CHÚA NHẬT V MÙA CHAY
Suy nghĩ về cái chết
của Chúa Giê-su
Lắng nghe
sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an 12:20-33)
Trong bối cảnh có ít người lên Giê-ru-sa-lem muốn gặp gỡ
Chúa Giê-su, Tin Mừng Gio-an muốn trình bày hình ảnh đặc biệt Chúa Giê-su dùng
để nói về mình: hạt lúa gieo vào lòng
đất chết đi và sinh nhiều hạt khác. Vậy
khi nào là thời gian hạt lúa phải chết đi?
Thánh Gio-an ghi lại thời gian là “vào dịp lễ Vượt Qua năm
ấy”. Đó cũng là thời gian Chúa Giê-su
xác nhận: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”.
Có lẽ chúng ta thắc mắc tại sao Chúa Giê-su gọi giờ chết của Người là
giờ được tôn vinh. Đó là giờ tôn vinh
Con Một Thiên Chúa vì Người chu toàn sứ mệnh Chúa Cha trao phó. Người được sai đến trần gian làm hạt lúa,
không phải để sống chết cho riêng mình, nhưng tất cả cuộc sống của Người là để
phục vụ Thiên Chúa và nhân loại và cái chết của Người là để hoàn tất hoài bão
của một Thiên Chúa yêu thương trần gian (Gio-an 3:16). “Nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt
khác”. Như cái chết của hạt lúa là
nguyên lý để nó sẽ mọc lên thành cây lúa và sinh ra những hạt lúa khác, cũng
thế, cái chết của Chúa Giê-su là cần thiết để phục hồi cho nhân loại sự sống
thiêng liêng đã bị tội lỗi cướp đi và cho họ được sống muôn đời. Cái chết của Chúa Giê-su không vô ích và vô
nghĩa, trái lại là điều kiện không thể thiếu để toàn thể nhân loại có khả năng
đạt được sự sống vĩnh cửu. Cũng như cái
chết của hạt lúa là ngưỡng cửa để hạt lúa biến đổi thành cây lúa sinh bông hạt,
cái chết của Chúa Giê-su là thời điểm Người chiến thắng quyền lực thần chết và
tội lỗi bằng sự Phục Sinh của Người và đem lại cho nhân loại sự sống mới trong
Thánh Thần.
Tuy là một cái chết cao đẹp và tràn đầy lý tưởng như thế,
nhưng Chúa Giê-su vẫn cảm thấy “tâm hồn xao xuyến”. Trong lúc hãi sợ, Người mở miệng kêu cứu Chúa
Cha, nhưng vẫn quyết tâm sẵn sàng chịu chết “để tôn vinh Danh Cha”. Sợ chết là lẽ đương nhiên, nhưng đằng sau hãi
sợ ấy, chúng ta phải làm thế nào? Chúa
Giê-su là câu trả lời. Người hiểu rõ ý
nghĩa và mục đích cái chết của mình: cứu
độ nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa. Khi
thi hành sứ vụ, Chúa Giê-su đã thực hiện lý tưởng “Ai yêu quý mạng sống mình ở
đời này, thì sẽ mất; còn ai coi thường
mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”. Người không “yêu quý mạng sống mình” đến độ
chỉ biết vinh thân phì gia và tìm kiếm một cuộc sống tiện nghi thoải mái. Nhưng Người đã “coi thường mạng sống mình”
bằng cách sống cho tha nhân và nhất là sẵn sàng thí mạng trên thập giá “vì bạn
hữu”. Sống đời phục vụ Thiên Chúa và tha
nhân cho đến chết, Chúa Giê-su mới đủ tư cách để kêu gọi chúng ta phục vụ
Người, nghĩa là cũng phải sẵn sàng hiến thân để theo Người. Nói khác đi, Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta hãy
bước theo Người, sống và chết giống như Người vậy.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Để trả lời cho những người lên Giê-ru-sa-lem dịp lễ Vượt
Qua muốn gặp Người, Chúa Giê-su đã nói về cái chết của Người là Đấng Cứu
Độ. Chúng ta thực sự “muốn được gặp ông
Giê-su”, nhưng nhiều khi chúng ta lại không muốn gặp một Chúa Giê-su chết đi
như hạt lúa, mà chỉ muốn gặp một Chúa Giê-su đầy hào quang rực rỡ! Nói khác đi, chúng ta không muốn sống như
Chúa và chết như Chúa. Chúng ta muốn làm
“hạt lúa trơ trọi một mình”, sống ích kỷ cho riêng mình chứ không muốn chết đi
để sinh ra những hạt khác. Chúng ta yêu
quý mạng sống mình ở đời này và không màng chi tới đời sau cũng như tương lai
vĩnh cửu. Chúng ta thu tích kho tàng cho
cuộc sống tạm bợ với nhà lầu xe hơi và dung dưỡng thân xác mà không tích lũy
việc lành phúc đức cho cuộc sống đời đời.
Ước vọng của Chúa Giê-su là: “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất,
tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Liệu
trong số những người được Chúa Giê-su kéo lên với Người, có chúng ta trong đó
không? Nếu không, thì những gì đã ràng
buộc tôi với thế gian này? Và tôi sẽ làm
gì để nâng tâm hồn lên với Chúa và sẵn sàng phục vụ anh chị em theo gương Chúa
Giê-su?
Lm Đa-minh Trần đình Nhi