CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG
Người Ki-tô hữu thức
tỉnh
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô
13:33-37)
Chắc chắn đề tài của bài Tin Mừng hôm nay là “phải coi
chừng, phải tỉnh thức”, vì trong ví dụ các đầy tớ đợi ông chủ trở về, sứ điệp
“phải canh thức” được lập đi lập lại.
Tuy nhiên chìa khóa để hiểu lý do và ý nghĩa của việc canh thức nằm ngay
trong ví dụ Chúa Giê-su sử dụng. Người
nói: “Cũng
như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình,
chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức”. Vì thế, muốn hiểu sứ điệp của bài Tin Mừng,
chúng ta không thể bỏ qua ý nghĩa của ví dụ.
Trong ví dụ, “người trẩy đi phương xa” là ông chủ. Chúng ta dễ dàng hiểu ông chính là hình ảnh
Chúa Ki-tô. Thứ đến là “các đầy tớ” được
ông chủ “chỉ định cho mỗi người một việc”, tức là tất cả chúng ta với chức phận
và nhiệm vụ của mình. Sau khi sống lại,
Chúa Giê-su đã trẩy đi phương xa, về ngự bên hữu Thiên Chúa Cha và sẽ trở lại
trong ngày Quang lâm để xét xử muôn loài.
Trong thời gian chờ đợi Chúa Giê-su trở lại, chúng ta mỗi người một
việc, phải cố gắng chu toàn bổn phận của mình trong những ngày sống trên trần
gian. Mục đích của việc phải canh thức
là để chúng ta luôn sẵn sàng đón Chúa đến vào bất cứ lúc nào.
Chúng ta hãy suy nghĩ về việc làm của ông chủ trước khi đi
xa, ông đã “trao quyền cho các đầy tớ” và “chỉ định cho mỗi người một
việc”. Thực vậy, Chúa Giê-su đã “trao
quyền” cho mỗi người chúng ta. Quyền ấy
là chức phận của mỗi người, từ người giáo dân cho tới Giáo hoàng, từ một công
dân tầm thường cho tới tổng thống, cha mẹ, con cái, học sinh, thầy cô…, tất cả
đều có trách nhiệm, kèm theo trách nhiệm là những khả năng, ơn sủng, sự hướng
dẫn của Thánh Thần để chúng ta có thể sống đúng chức phận của mình trong việc
xây dựng gia đình, cộng đoàn, Giáo Hội và xã hội. Chúa không đòi chúng ta phải thực hiện những
gì vượt quá chức phận của chúng ta.
Nhưng Chúa Giê-su lại nhấn mạnh đến một thái độ cần thiết
khi chúng ta sống chức phận của mình, đó là phải canh thức. Chúa nêu lên hai lý do thực tế của việc canh
thức. 1) Vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến. Nghĩa là chúng ta không biết ngày tận thế sẽ
xảy ra khi nào. Hoặc áp dụng vào từng cá
nhân, chúng ta không biết lúc nào Chúa đến xét xử chúng ta vào giờ chết của
chúng ta. 2) Vì lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Nghĩa là có thể xảy ra trường hợp đang khi
chúng ta không chu toàn bổn phận thì giờ chết của chúng ta đã đến. Ngủ quên là khuynh hướng thường tình của con
người. Có thể xảy ra là chúng ta “đang
ngủ” trong thú vui, tham vọng, cuộc sống không đạo đức, thì phải có mặt trước
tòa Chúa phán xét.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Trước hết chúng ta lấy làm lạ và đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta chuẩn bị tâm hồn mừng Giáng
Sinh mà Phụng vụ Lời Chúa lại nhấn mạnh đến ngày tận thế, ngày Chúa Giê-su trở
lại phán xét mọi người? Ý nghĩa của việc
Chúa đến là để cứu độ chúng ta. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con
Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời
(Gio-an 3:16). Ý nghĩa của Giáng Sinh là
ý nghĩa cứu độ, chứ không phải ý nghĩa đơn thuần lịch sử. Vì thế, để nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa này,
qua Lời Chúa, Giáo Hội muốn chúng ta phải hướng về cuộc Quang lâm của Chúa
trong ngày tận thế để chuẩn bị đón tiếp Người.
Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô dạy
chúng ta cách để canh thức và sẵn sàng, đó là hãy làm cho mình được “phong phú về mọi phương diện, phong phú vì
được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người” (1:5). Lời Chúa làm cho chúng ta được “sống và sống
dồi dào”. Hiểu biết mầu nhiệm của Người
không chỉ là bằng trí óc, nhưng là sống bằng trái tim mối tương quan với Chúa,
để mối tương quan ấy giúp chúng ta mỗi ngày một hoàn thiện hơn, “nhờ thế không ai có thể trách cứ được chúng
ta trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô”. Vậy trong chức phận và hoàn cảnh sống của
chúng ta, chúng ta có quyết định gì trong mùa Vọng này để được phong phú nhờ
Lời Chúa và mầu nhiệm tình yêu của Người?
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi