CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN LINH
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi
DCCT
THEO ÁNH SAO LẠ
Mt 2, 1-12
Cứ mỗi lễ Hiển Linh,
ngôi sao lạ dẫn đương cho ba nhà Đạo sĩ Phương Đông đến tìm gặp Hài Nhi Giêsu
lại hiện rõ trong trí tưởng tượng của mỗi người. Và người ta vẫn thắc mắc tại
sao một ngôi sao lại có thể dẫn đường cho ba nhà Đạo sĩ tìm gặp triều bái Vua
Giêsu ? Ngôi sao có thật hay không hay chỉ là câu chuyện huyền thoại, câu
truyện cổ tích của dân Do Thái ? Tin Mừng thánh Matthêu hôm nay viết rất rõ :”
Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài
Nhi ở, mới dừng lại “ ( Mt 2, 9 ).
Câu chuyện ngôi sao dẫn
đường chỉ lối cho ba nhà Đạo sĩ hay nói chính xác hơn ba nhà chiêm tinh dân
ngoại. Họ khao khát ơn cứu độ. Họ là dân ngoại nhưng lại có niềm tin. Họ đại
diện cho mọi dân tộc trên thế giới. Thấy ánh sao là dấu chỉ trong vũ trụ thiên
nhiên. Họ được thúc đẩy bởi tiếng gọi thiêng liêng. Họ lên đường. Họ đã liều
lĩnh chấp nhận ra đi, bỏ lại tất cả và chấp nhận bước đi trong đêm tối. Và các
nhà Đạo sĩ này chỉ theo ánh sao lạ khi ẩn khi hiện, khi tỏ khi mờ. Các nhà đạo
sĩ đã có một niềm tin thật vững chắc, do đó, các ngài mới dám dựa, dám cậy
trông vào một dấu chỉ xem ra mỏng manh như thế ! Với một đức tin phi thường, họ
đã dám vui mừng :” Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy
Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria “. Các nhà Đạo sĩ thực tế đã có một đức tin
kiên vững, đức tin mạnh mẽ, họ mới dám tin rằng một Vị Vua Giêsu mà lại nằm
trong hang đá máng lừa và rồi họ rất khiêm tốn, bái lạy Hài Nhi Giêsu, rồi mở
bão tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến ( Mt 2, 11 ).
Câu chuyện của ba nhà
Đạo sĩ xưa vậy là câu chuyện của mỗi người chúng ta hôm nay.Ánh sao khi ẩn, ánh
sao khi mất. Ba nhà Đạo sĩ đã tìm lại ánh sao khi nó xuất hiện và họ hết sức
phấn khởi, hạnh phúc. Chúng ta cũng được mời gọi nhìn lên ánh sao của niềm tin,
của hy vọng. Trong cuộc đời thường ngày có rất nhiều ánh sao dẫn chúng ta tới
Chúa chẳng hạn một cử chỉ đẹp, thông cảm, yêu thương của người nào, một nụ cười
của một người đánh tan căng thẳng, một lời khuyên thành thực chân thành, một
nghĩa cử bác ái, một gương sáng khiến chúng ta cảm động, một câu Kinh Thánh
đánh động chúng ta. Chúng ta cũng phải trở nên những ngôi sao sáng chỉ đường,
dẫn người khác tới Chúa.
Ngày nay, nhiều nước
trên thế giới mừng lễ Hiển Linh rất long trọng và lớn hơn cả lễ Giáng Sinh. Bởi
vì, lễ Hiển Linh là lễ Chúa tự tỏ mình ra cho muôn dân, tỏ mình cho dân ngoại
trên khắp thế giới. Lễ Giáng Sinh là lễ Chúa tỏ mình ra cho dân Do Thái, lễ
Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình ra cho chư dân. Đức Giêsu đã rao giảng Nước Trời
khi Ngài bắt đầu sứ mạng công khai và Ngài đã thực hiện sứ vụ ấy trong suốt
cuộc đời của Ngài ở trần thế này. Công việc của Chúa cũng phải được chúng ta
tiếp tục mãi mãi. Chúa Giêsu đã thiết lập Nước yêu thương, công bình và hạnh
phúc, một Nước mà trong đó những người nghèo được quan tâm, được yêu thương và
mọi người sống với nhau như anh em. Đó là Tin Mừng. Đó là sứ điệp lễ Hiển Linh
chúng ta phải công bố.
Éliot đã viết một câu
chí lý :” Nếu bạn không thể là ngôi sao sáng,
Thì hãy là ánh lửa non cao.
Nếu không là ánh lửa non cao,
Xin hãy làm ánh nến tỏa sáng trong gia
đình “.
Xin được tóm tắt sứ điệp lễ Hiển Linh
bằng một hình ảnh rất sống động :
“ Khi bài ca của các thiên thần ngừng
bặt,
khi ngôi sao trên
bầu trời đã biến mất,
khi các vua chúa
và hoàng tử đã ở nhà,
khi các mục đồng
và đàn súc vật đã trở về,
thì công việc
Giáng Sinh mới bắt đầu,
để tìm lại những
gì đã mất,
để hàn gắn những
gì đã gẫy đổ,
để người đói được
ăn no,
để tù nhân được
giải phóng,
để các nước xây
dựng lại,
để đem lại hòa
bình cho mọi người,
và để hòa nhạc bằng trái tim “ .
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng
con, để chúng con mau mắn giới thiệu Nước Trời cho nhiều người .Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Ba nhà Đạo sĩ là
ai ?
2.Họ thuộc các nước
nào ? Họ đại diện cho ai ?
3.Họ mang gì theo ?
4.Họ đã gặp Hài Nhi
Giêsu ở đâu ?
5.Tại sao các nhà
Đạo sĩ không trở về Giêrusalem ?