cực được gửi đến trong hai thì:
- bởi sứ thần khi ngài
giao phó cho các phụ nữ hai sứ mạng là làm chứng về sự Phục Sinh của Đức Giêsu
và loan báo cho các môn đệ lệnh triệu tập của Đức Giêsu (28,1-8). Đây là kinh
nghiệm tiêu cực về sự Phục Sinh.
- bởi chính Đức Giêsu
Phục Sinh (28,9-10): Người cho các phụ nữ sống một kinh nghiệm thực hữu về sự
Phục Sinh của Người và giao cho họ cùng một sứ mạng, là triệu tập các môn đệ về
Galilê.
Đoạn văn Mt
28,16-20 cho hiểu rằng các phụ nữ đã chu toàn hai sứ mạng được giao: khi quy tụ
về quả núi đã được chỉ định tại Galilê, các môn đệ chứng tỏ các ông đã tin vào
chứng tá của các phụ nữ liên hệ đến cuộc Phục Sinh để cũng có thể tin vào lệnh
triệu tập được các bà chuyển cho.
Sứ điệp tiêu cực là truyện sai lạc về Đức Giêsu, được toán lính
tung ra theo trò bịp bợm của các thủ lãnh Do-thái.
Đoạn văn này nêu bật sự
tương phản (c. 16: de) giữa các thủ lãnh Do-thái và toán lính một bên,
và bên kia, là Đức Giêsu và các môn đệ Người, giữa sứ điệp do người Do-thái
tung ra và thực tế; vậy đoạn văn này chính là một lời phi bác tin đồn thất
thiệt đã được phổ biến. Đối với người Do-thái, Đức Giêsu là một xác chết, còn
các môn đệ Người là những tên trộm cắp và dối trá; trong thực tế,
Đức Giêsu đã chiến thắng cái chết, đã sống lại, được ban cho toàn quyền của Thiên Chúa và đảm bảo bằng sự hiện diện đầy uy lực
của Người; các môn đệ Người không tìm cách đánh cắp thi hài, nhưng đã đi
về Galilê, đi xa ngôi mộ, để gặp Đức Giêsu Phục Sinh. Tin Mừng sẽ đi đến với
“mọi dân tộc”, chứ không như tin đồn thất thiệt kia, chỉ được loan truyền “giữa
người Do-thái” mà thôi. Giáo huấn phổ quát (didaskontes) mà các môn đệ
của Đức Giêsu, vị Tôn Sư tuyệt đối (didaskalos, 23,8), sẽ cống hiến cho
mọi dân tộc sẽ hoàn toàn vượt xa những gì toán lính phổ biến, vì họ đã làm theo
lời “các thượng tế dạy” (edidachthêsan, 28,15). Các môn đệ sẽ được che
chở và nâng đỡ “cho đến tận thế”, không phải bởi một quyền bính nhân loại như
quyền bính của các thượng tế, nhưng bởi uy quyền của Đấng Phục Sinh, Chúa tể vũ
hoàn.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia
thành hai phần:
1) Cuộc diện kiến của
Nhóm Mười Một với Đức Giêsu (28,16-17);
2) Các lời nói của Đức
Giêsu (28,18-20):
a) Mạc khải về quyền
năng (18),
b) Lệnh truyền giáo (19-20a),
c) Hứa hiện diện hỗ trợ (20b).
3.-
Vài điểm chú giải
-
Về phần mười một môn đệ (16): Ở đầu c. 16 này, có tiêu
từ de (“và”, “rồi”; “nhưng”; “về phần”) hẳn là để nêu lên sự tương phản
giữa báo cáo sai lạc của toán lính với sự thật về cuộc hiện ra của Đức Giêsu
với mười một môn đệ.
-
Mười một môn đệ (16): Trong Mt, Đức Giêsu có
một nhóm các “môn đệ” (mathêtês: Mt 73 lần, Mc 46 lần, Lc
37 lần, Ga 78 lần. Có 65 trong Mt ở số phức) luôn luôn được xác
định bằng quán từ (article) hoi (x. 5,1; 8,21; 9,10; 12,1; 13,10; 14,15;
15,2; 16,5; 28,7). Điều này khẳng định rằng họ được biết rõ trong tư cách đó và
họ không phải là nhóm “bảy mươi hai” của Lc (vả lại, Lc không gán
cho nhóm “bảy mươi hai” cái tên “môn đệ”, mà là “bảy mươi hai người khác”, x. Lc
10,1). Các ông là những người sống hiệp thông với Thầy mình (“einai meta”
[“ở với”]), tháp tùng Thầy trong sứ vụ của Người (9,19), cùng làm việc với
Người để phục vụ các đám đông (9,36-37), được nêu ra làm gương cho các đám đông
và được giới thiệu như là gia đình đích thực của Đức Giêsu (12,46-50). Mt
xác định rằng các ông là “mười hai môn đệ” ( 10,1; 11,1; hay là “Nhóm Mười
Hai”: 20,17; 26,20; ở c. 10,2, các ông cũng được gọi là “mười hai tông đồ” cùng
với tên của các ông).
Con
số “mười một” nhắc đến sự vắng mặt thê thảm của Giuđa, “một trong Nhóm Mười
Hai” (26,14.47; x. 10,2.4): sự hư hỏng đã xảy ra ngay trong nhóm, tức là đây
không phải là một nhóm toàn vẹn; với lại, tất cả các ông khác đều đã té ngã (x.
hoi mathêtai: 26,56b; Phêrô: 26,69-75). Nhưng sứ điệp mà Đức Giêsu ban
cho các ông nhờ trung gian các phụ nữ đã là một dấu cho thấy Người tha thứ và
hòa giải; Người gọi các ông là “anh em của Thầy” (28,10). Bây giờ, cuộc hành
trình của các ông tiến về với Đức Giêsu và sự hiện diện của các ông tại nơi
Người đã chỉ định là một dấu chứng tỏ các ông đón nhận sự tha thứ và hòa giải.
-
ngọn núi (16): To oros (danh từ với quán từ)
khẳng định rằng chính là trên một quả núi mà Đức Giêsu và các môn đệ đã biết,
nhưng không cung cấp một xác định nào khác.
- Bái lạy
(17): Mt chỉ dùng động từ proskyneô (Mt 13 lần; Mc
2 lần; Lc 2 lần) cho những ai đã nhìn nhận phẩm giá của Đức Giêsu và
diễn tả sự nhìn nhận đó ra bằng hành vi này (x. các hiền sĩ: 2,2.8.11; người
phong cùi: 8,2; ông trưởng hội đường: 9,18;
các môn đệ trên thuyền: 14,33; bà Canaan: 15,25; mẹ các con ông Dêbêđê:
20,20; các phụ nữ tại mồ: 28,9).
- Nhưng có mấy ông lại hoài nghi (17): Trong Tân Ước, động từ distazein chỉ xuất hiện ở 14,31
(Phêrô đi trên mặt nước) và ở đây. Động từ này nhắc đến những gì Tin Mừng
đã nói biết bao lần về phẩm chất của đức tin của các môn đệ: ở 6,30; 8,26-27;
14,31; 16,8; 17,20 (x. câu 17). Mt là tác giả duy nhất ghi nhận “đức tin
lớn (megalê hê pistis)” của bà Canaan (15,28). Cùng với đề tài đức tin, Mt
trình bày đề tài sự hiểu biết (synienai) và không hiểu biết: ở 15,16; x.
16,12; 17,13.
-
Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất
(18): Động từ edothê ở thì aorist thái bị động trần thuật (passive
indicative): Thì aorist nhắm đến một sự kiện đã hoàn tất, chứ không phải là một
lời hứa hay một niềm hy vọng; hẳn là ta có thể nghĩ đến một quan hệ mặc nhiên
với sự phục sinh. Thái bị động đây là một thái bị động thay tên minh nhiên của
Thiên Chúa. Hơn nữa, cách thức khẳng định cách tuyệt đối như thế gợi ý rằng
Thiên Chúa là tác giả (so sánh c. 18b với 11,25).
Đề
tài exousia cũng là một đề tài quan trọng của Mt (9 lần: 7,29;
8,9; 9,6; 9,8; 10,1; 21,23; 21,24; 21,27; 28,18). Từ ngữ có nghĩa là “quyền
hành”, “uy quyền”, “quyền lợi”, “khả năng”, là những đặc tính của giáo huấn và
cách hành động của Đức Giêsu: phân đoạn 5,1–7,29 (Bài Giảng trên núi) giới
thiệu Đức Giêsu như là “Đấng Mêsia có uy quyền trong lời nói” (x. 7,28), còn
phân đoạn 8,1–9,38 giới thiệu Người như là “Đấng Mêsia có uy quyền trong hành
động” (x. 11,2) (Đức Giêsu khẳng định rằng Người có exousia này: 9,6;
dân chúng: 7,29; viên sĩ quan: 8,9; khi thấy người bại liệt được chữa lành, dân
chúng tôn vinh Thiên Chúa: 9,8; Đức Giêsu nói về quyền của Người và từ chối cho
biết nguồn gốc của quyền ấy: 21,24.27). Câu 28,18 là như tổng hợp về đề tài này
và là một câu trả lời cho nhà chức trách tôn giáo: Đức Giêsu không phải là một
người mất trí hay một kẻ tiếm quyền; Người đã nhận được quyền bính này trọn
vẹn, trên toàn vũ trụ, từ Thiên Chúa
(chứ không phải từ tay ma quỉ, x. 9,34). Ở đây, điều được khẳng định là quyền
(exousia) đã được Thiên Chúa ban.
-
hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ (19):
Trong các Tin Mừng, động từ mathêteuein chỉ được sử dụng ở Mt
(13,52; 27,57; 28,19) với hai nghĩa: 1) nghĩa nội động (intransitive): trở
thành môn đệ (13,52; 27,57); 2) nghĩa ngoại động (transitive): làm thành môn
đệ; làm cho ai thành môn đệ (28,19; x. Cv 14,21). Đây không phải là chỉ trình
bày, cống hiến sứ điệp, loan báo Tin Mừng, nhưng là kiến tạo một quan hệ chặt
chẽ và riêng tư. Kiểu mẫu của quan hệ này chính là quan hệ của Đức Giêsu lịch
sử với các môn đệ đã được Người kêu gọi (môn đệ đi theo [akolouthein, x.
4,20.22; 8,23; 19,27.28], Thầy đi trước [proagein, x. 26,32; 28,7]).
-
nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần (19):
Công thức “nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” một công
thức phép rửa. Qua công thức này, ta găp thực tại chúng ta có trong các Tin
Mừng Nhất Lãm: đó là quan hệ chặt chẽ giữa đời sống và công trình của Đức
Giêsu với Cha Người trong Chúa Thánh Thần. Cựu Ước biết
đến vị Thiên Chúa tạo thành trời đất, đây là vị Thiên Chúa mà họ đến trình diện
trong tư cách là các thọ tạo hoàn toàn khác với Ngài và không có quyền đi vào
đối thoại với Ngài. Đức Giêsu loan báo vị Thiên Chúa có một người đối thoại
trong bình diện thần linh. Chúa Con ở trước mặt Chúa Cha, và hai Đấng được liên
kết với nhau, biết nhau, hiểu nhau và yêu thương nhau trọn vẹn và hoàn hảo nhờ
Chúa Thánh Thần. Bí tích Rửa tội nhận chìm chúng ta vào trong vùng quyền lực
của vị Thiên Chúa này.
-
Này đây Thầy (20): Mt chuộng thức mệnh lệnh idou
này. Nên ghi nhận là công thức long trọng idou egơ luôn luôn có quan hệ
với ý tưởng sứ mạng: 10,16; 23,34 et 28,20.
-
Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (20):
Khi nói minh nhiên pasas tas hêmeras (tất cả các ngày), Đức Giêsu khẳng
định Người sẽ ở thường trực và trọn vẹn với các môn đệ. Heôs tês synteleias
tou aiônos (cho đến tận thế) có nghĩa mục tiêu, nơi đến: nhắm đến tận thế.
Từ ngữ synteleia (hoàn tất; kết cục) luôn được sử dụng với aiôn
có nghĩa là “thời gian hiện tại”, “tình trạng hiện nay của tạo thành” (x. 13,22;
12,31). Synteleia tou aiônos có nghĩa là “khi kết thúc thời gian của thế
giới này”. Người ta chờ đợi một kết thúc thời gian này với việc Đức Giêsu ngự
đến (x. 24,3).
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Cuộc diện kiến của Nhóm Mười Một với Đức
Giêsu (16-17)
Phần
thứ nhất kể lại các hành vi của các môn đệ trong quá khứ (aorist) (đi tới,
c. 16; bái lạy, c. 17; hoài nghi, c. 17). Bản văn cũng ghi nhận
một hành vi của Đức Giêsu, “đã truyền” (etaxato, c. 16), nhưng chắc chắn
đây là một hành vi Đức Giêsu đã làm trước
các hoạt động của các môn đệ được kể lại trong đoạn văn này; hành vi này lại
chỉ là một mệnh lệnh, một hành vi nói. Ngược lại, trong các bản văn khác về
hiện ra, Đức Giêsu hành động cùng nhịp với những người có mặt, chẳng hạn, ở Mt
28,9, Đức Giêsu đến gặp (hypêntêsen) các bà. Phải chờ đến c. 18 để gặp
được một hành vi của Đức Giêsu, nhưng cả hành vi này cũng chỉ là một hành vi
nói (elalêsen).
Các
nhân vật chính của phần thứ nhất là hoi hendêka mathêtai, “mười một môn
đệ”. Con số này nhắc đến sự phản bội của cả nhóm. Nhưng sứ điệp mà Đức Giêsu
ban cho các ông nhờ trung gian các phụ nữ đã là một dấu cho thấy Người tha thứ
và hòa giải; Người gọi các ông là “anh em của Thầy” (28,10). Bây giờ, cuộc hành
trình của các ông tiến về với Đức Giêsu và sự hiện diện của các ông tại nơi
Người đã chỉ định là một dấu chứng tỏ các ông đón nhận sự tha thứ và hòa giải.
Các môn đệ tiến về một nơi đã được Đức Giêsu xác định trước và theo thông tin
của các phụ nữ (lệnh của sứ thần (28,7) và lệnh của Đức Giêsu ban cho các phụ
nữ).
Trong Mt, ta
không thấy có một lệnh minh nhiên của Đức Giêsu là đi đến một ngọn núi được xác
định, nhưng có những chi tiết liên hệ đến Galilê. Tất cả các chi tiết này, khi
được đặt vào trong bối cảnh là cuộc Thương Khó và Phục Sinh, thì giống như
những tia chớp hy vọng được ban cho các môn đệ (tại núi Ô-liu, Đức Giêsu đã nói
đến Galilê: 26,32; tại mộ, vị thiên thần đã nhắc đến Galilê: 28,7; Đức Giêsu
xác nhận sứ điệp: 28,10). Chuyến đi đưa các ông về nơi Đức Giêsu đã chỉ định
cho thấy rằng họ vừa thi hành lệnh Đức Giêsu truyền, họ vừa ý thức rằng họ đang
được trở vào trong tình bằng hữu với Người, tình bằng hữu mà Người đã mời họ
đến khi gọi họ là “anh em của Thầy” (28,10).
Như thế, câu truyện
sẽ kết thúc ngay tại nơi mà sứ vụ của Đức Giêsu đã bắt đầu: tại “Galilê, miền
đất của dân ngoại”, đã xuất hiện ánh sáng có sức thắng vượt bóng tối của tử
thần (4,15-16) và giúp cho có thể bắt đầu việc rao giảng cho muôn dân (28,19).
Ở đây tầm quan trọng của Galilê đặc biệt có tính thần học: Đấng Phục Sinh gặp
lại các môn đệ Người tại nơi chính của hoạt động trần thế Người (nhất là theo Mc
và Mt); điều này giả thiết có một sự tiếp nối giữa Đức Giêsu trần thế và
Đức Kitô Phục Sinh, một sự tiếp nối mà c. 20a sẽ nêu bật minh nhiên (“[bằng
cách] dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”). Do chính sự
kiện này, Người xác nhận việc loan báo đầu tiên của Người, hoặc đơn giản hơn,
xác nhận trọn vẹn sứ mạng của Người và giới thiệu sứ mạng ấy như mẫu mực cho
các môn đệ.
Lời Đức Giêsu nói
với các phụ nữ (28,10), “họ phải đi đến Galilê”, là một mệnh lệnh, còn “họ sẽ
được thấy Thầy ở đó” là một lời hứa. Vậy bản văn của chúng ta là sự hoàn tất
mệnh lệnh ấy và sự thực hiện lời hứa ấy.
“Ngọn núi” không phải là một nơi mà người ta
hẳn là có thể xác định theo địa lý; đây là nơi tiêu biểu cho mạc khải (5,1:
“Bài Giảng trên núi”; 15,29: mạc khải của Đấng cứu thế, Đấng nuôi dưỡng dân
Người như Môsê xưa kia trong hoang địa; 28,16: “ngọn núi” xuất hiện lần thứ ba,
để cũng nêu bật tầm quan trọng của mạc khải như thế).
Sự
kiện các môn đệ “thấy” Đức Giêsu được kín đáo giới thiệu bằng một vị tính
từ (participle), lệ thuộc động từ chính:
“các ông bái lạy”. Việc “thấy Đức Giêsu” chỉ được nhắc đến ngắn ngủi ở
đây, khác với các bài tường thuật khác về hiện ra, nhưng nó chẳng còn giá trị
gì khi nói về niềm tin Phục Sinh. Sự kiện quan trọng đối với Mt là “các
ông bái lạy” (prosekynêsan), đây là cách tôn kính mang tính tôn giáo
và thậm chí phụng vụ. Thái độ này diễn tả trước những gì sẽ được lời tuyên bố ở
c. 18b loan báo về quyền của Đức Giêsu. “Nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (c.
17). Ở đây, nỗi ngờ vực đã xảy đến idontes, “khi thấy Người” như là Đấng
Phục Sinh. Chúng ta phải ngạc nhiên khi thấy phát sinh nỗi ngờ vực,
nghĩa là một tình trạng ngần ngại, lưỡng lự, trong bối cảnh lại quá đậm đặc và
tiêu biểu này. Phản ứng này xuất hiện
nhiều lần trong các bài tường thuật khác về hiện ra. Nỗi hoài nghi được thắng
vượt mỗi lần một cách: Đấng Phục Sinh xin các ông cho ăn (Lc 24,41tt);
Đức Giêsu hiện ra một lần nữa với các môn đệ lúc đầu không tin (Mc
16,14tt); Tôma có thể chạm tới các vết thương của Đức Giêsu (Ga
20,24-29). Ta không thấy có gì tương tự ở đây cả. Có lẽ sự hoài nghi này liên
hệ đến một thời đại muộn màng hơn: cộng đoàn hôm nay không còn thấy Đức Giêsu
bằng mắt thịt nữa, họ có thể rơi vào hoài nghi; họ phải thắng vượt khó khăn này
nhờ dựa vào lời của Đấng Phục Sinh. Các lời nói của Đức Kitô Phục Sinh và sự
vâng phục của các môn đệ với lời Người là cách thế duy nhất giúp vượt qua nỗi
hoài nghi.
*
Các lời nói của Đức Giêsu (18-20)
Đứng
trước đức tin xen lẫn hoài nghi của các môn đệ, lời Đức Giêsu nói cung cấp câu
trả lời. Đấng Phục Sinh không trách các ông về sự bất trung hoặc về nỗi hoài
nghi; thậm chí Người cũng không xua tan nỗi hoài nghi bằng một cử chỉ hoặc một
chứng từ bổ sung. Người đến gần các ông và nói. Người từ xa đến với
những người là các môn đệ Người, vâng phục Người và đang cung kính bái lạy
Người. Chỉ mình Người có thể vượt qua khoảng cách bằng cách đi đến với các ông.
Proserchomai là một động từ được Mt ưa chuộng (Mt 52x; Mc
5x; Lc 10x; Ga 1x), nhưng chỉ có hai lần ông diễn tả một hành vi
chủ động của Đức Giêsu (ở đây và ở 17,6-7: hai đoạn riêng của Mt): trong
trường hợp này, Đức Giêsu đến gần là để nâng đỡ những người đang hoài nghi hoặc
đang sợ.
Vấn
đề ở đây là một lời nói, vấn đề ở đây là nghe chứ không phải là
thấy. Chính lời nói của Đức Giêsu tạo được sự trấn an diễn tả ra bằng hành vi
đến gần: Người tự tỏ mình ra trong lời Người nói như là Đấng được đặt để trong
quyền bính và nói với uy quyền. Trong tư cách đó, Người hiện diện trong thời
gian của thế giới, trong Giáo Hội cho đến tận thế.
Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất
(18b). Được đặt ở đầu bài diễn từ, mạc khải này đỡ nâng các khẳng định tiếp
sau: lệnh truyền và lời hứa. Đức Giêsu khẳng định quan hệ của Người với Thiên
Chúa và vị trí hiện nay của Người: chính Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu (so sánh
với 9,6.8; 11,27 và Đn 7,14), đã ban cho Người tất cả các quyền hành trên trời
dưới đất.
Theo
lời rao giảng tiên khởi (kêrygma) của các tông đồ, do Phục Sinh, Người
đã được đặt làm Đức Chúa (Kyrios) trên vũ trụ và làm Thẩm phán vào lúc
tận thế. Trong thực tế, bản văn không nói cho biết là Người đã được Chúa Cha
đặt để như thế khi nào, nhưng nhấn mạnh rằng quyền lực tối thượng này của Đấng
Phục Sinh là vô biên (pasa) tự nó trong sự viên mãn và trong cường độ
của nó: trong không gian, Đấng Phục Sinh hiển trị trên vũ hoàn (trời và đất),
như trong Cựu Ước, Thiên Chúa được nhìn nhận là Chúa tể trời đất, nghĩa là Đấng
Tạo hóa và Bảo toàn tất cả vũ trụ; và trong thời gian, Người hiển trị bây giờ và cho đến tận thế.
Bây
giờ, trong tư cách là Đấng đại diện toàn quyền của Thiên Chúa, Đức Giêsu là
Đấng mạc khải cánh chung cho biết ý muốn của Thiên Chúa và là Đấng thực hiện dự
phóng cứu độ của Ngài. Các môn đệ có thể hoàn toàn chắc chắn rằng họ được ban
cho quyền này.
Từ
oun, “vậy”, gợi ý là lệnh truyền này là hậu quả của tuyên bố về quyền vũ
hoàn của Đức Giêsu, là sứ mạng của Nhóm Mười Một phát xuất từ quyền bính của
Đức Kitô. Tuy nhiên, lệnh truyền được ban cho toàn nhóm, điều này cho thấy rằng
bổn phận truyền giáo là một nhiệm vụ của toàn thể cộng đoàn chứ không của một
vài cá nhân. Uy quyền (c. 18) và sự hiện diện của Đức Giêsu (c. 20) sẽ cho các
ông đủ tư cách và uy tín mà chu toàn bổn phận này.
Khi
đi rao giảng, các môn đệ không chỉ trình bày, chỉ cống hiến sứ điệp, loan báo
Tin Mừng (keryssein), nhưng là kiến tạo một cộng đoàn có quan hệ
chặt chẽ và riêng tư. Tương quan của các môn đệ với Đức Giêsu là kiểu mẫu cho
sự hiệp thông với Người mà mọi dân tộc đang được đưa dẫn tới. Kể từ nay, kiểu
mẫu này là chuẩn mực cho mọi ki-tô hữu: “môn đệ” có thể nói là định nghĩa ngắn
nhất của ki-tô hữu. Được giao sứ mạng “làm ra các môn đệ”, Nhóm Mười Một đang
hiện diện ở đây sẽ có thể rút ra từ đó biết bao hệ luận: một đàng, kinh nghiệm
sống với Đức Giêsu phải luôn luôn là điểm qui chiếu cho họ trong hoạt động;
đàng khác, tư cách môn đệ không phải là của riêng thuộc về những bạn đồng hành
lịch sử của Đức Giêsu trần thế, trái lại đây là tư cách mà kể từ nay mỗi người
được mời gọi đi vào. Tất cả đều được mời gọi trở thành”môn đệ Đức Giêsu”, vị
Thầy duy nhất (x. 23,8.10).
Chiều
hướng phổ quát đã được báo trước trong lời nhắc đến Abraham (1,1), trong truyện
các đạo sĩ (2,1-12), vị sĩ quan Caphácnaum (8,5-13), bà Canaan (15,21-28), viên
sĩ quan canh giữ Đức Giêsu trên đồi Sọ (27,54). Đi đến với các dân tộc đã là
chọn lựa của Đức Giêsu, cho dù trong diễn từ truyền giáo (ch. 10), Người đã
truyền các môn đệ là chỉ đi đến với các chiên lạc Israel thôi. Tính phổ quát
truyền giáo này còn được báo trước ở 24,4 và 26,13, và bây giờ được khẳng định
như là ý muốn chính xác của Đức Giêsu. Điều bị cấm trước đây ở 10,5 (anh em
đừng đi tới vùng các dân ngoại) bây giờ được khuyến cáo thi hành (hãy
làm cho muôn dân trở thành môn đệ): như đại đa số các lần xuất hiện, từ ethnç
trong Mt có nghĩa chữ là Dân ngoại, lệnh này chỉ liên hệ đến Dân ngoại.
Nhưng nếu Israel không còn là đối tượng của một sứ mạng đặc biệt, điều này
không có nghĩa là Israel bị loại ra khỏi chân trời Phục Sinh. Rất có thể vào
thời của cộng đoàn Mt, đã có một sự đoạn tuyệt giữa Giáo Hội và Hội
đường; nhưng người Do-thái tiếp tục là một thực tại của cộng đoàn Mt.
Nếu Israel bị kết án, mỗi người Do-thái vẫn có thể đến với cộng đoàn các môn
đệ. Sẽ xuất hiện một cộng đoàn phổ quát trong đó mỗi người có một quan
hệ trực tiếp và thân tình vừa với Đức Giêsu vừa với những người khác. Hoạt động
của các môn đệ là một sự tiếp nối hoạt động của Đức Giêsu (4,23; 9,35; 11,1).
Để
làm cho muôn dân thành môn đệ, hai việc các môn đệ phải làm là “làm phép rửa”
nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi và “giảng dạy”. Căn tính mới của Thiên Chúa là căn
tính Cha, Con và Thánh Thần, mà người môn đệ bắt đầu quan hệ với qua bí tích
thánh tẩy. Lệnh truyền giảng dạy đã được đặt vào cuối Tin Mừng, có thể
là vì Mt coi nhiệm vụ giảng dạy như là nhiệm vụ cao nhất trong Hội
Thánh. Nhóm Mười Một không được phép mở trường, nhưng tiếp tục học ở “trường”
Đức Giêsu: các ông phải giảng dạy, như chính Đức Giêsu đã giảng dạy. Cho dù các
ông đã nhận lãnh bổn phận giảng dạy, các ông sẽ phải mãi mãi duy trì chân tính
môn đệ, bằng cách nhìn nhận và chấp nhận uy quyền của Đức Giêsu, bằng cách bây
giờ tin vào Đức Giêsu như tin vào chính Thiên Chúa.
Đề
tài giảng dạy đã có sẵn: các lệnh truyền của Đức Giêsu. TM Mt
chứa biết bao lời giảng dạy của Đức Giêsu (trong năm diễn từ), nhưng nhất là
giáo huấn của Bài giảng trên núi đáng được xét đến. Trong lệnh truyền giáo,
Đấng Phục Sinh đã nói với các môn đệ là “dạy bảo họ mọi điều Thầy đã truyền cho
anh em” (c. 20). Câu này chắc chắn qui về tất cả mọi lời nhắn nhủ, tất cả giáo
huấn của Đức Giêsu trong TM Mt, nhưng đặc biệt qui về các lời
nhắn nhủ trong Bài Giảng trên núi bởi vì Bài Giảng này chứa phần lớn những gì
Đức Giêsu đã dạy các môn đệ và có một giọng thôi thúc người ta thực hiện các
lời nhắn nhủ này (x. 7,13-27).
Tuy
nhiên, Đấng nói đây không còn là vị Thầy trần thế nữa, nhưng là Đức Chúa Phục
Sinh, “Đấng đã được ban cho toàn quyền trên trời dưới đất”. Bây giờ, với uy
quyền của Đấng là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” trong mức viên mãn của sự Phục
Sinh, Đức-Giêsu-đang-sống lấy lại giáo huấn của Bài Giảng trên núi và nhắc lại
cho các thế hệ tương lai.
Mục
tiêu không còn phải là chu toàn Lề Luật hoặc các Ngôn sứ, nhưng tuân giữ “tất cả những gì Thầy đã truyền cho anh em”.
Như thế, chính Đức Giêsu đặt mình vào vị trí của “Lề Luật hoặc các Ngôn sứ” (x.
ngay ở 5,21-48 với các công thức “Anh em đã nghe [Luật] dạy người xưa / Còn
Thầy, Thầy bảo cho anh em biết”), Người là Đấng lập pháp tối cao, diễn tả trọn
vẹn ý muốn của Thiên Chúa. Thái độ này khi đó và lệnh truyền hiện nay gửi trở
lại với các công thức khác nhau của Cựu Ước trong đó chính Yhwh truyền lệnh cho dân Ngài là tuân
giữ điều răn của Ngài (x. 2 Sb 33,8; Xh 34,32; Đnl 4,2;
12,14). Bây giờ Đức Giêsu thay thế Yhwh
khi khẳng định ý muốn của Người. Và chắc chắn ý muốn thần linh này được tập
trung nơi điều răn yêu thương, đỉnh cao và sự hoàn tất của Kinh Thánh (“Lề Luật
hoặc các Ngôn sứ”: x. 22,40).
Tuy
nhiên, hẳn là ta có thể nới rộng ý nghĩa của “tất cả những gì Thầy đã truyền
cho anh em” cho cả bốn bài diễn từ khác, bởi vì tác giả đã xác định rằng chúng
cũng là những “chỉ thị/dụ ngôn/những điều” của Đức Giêsu (x. công thức kết luận
mỗi bài diễn từ: 11,1; 13,53; 19,1; 26,1; x. 7,28-29). Vấn đề ở đây là các giáo
huấn của Thầy về các điều kiện và bản chất của đời sống đích thực của người môn
đệ và về nẻo đường thánh ý chân thực của Thiên Chúa, “nẻo đường công chính”
(21,32).
Khi
nói “tất cả những gì Thầy đã truyền cho anh em”, Đức Giêsu xác định giáo
huấn của Người là như một lệnh truyền, như một đòi hỏi cấp bách (trong một ngữ
cảnh tương tự, Mc nói đến “tin mừng”: 13,10; 14,9; Lc thì nói đến
“hoán cải và tha thứ tội lỗi”: 24,47). Đấng Phục Sinh biến lời của Đức Giêsu
trần thế thành chuẩn mực cho Hội Thánh mọi thời và “cho đến tận thế”. Sứ điệp
của Đấng Phục Sinh được coi là đồng nhất với sứ điệp của Đức Giêsu trần thế.
Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế
(20b). Egô meth’ hymôn eimi. Giới từ meta + thuộc cách có nghĩa
là “với” nhằm diễn tả sự hiệp thông, sự hiệp nhất (cơ bản là riêng tư cá nhân),
sự cộng tác, khi đó là tương quan của Đức Giêsu với những người khác: Đặc biệt
28,20 đáp lại khởi đầu Tin Mừng, khi mà Đức Giêsu được giới thiệu lúc chào đời
như là Đấng mà “người ta sẽ gọi tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (1,23). Ở
đây chúng ta có một thể đóng khung rất lớn bung mở ra chiều kích vũ hoàn của
bản thân Đức Giêsu trên toàn thể lịch sử nhân loại, đồng thời vẫn nêu bật sự
bám rễ của Người về phương diện xác thịt trong thời gian và không gian. Thực
tại Emmanuel này được diễn tả xuyên qua toàn thể Tin Mừng: Vào lúc chào
đời của Đức Giêsu (1,23); trong khi hoạt
động, Người hiện diện giữa nhóm môn đệ (9,15; 26,18.20.36.38.40; x. “Đức Giêsu
dẹp yên biển động”, 8,23-27; egô eimi, 14,27); những lần Người tiếp xúc
với người tội lỗi (9,11) và qua cái chết ban ơn cứu chuộc (26,28; x. 1,21;
17,17 so với Mc 9,19). Mt 28,20 hẳn là câu trả lời chung cuộc cho
câu hỏi ấy. Bây giờ Người hứa ở với họ mãi mãi.
Trong
Cựu Ước, bằng những thuật ngữ tương tự Ta sẽ ở với các ngươi mãi mãi,
Yhwh
thường đảm bảo với một tín hữu, một ngôn sứ, một thủ lãnh, toàn dân, nhất là
trong bối cảnh một cuộc sai phái, là Người sẽ hiện diện, nghĩa là giúp đỡ tận tình, với lòng từ bi thương
xót, để cứu độ. Đấng Kyrios ban
cho các môn đệ cũng một đảm bảo như Yhwh đã ban cho dân Ngài trong Cựu
Ước. Người không thế chỗ cho các môn đệ, nhưng sẽ hiện diện với họ để nâng
đỡ họ bằng sức mạnh, không do các đức tính hay các thành tích của các môn đệ,
nhưng do sự trung tín hữu hiệu của Đấng đã đưa các lời hứa trong Kinh Thánh đến
chỗ hoàn tất. Khi nói “tất cả các ngày”, Đức Giêsu khẳng định Người sẽ ở thường
trực và trọn vẹn với các môn đệ, và nhắm đến tận thế, “lúc kết thúc thời gian
của thế giới này”.
+
Kết luận
Trên
núi Galilê (28,16; x. 5,1), Đức Giêsu Phục Sinh, đại diện toàn quyền của Thiên Chúa, tỏ mình ra như là Đấng mạc khải
tối hậu của Thiên Chúa và Đấng lập
pháp vĩnh viễn, nay cử các môn đệ đi đến với mọi dân tộc. Trong Cựu Ước, núi
Sinai xuất hiện ra như là quả núi của mạc khải và của Giao ước, trên đó Thiên Chúa tự tỏ mình ra và thông ban các
điều răn của Ngài (Xh 19,1–24,11). Từ Sinai, dân Israel bắt đầu cuộc
hành trình tiến về Đất hứa; trên núi Galilê, Đức Giêsu đích thân, trong tư cách
Đấng Phục Sinh, tức đã đi vào trong đời sống
Thiên Chúa, cho thấy đâu là mục tiêu
của mỗi người trong “tất cả các dân tộc”.
Các lời kết thúc của Đức Giêsu đã đón nhận lấy các nội dung chính
của TM Mt về sứ vụ không biên giới của các môn đệ. Điều này còn cho thấy
một lần nữa chiều hướng tổng hợp hướng về sứ vụ phổ quát như là nét tiêu biểu
của Tin Mừng này.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Thiên Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm
Không dễ gì mà tiếp cận
với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng lễ hôm nay. Đây là một trong
những đại lễ dường như ở hơi xa đời sống chúng ta. Tuy vậy, chúng ta vẫn
nhớ những bài học giáo lý khi còn bé bảo rằng Thiên Chúa Ba Ngôi bao trùm trọn
vẹn đời sống chúng ta; và ý tưởng này vẫn cung cấp sức mạnh và sự tin tưởng cho
chúng ta và nhắc chúng ta nhớ rằng đây là một thực tại sống động. Các
bài Lời Chúa hôm nay có góp phần làm sáng tỏ mầu nhiệm này. Trong bài đọc thứ
nhất, Môsê đã mời gọi dân chúng: “Anh em cứ hỏi những thời xa xưa”. Nếu tôi đi
ngược lại thời gian cho đến “những thời xa xưa”, tôi cũng sẽ sống lại kinh
nghiệm của dân Israel: tôi ghi nhận sự hiện diện thường trực của Thiên Chúa,
Đấng đã chọn lựa tôi từ thuở đời đời, rồi vẫn hiện diện trong cuộc sống thường
ngày tầm thương của tôi, tỏ mình ra qua những dấu chỉ, nâng đỡ tôi trong các
thử thách, bung mở các việc kỳ diệu ra trong thế giới.
2. Ở trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi và Thiên
Chúa Ba Ngôi ở trong lòng
Khi đó, ở trong lòng
Thiên Chúa Ba Ngôi và Thiên Chúa Ba Ngôi ở trong lòng, có nghĩa là trước tiên ý
thức rằng lịch sử chúng ta có gốc rễ rất xa, từ bao đời vẫn ở trong tay Thiên
Chúa, Ngài vẫn dẫn dắt cuộc sống chúng ta, vì trung thành với lời đã hứa.
Trong bài đọc thứ hai,
thánh Phaolô nhắc lại rằng vị Thiên Chúa này, Đấng ban sự sống, đã thổi Thần
Khí của Ngài vào chúng ta, để nhờ Thần Khí, Ngài giải thoát chúng ta khỏi kiếp
nô lệ và nỗi sợ hãi, và làm cho chúng ta thành conc ái Ngài, khiến chúng ta có
thể gọi Ngài là Cha. Ở trong lòng Ba Ngôi và có Ba Ngôi trong lòng, khi đó,
cũng có nghĩa là ý thức về ân huệ Thánh Thần mà Thiên Chúa đã ban cho ta, để
cho Ngài dẫn dắt và biến đổi đời sống chúng ta, sống kinh nghiệm tự do nội tâm,
một kinh nghiệm phát sinh từ cảm nhận chúng ta được yêu thương như là
những người con và là kinh nghiệm mạnh hơn mọi nỗi sợ hãi, mọi đau khổ.
3. Đức Giêsu Phục Sinh sai phái các tông đồ
Cuối cùng, Đức Giêsu Phục
Sinh đã hiện ra với các tông đồ, truyền họ ra đi và tiếp nối công trình của
Người nhân danh Ba Ngôi vị thần linh, bảo đảm với họ rằng Người sẽ hiện diện
với họ mọi ngày cho đến tận thế. Ở trong lòng Ba Ngôi và có Ba Ngôi trong lòng,
cuối cùng, có nghĩa là có cặp mắt có khả năng nhận ra Đức Giêsu, vị Thiên Chúa
làm người, ngay tại những nơi của đời sống mà Người cho ta làm điểm hẹn, và ra
đi trong Thánh Thần, để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa cho mỗi người, để làm
cho mọi người sống nhờ hơi thở của Thiên Chúa.
Lm PX Vũ
Phan Long, ofm