CHÚA NHẬT III MÙA CHAY
Tin Chúa Ki-tô đã chết và sống lại
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an
2:13-25)
Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại hình ảnh một Chúa Giê-su khác
hẳn với hình ảnh chúng ta thường gặp.
Không phải một Chúa Giê-su “hiền lành và khiêm nhường”, nhưng một Chúa
Giê-su giận dữ và hành động của Người như mang vẻ bạo lực. Người thẳng tay đuổi mọi kẻ buôn bán và đổi
tiền cũng như các con vật ra khỏi Đền Thờ.
Người thách thức kẻ thù “cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày Người sẽ xây dựng lại”. Thực là khó hiểu về một Chúa Giê-su như vậy.
Tuy nhiên việc các môn đệ Chúa Giê-su “nhớ lại lời đã chép
trong Kinh Thánh” và “nhớ lại Người đã nói điều đó” sẽ giúp chúng ta hiểu được
hành động và lời nói khác thường của Người.
Vậy điều trước hết các môn đệ Chúa đã nhớ lại là gì? Để hiểu sự giận dữ của Chúa Giê-su khi thanh
tẩy Đền Thờ, họ “nhớ lại lời đã chép
trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc
nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”.
Lời Kinh Thánh nói trên đã giúp các môn đệ Chúa hiểu tại sao Người phải
chết. Chúa Giê-su đã “nhiệt tâm lo việc
nhà Chúa” khi Người thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng và chữa lành. Người đã nhiệt tâm đến độ sẵn sàng chấp nhận
cái chết để chu toàn “việc nhà Chúa”, tức chu toàn sứ mệnh cứu độ trần gian mà
Chúa Cha đã trao cho Người. Chúa Cha sai
Người đến để cho mọi người thấy Thiên Chúa đã yêu thương họ như thế nào. Người đã chứng minh cho tình yêu của Thiên
Chúa bằng cách thiệt thân trên thập
giá, vì không có tình thương nào lớn lao hơn tình yêu của người sẵn sàng thí mạng
sống vì người mình yêu thương. Nói tóm lại,
điều thứ nhất các môn đệ hiểu được khi họ nhớ lại lời Kinh Thánh, đó là cái chết cứu độ của Chúa Giê-su.
Điều thứ hai các môn đệ Chúa nhớ lại, đó là những lời Chúa
Giê-su đã nói với người Do-thái: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”. Sau khi chết, ngày thứ ba Chúa Giê-su đã sống
lại. Sự phục sinh của Chúa đã giúp họ hiểu
Đền Thờ Chúa Giê-su muốn nói ở đây có nghĩa là chính thân thể Người. Đã mấy lần khi còn sinh thời Chúa Giê-su làm
cho kẻ chết trỗi dậy. Lần sau cùng là
Người cho anh La-da-rô được sống lại sau khi anh đã được an táng trong mộ bốn
ngày rồi. Tất cả đều là những phép lạ lớn
lao. Tuy nhiên, “tôi sẽ xây dựng lại”, hoặc tự mình trỗi dậy từ kẻ chết, thì quả thực
là một dấu lạ lớn lao nhất trên các dấu lạ.
Dấu lạ ấy sẽ nói cho chúng ta biết Đấng tự mình sống lại phải là vị
Thiên Chúa Toàn Năng, điều mà Chúa Giê-su muốn trả lời cho những người Do-thái
muốn thấy dấu lạ chứng tỏ Người là ai. Vậy
khi nhớ lại lời Chúa Giê-su nói về việc xây dựng lại Đền Thờ trong ba ngày, các
môn đệ hiểu và tin Người đã sống lại
từ kẻ chết.
Như thế, sứ điệp bài Tin Mừng hôm nay muốn nói về sự chết
và phục sinh của Chúa Ki-tô. Phụng vụ Lời
Chúa đang chuẩn bị tâm hồn chúng ta để tưởng niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh
trong những ngày sắp tới. Các môn đệ
Chúa đã “nhớ lại” lời Kinh Thánh và lời Chúa Giê-su là để tin vào Người. Cũng vậy, khi cử hành những ngày Tuần Thánh,
chúng ta “nhớ lại” sự chết và sống lại của Chúa Giê-su là chúng ta tin Người là Đấng nào, chứ không chỉ là
hành vi đơn thuần của ký ức.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Thánh Gio-an ghi lại ở cuối bài Tin Mừng: “Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp
lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh
Người bởi đã chứng kiến các dấu là Người làm.
Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ”.
Vậy tôi phải làm sao để Chúa Giê-su tin là tôi thực sự tin vào Người? Chúng ta đừng bắt chước những người ở
Giê-ru-sa-lem tin vì đã chứng kiến phép lạ Chúa làm. Đó chưa phải là đức tin đích thực, nhưng là đức
tin dựa vào đầu óc. Chúa Giê-su muốn
chúng ta có một đức tin ở trong trái tim, vì “Người biết chúng ta hết thảy…
Chính Người biết có gì trong lòng con
người”. Vậy thì tận đáy lòng, chúng ta
có thể thưa với Người mỗi khi tham dự Thánh lễ:
“Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống
lại, cho tới khi Chúa đến”.
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi