CHÚA NHẬT II MÙA CHAY
Chúa Giê-su trung thành với sứ mệnh
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô
9:2-10)
Thánh Mác-cô kể lại ba lần Chúa Giê-su tiên báo cuộc Thương
Khó và Phục Sinh của Người. Lần tiên báo
thứ nhất đã khiến cho ông Phê-rô “kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người”. Đáp lại, Chúa Giê-su đã mắng ông Phê-rô và gọi
ông là “Xa-tan”, ám chỉ ông cám dỗ Người không theo tư tưởng của Thiên
Chúa! Tiếp theo Người dạy các Tông đồ về
những điều kiện để đi theo Người, như từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày. Có lẽ việc Chúa tiên báo cái chết và đưa ra
những điều kiện theo Người đã làm cho các ông nản lòng, hay ít nhất muốn đặt lại
vấn đề có nên tiếp tục làm môn đệ Người nữa không. Chúa Giê-su đã có cách của Người để giải quyết
khó khăn này, đó là tỏ ra cho mấy Tông đồ một chút vinh quang Thiên Chúa, giúp
họ nhận ra đâu là sứ mệnh đích thực của Người.
Việc Chúa Giê-su biến đổi hình dạng trên núi đã xảy ra cách
sáu ngày sau khi Chúa tiên báo cuộc Thương Khó.
Thời gian ngắn ấy chứng tỏ sự cấp bách cần phải thay đổi cách nhìn và hy
vọng của các môn đệ. Sau khi nghe Chúa
nói, họ đã “vỡ mộng” và thấy không thể chấp nhận cái chết khổ nhục đã được Người
tiên báo. Giống như bị dội gáo nước lạnh,
họ không thể tin Thầy mình lại thụ động trước một cái chết lãng xẹt như vậy. Là một vị giảng thuyết có sức lôi cuốn dân
chúng, một đấng thực hiện rất nhiều phép lạ, có quyền năng truyền cho sóng gió
im lặng, Người không thể để mình lọt vào tay kẻ thù được! Đó là lối suy nghĩ của Phê-rô và các anh em
Tông đồ, lối suy nghĩ của loài người chứ không phải của Thiên Chúa. Các ông muốn Chúa Giê-su phải là một nhà giải
phóng dân tộc hay một chính trị gia. Làm
sao Chúa thay đổi ý nghĩ của họ đây? Câu
trả lời chính là Kinh Thánh. Kinh Thánh
đã nói về sứ mệnh của Đấng Ki-tô,
danh hiệu chính ông Phê-rô đã tuyên xưng về Chúa (Mác-cô 8:29). Mà đại diện cho Kinh Thánh là ông Mô-sê và
ngôn sứ Ê-li-a. Cho nên sự xuất hiện của
hai vị và cuộc đàm đạo của họ với Chúa Giê-su là nhắm mục đích dùng Kinh Thánh
làm sáng tỏ sứ mệnh của Đấng Ki-tô. Việc này vừa là dịp để chính Chúa Giê-su xác
tín sứ mệnh của mình, vừa giúp cho Phê-rô và các bạn “điều chỉnh” lại cái nhìn
về Thầy mình.
Xác tín lý tưởng đời mình là điều cần thiết. Thường những ngoại cảnh và ảnh hưởng của người
khác có thể làm lay chuyển lý tưởng của chúng ta. Vì thế cần có những cơ hội để
xét lại thay đổi nếu cần, nhưng nhất là để mình trung thành hơn với lý tưởng.
Chúa Giê-su đã làm công việc củng cố lý tưởng qua biến cố Hiển Dung. Việc củng cố này không những giúp ích cho bản
thân Chúa Giê-su, mà còn có thể thay đổi cái nhìn của các môn đệ nữa. Thiên Chúa Cha rất bằng lòng về lòng trung
thành với lý tưởng của Con Một Người, cho nên Người không ngần ngại phán với
các môn đệ của Chúa Giê-su: “Đây là Con
Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Trên đường xuống núi, Chúa Giê-su đã căn dặn các môn đệ
“không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi
chết sống lại”. Đó là những điều chúng
ta thường gặp Chúa Giê-su căn dặn trong sách Tin Mừng Mác-cô. Chúa Giê-su ngăn cấm bất cứ ai nói về Người
khi họ chưa thực sự hiểu rõ chân tính của Người hoặc chưa biết chắc chắn Người
là Đấng nào. Điều kỳ lạ này các học giả
Kinh Thánh gọi là “bí mật về Đấng Mê-si-a”, và bí mật về chân tính chỉ được biểu
lộ rõ ràng qua lời tuyên xưng của viên sĩ quan Rô-ma khi ông nhìn lên Chúa
Giê-su trên thập giá: “Quả thật, người
này là Con Thiên Chúa” (Mác-cô 15:39).
Biến cố Hiển Dung của Chúa Giê-su hôm nay dạy chúng ta phải
xác tín vào lý tưởng đời mình. Ở trong bậc
sống nào thì lý tưởng cuộc đời chúng ta cũng phải đặt trên nền móng là Lời Chúa
và thánh ý Người. Chúa Giê-su đã dựa vào
Kinh Thánh Cựu Ước và thánh ý Chúa Cha để củng cố sứ mệnh của mình, can đảm lên
Giê-ru-sa-lem hoàn tất kế hoạch của Chúa Cha.
Cũng thế, liệu chúng ta có biết lấy “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi” (Thánh Vịnh 119:105) để Lời Chúa giúp chúng ta biết
trung thành với sứ mệnh không?
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi