CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG

Được sai đi trong quyền năng Chúa Thánh Thần

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 20:19-23)

          Chúng ta có thể hình dung khung cảnh Chúa Phục sinh hiện ra với các môn đệ.  Sau khi đã đánh tan đi mọi sợ hãi và làm cho tâm hồn họ vui mừng để sẵn sàng đón nhận lệnh truyền của Người, Chúa Giê-su nói với họ:  “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”.  Rồi Người tiếp:  “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.  Như thế, rõ ràng là việc sai đi liên kết chặt chẽ với việc nhận lấy Thánh Thần.  Nói cách khác, không thể ra đi thi hành sứ mệnh nếu không nhận lấy Thánh Thần.  Đó chính là sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay.

          Mệnh lệnh “được sai đi” bắt đầu từ chính kinh nghiệm bản thân của Chúa Giê-su.  Đó là một khuôn mẫu Chúa Cha đã ấn định để áp dụng cho Chúa Giê-su và đến lượt Chúa Giê-su áp dụng cho các môn đệ Người.  Tuy khác nhau về kẻ được sai đi, nhưng mục đích của việc sai đi thì vẫn là một, nghĩa là để “tha tội cho ai thì người ấy được tha, cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ”.  Để dễ hiểu hơn mục đích của việc sai đi này, chúng ta hãy đọc lại mục đích Chúa Cha xác định khi Người sai Con Một đến trần gian, là để “ai tin vào Con của Người thì không bị lên án  [“được tha”] và kẻ không tin thì bị lên án rồi [“bị cầm giữ”] (Gio-an 3:18)”.  Nói tóm lại, ý nghĩa của mục đích việc sai đi này là để cứu độ những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa nhập thể.

          Vậy trước hết Chúa Cha đã sai Chúa Giê-su đi xuống trần gian như thế nào?  Thưa giản dị, đó là trong quyền năng và sức mạnh của Thánh Thần.  Qua biến cố Truyền Tin, Chúa Giê-su đã được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a khi “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lu-ca 1:35).  Tiếp đến, khi Chúa Giê-su thi hành sứ vụ, Thánh Thần luôn luôn khởi động và hướng dẫn Chúa Giê-su mọi nơi mọi lúc, khi Người chịu phép rửa của Gio-an (Mát-thêu 3:16), khi bị ma quỷ cám dỗ trong hoang địa, rồi trở về Ga-li-lê và trong hội đường Na-da-rét (Lu-ca 4:1,14,18), cuối cùng khi trên thập giá Người “gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Gio-an 19:30).  Thánh Thần trở thành nguyên lý hành động của Chúa Giê-su, dẫn dắt Người suy nghĩ theo tư tưởng của Thiên Chúa (xem Mát-thêu 16:23), nhất là giúp Người luôn trung thành với thánh ý của Chúa Cha.  Từ trên thập giá, Chúa Giê-su chỉ có thể tuyên bố “Thế là đã hoàn tất” (Gio-an 19:30) nhờ Thánh Thần đã đầy tràn tâm hồn Người trong suốt cuộc đời dương thế.

          Bây giờ thì đến lượt chúng ta, các môn đệ Người, được chính Người sai đi.  Cùng một phương thức như Người đã được Chúa Cha sai đi, nghĩa là cũng phải hoàn toàn tùy thuộc vào quyền năng và sự dẫn dắt của Thánh Thần.  Vẫn tiếp nối cùng một mục đích, là để bản thân mình được cứu độ và giúp anh chị em chúng ta cùng được cứu độ.  Là để “vui mừng vì được thấy Chúa” trong hạnh phúc đời đời bên cạnh Chúa Cha.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Phải thú nhận là ý thức “được sai đi” dường như quá mờ nhạt trong nhiều người chúng ta.  Có lẽ chính vì thế mà chúng ta không nhận ra tầm quan trọng của quyền năng và sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống mình.  Nói khác đi, chúng ta sống đời Ki-tô hữu giống như là không có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần vậy!  Làm sao cứu vãn tình trạng nguy hiểm này?  Làm sao làm sống dậy ý thức chúng ta là “đền thờ Chúa Thánh Thần” và cảm nghiệm được sự dẫn dắt của Người?  Chúng ta hãy nhìn vào sinh hoạt và sự phát triển của Giáo Hội qua bao thế kỷ.  Đầy dẫy những chứng tích ghi lại sự hiện diện và hành động của Người:  từ công đồng Giê-ru-sa-lem cho tới Vatican II, từ những vị giáo hoàng vĩ đại cho tới những giáo dân khiêm tốn vô danh, từ những thành công cho tới thất bại, thậm chí cả trong những nhục nhã, đáng tiếc của lịch sử Giáo Hội.  Đều là có bàn tay Chúa Thánh Thần  cả!  Chúng ta hãy nhìn vào đời sống cá nhân của mình, chắc chắn sẽ nhận ra những tình huống, những biến cố mang dấu vết Chúa Thánh Thần.  Thí dụ một lần chúng ta vượt qua được cơn cám dỗ trầm trọng, một lần chúng ta có được một quyết định khôn ngoan, một lần chúng ta đã có thể tha thứ… Rất nhiều cơ hội nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Thánh Thần hằng ở trong chúng ta!

 

            Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B