CHÚA NHẬT 10 THƯỜNG NIÊN

Thánh Thể biểu lộ tình yêu Thiên Chúa

Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mác-cô 14:12-16,22-26)

          Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô kể lại việc Chúa Giê-su chuẩn bị cho bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ.  Chúa đã sắp đặt nơi chốn và những thứ cần thiết qua trung gian của một người bạn thân.  Người đàn ông mang vò nước là tín hiệu dẫn hai môn đệ tới địa điểm.  Khi đến nơi, chủ nhà chỉ cho họ căn phòng “đã được chuẩn bị sẵn sàng”.  Rồi khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa phán:  “Đây là mình Thầy… đây là máu Thầy”.  Động lực nào đã khiến Chúa Giê-su làm và phán những điều ấy?  Câu trả lời hẳn là ý nghĩa đích thực của Bí tích Thánh Thể mà Phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta suy niệm.

          Có lẽ chúng ta ít khi để ý tới việc Chúa chuẩn bị gần để mừng lễ Vượt Qua.  Đây không phải là mừng lễ Vượt Qua như mọi năm, nhưng là lễ Vượt Qua của bản thân Chúa Giê-su, qua cuộc Thương Khó để tiến tới Phục Sinh, qua đau khổ và đổ hết máu ra để chiến thắng tội lỗi và sự chết.  Nhưng quan trọng hơn cả, mừng lễ Vượt Qua lần này là để Người “ở lại” với nhân loại cho đến tận thế một cách nhiệm mầu, tức là Bí tích Thánh Thể.  Vì tầm quan trọng ấy, Chúa Giê-su đã bí mật và đích thân sắp xếp, chuẩn bị cho giờ phút trọng đại thiết lập phép Thánh Thể.

          Chúa Giê-su muốn ở lại với tất cả con người của mình, với chính thân thể và máu của Người.  Cho nên sự hiện diện của Người không phải là hiện diện tượng trưng bằng tấm bánh hay chén rượu, mà là sự hiện diện thực sự và theo bản thể, bản thể Thiên Chúa và bản thể nhân loại của Người.  Người ở lại giữa chúng ta như một giao ước, không phải giao ước bằng bia đá hay giấy tờ       , mà là giao ước bằng thân thể bị trao nộp vì chúng ta và bằng máu đổ ra vì muôn người.  Do đó, Chúa Giê-su lập Bí tích Thánh Thể là để “làm trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm” (Do-thái 9:15).  Chúa Giê-su hiện diện qua Bí tích Thánh Thể là để tiếp tục yêu thương và cứu độ chúng ta.  Có thể chúng ta ít khi nghĩ đến chiều kích cứu độ của Bí tích Thánh Thể, nhưng Chúa Giê-su đã nói rõ ràng về mục đích của Mình Chúa bị trao nộp và Máu Người được đổ ra là để cứu độ chúng ta.  Việc này nhắc nhớ chúng ta suy nghĩ và ngưỡng mộ tình yêu của Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Con Một đến để cứu chúng ta.  Thư Do-thái cũng nêu lên sự cộng tác của Chúa Thánh Thần trong công cuộc cứu độ này:  “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa” (9:14).  Bí tích Thánh Thể không lặng lẽ như chúng ta thấy qua hình ảnh ngọn đèn nhà tạm leo lét đâu, nhưng là hình ảnh diễn tả một tình yêu sôi sục của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng muốn thực sự ở lại và tiếp tục cứu độ chúng ta.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Chúng ta đã thấy Chúa Giê-su rất mong muốn có một cuộc “ở lại” hạnh phúc với chúng ta, nên Người đã cẩn thận chuẩn bị lập Bí tích Thánh Thể như thế nào.  Chúng ta đã chứng kiến tình yêu cứu độ của Chúa Cha dành cho chúng ta qua cuộc đời rao giảng và hy sinh mạng sống của Con Một là Chúa Giê-su.  Chúng ta cũng cảm nghiệm tình yêu thánh hóa của Chúa Thánh Thần qua sự trưởng thành của Giáo Hội và đời sống đức tin lớn lên trong tâm hồn chúng ta.  Tất cả những cách biểu lộ tình yêu này được thu gọn trong một dấu chỉ cuối cùng, đó là Bí tích Thánh Thể.  Vậy chúng ta phải làm gì để đáp lại tình yêu lớn lao ấy?

          Khi Chúa trao cho các môn đệ bánh là chính Mình Chúa, các ông đã “cầm lấy và ăn”.  Khi Người trao cho họ chén rượu là Máu Người, thì “tất cả đều uống chén này”.  Họ làm như thế để được “ở lại” với Chúa, để tình yêu biến đổi họ và để được Người cứu độ.  Nếu Bí tích Thánh Thể không biến đổi chúng ta và không tác động chúng ta, đó là tại chúng ta vô cảm, không đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, là tại chúng ta chỉ cầm lấy mà ăn và nhận lấy mà uống một cách vô ý thức mỗi khi lên rước lễ.  Cái bệnh vô ý thức này dễ nhận thấy lắm, nhất là qua cung cách khi lên nhận Mình Máu Chúa và cám ơn Người đã ngự vào lòng chúng ta, mặc dù chúng ta không xứng đáng!

 

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi      


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B