Chúa Nhật Lễ Chúa Ba
Ngôi Năm B
Ba Ngôi đều chỉ hành
động cho ta và chỉ muốn yêu ta
(Thứ Luật
4,32-34.39-40; Thư Roma 8,14-17; Tin Mừng Matthêu 28,16-20)
Phúc Âm: Mt 28, 16-20
"Làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con
và Thánh Thần".
Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi
Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn
hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: "Mọi quyền năng trên
trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm
phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi
điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến
tận thế".
Suy Niệm:
Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi Năm B
Thứ Luật 4,32-34.39-40; Thư Roma 8,14-17; Tin
Mừng Matthêu 28,16-20
Chúa nhật trước, chúng ta mừng lễ Chúa Thánh
Thần Hiện xuống. Hôm nay, chúng ta mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi. Liên lạc, tương
quan giữa hai ngày lễ có thể tìm thấy ngay trong bài đọc II hôm nay. Thánh
Phaolô quả quyết: chúng ta đã nhận được tinh thần nghĩa tử và trong tinh thần
ấy chúng ta kêu lên rằng Abba, lạy Cha. Vì chính Thánh Thần làm chứng cho tâm
trí chúng ta rằng: chúng ta là con cái Thiên Chúa.
Như vậy theo thánh Phaolô, chính Thánh Thần khi
ngự xuống lòng ta, đốt lửa mến Chúa lên trong lòng ta khiến ta tự nhiên gọi
Thiên Chúa là Cha. Rồi trong một đoạn thư khác, thánh Phaolô lại viết: cũng như
trong con người chúng ta, chỉ có một tinh thần chúng ta mới hiểu biết được
những sự thâm sâu ở trong mình; thì cũng vậy, chỉ có Thánh Thần mới hiểu biết
được mầu nhiệm sâu xa nơi Thiên Chúa. Thế mà Thánh Thần đã hiện xuống trên
chúng ta, hành động nơi tâm hồn chúng ta, nên sau lê Chúa Thánh Thần Hiện
xuống, chúng ta mừng lễ Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi thật là phải lẽ. Chính Chúa Yêsu
cũng đã tuyên bố: khi Thánh Thần đến Người sẽ dạy dỗ chúng ta tất cả sự thật và
nhắc nhở, soi sáng để chúng ta hiểu lại mọi điều Chúa Yêsu đã nói với chúng ta.
Thế mà sứ mạng giáng trần của Chúa Yêsu cũng là mạc khải danh Chúa Cha cho loài
người, tức là làm cho loài người hiểu biết về Thiên Chúa. Do đó sau Chúa nhật
lãnh nhận Thánh Thần, hôm nay chúng ta được hiểu biết về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi
để mến yêu nhiều hơn và được hạnh phúc.
Như hôm lễ Hiện xuống, chúng ta đã thấy sau khi
nhận được Thánh Thần, các tông đồ trở nên sốt mến, nói lên những lời ca tụng
các kỳ công của Thiên Chúa. Ðó là các tác động đầu tiên của ơn Thánh Thần.
Không phải vô lý mà Người đã lấy hình lưỡi lửa để hiện xuống. Lửa vừa soi sáng
vừa sưởi nóng. Thánh Thần soi sáng để chúng ta biết Chúa và sốt sắng yêu mến
Chúa. Người là tình yêu. Tình yêu tràn ngập lòng ai sẽ làm cho người đó kêu lên
những lời ân ái. Mà lời ân ái chúng ta tự nhiên kêu lên Thiên Chúa khi hiểu tình
thương của Người là "Abba, lạy Cha".
Thiên Chúa thật là Cha chúng ta và là Cha của
mọi tạo vật. Chính Người đã dựng nên trời đất và sinh ra tất cả mọi loài. Người
yêu thương loài người hơn hết, nên đã dựng nên họ sau hết mọi loài, để vừa sinh
ra con người đã có đủ mọi sự cần dùng. Người còn yêu thương ta đến nỗi đã dựng
nên chúng ta giống hình ảnh Người và sinh ra loài người có nam có nữ để ngay từ
đầu con người đã biết sống bằng tình thương. Sách thánh còn kể Thiên Chúa dựng
nên địa đàng cho Adong Evà. Và nếu chúng ta biết nhìn thì sông kia núi nọ chim
trời cá nước, tất cả đều nói lên sự phong phú hùng vĩ tươi đẹp của thiên nhiên,
chứng tỏ khả năng tạo dựng sinh sản kỳ diệu của Ðấng hóa công. Ai nhìn thấy
giang san gấm vóc và các cảnh núi non hùng vĩ mà không gọi trời là Cha?
Nhưng Thánh Thần ở trong lòng ta không phải chỉ
muốn kêu lên chữ "Cha" tự nhiên ấy... Người cũng đã ở trong lòng và
nơi môi miệng Môsê để ông còn nhắc đi nhắc lại trong bài đọc I hôm nay: Thiên
Chúa là Cha của dân. Người đã coi dân như con cái, không phải chỉ giải phóng
dân khỏi ách đô hộ, ban đất chảy sữa và mật cho dân, nhưng nhất là làm cho dân
những kỳ công mà ai nhìn vào cũng thấy ngay. Người cưng dân như cha như mẹ. Có
lần Người tuyên bố rõ hơn: Người đã ghi tên dân vào lòng bàn tay đến nỗi dù có
người mẹ nào quên được con cái thì Người cũng chẳng bao giờ quên dân. Môsê bảo
người Dothái đừng bao giờ quên điều đó. Hạnh phúc cho họ nếu họ luôn luôn nhớ
rằng, không những Chúa là Cha của họ vì đã sinh ra họ, nhưng nhất là vì Chúa đã
chọn họ giữa muôn ngàn dân để yêu chiều họ như con cưng trìu mến.
Người Kitô hữu còn có lý do sâu xa hơn nữa để
kính thờ Thiên Chúa là Cha. Bởi vì sang thời Tân Ước Thiên Chúa đã yêu thương
loài người đến nỗi sai Con Một yêu quý Người xuống thế để làm cho tất cả những
ai tin vào Con yêu quý Người, trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa Cha. Mà quả vậy,
từ ngày tin Chúa Yêsu, chúng ta đã được cầu xin Thiên Chúa rằng: lạy Cha chúng
con ở trên trời. Chúa Yêsu đã sát nhập chúng ta vào trong cơ thể Người, để ở
trong Người, chúng ta được xưng Cha - con với Thiên Chúa. Việc xưng hô này sâu
xa khác hẳn khi lương dân gọi trời là Cha và khi người Dothái kêu Ðức Yavê là
Cha. Chúng ta kêu Thiên Chúa là Cha khi chúng ta ở trong cơ thể Ðức Kitô là Con
Một yêu dấu của Thiên Chúa. Như lời Thánh Thư hôm nay nói: chúng ta là con Chúa
một cách đặc biệt, nên chúng ta là người thừa tự tất cả những gì mà Thiên Chúa
có và đã làm ra, như con cái trong nhà sẽ được lãnh nhận tất cả gia sản mà cha
mẹ đã tạo dựng. Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất. Thiên Chúa đã làm những kỳ
công trong lịch sử. Tất cả bây giờ thành sản nghiệp của chúng ta vì chúng ta đã
là con cái Chúa trong Ðức Yêsu cứu thế.
Như vậy, ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay
trước hết chúng ta hãy thờ lạy, kính yêu cảm tạ Thiên Chúa Cha. Người thật là
Cha vì hằng nuôi dưỡng chúng ta và nhất là vì Người không ngừng ban ơn nghĩa tử
để chúng ta được làm con Người ở trong Ðức Kitô. Và chúng ta chỉ có thể hiểu
được tình Cha của Người khi nhìn vào tương quan giữa Người với Ðức Kitô.
Phúc Âm cho ta thấy Ðức Kitô không phải chỉ là
một nhà tiên tri xuất chúng, một vị sáng lập ra một tôn giáo mới. Từ khi đầu
thai tới khi vượt qua về trời, để gửi Thánh Thần xuống, tất cả cuộc đời của
Người nói lên Người chỉ là Chúa Con lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa Cha.
Chính Người đã nói: Người không có gì riêng cả. Mọi sự ở nơi Người, cho đến sự
sống và sự chết, giáo lý cũng như việc làm hết thảy đều của Chúa Cha ban cho và
trao cho. Thấy Chúa Cha sống làm sao, Người làm y hệt như vậy, đến nỗi Người
nói với Philipphê: "Ai thấy Thầy cũng thấy Cha Thầy", vì thật ra
Người chỉ là hình ảnh Chúa Cha. Người với Chúa Cha là một. Người xuống trần
gian đâu có phải để làm việc riêng. Ý của Chúa Cha là lương thực nuôi dưỡng
Người hằng ngày và Người chỉ sống để mạc khải Danh Chúa Cha, để hoàn tất mọi
điều Chúa Cha đã viết về Người. Cuối cùng Người đã phải chết nhục nhã khổ sở
cũng chỉ vì Người dám quyết mình với Chúa Cha là một. Người với Chúa Cha là
một, bởi vì giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa hai ngôi vị ấy, tương quan mật
thiết sâu xa duy nhất đến nỗi ai thấy Chúa Con cũng như thấy Chúa Cha, vì Chúa
Con không tự mình có gì cả nhưng Chúa Cha đã ban tất cả những cái gì Chúa Cha
có cho Chúa Con. Thành ra chúng ta chỉ thật sự được làm con cái Thiên Chúa nếu
chúng ta được ở trong cơ thể Chúa Con. Và đó là điều chúng ta đã được từ ngày
rửa tội. Và mỗi khi đến với Mình Thánh, chúng ta lại được đồng hóa hơn với Chúa
Con, để khi hợp nhất với Chúa Con, chúng ta được thật là con cái Chúa Cha.
Và như vậy để làm gì?
Như thánh Phaolô đã nói trong bài thư hôm nay,
để chúng ta được đồng thừa tự với Ðức Kitô. Và muốn biết Ðức Kitô đã được thừa
tự gì, chúng ta hãy xem ngày Người sống lại và lên trời. Người đã được đầy
Thánh Thần đến nỗi thân thể của Người đã trở nên sáng láng vinh quang y như
vinh quang của Thiên Chúa Cha. Và Người đã sai Thánh Thần đó xuống cho các môn
đệ trong ngày Hiện xuống. Chúng ta chỉ cần nhìn vào đó mà hiểu biết Chúa Thánh
Thần� Người vô hình nhưng
hành động mãnh liệt. Người hành động như Chúa Cha vì Chúa Cha sinh ra muôn vật
thế nào, bây giờ Người đổi mới vũ trụ như vậy. Tất cả đã được tạo dựng lại
trong ngày Người hiện xuống. Người cũng hoàn thành công việc của Chúa Con vì tất
cả những gì Chúa Con muốn làm cho trần gian, bây giờ Người củng cố, đẩy mạnh và
hoàn tất. Người với Chúa Cha và Chúa Con cũng chỉ là một. Và cả ba đều hành động
theo một mục tiêu duy nhất: làm cho tất cả con cái loài người cùng toàn thể vũ
trụ được chia sẻ sự sống đời đời và hạnh phúc bất tận của chính các Người là Ba
Ngôi Thiên Chúa.
Ngày lễ Chúa Ba Ngôi muốn chúng ta suy niệm
chương trình cứu độ đầy tình thương đó. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không được viết
trong sách toán, nhưng trong sách Thánh là sách mạc khải các mầu nhiệm của
Thiên Chúa. Câu tóm tắt sách Thánh, cô đọng mọi mạc khải đã được Phúc Âm hôm
nay gợi lên khi viết: chúng con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ
nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, để hiến dâng họ cho Thiên Chúa Ba Ngôi.
Như vậy, từ nay chúng ta hãy quý dấu Thánh giá,
hãy làm dấu đó để hiến dâng mình đi vào sự sống phúc lộc của Thiên Chúa Ba
Ngôi. Và mỗi lần muốn hiểu thêm về mầu nhiệm này, đọc tất cả sách Thánh một lúc
không được, nhưng nếu cứ ngẫm suy mọi điều trong kinh Tin Kính, chúng ta sẽ lần
lượt hiểu rõ tình thương của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, khiến chúng
ta sẽ thấy đời thật ý nghĩa. Tôi mời anh chị em đứng lên sốt sắng đọc kinh ấy,
để hiểu thêm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, để thấy rõ ràng Ba Ngôi đều chỉ hành
động cho ta và chỉ muốn yêu ta.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)