Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Năm B
Mầu
nhiệm hàm chứa trong bí tích tình yêu
(Xuất hành 24,3-8; Thư Hipri 9,11-15; Tin Mừng Marcô
14,12-16.22-26)
Phúc Âm: Mc 14, 12-16. 22-26
"Này là Mình Ta. Này là Máu Ta".
Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men
là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng:
"Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?" Người
liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: "Các con hãy vào thành, và nếu gặp một
người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các
con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: 'Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ
Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?' Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng
rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó". Hai môn
đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.
Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời
chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: "Các con hãy cầm lấy, này là
Mình Ta". Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều
uống. Và Người bảo các ông: "Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều
người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày
Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa". Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy
trò đi lên núi Cây Dầu.
Suy Niệm:
Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Năm B
Xuất hành 24,3-8; Thư Hipri 9,11-15; Tin Mừng
Marcô 14,12-16.22-26
Câu kết và cả bài Phúc Âm hôm nay dường như lại
muốn đưa chúng ta trở về bầu khí của ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Mà quả thật, ngày
lễ hôm nay bắt nguồn từ ngày đó. Hôm ấy, chúng ta kính nhớ việc Chúa Yêsu lập
phép Thánh Thể. Ðó là biến cố đặc biệt và thâm thúy quá, lẽ ra phải để ra nhiều
giờ mà suy niệm. Nhưng hôm ấy, Giáo hội phải vội đi theo Chúa Yêsu trong mầu
nhiệm cứu thế. Bỏ bàn Tiệc ly Chúa với các môn đệ ra đi lên núi Cây Dầu. Rồi
Chúa bị bắt, bị tra, bị đánh, bị đóng đinh vào thánh giá... Biết bao là việc kế
tiếp nhau dồn dập! Giáo hội phải âu yếm đi theo Chúa ngay, không thể dừng lại
lâu để suy nghĩ về bí tích Thánh Thể mà Chúa vừa thiết lập. Giáo hội hôm đó chỉ
chầu Mình Thánh Chúa một lúc thôi. Nên hôm nay, sau khi đã đi hết chu kỳ phụng vụ
và tưởng niệm hết các mầu nhiệm chính trong lịch sử cứu độ, Giáo hội dừng chân,
lấy lại công việc bỏ dở hôm trước chạy đến với bí tích Thánh Thể một lần nữa để
tìm hiểu cho hết ý nghĩa sâu xa của bí tích tình yêu này.
Và Giáo hội thấy đây là một mầu nhiệm cao cả,
mầu nhiệm bao trùm, chứa đựng mọi mầu nhiệm khác. Hát ca tung hô mấy cũng không
vừa. Vì thế Giáo hội khuyến khích chúng ta cố gắng tối đa để tôn sùng mầu nhiệm
ấy. Lễ Mình Thánh Chúa trở thành một lễ lớn làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi
lễ khác, đến nỗi trong suốt năm, lễ nào cũng chỉ là lễ Thánh Thể tạ ơn. Thế
nên, mầu nhiệm lễ này không thể diễn tả một lần. Hy vọng đây chỉ là khởi điểm
cho những suy niệm sâu xa hơn.
Ðể bắt đầu, chúng ta hãy nhớ lại bài Phúc Âm.
Hôm ấy các môn đệ hỏi ý Chúa Yêsu về việc dọn lễ Vượt qua. Ðó là ngày hội lớn
trong dân. Càng những người đạo đức như các tông đồ lại càng háo hức mừng lễ
trọng đại này. Vì hôm nay toàn dân sẽ tưởng niệm Ngày hoàn toàn được giải phóng
khỏi ách nô lệ, được đưa vào đất chảy sữa và mật. Kỷ niệm ấy lại càng đáng nhắc
nhở khi dân Chúa ngày nay đang sống dưới ách ngoại bang. Khơi lại lịch sử cũ và
sưởi ấm lòng người để quy hướng về tương lai.
Các tông đồ muốn ăn lễ Vượt qua trong viễn
tượng trông chờ ngày cứu độ mà các tiên tri từng nói tới. Chúa Yêsu chia sẻ
những cảm tình đó. Người tỏ ra rộng rãi, bảo môn đệ đi dọn một căn phòng trang
trọng. Rồi, như Phúc Âm Yoan cho chúng ta biết, Người đã bước vào phòng ăn một
cách đặc biệt, bởi vì Người biết đã đến giờ Người hành động, nên Người tuyên
bố: Thầy đã từng ước ao ăn lễ Vượt qua này với chúng con. Câu nói hẳn đã làm
cho các môn đệ phải lưu ý. Thầy sắp có một hành vi nào đây. Phải chăng Người
sắp công bố Công cuộc cứu dân độ thế của Người. Người vẫn xưng mình là đấng
phải đến, là Ðấng Thiên Sai cứu thế. Thì đây là lúc thuận tiện nhất để công bố
một kế hoạch như vậy. Tâm lý mọi người ngồi ăn đang hướng về tương lai cứu độ.
Có lẽ vì vậy mà vừa ngồi xuống, các môn đệ đã
bắt đầu tranh nhau xem ai sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời. Họ như đã được
lôi vào bầu khí, tưởng bữa tiệc hôm nay sẽ khai Nước Trời ở trần gian. Ðủ mặt
12 tông đồ đại diện cho 12 chi tộc
Lời nói và thái độ của Chúa Yêsu hôm nay rõ
ràng như muốn thực hiện điều đó ở trong bữa ăn này. Thế nên bàn tiệc Thánh Thể
quả thật là Nước Trời. Quá khứ, hiện tại, tương lai phải lấy đây làm mốc. Tất
cả lịch sử cựu ước hướng về bữa ăn này; và tất cả tương lai của lịch sử cứu độ
cũng phát xuất từ đây. Ước gì mỗi khi đến dự bàn tiệc Thánh Thể chúng ta có
được tâm trạng của các môn đệ ngày xưa cảm thấy đây là giây phút trọng đại của
tất cả lịch sử loài người.
Quả thật, Phúc Âm hôm nay kể tiếp: đang khi ăn,
Chúa Yêsu cầm lấy bánh mà đọc: này là Mình Ta sẽ bị nộp vì chúng con. Rồi Người
lại cầm lấy chén rượu mà phán: Này là Máu Ta, Máu tân ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho
muôn người được khỏi tội. Thật là rõ ràng, Chúa Yêsu đã biến mình trở thành con
chiên vượt qua. Bữa ăn này không phải chỉ tưởng niệm lễ Vượt qua của người
Dothái nữa, nhưng từ nay muốn thay hẳn lễ vượt qua này. Vì Con Chiên Vượt qua
đích thực là đây, nơi con người mà trước kia Yoan đã trỏ vào mà nói: đây là Con
Chiên Thiên Chúa gánh tội thiên hạ. Hôm ấy, Anrê đã có mặt... Ông đã nghe rõ
lời Yoan. Ông xin Yoan cho đi theo Chúa Yêsu. Hôm nay chắc ông mới hiểu rõ lời
của Yoan, vì trong lễ Vượt qua này, rõ ràng Chúa Yêsu đã muốn bỏ quên máu chiên
để nói máu mình.
Và bữa ăn hôm nay, với những lời tuyên bố kia,
rõ rệt cũng muốn thay thế lễ nghi ký kết giao ước như Môsê đã làm. Hôm ấy như
bài đọc I hôm nay kể, ông đã lấy máu bò rảy trên dân để tuyên bố giao ước giữa
Chúa và dân. Hôm nay Ðức Kitô đã lấy chính máu mình đưa cho các môn đệ uống và
công bố đó là máu giao ước mới và vĩnh cửu. Như vậy cũng đã chấm dứt giao ước
cũ và dĩ hậu trong tương lai cũng chẳng còn giao ước nào khác nữa vì đây đã là
giao ước mới và vĩnh cửu rồi.
Thành ra các lời tiên tri loan báo Nước Trời,
về bữa ăn thịnh soạn sẽ bày ra trên đỉnh đồi Sion để công bố thời đại thiên sai
hòa giải nay cũng đã được thực hiện trong bữa ăn giữa Chúa và các môn đệ... Các
tiên tri đã loan báo thời đại cứu thế như thời thái hòa: Chúa tha hết tội lỗi
cho dân, dân trở thành nơi quy tụ các dân tộc, các dân tộc sống với nhau trong
hòa bình và thông cảm. Hôm nay cầm lấy chén rượu, Chúa Yêsu tuyên bố đây là
chén máu của giao ước mới và vĩnh cửu, tha tội cho dân và cho mọi người. Chúa
Yêsu muốn thực hiện mọi lời tiên tri, khiến bàn tiệc Thánh Thể hôm nay trở
thành bàn tiệc Nước Trời và ai muốn được ơn nào bởi trời, phải đến với bàn tiệc
Thánh Thể.
Quả vậy, trong bàn tiệc này, không thiếu một ơn
trên trời nào. Chúng ta cần trời ban cho những ơn nào? Sức khỏe phần xác và
giàu sang phú quý ư? Chắc chắn đó không phải là những ơn đầu tiên chúng ta cần
trời ban cho. Những ơn đó quá gần với mặt đất, nên có cầu xin, chúng ta cũng
chỉ coi như là những ơn phụ, đi kèm và biểu lộ những ơn phần hồn quan trọng hơn.
Chính Chúa Yêsu cũng có ý như vậy khi dùng bánh
rượu vào tiệc bồi dưỡng tâm hồn. Chúa ban Mình Máu Người cho ta dưới hình thức
bánh rượu để nói lên ý Chúa muốn nuôi dưỡng tâm hồn ta nhưng cũng không quên
đời sống vật chất của mọi người. Những ơn mà ta cần trời ban cho hơn cả chính
là tình thương của Thượng đế, ơn tha tội mà chỉ mình Người mới có thể ban được,
để chúng ta được hòa giải với Người hầu sống trong tình thương của Người.
Thế mà Thánh Thể lại muốn ban chính ơn ấy cho
ta. Chén máu mà chúng ta lãnh nhận là chén máu giao ước tha tội. Và tấm bánh mà
chúng ta cầm ăn chính là mình Chúa chịu nộp vì chúng ta. Lãnh nhận Thánh Thể
như vậy là lãnh nhận được ơn cao cả nhất mà chúng ta cần được Chúa ban cho. Mọi
ơn khác được bao hàm trong ơn cứu độ phong phú này. Tìm đến với Thánh Thể là
tìm được điều cần thiết duy nhất và mọi sự khác sẽ được ban thêm cho. Chúng ta
chỉ còn việc làm cách nào hầu lãnh nhận được ơn Thánh Thể cho sung mãn.
Chính Chúa Yêsu khi lập Bí tích Thánh Thể đã
gợi ý cho ta: chúng con hãy làm việc này để nhớ đến Ta. Và thánh Phaolô đã
quảng diễn: mỗi khi ăn bánh và uống chén rượu này, anh em loan truyền việc Chúa
chịu chết cho đến khi Người lại đến. Nghĩa là chúng ta luôn luôn phải cử hành
mầu nhiệm Thánh Thể trong bầu khí Chúa chịu chết của ngày thứ Năm Tuần Thánh.
Chúng ta phải có tâm tình hơn những người Dothái khi ăn thịt chiên vượt qua, vì
Mình Thánh Chúa đây mới thật là thịt chiên vượt qua của đạo mới. Thế mà người
Dothái ngày trước khi ăn lễ chiên đã có tâm trạng dứt khoát từ bỏ nếp sống nô
lệ để dấn thân vào nếp sống tự do mới mẻ. Chúng ta tham dự phụng vụ Thánh Thể
phải có tâm hồn cương quyết hơn nữa muốn dứt bỏ đời sống tội lỗi và xác thịt để
sống cho Thiên Chúa. Và như dân Dothái ngày xưa khi làm lễ giao ước đã thề hứa
sống liên kết với Chúa và trung thành với Lời Chúa thế nào, thì chúng ta ngày
nay càng cần phải có tâm trạng như thế vì trong bàn tiệc Thánh Thể này có máu
giao ước thật thay cho máu bò xưa.
Nếu tham dự lễ nghi Thánh Thể trong viễn tượng
ấy, chúng ta có thể nhìn vào Mình Máu Thánh Chúa mà nói với tác giả thư Hibá
như chúng ta vừa nghe đọc: Chúa Kitô xuất hiện như vị thượng tế... Người hiến
tế chính mình làm của lễ trong sạch... Máu Người sẽ tẩy sạch lương tâm chúng
ta, khiến chúng ta có thể phụng thờ Thiên Chúa hằng sống... và nhờ sự chết của
Người mà những kẻ được kêu gọi đến lãnh gia nghiệp đời đời.
Ít là hôm nay chúng ta hãy tham dự thánh lễ với
tất cả những ý nghĩa đó. Và mong rằng ngày hôm nay khi tôn sùng Thánh Thể bằng
bao nghi thức long trọng bên ngoài, chúng ta hằng suy niệm trong lòng tất cả
các mầu nhiệm hàm chứa trong bí tích tình yêu, để ai tin và ăn bánh này sẽ được
trường sinh.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)