Đnl 4,32-34.39-40 ;
Rm 8,14-17 ; Mt 28,16-20.
1.TIN MỪNG: Mt
28,16-20.
(16) Mười
một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông
đến. (17) Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. (18)
Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời
dưới đất. (19) Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép
rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (20) Dạy bảo họ
tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi
ngày cho đến tận thế.
2.Ý CHÍNH:
Trong bài Tin mừng của thánh
Mát-thêu hôm nay, Đức Giê-su Phục Sinh hẹn các Tông đồ đến một ngọn núi tại
miền Ga-li-lê. Ở đó sau khi tuyên bố đã được Chúa Cha cho toàn quyền trên trời
dưới đất, Người sai các ông đi khắp nơi thâu nạp môn đồ cho Người, làm phép rửa
cho họ “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Người cũng hứa sẽ ở
cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế.
3.CHÚ THÍCH:
-C 16-17: + Mười một
môn đệ: Đây là Nhóm Mười Hai, nhưng thiếu Giu-đa, kẻ phản bội, và
Mát-thi-a chưa được bổ sung vào danh sách thế chỗ cho Giu-đa (x. Cv 1,15-26). Nhóm
này là Tông Đồ Đoàn được trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Còn về Giu-đa
Ít-ca-ri-ốt: khi thấy Thầy Giêsu sắp bị kết án tử hình, Giu-đa đã bị hối hận.
Hắn liền đem ba mươi quan tiền trả lại cho các đầu mục Do thái nhưng đã bị họ
từ chối. Giu-đa thất vọng nên đã ném tiền vào cung thánh Đền thờ rồi đi thắt cổ
tự tử (x. Mt 27,3-5). + Đi tới miền Ga-li-lê: Tức là đến miền đất
dân ngoại theo chỉ thị của Chúa Phục Sinh qua bà Ma-ri-a Mác-đa-la (x. Mt
28,10), và cũng để noi gương Đức Giêsu đã bắt đầu rao giảng Tin Mừng Nước Trời
tại xứ Ga-li-lê (x. Mt 4,12-17), + Đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho
các ông đến: Ngày nay người ta không thể xác định đây là núi
nào. Nhưng có lẽ Mát-thêu chỉ muốn nói đến quả núi với ý nghĩa tượng trưng: Núi
là nơi Thiên Chúa gặp gỡ và mặc khải cho loài người. Chẳng hạn : Đức Chúa đã
trao Thập Giới cho Mô-sê trên núi Khô-rép (x. Xh 24,13.15.18). Đức Giêsu cũng
đã công bố Hiến Chương Nước Trời hay Tám Mối Phúc Thật trên núi, nên còn gọi là
“Bài Giảng Trên Núi” (x. Mt 5,1-7,27). +Thấy
Người, các ông bái lạy: Sau nhiều lần hiện ra để củng cố niềm tin cho
môn đệ, trước khi về trời Chúa Phục Sinh đã hiện ra để trao sứ mệnh loan Tin mừng
phổ quát cho các ông. Cử chỉ bái lạy nói lên các ông đã tin Chúa Giêsu là “Đấng
Cứu Thế, Con Thiên Chúa”. + Nhưng có mấy ông lại hoài nghi: Câu
này xem ra mâu thuẫn với thái độ bái lạy vừa nói. Thực ra, hoài nghi là thái độ
phải xảy ra nơi các môn đệ trước khi các ông đạt tới đức tin hoàn hảo. Chắc là
Mát-thêu muốn nói đến sự hoài nghi đã xảy ra trước đó mà ngài chưa lần nào đề
cập đến. Như vậy đây chỉ là một sự trục trặc về lối hành văn, chứ không mâu
thuẫn về mặt tư tưởng. Ngoài ra cũng có người cho rằng: Vì đây là cuộc
hiện ra để “trao sứ mệnh” cho Nhóm Mười Một đại diện Hội Thánh, nên sự hoài
nghi ở đây chính là sự hòai nghi nói chung của Hội Thánh xưa nay: Mầu nhiệm
Phục Sinh tuy là một sự thật hiển nhiên, nhưng bao giờ cũng vẫn có người còn hoài
nghi.
-C 18-19: +Thầy đã
được trao toàn quyền trên trời dưới đất: Lúc khởi đầu sứ mệnh,
cũng trên núi cao, Đức Giê-su đã từ chối quyền hành trên các nước thế gian do
Xa-tan hứa ban (x. Mt 4,8-10). Nhưng giờ đây Người tuyên bố: Người đã được
Thiên Chúa trao toàn quyền trên trời dưới đất, ứng nghiệm lời tuyên sấm của Ngôn
sứ Đa-ni-en về sứ mệnh của Con Người như sau: “Đấng Lão Thành trao cho Người
quyền thống trị, vinh quang và vương vị; Muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia
và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh
cửu, không bao giờ mai một; Vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong, khác hẳn
với mọi vương quốc. Nó sẽ ăn hết toàn cõi đất, sẽ dẫm nát và nghiền tan” (Đn
7,14). + Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ:
Hội Thánh phải dùng quyền Đức Giê-su ban để nhân danh Người mà làm cho muôn dân
trở thành môn đệ của Người. Trước hết là dân Do Thái (x. Mt 10,5-6), rồi đến
mọi dân nước trên thế giới (x. Mt 8,11). +Làm phép rửa cho họ nhân danh
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Để người ta trở nên môn đệ Đức Giê-su, các
Tông đồ phải làm phép rửa tái sinh họ bằng nước và Thần Khí (x. Ga 3,3.5). Phép
rửa được cử hành nhân danh Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh
Thần (x. Mt 28,19).
-C 28,20: +Dạy bảo
họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em: Sứ mệnh các Tông đồ
gồm cả quyền dạy dỗ các tín hữu cho tới khi Hội Thánh đạt tới tình trạng viên
mãn (x. Ep 1,23).+Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế:
Chúa Phục Sinh hứa sẽ luôn ở trong Hội Thánh cho đến tận thế nhờ Thánh Thần
và qua các mục tử, để giúp Hội Thánh chu toàn sứ mệnh “được sai đi”. Như vậy
Đức Giê-su chính là “Đấng Em-ma-nu-en: Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt
1,23).
4.CÂU HỎI: 1)Tại sao
chỉ có mười một Tông đồ hiện diện lúc Chúa lên trời? 2)Số phận của Giu-đa
Ít-ca-ri-ốt thế nào sau khi phản nộp Thầy? 3)Tại sao Chúa Phục Sinh truyền cho các Tông đồ trở về Ga-li-lê? 4)Ngọn
núi Chúa truyền cho các Tông đồ đến là núi nào? 5)Mấy kẻ còn hoài nghi gồm
những ai và hoài nghi về điều gì? 6) Đức Giê-su đã từ chối quyền hành trên các
nước thế gian, do Xa-tan hứa ban khi nào? 7) Đức Giê-su đã được ai trao toàn
quyền trên trời dưới đất, hầu ứng nghiệm với sấm ngôn của vị Ngôn sứ nào? Lời
tuyên sấm ấy nội dung ra sao? 8)Chúa truyền cho Hội Thánh phải làm cho những ai
trở thành môn đệ của Người? 9)Sau khi thâu nạp môn đệ, Hội Thánh cần tiếp tục
làm gì cho họ? 10)Câu nào trong đọan Tin mừng trên chứng minh Chúa Giêsu mặc
khải mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi?
1.LỜI CHÚA: “Làm phép
rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
2.CÂU CHUYỆN: CHÀNG
SINH VIÊN VÀ ÔNG GIÀ.
Trên chuyến xe lửa từ Ly-ông
đi Pa-ri (Lyon-Paris), một thanh niên ăn mặc sang trọng, ngồi bên một ông già
có dáng vẻ hơi nhà quê. Bấy giờ ông cụ tay cầm cỗ tràng hạt, mắt nhắm lại và
miệng đang lẩm bẩm đọc kinh. Chờ cho ông cụ đọc kinh xong, chàng thanh niên
liền gợi chuyện: “Cháu có thắc mắc là không biết tại sao đến giờ này mà ông vẫn
còn tin vào những điều huyền hoặc của tôn giáo như thời Trung cổ? Chắc ông cũng
tin mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ sinh con mà còn đồng trinh và những
chuyện đại loại như thế mà mấy ông cha sở vẫn nhai đi nhai lại trong nhà thờ
chứ gì?” Ông già trả lời: “Đúng vậy! Thế còn cậu thì sao?” Chàng trai liền cười
rộ lên và nói: “Cháu mà lại tin vào những điều nhảm nhí đó sao? Cháu đã khám
phá ra sự thật khi học đại học. Thiết tưởng ông cũng nên bắt đầu bỏ xâu chuỗi
kia đi là vừa, để dành thời giờ đọc các sách báo khoa học tiến bộ!” Ông lão
liền nói: “Tôi cũng muốn được như vậy, nhưng lại không biết tìm đâu ra các sách
báo khoa học đó!” Chàng thanh niên đáp: “Được rồi, cháu sẽ gửi biếu ông một số
sách báo khoa học. Thế ông có biết đọc không?”. Ông cụ trả lời: “Cám ơn cậu,
tôi biết đọc”. Chàng thanh niên nói: “Thế thì tốt. Nhưng xin ông cho cháu biết địa
chỉ để cháu sẽ gửi sách đến cho ông”. Bấy giờ ông già liền rút từ trong túi áo
ra một tấm danh thiếp trao cho chàng thanh niên. Cậu ta ngạc nhiên trố mắt lên nhìn
vào mấy hàng chữ trên tấm danh thiếp: “Lu-y Pát-tơ (Louis Pasteur) - Viện
nghiên cứu khoa học Pa-ri (
3.SUY NIỆM:
1)Đạo Công Giáo có nhiều chân lý mầu nhiệm, là những điều mặc khải
của Thiên Chúa, đã được Đức Giê-su cho biết, được Hội Thánh giảng dạy. Các chân
lý đức tin ấy tóm lại trong kinh Tin Kính. Trong số các mầu nhiệm đức tin thì Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm quan trọng
nhất và là nền tảng của các mầu nhiệm khác. Đã là mầu nhiệm thì đương nhiên
người ta khó lòng thấu hiểu được. Tuy nhiên nếu biết khiêm tốn xin ơn Thánh
Thần soi sáng, và cố gắng tìm tòi học hỏi thì người ta cũng có thể lãnh hội
được phần nào ý nghĩa, và sẽ không thấy có gì đối nghịch giữa khoa học và đức
tin tôn giáo, như câu chuyện về nhà bác học Lu-y Pát-tơ nói trên đã cho thấy.
2)Cũng có nhiều chân lý đức tin mà những người
vô tín khó lòng chấp nhận. Chẳng hạn khi nghe Đức Giê-su giảng về bí
tích Thánh Thể, thì một số môn đệ đã chê trách: “Lời này chướng tai quá! Ai mà
nghe nổi?”… Và “từ lúc đó có nhiều môn đệ đã rút lui, không còn đi với Người
nữa” (Ga 6,54-66). Cũng có một số chân lý đức tin khác được Đức Giê-su dạy như
mầu nhiệm tử nạn và phục sinh… mà do thiếu đức tin nên các môn đệ không hiểu ngay
được. Phải đợi đến khi được Chúa Phục Sinh nhiều lần hiện ra dạy dỗ cho các ông
am hiểu Kinh thánh và nhờ tham dự nghi thức Bẻ Bánh, các môn đệ mới tin vào mầu
nhiệm này (x Lc 24,13-35). Ngòai ra còn nhiều mầu nhiệm khác, trong đó có mầu
nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, khi nghe Đức Giêsu rao giảng, các môn đệ chưa thể hiểu
ngay, phải đợi đến khi Thần Khí của Chúa Phục Sinh tác động vào lễ Ngũ Tuần,
các ông mới lãnh hội được sự thật tòan vẹn, đúng như lời Đức Giêsu dạy như sau:
“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không còn sức
chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến tới sự thật
toàn vẹn” (Ga 16,12-13).
3)Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Dựa vào lời Chúa Giêsu
mặc khải trong Tân Ước Hội Thánh đã rút ra chân lý mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi như
sau:
Chỉ có Một Thiên Chúa
và “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga
4,7), nhưng Người lại có Ba Ngôi:
Ngôi thứ Nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần (x Mt
3,16-17; Mt 28,19). Vì Ba Ngôi cùng chung một bản tính và cùng một quyền năng,
nên trong Ba Ngôi, không Ngôi nào lớn hơn (x Ga 14,10). Vai trò của mỗi Ngôi
như sau:
-Chúa Cha sáng tạo nên ta: Khi
sáng tạo vũ trụ vạn vật và loài người. Thiên Chúa xuất hiện là Ngôi thứ Nhất
như một người Cha. Người dùng Lời quyền năng (Ngôi Hai) làm cho vạn vật từ
không xuất hiện (x. St 1,3), và tiếp tục quan phòng gìn giữ để
các tạo vật ấy tồn tại, phát triển và tiến hóa ngày một hòan thiện hơn. Người
cứu độ loài người bằng việc sai Con Một (Ngôi II) nhập thể cứu chuộc và ban
Thánh Thần (Ngôi III) tiếp tục chương trình cứu độ lòai người qua Hội Thánh.
-Chúa Con cứu chuộc ta: Khi tới Giờ đã định,
Chúa Cha (Ngôi I) sai Con Một là Chúa Con (Ngôi II) xuống thế làm người là Đức
Giê-su Ki-tô (x. Ga 3,16). Người thi hành sứ mệnh Thiên Sai bằng việc đi khắp
nơi công bố Tin mừng Nước Trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, và cuối cùng
tình nguyện chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho loài người và sống lại
để ban ơn cứu độ loài người. Đức Giê-su chính là “Đấng Thiên Sai, Con Thiên
Chúa hằng sống” (x. Mt 16,16), là “Con rất yêu dấu luôn làm hài lòng Cha” (Mc
1,11). Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên
Chúa (x. Dt 1,3). Ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Người luôn hiệp
nhất với Chúa Cha (x. Ga 17,22).
-Chúa Thánh Thần thánh
hóa ta: Thánh Thần tuôn đổ thần khí ân sủng xuống trên các Tông đồ và các
môn đệ trong lễ Ngũ tuần, ban ơn soi sáng giúp lương dân gia nhập Nước Trời là
Hội thánh, tiếp tục trợ giúp Hội thánh chu toàn ba sứ mệnh của Chúa Giêsu: Một
là làm ngôn sứ rao giảng Tin mừng;
Hai là làm tư tế thánh hóa loài người
nhờ các phép bí tích do Chúa Giêsu thiết lập; Ba là làm vương đế phục vụ đoàn chiên được trao phó…Đấng ấy là Chúa Ngôi Ba,
là Thánh Thần, Thánh Linh hay Thần Khí.
4)Sống tình yêu thương noi gương Gia Đình Ba
Ngôi Thiên Chúa: Thánh Gioan trong thư thứ nhất đã viết: “Thiên Chúa là
Tình Yêu. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở
lại trong người ấy” (1 Ga 4,16b). “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại
ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối: Vì ai không yêu thương người anh em
mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Dây
là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng
yêu thương anh em mình”(1Ga 4,20-21)..
4.THẢO LUẬN: 1)Trong
những ngày này, tôi sẽ làm gì để đào sâu về giáo lý đức tin công giáo? 2) Để sống
mầu nhiệm tình yêu của Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa, tôi sẽ thể hiện tình thương
thế nào đối với những người tôi không ưa hoặc có ác cảm?
5.CẦU NGUYỆN:
LẠY CHÚA. Thánh Phao-lô
dạy: “Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang,
không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận,
không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều
chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr
13,4-7). Xin Chúa giúp chúng con năng đến thăm những người nghèo khổ bệnh
tật…như Mẹ Ma-ri-a đã mang thai nhi Giêsu đến thăm gia đình Gia-ca-ri-a khi
xưa. Xin cho con biết vui vẻ chào hỏi người khác noi gương Mẹ Ma-ri-a đã lên
tiếng chào hỏi bà Ê-li-sa-bét trước để chia sẻ miềm vui ơn cứu độ cho thai nhi
Gio-an trong lòng mẹ. Trong những ngày này, xin Chúa giúp chúng con biết sống
hiệp thông với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi qua thái độ khiêm nhường phục vụ tha
nhân noi gương Chúa đã sai Con Một nhập thể làm người để ở cùng chúng con và
nêu gương yêu thương phục vụ lòai người chúng con.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
www.hiephoithanhmau.com