LỄ MÌNH MÁU CHÚA
KITÔ
Linh mục Giuse
Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Mc 14, 12-16, 22-26
Buổi chiều ngày thứ năm tuần thánh, Chúa Giệsu
và các môn đệ đã ăn bữa tiệc Vượt Qua. Trong bữa tiệc cuối cùng của cuộc đời
Chúa Giêsu, Ngài đã làm một việc để đời.Bởi vì, chỉ mình Chúa mới biết việc
Ngài sẽ làm mà thôi. Các môn đệ đã tìm cho Chúa một căn phòng và các Ngài chỉ
phải lo những việc bề ngoài cho bữa ăn như bánh không men, rượu nho và rau diếp
đắng. Chúa Giêsu đã tiên liệu nhiều việc cho bữa tiệc Vượt Qua này…
Chiều hôm nay trong bữa tiệc cuối cùng với các
môn đệ trước khi Chúa Giêsu đi chịu chết ( Lc 22, 15 ), Ngài đã làm cho các môn
đệ thật bỡ ngỡ vì cũng những tấm bánh thường xuyên hằng ngày các môn đệ từng
ăn, cũng chén rượu nho, Chúa Giêsu và các môn đệ vẫn uống khi Chúa Giêsu bẻ
bánh và traocho các môn đệ, và nói :” Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy
“ (Mc 14, 22 ). Đối với rượu nho cũng
thế, Ngài nói :” Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người “ ( Mc14,
24 ). Như thế, qua hành vi tạ ơn Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đã biến đổi tận căn
và biến bánh, rượu thành Mình và Máu mình. Chịu lấy Mình và Máu Chúa là thông
hiệp vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta biết rằng, sau buổi
chiều đáng ghi nhớ đó, ngày hôm sáu trên
đồi Golgotha, Máu của Chúa đã đổ ra trên thập giá…Chúa Giêsu không còn hình
tượng gì nữa. Trên Núi Sọ, Chúa Giêsu chỉ chết một lần, nhưng muôn đời sẽ không
bao giờ phai nhòa, nó có ảnh hưởng trên suốt lịch sử cứu độ. Hành vi, cử chỉ
của Chúa Giêsu trong nhà tiệc ly,Chúa muốn nó được lập lại mọi ngày cho tới
ngày cùng tận :” Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy “ ( Lc 22, 19 ).
Hy lễ trên Núi Sọ sẽ được tái diễn hằng ngày
cho đến tận thế. Đó là mầu nhiệm tình yêu, mầu nhiệm hiệp thông và là mầu nhiệm
đức tin. Mầu nhiệm tình yêu bởi vì qua cái chết và sống lại của Chúa, Chúa đem
hạnh phúc, đem lại ơn cứu độ cho loài người, cho con người. Mầu nhiệm thông vì
qua sự chết và sống lại của Chúa, chúng con cũng được tham dự vào cái chết của
Ngài…Do đó mỗi lần cử thánh lễ, vị linh mục tái diễn lại lễ hy sinh của Chúa
Giêsu trên thập giá.Sự chết của Chúa Giêsu xưa trở thành hiện tại để đem lại ơn
cứu độ và hạnh phúc, giải thoát cho con
người khỏi mọi tội lỗi ngay lúc này và mọi thời. Tham dự thánh lễ là hiệp thông
với Chúa Giêsu qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Khi rước mình và máu Chúa
là chúng ta được kết hợp với Đấng đã yêu thương chúng ta và yêu thương cho tới
cùng, yêu cho đến chết :” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người
hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ) hoặc “Khi nào Ta được giương
cao khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta “.
Chúng ta được tham dự thánh lễ, được hiệp thông
với Đấng chết và sống lại vì chúng ta. Do đó mỗi lần rước mình và máu Đức Kitô
là chúng ta sống chính đời sống của Chúa. Chúng ta chia sẻ, cảm thông và giúp
đỡ mọi người bởi vì đời sống của chúng ta không còn bị giam hãm trong ích kỷ,
tham lam và khép kín. Chịu lấy mình và máu thánh của Chúa là sống trong tình
yêu, trong sự hiệp nhất của Đấng đã vì yêu thương con người nên đã chết cho con
người. Chịu lấy Chúa vào lòng là để chính Chúa biến đổi đời mình và làm cho đời
mình trở nên tinh trong hầu mình có thể chia sẻ và quảng đại giúp người khác,
để họ cũng được hạnh phúc như mình.
Có Chúa ở trong lòng, chúng ta sẽ muốn đến với
anh chị em,chúng ta mới được thúc đẩy đến với anh chị em vì chính Chúa đã đồng
hóa với những người nghèo, người đơn côi, neo đơn, vất vả vv…
Mình Máu thánh Chúa là mầu nhiệm đức tin,nên
càng nhận lãnh Chúa vào lòng, chúng ta càng hăng say, can đảm đem hiến lễ đời
mình hiệp với cuộc hiến tế của Chúa Giêsu và với hy tế của anh chị em chúng ta.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con để
chúng con luôn yêu mến,tôn kính Bí Tích Thánh Thể . Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể lúc nào và ở
đâu ?
2.Rước Mình Máu thánh Chúa Giêsu để làm gì ?
3.Khi linh mục tế lễ là ai tế lễ ?
4.Khi linh mục đọc lời truyền phép là ai đọc
lời truyền ?
5.Chúa tự đồng hóa mình với những ai ?