mỘt tình yêu
không thỂ tin đưỢc
(Gioan 3,14-21 – CN IV MC - B)
1.- Ngữ cảnh và Bố
cục
Sách các Dấu lạ của TM IV (2,1–12,50) nói về các dấu lạ lồng
vào một cái khung thời gian nhằm giới thiệu chân tính của Đức Giêsu, là Đấng
Kitô, Con Thiên Chúa. Cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu với Nicôđêmô (3,1-21) nằm trong
phần đầu (2,1–4,54), phần này có bố cục như sau:
A (2,1-11.12) : Khởi đầu các dấu lạ tại Cana miền Galilê: biến nước thành
rượu (c. 12 là câu chuyển tiếp [nói về thời gian và không gian]sang đoạn sau).
B (2,13-22.23-25 +) : Thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem và đối thoại với người Do-thái
về Đền Thờ mới (cc. 23-25 là những câu “làm cầu” nối 2,13-22 với 3,1-21).
C (2,23-25; 3,1-21) : Đối thoại với Nicôđêmô về việc sinh bởi trên cao và
diễn từ về việc có sự sống vĩnh cửu.
C’(3,22-36; 4,1-3 +) : Đối thoại của Gioan Tẩy Giả với các môn đệ ông về
chú rể đến từ trên cao và diễn từ về sự sống (Đoạn 3,22-24 là dẫn nhập chuyển
tiếp. Đoạn 4,1-3 là những câu “làm cầu” nối [vì kết] 3,22-36 với [vì chuẩn bị
cho] 4,4-42; đoạn này minh nhiên quy chiếu về 3,22-23 và hướng tới 4,43-45).
B’(4,1-3.4-42) : Đối thoại với người phụ nữ Samari về việc có nước hằng
sống và việc phụng tự đích thật.
A’(4,43-45.46-54) : Dấu lạ thứ hai tại Cana miền Galilê: chữa con trai một
quan chức nhà vua (cc. 43-45 là đoạn chuyển tiếp [nói về thời gian và không
gian] từ 4,4-42 sang 4,46-54).
Chúng ta thử xác định cấu trúc của
phân đoạn 3,1-21 (nhờ đó, có thể biết vị trí của cc. 14-21). Về hình thức bản
văn, chúng ta ghi nhận rằng Nicôđêmô có nói ba lần ở cc. 2, 4 và 9. Đáp lại ba
câu nói của ông, Đức Giêsu trả lời bằng công thức long trọng, “Thật, tôi bảo
thật ông” (cc. 3, 5 và 11; đi trước c. 11 là một nhận xét đối-thủ-luận [ad hominem]). Ba câu trả lời của Đức Giêsu cứ
mỗi lần mỗi dài hơn. Về phương diện tư tưởng, có những liên hệ đến Ba Ngôi: các
lời Đức Giêsu nói ở cc. 3-8 liên hệ đến vai trò của Thần Khí; những lời ở cc.
11-15 liên hệ đến Con Người; những lời ở cc. 16-21 liên hệ đến Thiên Chúa Cha.
Nếu tổng hợp hai phương diện hình thức và tư tưởng, chúng ta có thể xác định bố
cục của 3,1-21 như sau:
* Câu
3,1: Dẫn nhập cho toàn bài (nối 2,23-25 với ch. 3).
1.
Phân đoạn 1 (cc. 2-8): Sinh ra bởi trên cao nhờ bởi Thần Khí là điều cần
thiết để được đi vào trong Nước Thiên Chúa; sinh ra bởi tự nhiên thì không đủ.
(a) cc. 2-3: Câu hỏi và câu trả lời
đầu tiên: sự kiện sinh ra bởi trên cao.
(b) cc. 4-8: Câu hỏi và câu trả lời thứ hai: cách thức sinh ra – nhờ bởi
Thần Khí.
2. Phân đoạn 2
(cc. 9-21): Tất cả những điều này chỉ có thể có được khi Con đã lên cùng Cha,
và điều này chỉ được ban cho những ai tin vào Đức Giêsu.
- cc. 9-10: Câu hỏi và câu trả lời thứ
ba dẫn nhập vào toàn phân đoạn.
(a) cc. 11-15: Con phải lên cùng Cha
(để ban Thần Khí).
(b) cc. 16-21: Tin vào Đức Giêsu là điều cần thiết để được hưởng nhờ ân huệ
này.
Theo R.E. Brown, tác giả TM IV đã
để lại một vài dấu chỉ giúp khám phá ra lược đồ ngài theo để tổ chức bản
văn.
Phân đoạn 1 bắt đầu với lời khẳng định của Nicôđêmô: “Chúng tôi biết Thầy
là một vị tôn sư” (c. 2); câu này được đặt trong thế cân bằng với mở đầu
của Phân đoạn 2 với lời Đức Giêsu, “Ông là bậc thầy (tôn sư) trong dân
Israel, … chúng tôi nói những điều chúng tôi biết” (cc. 10-11).
Ngoài cách bố cục thành hai phân đoạn, dường như toàn bài được viết theo kỹ
thuật đóng khung (bằng các ý tưởng cùng một trường ngữ nghĩa):
(a) Bản văn bắt đầu với việc Nicôđêmô đến với Đức Giêsu ban đêm; bản văn
kết thúc với đề tài người ta phải bỏ
bóng tối để đến với ánh sáng.
(b) Nicôđêmô mở đầu cuộc đối thoại bằng cách chào Đức Giêsu là vị tôn sư từ
Thiên Chúa mà đến; phần cuối của bản văn cho thấy rằng Đức Giêsu là Con Một
Thiên Chúa (c. 16) mà Thiên Chúa đã sai đi vào trong thế gian (c. 17) như là
ánh sáng cho thế gian (c. 19).
(c) Nếu chúng ta coi 2,23-25 như là phần mở đưa vào “xen” Nicôđêmô, chúng
ta lại có một bản văn đóng khung khác: ở 2,23, chúng ta đã nghe nói đến những
người “đã tin vào danh Người”, nhưng niềm tin của họ không thỏa đáng vì họ
không đến để thấy Người là ai; ở 3,18, chúng ta thấy lời Đức Giêsu nhấn mạnh
rằng ơn cứu độ chỉ được ban cho những ai “tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”.
2.- Vài điểm chú
giải
- Như ông Môsê đã giương cao con rắn (14): Câu này nhắc đến Ds 21,9tt.
- ai tin vào Người thì được sống muôn đời (15):
Câu này tương ứng với Ds 21,8: “Ai nhìn lên con rắn
đó, sẽ được sống”.
- Thiên Chúa yêu thế gian (16): Động từ agapaô
ở thì quá khứ aorist (êgapêsen) nhắm
diễn tả hành vi yêu thương tuyệt đỉnh của Thiên Chúa. Có thể nói ở đây chúng ta
có một ví dụ tuyệt hảo về động từ agapaô được diễn tả ra thành
hành động, bởi vì c. 16 nói đến tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ ra trong cuộc
Nhập Thể và cái chết của Chúa Con.
- đã ban (16): Đông từ didomi không chỉ nhắm đến
cuộc Nhập thể (Thiên Chúa gửi Con vào trần gian; c. 17), nhưng nhắm đến cả cuộc
đóng đinh (trao nộp cho chết: “giương cao” trong cc. 14-15). Như thế, động từ
này tương tự với paradidomi, “trao nộp”, ở Rm 8,32; Gl 2,20; và didomi
ở Gl 1,4.
- Thiên Chúa sai Con (17): Động từ apostellô
này song song với “ban” (didomi) ở c. 16. Khi nói về Đấng Bảo Trợ, cũng
có cặp động từ này, “sai” và “ban” ở 14,16.26. Gioan dùng hai động từ có nghĩa
là “sai phái” có vẻ không phân biệt: pempô (26 lần) và apostelô
(18 lần).
- Con (17): Từ “Con” ở dạng tuyệt đối (không có túc
từ đi theo) trong Ga thì hầu như song
song với cụm từ “Con Người” theo truyền
thống Nhất Lãm.
- không phải để lên án thế gian (17): Câu này xác
định mục tiêu của sứ mạng Chúa Con đảm nhận khi được gửi vào trần gian: không
phải để lên án, nhưng để cứu độ (x. Ga
4,42; 1 Ga 4,14). Thế nhưng ở 9,39, Đức
Giêsu lại khẳng định: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử”. Điều duy nhất Thiên
Chúa muốn, đó là cứu độ thế gian; nhưng biến cố Con của Ngài đến cũng nhất
thiết đưa loài người đến chỗ phải lấy quyết định; quyết định trọng yếu nhất của
đời người, là gắn bó với Con Một Thiên Chúa (c. 18) bằng đức tin, hoặc ngược
lại, từ chối tin vào Người.
- được cứu độ (17): So sánh với c. 16, ta hiểu “được
cứu độ” ở đây có nghĩa là “được sống muôn đời” (x. 1 Ga 4,14; Ga 12,47).
- vì đã không tin (18): Mê
pepisteuken ở thì hoàn thành (perfect) có nghĩa là “đã và vẫn không
tin”, một thái độ cứng lòng tin kéo dài.
- tin vào danh (18): “Danh” chính là bản thân Đức
Giêsu.
- làm điều ác (20): Kiểu dùng động từ
“làm” với “điều tốt”, “sự thật”, hoặc “điều xấu” (xem cc. 20.21) là một kiểu
nói Sê-mít.
3.- Ý nghĩa của bản
văn
* Con phải lên cùng Cha
(11-15)
Qua những lời đối thoại giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô, ta biết rằng để được tham
dự vào Nước Thiên Chúa, phải có một khởi đầu hoàn toàn mới, do Thiên
Chúa ban trong bí tích Rửa Tội, nhờ quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa. Ở trong
khởi đầu mới này, chúng ta không được thụ động, trái lại phải tin vào Con Thiên
Chúa (x. 1 Ga 5,1). Thế nhưng đức tin
chẳng phải là chuyện của con người. Đức Giêsu cho thấy rằng đức tin phải dựa
trên bằng chứng tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khi sai phái Con của
Ngài đến. Cuộc tái sinh bởi Thiên Chúa và lòng tin vào Con Thiên Chúa đưa chúng
ta đạt tới ý nghĩa và sự viên mãn của cuộc sống chúng ta, đưa đến sự sống đích
thực không qua đi. Không có hai điều này, chúng ta sẽ sai lầm về ý nghĩa của
chính bản thân chúng ta.
Làm thế nào để tránh khỏi cái chết thảm thương và bảo đảm cho cuộc sống
chúng ta? Israel đã đứng trước những câu hỏi này khi mà trên đường băng qua sa
mạc, họ bị rắn độc đe dọa (x. Ds
21,4-9). Thiên Chúa đã ra tay cứu trợ Dân Ngài. Ngài đã bảo Môsê đúc một con
rắn đồng và treo vào cán cờ; ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng ấy thì được
sống. Thiên Chúa vẫn trợ giúp chúng ta. Khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã
đặt định rằng Đấng Chịu Đóng Đinh là biểu tượng của ơn cứu độ, là nguồn mạch
đưa tới sự sống. Đàng sau Đấng Chịu Đóng Đinh là chính Thiên Chúa. Ngài đã ban
và sai Con của Ngài đến vì yêu thương toàn thể nhân loại, để họ được cứu độ.
Tình yêu của Thiên Chúa có một cường độ và một chiều kích to lớn đến
nỗi, nếu có thể, hẳn ta phải nói: Thiên Chúa yêu thương thế gian, yêu thương
chúng ta, hơn chính Con của Ngài. Ngài không bỏ mặc thế gian, mà lại còn ban
cho chúng ta món quà là Người Con vẫn sống trong một tương quan duy nhất
với Ngài.
* Tin vào Đức Giêsu là
điều cần thiết (16-21)
Thiên Chúa bày tỏ một sự ân cần lạ lùng đối với loài người chúng ta, Ngài
quan tâm giúp chúng ta thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn ở
trong tình trạng bấp bênh: Thiên Chúa không cung cấp ơn cứu độ không cần chúng
ta, hoặc là ngược lại với ý muốn của chúng ta. Chúng ta phải mở ra với sự ân
cần của Thiên Chúa, phải trân trọng tình yêu lạ lùng ấy, phải tin vào Con Thiên
Chúa chịu đóng đinh. Chỉ khi chúng ta xác tín rằng Đấng chịu đóng đinh là Con
Một, Con yêu dấu của Thiên Chúa, thì quyền năng của tình yêu này của Thiên Chúa
mới có thể thực sự đến với chúng ta và chúng ta mới có thể hoàn toàn mở ra với
ánh sáng và sức nóng của Người. Đời sống chúng ta tùy thuộc đức tin của chúng
ta.
Điều cần thiết này có vẻ hiển nhiên. Tuy thế, có một hiện tượng lạ
lùng, đó là loài người lại ưa thích bóng tối hơn ánh sáng (c. 19). Có những lý
do để trốn tránh ánh sáng và tìm lá chắn là bóng tối; những lý do này nằm nơi
lối sống của con người. Ai làm điều ác thì tự nhiên tránh ánh sáng; ai làm điều
thiện thì mới dám ra trước ánh sáng, người ấy không có gì phải che giấu. Chúng
ta không thể coi nhẹ tầm quan trọng của hành động để bày tỏ đức tin. “Điều
thiện”, đó là những gì chúng ta làm theo ý Thiên Chúa (c. 21), bằng cách lắng
nghe Ngài, chân thành tìm cách thi hành ý muốn của Ngài. “Điều ác” là những gì
chúng ta làm không theo các tiêu chí đó, khi chúng ta không tìm Thiên Chúa,
nhưng ích kỷ tìm cách thực hiện các chương trình và ý muốn của riêng mình, thậm
chí ngược lại với ý Thiên Chúa. Ai chỉ tìm chính mình, thì khép lại với Thiên
Chúa và gặp nguy cơ là cũng cứ khép lại không nhận được mạc khải xán lạn về
tình yêu của Ngài. Không nghiêm túc quan tâm đến ý muốn của Thiên Chúa, làm sao
có thể tin vào tình yêu của Ngài? Chính tình yêu ấy lại càng đưa người ấy xa
rời khuynh hướng ích kỷ và làm cho người ấy càng cảm nhận rằng mình hoàn toàn
lệ thuộc Thiên Chúa! Ai luôn duy trì một dây liên kết với Thiên Chúa, thì mở ra
với ánh sáng của tình yêu Ngài.
