CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
Sống tinh thần mùa Chay với Chúa Giê-su
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô
1:12-15)
Bài Tin Mừng thật ngắn gọn hôm nay cho chúng ta hai hình ảnh
về Chúa Giê-su: Người chịu cám dỗ trong
hoang địa và Người ra đi rao giảng Tin Mừng.
Với ít nét chấm phá, thánh sử Mác-cô đã có thể trình bày chân dung rất sống
động của Chúa Giê-su. Chúng ta cùng
chiêm ngưỡng hình ảnh Chúa, nhưng cũng không quên tự hỏi Phụng vụ Lời Chúa hôm
nay muốn nói gì với chúng ta khi đưa đoạn Tin Mừng này vào phần bài đọc.
Chúa Giê-su trong hoang địa không phải là một khung cảnh
thiếu màu xanh cây cỏ hay sự sống động vật như chúng ta thường thấy. Trái lại ở đấy có sự hiện diện của Thánh Thần, Đấng đã “đẩy” Chúa Giê-su
vào hoang địa và ở lại để hướng dẫn Người.
Đối đầu với Thánh Thần là Xa-tan,
kẻ cám dỗ. Bên cạnh hai “lực lượng” chủ
yếu này, còn có những nhân vật phụ như loài dã
thú và các thiên sứ. Nếu các loài dã thú hùa với Xa-tan để áp đảo
Chúa Giê-su, thì phía bên này lại có các thiên sứ hiệp với Thánh Thần sẵn sàng yên
ủi và hầu hạ Chúa Giê-su. Chúa Giê-su
đang ở giữa mặt trận cám dỗ của ma quỷ.
Dĩ nhiên có sự nâng đỡ của Thánh Thần, nhưng chìa khóa thắng trận tùy
thuộc vào ý chí tự do của Chúa Giê-su giữa hai lựa chọn: đi theo đường lối của Thiên Chúa hay ngả theo
những hứa hẹn của Xa-tan? Kết quả cuộc
chiến giữa Chúa Giê-su và Xa-tan như thế nào?
Ai thắng ai bại? Thánh Mác-cô
không nói đến, nhưng qua các thánh sử khác, chúng ta biết Chúa Giê-su đã chiến
thắng vinh quang và Xa-tan bỏ đi để chờ dịp khác! Có lẽ lý do thánh Mác-cô không nói là vì ngài
muốn để cho chúng ta có dịp suy gẫm về chiến thắng ấy một cách sáng tạo hơn.
Hình ảnh thứ hai về Chúa Giê-su là Người ra đi thi hành sứ
vụ. Thánh Mác-cô xác định thời gian cho
việc thi hành sứ vụ của Chúa là “sau khi ông
Gio-an bị nộp”. Đây là thời điểm tiếp nối giữa sứ mệnh của
hai nhân vật quan trọng: sứ mệnh của
Gio-an chấm dứt để bắt đầu sứ mệnh của Chúa Giê-su. Trong lịch sử cứu độ, không có sự ngắt quãng,
nhưng là tiếp nối, vì Thiên Chúa vẫn luôn
luôn “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi
phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Gio-an 3:16). Sự tiếp nối ấy được thể hiện ngay cả trong lời
giảng của hai vị. Thánh Gio-an Tẩy Giả
kêu gọi: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mát-thêu 3:2). Giờ đây Chúa Giê-su đến rao giảng về Nước Trời
cũng lặp lại: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại
Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mác-cô
1:15). Theo cùng một cách tường thuật về
việc Chúa Giê-su chịu cám dỗ, ở đây thánh Mác-cô cũng chỉ giới thiệu hình ảnh một
Chúa Giê-su đi rao giảng; còn Chúa rao
giảng sám hối và kêu gọi lòng tin như thế nào thì thánh sử để dành cho chúng ta
tự mình khám phá qua những trang sách Tin Mừng của ngài!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chúng ta vừa mới bước vào mùa Chay thì Phụng vụ Lời Chúa đã
vội vàng giới thiệu với chúng ta một Chúa Giê-su chịu cám dỗ và kêu gọi người
ta sám hối. Chắc chắn là Giáo Hội muốn
nói với chúng ta sứ điệp này: Như Chúa
Giê-su đã chịu cám dỗ và đã chiến thắng như thế nào, Ki-tô hữu chúng ta cũng phải
theo cùng một mẫu gương ấy mà đối phó với cám dỗ trong những ngày sống trên trần
gian này.
Tuy nhiên khi trình bày Chúa Giê-su kêu gọi người ta sám hối
và tin vào Tin Mừng, Giáo Hội bảo chúng ta không chỉ dừng lại ở việc chống cám
dỗ, nhưng tích cực hơn nữa, chúng ta hãy đáp lời kêu gọi của Chúa Giê-su. Người mời gọi chúng ta bước vào một hành
trình gồm hai việc liên quan và hỗ trợ nhau:
sám hối và tin vào Tin Mừng. Nếu không sám hối và thay đổi, chúng ta không
thể tin vào Tin Mừng. Đổi lại, một khi
chúng ta đã bắt đầu tin vào Tin Mừng rồi, chúng ta sẽ nhận ra nhu cầu cần phải
sám hối, để sám hối giúp chúng ta tống ra khỏi tâm hồn mọi xấu xa tội lỗi và tạo
môi trường thuận lợi cho Tin Mừng hoạt động mạnh mẽ trong chúng ta. Những tín hiệu của mùa Chay: chống cám dỗ, sám hối, tin vào Tin Mừng. Bạn hãy đọc, hiểu và thực hành những tín hiệu
ấy nhờ và với Chúa Giê-su!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi