Chúa Nhật I
Mùa Vọng B
Mc 13:33-37:“33Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em
không biết khi nào thời ấy đến.34Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại,
trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh
cho người giữ cửa phải canh thức.35Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không
biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.36
Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ.37
Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải
canh thức!”
Văn mạch của 13:33-37
là những loan báo ngày Thiên Chúa sẽ đến (13: 24-37). Ngày của Thiên Chúa chắc
chắn sẽ đến, nhưng không ai biết ngày giờ nào. Chỉ một mình Chúa Cha biết (13:32). Bởi đó, Chúa Giêsu nhắc lại
điều nầy (13:33) và kêu gọi các môn đệ cách trực tiếp là hãy tỉnh thức
(13:34-37). Canh thức đối nghĩa với ngủ. Canh thức để canh giữ nhà cho Thiên
Chúa. Và canh thức vì Chúa sẽ trở lại, nhưng không biết lúc nào.
Để nhấn mạnh điều nầy
là không ai biết ngày giờ nào Thiên Chúa sẽ đến, Marcô dùng chữ “hãy tỉnh
thức”, agrupneite, nghĩa là đặt trong tình trạng báo động trước một nguy
hiểm có thể xảy ra. Việc Thiên Chúa đến, hiểu theo một cách nào đó, “rất nguy
hiểm” cho số phận đời đời. Nếu không đặt trong tình trạng sẳn sàng, có thể chịu
chung số phận với những người tôi tớ không trung tín.
Có bốn lần lời kêu gọi
các đầy tớ hãy “canh thức”, grēgoreite, “thức ngủ và trong tình trạng
sẳn sàng” (câu 34.35.36 và 37). Lệnh hãy canh thức đầu tiên đưa ra khi chủ vừa
ra khỏi nhà (c.34), lần thứ hai giả thiết chủ đang đi xa và có thể về bất cứ
giờ nào (c.35), lần thứ ba giả thiết chủ đã về tới nhà (c.36), và lần cuối cùng
nói cho mọi người: tất cả hãy tỉnh thức (c.37). Vậy hãy canh thức luôn luôn,
nhất là trong thời gian của bóng tối.
Điều tai hoạ nhất là
khi chủ về mà “anh em đang ngủ” (c.36). Tại sao? Ngủ là ngược lại
với canh thức. Trong vườn Cây Dầu, tìm thấy cả hai tình trạng nầy: Chúa Giêsu
canh thức để cầu nguyện, ba môn đệ đang ngủ (14:37). Vì thế khi nguy hiểm đến,
Chúa Giêsu đã sẳn sàng chịu nộp theo ý Chúa Cha, còn các môn đệ thì trốn chạy
(14:41.50). Ngủ là nằm trong tình trạng không tự vệ. Kẻ thù có thể gieo vào
ruộng cỏ lùng (4:27) và bão tố có thể nổi lên khi để Chúa Giêsu ngủ trong
thuyền đời mình (4:38).
Vậy phải canh thức
luôn. Canh thức không phải là không đi ngủ. Các trinh nữ khôn ngoan vẫn đi ngủ
trong khi chờ đợi chàng rể đến (Mt 25:5). Canh thức và cầu nguyện đi với nhau
như Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu. Chính Người cũng phải canh thức và cầu
nguyện để khỏi rơi vào cám dỗ không làm theo ý Chúa Cha. Người đã thức và cầu
nguyện cho đến lúc ý Chúa Cha được thực hiện là để mình bị bắt, khởi đầu hành
trình khổ nạn và chấm dứt trên thánh giá. Thức để cầu nguyện và cầu nguyện để
có thể thức mà làm tròn bổn phận Thiên Chúa giao phó, và để khỏi rơi vào cám dỗ
nghĩ là chủ sẽ về muộn, nên sẽ ăn uống say sưa và không còn trung tín với chủ
nữa (Mt 24:48-49).
Ngày
của Thiên Chúa chắc chắn sẽ đến. Sự vắng mặt của Người chỉ là tạm thời. Người
đang đến, như người chủ ra đi và sẽ về,
như mùa hạ đang đến khi cây vả đâm chồi non (13:28). Bởi đó hãy canh thức mà đón
Người, không chỉ các môn đệ mà tất cả mọi người (13:37).
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến