CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Tâm tình của Chúa Giê-su trong cuộc Thương Khó

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mác-cô 14:1 – 15:47)

          Chúng ta hầu như đã quen thuộc với những gì diễn tiến trong cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, cho nên nhiều khi không biết phải suy niệm điểm gì.  Vậy hôm nay chúng ta thử góp nhặt một vài tâm tình của Chúa trong biến cố đau thương này, để chiêm ngưỡng sự khổ nhục Người chịu vì chúng ta.  Nói khác đi, đâu là thái độ của Chúa đứng trước cuộc Thương Khó?

          Chịu cuộc Thương Khó có nghĩa là cư xử sao cho đúng với mọi người, mọi hoàn cảnh, từ nhân loại tới Thiên Chúa Cha, từ người xấu đến người tốt, từ tòa án đạo cho đến tòa án đời.  Vậy trước hết là tâm tình của Chúa Giê-su đối với Chúa Cha được biểu lộ thật sống động trong lời cầu nguyện của Người với Chúa Cha trong Vườn Cây Dầu.  Không có lời cầu nguyện nào thân mật, đầy tràn tình yêu, thành thực, khiêm tốn và tin tưởng như lời cầu nguyện này.  Nó là kết tụ của cả một đời cầu nguyện, một đời sống trong yêu thương trọn vẹn.  Không cần phải dài lời, nhưng nó giống như mũi tên mạnh mẽ xuyên thẳng vào trái tim Chúa Cha.  Đó là lời cầu nguyện xem ra không được nhậm lời, nhưng thực ra đấy không phải là chủ đích Chúa Giê-su nhắm đến ở đây, mà chỉ là lời tình yêu khẳng định mối tương quan mật thiết Người muốn bày tỏ với Chúa Cha!  Lời cầu nguyện này âm ỉ suốt cuộc Thương Khó và kết thúc bằng một lời khó hiểu:  “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”  Cũng không phải là khó hiểu nếu chúng ta coi lời nguyện của Chúa Giê-su trong Vườn Cây Dầu là tâm tình Cha Con, còn lời nguyện trên thập giá là tâm tình của con người với Thiên Chúa.  Chúa Giê-su phải chu toàn sứ mệnh chịu cuộc Thương Khó vừa là Con Thiên Chúa vừa là con người, thì công cuộc cứu độ của Người mới có giá trị đích thực!

          Tâm tình thứ hai của Chúa Giê-su là đối với các môn đệ.  Bài Tin Mừng cho chúng ta cảm tưởng như Chúa Giê-su là chủ gia đình, đích thân chuẩn bị mọi sự cho các môn đệ cùng Người ăn mừng lễ Vượt Qua.  Người cắt đặt các ông làm việc nọ việc kia.  Người muốn có một bữa tiệc nói lên tình yêu, tình thầy trò, và mọi người có thể bày tỏ cõi lòng.  Người tỏ ra tình yêu đặc biệt đối với những môn đệ phản bội:  Giu-đa và Phê-rô.  Với hai người này, Chúa có cùng một lời cảnh cáo và kêu gọi.  Trong Vườn Cây Dầu, Chúa Giê-su vẫn không nặng lời, dù ba môn đệ thân tín bỏ mặc Người trong cơn hấp hối cầu nguyện với Chúa Cha.  Thực là một tình yêu trung thành, chấp nhận cả những yếu đuối của những người mình yêu thương!

          Chúng ta không thể bỏ qua những tâm tình của Chúa Giê-su đối với kẻ thù.  Trong cuộc Thương Khó, kẻ thù của Chúa Giê-su thật đông đảo và hùng hậu.  Tất cả chỉ là để đối phó với “Người Tôi Trung của Thiên Chúa”, với “con chiên bị đem đi sát tế”.  Đối chất với các thượng tế, kinh sư, những kẻ cáo gian và cả đến kẻ đại diện cho luật pháp xã hội là Phi-la-tô, Chúa Giê-su không nhiều lời.  Người chỉ trả lời ngắn gọn khi cần, ngoài ra là im lặng, một thứ im lặng đầy ý nghĩa.  Người không oán trách những kẻ hành hạ thân xác và tinh thần Người.  Kết thúc những tâm tình đối với kẻ thù được tóm lại trong hai tiếng:  tha thứ.

          Tất cả những tâm tình của Chúa Giê-su trong cuộc Thương Khó đã chứng minh cho một chân lý mà viên đại đội trưởng Rô-ma đã tuyên xưng khi ông ta nhìn lên Chúa chết trên thập giá:  “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!”

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Dĩ nhiên chúng ta có thể khám phá nhiều tâm tình khác của Chúa Giê-su trong cuộc Thương Khó của Người, nhưng chúng ta cần trả lời thành thực câu hỏi:  Vậy đâu là những tâm tình của Chúa Giê-su đối với tôi khi Người trải qua cuộc Thương Khó?  Người đối xử với tôi thế nào vì tôi là môn đệ Người?  Vì tôi là một kẻ tội lỗi, là kẻ thù của Người?  Tôi có nhận ra được tình yêu đặc biệt Người dành cho tôi, khi Người chịu cáo gian, đánh đập, vác thập giá, sỉ nhục và cuối cùng chết quằn quại trên thập giá không?  Đề tài suy niệm cuộc Thương Khó của Chúa thật phong phú!  Mong chúng ta hết thảy được kết hiệp với Người.

           Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B