Chúa Nhật 5 Mùa Chay Năm B
Giờ Của Chúa Giêsu
(Yêrêmia 31,31-34; Hipri 5,7-9; Yoan 12,20-33)
Phúc Âm: Ga 12, 20-33
"Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì
nó sinh nhiều bông hạt".
Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy
người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông
rằng: "Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu". Philip-phê đi nói
với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: "Ðã
đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu
hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng
nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và
ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai
phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai
phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói
gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong
giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha". Lúc đó có tiếng từ trời
phán: "Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa". Ðám
đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: "Một
thiên thần nói với Ngài". Chúa Giêsu đáp: "Tiếng đó phán ra không phải
vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là
lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ
kéo mọi người lên cùng Ta". Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.
Suy Niệm:
Chúa Nhật 5 Mùa Chay Năm B
Yêrêmia 31,31-34; Hipri 5,7-9; Yoan 12,20-33
Suy niệm: Giờ Của Chúa Giêsu
Con đường sám hối và giao hòa mà Phụng vụ thứ
Tư lễ Tro năm nay vạch ra, đã gợi cho chúng ta cùng sống lại những giai đoạn
của giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người: nào là giao ước với Noe, diễn tả ý
định Thiên Chúa hứa bảo tồn sinh mạng cho loài người; giao ước với Abraham mở
ra một chân trời mới cho tình bạn và ơn cứu độ; giao ước Sinai quy tụ đám người
hỗn tạp vừa thoát cảnh nô lệ Aicập thành một dân riêng; trong cuộc lưu đày tại
Babylon, tuy không thấy Thiên Chúa tái lập giao ước, nhưng vẫn ngầm chứa một
sức mạnh đặc biệt thanh luyện niềm tin của toàn dân hướng về ngày giải thoát.
Có thể nói, quá trình lịch sử Dân Thiên Chúa
như quy hướng về giây phút cứu độ, giây phút mà giao ước giữa Thiên Chúa với
loài người đạt tới cao điểm của nó, giây phút mà thánh sử Yoan gọi là "Giờ
của Chúa Yêsu". Từ ngữ "Giờ của Chúa Yêsu" trong Phúc Âm thứ 4
quá khó hiểu và đượm nhiều sắc thái bí ẩn!
Trong ba bài đọc Thánh Kinh của Phụng vụ Chúa
nhật hôm nay, Giáo hội như mời gọi ta suy niệm lại giờ cứu độ đó, để có thể
chuẩn bị tâm hồn đón nhận giao ước mới, giao ước muôn đời mà Thiên Chúa đã ký
kết với loài người qua cái chết của Ðức Yêsu.
1. Giờ Của Chúa Yêsu Trong Chương Trình Cứu Ðộ
Lịch sử cứu độ đã vẽ lại cho chúng ta chương
trình của Thiên Chúa ngay từ lúc nguyên tổ thất trung. Lời Người hứa với
Abraham được lưu truyền và có sức mạnh quy hướng toàn dân ngóng trông giờ cứu
độ.
Giờ đó được thực hiện bởi một người mang tên Yêsu
mà đức tin Kitô giáo tuyên xưng là Ðấng Cứu thế. Nhìn lại cuộc đời của Ðức
Yêsu, chúng ta sẽ bỡ ngỡ và ngạc nhiên khi thấy nhiều lần trong thời gian hoạt
động công khai Người đã tuyên bố: "Giờ tôi chưa đến" (Yn 2,4; 7,30;
8,20). Qua cách trình bày của các thánh sử, đặc biệt của tác giả Phúc Âm thứ
Tư, chúng ta khám phá ra phần nào bí ẩn của giờ Ðức Yêsu . Giờ của Người không
phải là những lúc thành công trong bước đường rao giảng Tin Mừng, không phải hệ
tại những phép lạ thực hiện, cũng không phải những lúc dân chúng ngưỡng mộ,
định tôn phong Người làm vua..., nhưng là giờ thực thi giao ước mới, giờ chu
toàn sứ mạng cứu chuộc nhân trần.
Bởi thế, câu nói: "Giờ tôi chưa đến"
hoặc "chưa đến giờ của Người" không những đã làm cho thân thế và hoạt
động của Ðức Yêsu thêm bí ẩn khó hiểu mà còn gây nên những tò mò, thắc mắc: giờ
đó là gì? Khi nào sẽ đến? Giờ đó liên quan thế nào với đời sống con người?
Trong sách Tin Mừng thánh Yoan đã ghi rõ cho
chúng ta biết khung cảnh và khoảng thời gian khi Ðức Yêsu tuyên bố giờ của
Người đã đến. Câu nói xảy ra vào tuần lễ cuối cùng trong cuộc đời dương thế của
Người, sau khi khải hoàn tiến vào Yêrusalem, giữa những tiếng hoan hô, kính
phục của đám dân Dothái vào dịp lễ Vượt qua năm 30. Lẽ ra, Người phải xem đây
là khung cảnh thuận lợi để tuyên bố giờ của Người đã đến, do đó giải tỏa được
bao thắc mắc, tò mò của những kẻ chung quanh! Nhưng không, thánh Yoan đã ghi
lại bối cảnh Ðức Yêsu vào thành Yêrusalem bằng một giọng văn mỉa mai, diễn tả
tâm trạng chua xót của Người trước những tiếng hoan hô, những khuôn mặt hớn hở
của đám dân hiếu thắng, không chút hiểu biết về sứ mạng của Người.
Thế nhưng, khi có vài người lương dân Hylạp,
ngỏ ý muốn "nhìn thấy Ðức Yêsu" (Yn 12,21), thì thay vì trả lời trực
tiếp hoặc có thái độ đón nhận. Người đã công nhiên tuyên bố: "Ðã đến giờ
Con Người được tôn vinh!". Những người Hylạp này không phải là công dân
Dothái sống ở hải ngoại (diaspora) (Yn 7,35) nhưng họ quả thật là lương dân,
thuộc hạng người mà Thánh Kinh gọi là "Những kẻ biết kính sợ Thiên
Chúa" (Cv 10,2.22.35; 13,16.26). Họ không đến Yêrusalem như người ngoạn
cảnh, nhưng lên đền thờ để hành hương vào dịp đại lễ Vượt qua.
Phân tích nguyện vọng của họ trong câu nói:
"Chúng tôi muốn nhìn thấy Ðức Yêsu", hầu như chúng ta bắt gặp được chủ
ý thần học của thánh sử Yoan. Nếu họ chỉ muốn nhìn thấy Ðức Yêsu như một nhân
vật nào khác, có lẽ họ đã không cần tới Philipphê làm trung gian. Nhưng đặt câu
nói vào văn mạch của Yoan, "muốn nhìn thấy" Ðức Yêsu có nghĩa là muốn
nói chuyện với Người, muốn trao đổi với Người, muốn có tương quan với Người,
muốn biết Người. Vả lại, trong ngôn ngữ thần học của Yoan, ta thường gặp thánh
nhân đôi khi sử dụng động từ "nhìn thấy" để diễn tả một thực trạng
nội tâm sâu xa hơn, đó là "tin" vào Ðức Yêsu. Như vậy, ta có thể thay
thế câu: "Chúng tôi muốn nhìn thấy Ðức Yêsu" bằng câu: "Chúng
tôi muốn đặt niềm tin vào Người" (Cf Yn 1,14.18.51; 3,11.32; 8,56; 14,9.19).
Vì theo Yoan, mẫu người tín hữu đích thực, chính là người môn đệ yêu quý của
Ðức Yêsu, khi bước vào mồ Chúa trong ngày Phục sinh: ông "đã thấy và đã
tin" (Yn 20,8).
Những người Hylạp muốn gặp Ðức Yêsu, nhưng phải
qua trung gian. Phải chăng điều đó ngụ ý rằng: lương dân sau này cũng phải đón
nhận Tin Mừng cứu độ qua trung gian lời rao giảng của các tông đồ: họ như đã
nhìn thấy Ðức Yêsu qua sứ điệp Tin Mừng... Nhưng giữa việc lương dân muốn nhìn
thấy Ðức Yêsu và các việc tông đồ rao giảng Tin Mừng cứu độ còn có một biến cố
quan trọng nữa: đó là cuộc Thương khó và Phục sinh của Ðức Yêsu, đó là lúc
Người thể hiện giờ của mình theo lệnh Chúa Cha: "Giờ đã đến để Con Người
được tôn vinh" (Yn 12,32). Giờ Khổ nạn và Phục sinh đánh dấu cao điểm của
lịch sử cứu độ, giờ mà hồng phúc cứu độ không còn là di sản riêng của dân
Dothái, giờ mà mọi phân cách giữa dân Dothái và Hylạp, đại diện cho lương dân,
không còn nữa.
Thật vậy, Yoan đã loan báo cho chúng ta Tin
Mừng cứu độ: khi lương dân biểu lộ niềm tin vào Ðức Yêsu, thì đó chính là lúc
vinh quang của Người được phát hiện. Và từ lúc ấy, Người đã mạc khải cách cụ
thể con đường cứu độ qua dụ ngôn hạt lúc mì. Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không
thối nát và tan biến đi, thì sẽ không thể sinh hoa kết quả nuôi dưỡng con người
được. Ðó là giờ khai mở con đường thập giá và khổ nạn để Ðức Yêsu thực hiện sứ
mệnh cứu chuộc nhân trần (Yn 12,27; Cf Mc 14,41).
2. Giờ Của Chúa Yêsu Trong Cuộc Sống Nhân Loại
Theo thánh Yoan, giờ khổ nạn của Ðức Yêsu đã
bắt đầu khi dân ngoại tìm đến xem Người. Còn theo thánh Marcô thì giờ ấy đã bắt
đầu khi Người giáp mặt với kẻ "tội lỗi" trong vườn Giếtsêmani. Và từ
đây con đường thập giá của Người như mang trọn vẹn ý nghĩa: qua Ðức Yêsu thụ
nạn, ta thấy được niềm tủi hận, nỗi khổ đau và cảnh chết chóc của loài người:
tiếng kêu la, nước mắt của Ðức Kitô (Hr 5,7) nhưng vọng lại âm hưởng và báo
trước mọi trạng huống bi đát của nhân loại. Mọi người, không phân biệt Dothái
hay lương dân, đều được mời gọi chứng kiến và tham dự giờ của Người. Lời cầu
nguyện khẩn xin và thái độ vâng phục của Ðức Yêsu diễn tả thật đầy đủ vai trò
trung gian (Pontifex) và địa vị trưởng tử mọi loài thọ sinh (Primogenitus) của
Người. Nhờ thế cái chết và sự phục sinh của Người mang lại ý nghĩa cho cuộc
sống nhân loại.
Nhưng tại sao giờ của Ðức Yêsu lại là giờ của
Thập giá và Phục sinh.
3. Giờ Của Chúa Yêsu Ðể Thực Hiện Giao Ước Mới
Lịch sử cứu độ qua các mối tương quan giao ước
giữa Thiên Chúa và loài người như trả lời cho chúng ta câu hỏi ấy. Từ giao ước
với Adam (Kn 3,15), với Noe (Kn 9,1-17), với Abraham (Kn 17,1-17), với dân được
tuyển chọn ở Sinai (Xh 19,24), với Ðavít (2S 7), đến lời hứa giao ước mới mà
Thiên Chúa dùng tiên tri Yêrêmia loan báo (Yr 31,31-34): tất cả những lời giao
ước đó đều thấy thực hiện viên mãn trong giờ của Ðức Yêsu.
Lời loan báo: "Này đây sẽ đến những ngày
Ta ký giao ước của Ta..." trong Yêrêmia gặp được tiếng vọng đáp trả trong
câu: "Và bây giờ..." của Phúc Âm thứ tư (Yn 12,27-31). Nay là lúc lời
hứa ban giao ước mới cho con người được thực hiện. Quả vậy, nội dung của giao
ước mới hệ tại việc Thiên Chúa ghi luật pháp của Người trên trái tim và ban
Thánh Linh trong tâm hồn loài người, để họ có thể nhận biết Thiên Chúa (Ez
36,26-27). Từ đó, Giao ước mới quả đã thực hiện lời Thiên Chúa hứa với nguyên
tổ (Kn 3,15), đem lại chiến thắng cho con người, và tái lập tương quan mật
thiết giữa Thiên Chúa với họ.
Bởi thế, khi dân ngoại ngỏ ý với các môn đệ, là
đại diện dân Dothái, được nhìn xem, hiểu biết Ðức Yêsu, thì ta có thể nói đó là
toàn thể nhân loại như đang quy hướng và tiến về giờ của Ðức Yêsu, để biến lịch
sử thế giới thành lịch sử cứu độ. Như vậy, cuộc hành trình của nhân loại, dầu
lắm khi mang đầy thương tích khổ đau, thất bại, tuyệt vọng, cũng sẽ tìm được ý
nghĩa tròn đầy trong giờ của Ðức Yêsu, giờ cứu độ bằng con đường Khổ giá và
Phục sinh.
Giảng Lễ
Các tuần lễ mùa Chay - có thể nói - đến hôm nay
là hết. Chúa nhật sau đã là Lễ Lá và đi vào Tuần Khổ nạn, Thương khó rồi. Các
bài đọc Kinh Thánh hôm nay vì thế không còn nói đến việc chuẩn bị đi vào Mầu
nhiệm Cứu độ nữa. Giờ của Ðức Kitô đã đến, như lời Phúc Âm nói. Và như trong
câu đầu của bài đọc I, nay đã đến ngày Thiên Chúa ký kết một giao ước mới với
Dân Người. Chúng ta hết thảy được mời gọi chứng kiến và tham dự chính mầu nhiệm
cứu thế sắp diễn ra trong phụng vụ. Thế nên, không còn phải là lúc nhìn vào
mình hay nhìn đi đâu, nhưng là nhìn vào chính Thiên Chúa, chính Ðức Kitô đang
sắp sửa thực hiện cho Dân Chúa kế hoạch cứu vớt ngàn đời. Bổn phận của chúng
ta, trong ngày hôm nay và trong suốt tuần này, là phải chăm chú hướng lòng,
hướng mắt về Chúa để chiêm ngưỡng và đón nhận mọi hành vi mà Ngài sắp làm cho
ta. Các bài Kinh Thánh hôm nay có sức giúp ta làm công việc ấy, vì tất cả đều
nói đến giờ của Chúa và của Ðức Kitô.
Trước hết, bài đọc thứ nhất cho ta thấy đã đến
ngày Thiên Chúa muốn ký kết với Dân Người một giao ước mới, khác hẳn mọi giao
ước trước đây. Chúng ta nhớ trong các Chúa nhật trước, phụng vụ đã lần lượt
nhắc đến các giao ước thời Noe, thời Abraham, thời Môsê, thời lưu đày. Càng đi,
các bản giao ước ấy càng trở nên phong phú, sâu xa và thiêng liêng, hoàn hảo
hơn. Nhưng chưa bao giờ ta nghe nói đến một giao ước tốt lành như hôm nay. Hình
ảnh về giao ước Noe là một chiếc cầu vồng ở trên trời, vừa xa chúng ta, vừa dễ
tan biến.
Với Abraham dấu hiệu của giao ước là lễ nghi
cắt bì; nhưng thật sự chỉ hạn chế trong dòng dõi Dothái về phương diện máu
thịt. Sang đến thời Môsê, đó là luật pháp và máu chiên bò rảy xuống trên dân.
Giao ước vẫn còn hình thức xã hội và bề ngoài. Song đến thời lưu đày, thật ra
không có giao ước mới nào: nhưng việc Chúa đưa dân lưu lạc trở về cũng là dấu
chỉ Ngài giữ lời giao ước. Nhất là trong lúc lưu đày, Chúa hướng lòng dân chờ
đợi một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu, cũng như bài đọc thứ I hôm nay cho
chúng ta thấy. Khác với mọi giao ước trước đây, giao ước mới này sẽ được ghi
trong tâm khảm mỗi người, để mọi người thấy Chúa ở ngay trong tâm hồn mình,
khiến ai ai cũng tự mình có kinh nghiệm về Thiên Chúa, không cần phải hỏi thăm
hay học hỏi với ai về sự hiểu biết này nữa. Giao ước mới này - như vậy - vượt
xa mọi giao ước trước. Liên hệ giữa Chúa và chúng ta trở thành sâu xa, nội tại
ngay trong tâm hồn. Chúa sẽ xóa bỏ mọi tội lỗi cho dân Người, không còn nhớ
nữa. Người chỉ còn tỏ rõ bộ mặt thương yêu, hiều dịu với ta, để ta cảm thấy
thật sự tình Người mật thiết.
Nhưng lòng con người đã sẵn sàng để Chúa ghi
giao ước tốt đẹp đó vào chưa? Ðó là cả vấn đề. Kinh thánh thường phàn nàn: lòng
dân Dothái thật chai đá. Và lòng ai ai không ít nhiều như vậy? Thế mà giao ước
của Chúa chỉ có thể viết trên những trái tim bằng thịt, nồng nàn yêu mến Chúa,
chia sẻ những tâm tình của Chúa. Cho nên những người đạo đức hồi xưa luôn cầu
khẩn: Lạy Chúa xin tạo dựng cho con một trái tim trong sạch, như chúng ta vừa
đọc trong bài đáp ca. Thành ra, bao giờ Chúa cũng sẵn sàng ký kết giao ước tình
yêu, Ngài chỉ còn chờ thời gian thuận lợi về phía ta. Hôm nay, Ngài tuyên bố
ngày giờ đó đã đến rồi. Căn cứ vào đâu, nếu chẳng phải vào chính lời Ðức Kitô
tuyên bố trong bài Phúc Âm: Giờ Con Người đã đến?
Quả vậy, Ðức Yêsu là Con Người, là người Con
Một yêu quý của Thiên Chúa Cha. Ngài đã sinh ra làm người, trở thành Adong mới,
mang tất cả thân phận nhân loại ở nơi mình. Ngài gánh hết tội lỗi loài người.
Và giờ đây, Ngài sắp để tội lỗi bị đóng đinh vào thập giá, thế nên nhân loại
tội lỗi sắp được ơn tha thứ. Loài người sắp có khả năng đón nhận giao ước mới.
Trái tim Ðức Kitô sắp bị lưỡi đòng thâu qua, để chết cho tội lỗi. Trái tim máu
thịt sắp chết, trái tim chai đá tội lỗi của loài người sắp được thay thế bằng
trái tim đầy lửa Thánh Thần yêu mến. Nếu Thiên Chúa phải chờ khi loài người trở
lại, từ bỏ tội lỗi để ký kết giao ước mới nơi tâm khảm mọi người, thì giờ của
Thiên Chúa, giờ Thiên Chúa ký kết giao ước tình yêu phải chờ giờ của Ðức Kitô,
giờ Ngài cứu chuộc mọi người trong mầu nhiệm thánh giá. Thế mà trong Phúc Âm
hôm nay, Ðức Kitô tuyên bố: Giờ Ngài đã đến.
Chúng ta hãy vui mừng đón nhận tin này. Bao thế
hệ loài người chờ đợi ngày hôm nay. Chính Ðức Mẹ cũng đã phải chờ đợi. Hôm ở
tiệc cưới
Hôm nay, ngược lại, Người tuyên bố rõ: giờ
Người đã đến rồi. Người tuyên bố như thế, khi thấy dân ngoại ngỏ ý muốn gặp
Người. Làm sao Người có thể không đáp ứng được lòng khát vọng của muôn dân?
Không phải chỉ dân Dothái cần ơn cứu độ. Mọi dân tộc đang đặt hy vọng vào
Người, Người là Ðấng yêu thương nhân loại, làm sao có thể từ chối lời cầu xin
tha thiết của thế giới lầm than vì tội lỗi? Lời xin ấy trở thành như tiếng nói
của Chúa Cha, ngỏ ý chờ đợi ngày giờ để thi hành kế hoạch tình yêu, tha tội lỗi
cho loài người, đã ký kết giao ước mới cho họ.
Như thế ta mới dễ hiểu vì sao Ðức Kitô lại gọi
giờ của Người là giờ vinh quang. Người trở thành vinh hiển thật sự trong giờ
phút chấp nhận ra đi cứu thế. Và ta cũng dễ hiểu, vì sao sau khi Ðức Kitô tuyên
bố giờ Người đã đến, có tiếng Chúa Cha phán với Người, như để tỏ dấu thông cảm,
thỏa mãn...
Thế nên tâm tình thứ nhất của chúng ta hôm nay
sau khi đọc các bài Kinh Thánh này, là cảm mến lòng nhân ái bao la của Chúa Cha
và Chúa Con. Chính Chúa Cha đã dự liệu ngày giờ ban ơn tha thứ và ký kết giao
ước mới cho ta. Chính Chúa Con đã bằng lòng đi đến ngày giờ ấy để kế hoạch tình
yêu được thực hiện hầu ta nhận được tân ước vĩnh cửu trong Máu Thánh Người.
Ðồng thời chúng ta cũng biết qua Kinh Thánh: giao ước đòi ta đáp ứng mới có thể
trở thành phong phú. Nên Chúa Yêsu muốn kéo tất cả chúng ta lên với Ngài trên
thánh giá, để đóng đinh xác thịt tội lỗi ta vào đó, để trái tim chai đá của ta
bị đâm thâu hầu trái tim ta trở nên mềm mại cho ơn Thánh Thần yêu mến nhào nặn.
Như vậy, chúng ta cần chăm chú nhìn vào Chúa
Yêsu, như bài Thánh Thư hôm nay mô tả để ta bắt chước trong đời sống cụ thể.
Người khóc lóc, nhưng tin tưởng, xin Chúa Cha tha tội cho loài người. Người
cũng không làm gì khác hơn ở trong thánh lễ này, vì giờ đây mầu nhiệm thập giá
cũng được thực hiện lại để kéo lòng chúng ta lên với Chúa, chia sẻ tâm tình cứu
thế của Ngài. Nếu chúng ta thành thật kết hợp mật thiết với Ngài trong thánh lễ
này, thì chắc chắn trong cả tuần, chúng ta phải thao thức ghét tội và tha thiết
cầu xin cho dân tộc, thế giới được sạch tội, để đời sống của chúng ta thực sự
là đời sống trong Tân Ước vĩnh cửu, mà Ðức Kitô khai mạc khi giờ Người đã đến.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)