+ Kết luận
Chỉ trong mấy câu Ga 3,14-21, tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với loài người được
khẳng định với sự tha thiết lạ lùng và điều kiện phải theo để được hưởng nhờ
tình yêu đó cũng được xác nhận hết sức rõ ràng. Đứng trước mạc khải vĩ đại và
trực tiếp này về Thiên Chúa, chúng ta không còn có thể tránh né mà nói rằng
Thiên Chúa chỉ là một sức mạnh mơ hồ và xa cách với chúng ta. Đức Giêsu,
Đấng Chịu Đóng Đinh, cũng không phải chỉ là một tư tưởng hay một lý
thuyết, một giả thuyết hoặc một chuyện hão huyền trên mây trên
gió, mà là một thực tại lịch sử đích thực. Do đó, tình yêu của Thiên
Chúa rất thực hữu!
4.- Gợi ý suy niệm
1.
Nói đến tình yêu là nói đến sự quan tâm, sự thông dự, sự ân cần, chăm sóc, nỗ
lực, vận dụng mọi sự. Tình yêu muốn điều hay điều tốt cho người mình thương.
Người ấy không dửng dưng với con đường và định mệnh của người yêu, nhưng ra sức
làm cho người kia được sống trong niềm vui và sự viên mãn. Đối với Thiên Chúa
thì sao? Phải chăng Ngài đã tạo thành thế giới rồi bỏ mặc nó? Ngài có quan tâm
đến chúng ta và đến định mệnh chúng ta không, Ngài có để ý xem chúng ta thế nào
và chúng ta đi đến đâu không? Thiên Chúa đã tạo thành chúng ta, đã quan tâm đến
số phận của chúng ta, đã ban Người Con Một để chúng ta được sống viên mãn ngay
từ bây giờ. Chúng ta có giá đối với Thiên Chúa đến mức Ngài sẵn sàng hy sinh
Con vì chúng ta (x. Rm 8,32).
2.
Sau cuộc tạo dựng, sau Lề Luật, các Ngôn sứ và tất cả những hình thái ân cần
săn sóc khác, Chúa Con là tiếng nói cuối cùng và ân huệ có giá trị tối cao được
Thiên Chúa ban cho chúng ta. Người Con sẽ quan tâm đến chúng ta riêng tư từng
người, sẽ chỉ cho từng người biết con đường đưa tới ơn cứu độ, sẽ đưa ta đến
chỗ hiệp thông với Người và đi đến cuộc sống muôn đời. Đức Giêsu, Đấng Chịu
Đóng Đinh, không phải là một tư tưởng hay là một lý thuyết, một
giả thuyết hay một chuyện tưởng tượng, nhưng là một thực tại lịch
sử đích thực. Từ đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng tình yêu của Thiên Chúa
cũng hết sức hiện thực.
3.
Thiên Chúa, “một” (độc thần) mà cũng là “ba” (ngôi), là một mầu nhiệm
rất lớn lao, mà chúng ta chẳng bao giờ ngờ tới, nếu chính Thiên Chúa không mạc
khải cho chúng ta nhờ trung gian Đức Kitô. Chúng ta phải tuyên xưng các dữ kiện
của mầu nhiệm này, và tiếp cận bằng những bước rất giới hạn và phiến diện, đồng
thời tin tưởng tuyệt đối vào giáo huấn của Đức Giêsu Kitô.
4.
Bản văn không nói trực tiếp đến Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta đã được mạc
khải rằng Thiên Chúa và Đức Giêsu cứu độ chúng ta bằng cách ban Thánh Thần cho
chúng ta (Ga 7,37-39; x. Gl 4,4-7). Dù sao mẩu đối thoại với
Nicôđêmô cũng đã cho thấy những cái mốc: não trạng thiêng liêng do Thánh Thần
ban cho. Thánh Thần đối nghịch lại với xác thịt (Ga 3,6), với những cái nhìn trần tục (3,12). Thiên Chúa Cha gửi Con
Một của Ngài đến với chúng ta, để Người Con cứu chúng ta bằng cách thông ban
Thần Khí. Và chính Thần Khí giúp ta đi lên với Chúa Cha nhờ trung gian Đức Kitô
(x. Gl 4,4-7; Rm 8,15-17).
Lm PX Vũ Phan Long, ofm